ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 33/CT-UB | Tp. Hồ Chí Minh, ngày 23 tháng 6 năm 1977 |
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC ĐẨY MẠNH SẢN XUẤT, TIẾT KIỆM VÀ TẬN DỤNG MỌI KHẢ NĂNG LƯƠNG THỰC TẠI CHỖ ĐỂ GIẢI QUYẾT CHO NÔNG DÂN THIẾU ĂN
Do thời tiết không thuận lợi kéo dài 2 năm liền, sản xuất và sản lượng lương thực sút kém. Diện nông dân thiếu ăn rộng, yêu cầu phân phối lương thực cho đối tượng này khá lớn. Kết quả huy động lương thực không đạt chỉ tiêu kế hoạch của Nhà nước.
Tình hình trên đây phản ảnh khó khăn chung của cả 2 miền Nam Bắc.
Hiện nay và vài tháng tới, lực lượng tiếp trợ của Trung ương sẽ khó khăn, vận chuyển về Thành phố không đều đặn và bằng nhiều loại lương thực khác nhau.
Giải quyết cho nông dân thiếu ăn trong tình hình đó không thể trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước, mà phải phát huy đầy đủ tinh thần tự lực cánh sinh, có biện pháp cụ thể để chỉ đạo và kiểm tra chặt chẽ việc khai thác và tận dụng mọi khả năng tiềm tàng tại các quận, huyện để sản xuất, vừa chăm lo thật tốt vụ hè thu, vừa tích cực giải quyết đời sống trước mắt của nông dân bằng mọi nguồn lương thực hiện có tại từng địa phương.
Yếu tố có tính chất quyết định là làm cho mọi người, trước hết là cán bộ, đảng viên thấy hết khó khăn, nhận rõ trách nhiệm của mình, tự giác và gương mẫu trong sản xuất, thực hiện tốt nghĩa vụ đóng góp lương thực cho Nhà nước, tự giác và gương mẫu trong phân phối điều hoà và trong việc tiết kiệm tiêu dùng lương thực.
Để thi hành tốt chỉ thị 120/CP ngày 23-4-1977 của Hội đồng Chánh phủ, Ủy ban nhân dân Thành phố nêu một số phương hướng cụ thể để các quận, huyện thi hành :
- Tận dụng triệt để diện tích có khả năng gieo trồng, giao mức sản xuất các loại cây lương thực cho từng phường, xã, khắc phục khó khăn, chăm sóc thật tốt vụ hè thu, phấn đấu tự giải quyết thật cơ bản về lương thực trong khu vực nông nghiệp vào những tháng cuối năm 1977. Đây là phương hướng chủ yếu và cơ bản nhất, cần tập trung sức chỉ đạo thật tốt.
- Phát động tư tưởng sâu rộng trong cán bộ, đảng viên, giáo dục động viên tốt đối với nông dân để tiếp tục điều hòa trong nội bộ nông dân và thu mua, thu thuế các đối tượng qua cân đối còn thừa lương thực, đặc biệt là của các trung, phú nông.
- Các vùng chưa có điều kiện sản xuất lúa, Ủy ban nhân dân các cấp cần quản lý và chỉ đạo tốt thu mua các loại khoai lang, khoai mì và bán đổi gạo phần lương thực được để lại tiêu dùng trong bản cân đối, theo giá chỉ đạo và theo tỷ lệ các loại lương thực đang áp dụng, để nông dân có tỷ lệ các loại lương thực trong bữa ăn bằng tỷ lệ áp dụng cho nhân dân phi nông nghiệp.
- Những nông dân có đất hoặc được chia đất, không tích cực chăm lo sản xuất nông nghiệp, chạy theo lợi nhuận trước mắt của thị trường hoặc bán phần lớn sản phẩm hàng hóa nông nghiệp ra thị trường tự do, đối tượng này sẽ không thuộc diện được điều hòa và phân phối lương thực lúc thiếu ăn.
- Sau khi điều hoà tốt trong nội bộ nông dân và quản lý chặt chẽ nguồn lương thực các loại để tự giải quyết trong từng địa phương, nên chỉ đạo cho vay thông qua tổ chức nông hội, phần lương thực quy gạo còn thiếu trong cân đối lương thực và sẽ thu hồi đủ số lương thực đó ngay vụ sau.
