Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
-------------

Số: 33/CT-UB

TP. Hồ Chí Minh, ngày 18 tháng 08 năm 1980

 

CHỈ THỊ

VỀ GIẢI TỎA LỀ ĐƯỜNG, BẢO ĐẢM TRẬT TỰ VỆ SINH XÂY DỰNG NẾP SỐNG MỚI Ở NHỮNG NƠI CÔNG CỘNG

Trong quá tình xây dựng xã hội mới, con người mới dưới sự lãnh đạo của Thành ủy, thành phố ta đã tiến hành nhiều đợt vận động giải tỏa lòng lề đường, bảo đảm trật tự vệ sinh, xây dựng nếp sống mới ở những nơi công cộng và từng lúc, từng đợt, nhiều nơi đã thu kết quả tốt.

Tuy nhiên, do bận nhiều công việc và chưa nhận rõ trách nhiệm, các cấp, các ngành chức năng chỉ đạo và chăm lo vấn đề này không được thường xuyên liên tục và kiên quyết, nhất là chưa phát động được phong trào quần chúng phát huy quyền làm chủ tập thể trực tiếp tham gia nên nhiều nơi, nhiều lúc đã xảy ra tình trạng mất trật tự, vệ sinh một cách nghiêm trọng, ảnh hưởng đến đời sống yên vui của nhân dân và dư luận xã hội bất bình.

Lòng đường nhiều nơi hư hỏng không được sửa chữa, dơ bẩn, xe cộ lưu thông bừa bãi không tuân thủ quy tắc trật tự an toàn giao thông nên đã gây nhiều tai nạn đáng tiếc. Nhiều lề đường bị chiếm dụng làm nơi buôn bán trái phép, để vật liệu, để xe hơi, xe đạp, trồng rau hoặc căng lều, v.v… đã gây cản trở đi lại, mất vệ sinh, mất mỹ quan của thành phố. Nhiều công viên, rạp hát, bến tàu, bến xe quá dơ bẩn. Các cây xanh bị chặt phá, băng ghế ngồi hư hỏng không sửa chữa kịp thời …

Để khắc phục những mặt tiêu cực trên, đưa trật tự vệ sinh công cộng vào nề nếp, Ủy ban Nhân dân thành phố chủ trương tiếp tục tiến hành thường xuyên và liên tục cuộc vận động giải tỏa lòng lề đường, bảo đảm trật tự vệ sinh, xây dựng nếp sống mởi ở những nơi công cộng. Trước mắt, từ nay đến cuối năm 1980, đạt được các yêu cầu và thực hiện các biện pháp sau đây:

I. YÊU CẦU CỦA CUỘC VẬN ĐỘNG

1. Xác định và làm cho mọi người nhận thức rõ lòng lề đường, công viên, bến xe tàu… là cơ sở vật chất công cộng, là sở hữu của toàn dân do Nhà nước trực tiếp quản lý, không người nào hoặc tập thể nào được chiếm dụng, sử dụng trái phép. Mọi công dân đều có nghĩa vụ bảo vệ các cơ sở công cộng đó thông qua việc thi hành nghiêm chỉnh và vận động giám sát người khác thi hành nghiêm chỉnh các quy định của Nhà nước.

Lòng đường dành cho xe cộ lưu thông – Lề đường dành cho người đi bộ, và cũng làn nơi nghỉ chân, dạo chơi. Công viên là nơi vui chơi, giải trí của mọi người.

2. Tiến hành việc kiểm tra, giải tỏa lòng lề đường, công viên… và tổ chức tốt việc quản lý trên cơ sở giao trách nhiệm cho địa phương và phát huy quyền làm chủ tập thể của nhân dân – Lòng lề đường, công viên nằm ở quận, phường nào do Ủy ban Nhân dân quận, phường đó chịu trách nhiệm.

Do hoàn cảnh của thành phố còn đang trong quá trình cải tạo và để đảm bảo đời sống cho những người buôn bán nhỏ, sữa chữa vặt… Ủy ban Nhân dân thành phố cho phép Ủy ban Nhân dân các quận được tạm thời dành một số lề đường sắp xếp cho một số người buôn bán nhỏ, sửa chữa dịch vụ, giữa xe… (không kể hàng rong) có đăng ký và chấp hành tốt chính sách thuế, trật tư vệ sinh của Nhà nước với điều kiện:

– Lề đường rộng và còn chừa được lối đi sau khi sắp xếp.

– Tránh cổng ra vào cơ quan, nhà tư nhân, cách ngã 3, 4 giao lộ tự 5m trở lên, cách xa rạp hát trên 20m.

– Không được buôn bán xung quanh công viên (trừ hàng rong và hàng giải khát có đăng ký và được sắp xếp) và trên lề đường các đường lớn thuộc trung tâm thành phố như: Đồng Khởi, Lê Lợi, Nguyễn Huệ, Hàm Nghi, Bạch Đằng.

Trừ các đường nhỏ Ủy ban Nhân dân thành phố đã có quyết định cấm lưu thông để dành cho trẻ em vui chơi và các đường dành cho khu vực buôn bán chợ trời theo quyết định tạm thời của Ủy ban Nhân dân quận sau khi trao đổi nhất trí với Sở Công an thành phố, còn lòng đường nói chung phải giải tỏa đảm bảo cho xe cộ lưu thông trật tự, an toàn.

3. Tổ chức tu sửa lòng đường, chỉnh trang lề đường, công viên, rạp hát… tăng cường thêm hệ thống vệ sinh công cộng, xây dựng nội quy, đảm bảo trật tự về sinh chung. Cùng với việc xây dựng nếp sống mới trên đường phố, công viên, tiếp tục thu hồi các loại văn hóa phẩm phản động đồi trụy, dẹp các quán giải khát đèn mờ, chơi nhạc sống, nhạc vàng; ngăn chặn nạn cờ bạc; cải tạo cô đồng thầy bói, chủ chứa, v.v… xây dựng nếp sống mới lành mạnh, văn minh. Thường xuyên kiểm tra, kiểm soát và xử lý kịp thời các vụ vi phạm.

II. TỔ CHỨC THỰC HIỆN VÀ PHÂN CÔNG TRÁCH NHIỆM

a) Tổ chức đợt sinh hoạt rộng rãi trong nhân dân (lấy tổ dân phố làm đơn vị) và trong cơ quan đơn vị Nhà nước về quy tắc trật tự an toàn giao thông, điều lệ phạt vi cảnh và các quy tắc trật tự vệ sinh, nếp sống mới. Ủy ban Nhân dân các quận, huyện và Thủ trưởng các đơn vị có trách nhiệm chỉ đạo đợt sinh hoạt năm nay.

Cùng với đợt sinh hoạt học tập trong nhân dân, các cơ quan báo chí, đài phát thanh, đài truyền hình cần có những bài, tin về vấn đề này, gây thành dư luận xã hội bảo vệ nếp sống trật tự vệ sinh ở nơi công cộng, cho đăng phổ biến lại quy tắc trật tự an toàn giao thông và điều lệ phạt vi cảnh.

b) Ủy ban Nhân dân các quận, huyện có kế hoạch hướng dẫn phường, xã chỉ đạo việc học tập trong nhân dân, tiến hành việc giải tỏa và sắp xếp lại trật tự; ngành công an với chức năng giữ gìn trật tự xã hội hướng dẫn công an các cấp làm tốt nhiệm vụ tham mưu cho Ủy ban Nhân dân, đồng thời huy động toàn lực theo địa bàn quản lý, sắp xếp và giữ gìn trật tự chung – ngành quản lý nhà đất – công trình công cộng có biện pháp kế hoạch chỉ trang lại lề đường, công viên và kết hợp với chánh quyền địa phương trong công tác quản lý; ngành y tế tiến hành kiểm tra thường xuyên và đột xuất tình hình tình hình vệ sinh đường phố, nhà ở, hàng quán – Ngành Văn hóa thông tin tăng cường công tác cổ động, nêu gương người tốt việc tốt, đường phố, xã, phường tốt để động viên phong trào xây dựng nếp sống mới văn minh, lịch sự.

Các ngành tài chánh, thương nghiệp kết hợp với lực lượng công an tiến hành việc sắp xếp nơi buôn bán, chỗ buôn bán cho những người được phép và thường xuyên kiểm tra về thuế, về trật tự vệ sinh, nếp sống mới.