- Đối tượng A, B và những hộ có khả năng kinh tế, các hộ hành nghề mua bán lương thực hoặc chế biến bún bánh bằng nguyên liệu lương thực các loại dù chuyên nghiệp hay không chuyên nghiệp và các đối tượng cố tình theo đuổi lối sống cũ hoặc hoạt động theo các phương thức kinh doanh bóc lột lỗi thời, Ủy ban nhân dân các huyện, quận cần có kế hoạch chỉ đạo thực hiện tiết giảm lương thực thuộc các đối tượng này để có thêm lực lượng phân phối cho nông dân thiếu ăn thông qua ngành lương thực.
- Tất cả các phương hướng nêu trên đây đã được thực hiện tốt mà vẫn chưa đủ khả năng giải quyết, sau đó Ủy ban cần chỉ đạo chặt chẽ nông hội xã chủ trì hội nghị nông dân bình nghị loại được mua lương thực thiếu ăn và loại cá biệt được cứu tế, để Nhà nước tuỳ khả năng lực lượng mà bán một phần cho các nhu cầu đó trong từng vụ.
- Đối với gia đình nông dân thiếu ăn là liệt sĩ, tử sĩ, thương binh, gia đình có công với cách mạng, những người già yếu neo đơn, là những đối tượng cần được ưu tiên điều hoà lương thực. Nếu mức tiêu dùng lương thực của những người này chưa bằng mức ăn của nhân dân phi nông nghệp, sẽ được ưu tiên trong diện bình nghị nói trên.
- Đồng thời với các phương hướng trên đây, cần phải tăng cường một bước việc quản lý thị trường lương thực như đã quy định tại thông tri số 01/TT-UB ngày 3-1-1977 của Ủy ban nhân dân Thành phố. Chú ý loại trừ triệt để gian thương tham gia thị trường nông thôn và mọi hành động lợi dụng hệ thống xay xát tư nhân, đồng thời phải tôn trọng quyền hợp pháp của người lương thiện trong việc chuyên chở lương thực tiêu dùng và làm quà cho gia đình. Đặc biệt cần chú trọng giáo dục đi đôi với các biện pháp cụ thể bài trừ có hiệu quả tệ nấu rượu kinh doanh.
Giải quyết vấn đề lương thực là nhiệm vụ chánh trị trọng tâm số một không những của cả nước mà của cả Thành phố chúng ta, mỗi cán bộ, đảng viên phải là một chiến sĩ xung kích trong nhiệm vụ này.
Ủy ban nhân dân các quận, huyện, các ngành, các sở, các đoàn thể thông suốt đầy đủ tình hình khó khăn lớn về lương thực trước mắt, thấy hết trách nhiệm trước đời sống nhân dân, cán bộ, chiến sĩ, nêu cao quyết tâm tập trung sức chỉ đạo đẩy mạnh phong trào sản xuất các loại màu thay gạo, tổ chức theo dõi, giám sát việc phân phối lương thực có kế hoạch, đồng thời chắt chiu tiết kiệm từng hạt gạo để phục vụ tốt cho sản xuất và đời sống nhân dân lao động.
Sở Lương thực, Sở Nông nghiệp và các đoàn thể có trách nhiệm theo dõi, báo cáo hàng tuần với Ủy ban nhân dân Thành phố về việc thực hiện chỉ thị này kèm theo những đề xuất bổ sung kịp thời.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ |
Chỉ thị 33/CT-UB năm 1977 về việc đẩy mạnh sản xuất, tiết kiệm và tận dụng mọi khả năng lương thực tại chỗ để giải quyết cho nông dân thiếu ăn do Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành
- Số hiệu: 33/CT-UB
- Loại văn bản: Chỉ thị
- Ngày ban hành: 23/06/1977
- Nơi ban hành: Thành phố Hồ Chí Minh
- Người ký: Lê Đình Nhơn
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 23/06/1977
- Tình trạng hiệu lực: Ngưng hiệu lực