Tất cả các cơ quan, đơn vị, ngoài việc tổ chức học tập, cần kiểm tra việc chấp hành các quy định của Nhà nước về vấn đề này và có kế hoạch sửa chữa những thiếu sót.

c) Sở Công an (Cảnh sát giao thông) cùng sở Giao thông vận tải, Sở Quản lý nhà đất và công trình công cộng thành phố kiểm tra, tu sửa lại hệ thống đèn đường, đèn tín hiệu, biển báo hiệu, vạch lại các kẻ phân tuyến, phân luồng, nơi đậu xe… và tổ chức hướng dẫn xe cộ lưu thông có trật tự, đúng quy định. Thực hiện nghiêm chỉnh việc cấm xe tải vào nội thành và thực hiện việc điều độ lưu thông một cách có kế hoạch thích hợp với giờ giấc đi lại của cán bộ và nhân dân. Tăng cường lực lượng cảnh sát giao thông, lực lượng tự vệ và thanh niên Cờ đỏ trên mặt đường vào những giờ cao điểm, chốt chặn thường xuyên ở những nơi trọng điểm, công viên, rạp hát, bến tàu, bến xe…

d) Ngoài giáo dục, áp dụng mạnh mẽ các biện pháp xử lý bằng hành chánh, kinh tế, thực hiện nghiêm túc việc xử lý 15 hành vi vi phạm trong điều lệ phạt vi cảnh bằng các hình thức: cảnh cáo, phạt tiền, phạt lao động công ích, phạt giam theo quy định. Cán bộ công nhân viên vi phạm cần phạt mức tối đa về tiền, về lao động công ích và lập biên bản thông báo cho cơ quan, đơn vị kiểm điểm xử lý thêm ở nội bộ cơ quan. Cán bộ, chiến sĩ công an, quân đội vi phạm cần phạt ở mức cao hơn, kể cả phạt giam và các hình thứ xử lý hành chính khác.

đ) Để giúp Ủy ban Nhân dân thành phố chỉ đạo tốt công việc này, Ủy ban Nhân dân thành phố giao trách nhiệm cho các đồng chí Giám đốc các Sở Công an, Văn hóa thông tin, Giao thông vận tải, Thương nghiệp, Nhà đất và công trình công cộng tổ chức ra một bộ phận (có cán bộ chuyên trách ở cơ quan mình) để theo dõi tình hình, đề xuất ý kiến, phục vụ cho sự chỉ đạo của ngành và cho sự chỉ đạo của ủy ban: Mỗi ngành, mỗi quận cần chọn điểm làm thí điểm rút kinh nghiệm, làm đến đâu dứt điểm ở đó và có kế hoạch bảo vệ kết quả đã đạt được, xây dựng nếp sống mới công cộng một cách cơ bản.

Chỉ thị này chỉ đề cập một số vấn đề giữ gìn trật tự vệ sinh, xây dựng nếp sống mới trên lòng đường, lề đường và những nơi công cộng, còn toàn bộ công tác giữ gìn trật tự an toàn xã hội và phương sách xử lý đối với các loại đối tượng đã được nêu trong chỉ thị 13 và 14 của Ủy ban Nhân dân thành phố.

Công tác giữ gìn trật tự an toàn xã hội ở thành phố nói chung và việc giữ gin trật tự vệ sinh trên lòng lề đường, ở những nơi công cộng nói riêng có ý nghĩa quan trọng trong đời sống vật chất và tình thần của xã hội, là bộ mặt của xã hội, là biểu hiện sức mạnh của chế độ mới. Vì vậy, Thủ trưởng các ngành, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân các cấp cần quan tâm chỉ đạo, tổ chức thực hiện tốt và thường xuyên, báo cáo kết quả về Ủy ban Nhân dân thành phố.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Lê Quang Chánh

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Chỉ thị 33/CT-UB năm 1980 về giải tỏa lề đường, bảo đảm trật tự vệ sinh xây dựng nếp sống mới ở những nơi công cộng do Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành

  • Số hiệu: 33/CT-UB
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Ngày ban hành: 18/08/1980
  • Nơi ban hành: Thành phố Hồ Chí Minh
  • Người ký: Lê Quang Chánh
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 18/08/1980
  • Ngày hết hiệu lực: 11/11/1998
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản