Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI
******

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

SỐ: 33/2002/CT-UB

Hà Nội, ngày 22 tháng 11 năm 2002 

 

CHỈ THỊ

VỀ TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC QUẢN LÝ THUẾ GIÁ TRỊ GIA TĂNG VÀ CHỐNG GIAN LẬN QUA VIỆC KHẤU TRỪ THUẾ, HOÀN THUẾ

Thực hiện Chỉ thị số 19/2002/CT- TTg ngày 13/9/2002 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác quản lý thuế giá trị gia tăng;

Căn cứ công văn số 11077TC/TCT ngày 14/10/2002 của Bộ Tài chính về việc thực hiện Chỉ thị số 19/2002/CT - TTg ngày 13/9/2002 của Thủ tướng Chính phủ;

Để tăng cường quản lý thuế giá trị gia tăng (GTGT) có hiệu quả, giảm thất thoát, ngăn chặn và khắc phục kịp thời các hành vi gian lận trong khấu trừ thuế, hoàn thuế GTGT;  thành lập doanh nghiệp để mua bán hóa đơn bất hợp pháp, Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội chỉ thị:

1. Cục thuế Hà Nội:

- Phối hợp với Sở Kế hoạch và đầu tư rà soát, bảo đảm các doanh nghiệp đã được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh phải đăng ký kê khai nộp thuế đầy đủ, đúng quy định của Luật Thuế GTGT.

- Đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra trước và sau hoàn thuế.Thực hiện việc rà soát và phân loại đối tượng kiểm tra. Tập trung trọng điểm đến các đơn vị kinh doanh hàng nông sản, thủy sản, hải sản xuất khẩu qua đường biên giới đất liền. Trong quá trình kiểm tra cần chú ý xem xét kỹ hồ sơ xuất nhập khẩu gồm: Hợp đồng kinh tế, hóa đơn bán hàng, bảng kê mua hàng, xác nhận của Hải quan, chứng từ thanh toán tiền hàng, nếu có nghi vấn thì phải xác minh, đối chiếu kịp thời. Trường hợp phát hiện đơn vị có dấu hiệu vi phạm pháp luật thì phải cho chuyển cho cơ quan bảo vệ pháp luật giải quyết.

- Tăng cường công tác quản lý, kiểm tra phát hành, bán hóa đơn cho cơ sở kinh doanh, đảm bảo cơ sở có hoạt động sản xuất kinh doanh mới được mua hóa đơn; tăng cường kiểm tra việc sử dụng hóa đơn, đối chiếu, xác minh hóa đơn; xử lý kịp thời, nghiêm minh những trường hợp mua bán hóa đơn bất hợp pháp. Đối với các cơ sở không nộp tờ khai thuế đầy đủ, kịp thời hoặc có tờ khai thuế nhưng không phát sinh doanh số thì phải kịp thời kiểm tra nếu thực tế không kinh doanh thì có thể tạm ngừng việc bán hóa đơn.

- Tổ chức tập huấn nghiệp vụ cho cán bộ công chức trong ngành thuế, cho đối tượng nộp thuế gồm: Doanh nghiệp Nhà nước, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp ngoài quốc doanh những nội dung sửa đổi, bổ sung của Nghị định số 76/2002/NĐ - CP ngày 13/9/2002 của Chính phủ và Thông tư số 82/2002/TT-BTC ngày 14/10/2002 của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành Luật thuế GTGT.

- Tăng cường đào tạo, giáo dục cán bộ thuế  về chuyên môn nghiệp vụ, phẩm chất đạo đức để thực hiện tốt công tác quản lý thuế. Tăng cường kiểm tra nội bộ, xử lý nghiêm minh các trường hợp thiếu tinh thần trách nhiệm hoặc tiêu cực, thông đồng, tiếp tay cho đối tượng nộp thuế gian lận tiền thuế của Nhà nước.

2. Cục Hải quan Hà Nội:

Tổ chức quán triệt, nâng cao tinh thần trách nhiệm của cán bộ, công chức trong việc thực hiện Luật Hải quan, Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu, Luật thuế giá trị gia tăng và các văn bản có liên quan. Tăng cường công tác kiểm tra quản lý hàng hóa xuất nhập khẩu, đặc biệt là bộ hồ sơ đăng ký ban đầu. Điều tra, phát hiện và kiên quyết xử phạt các doanh nghiệp lợi dụng chính sách ưu đãi của Nhà nước về chế độ kiểm tra đối với hàng xuất khẩu, khai khống, khai tăng số lượng để được hoàn thuế GTGT; Đồng thời tăng cường công tác kiểm tra nội bộ, phát hiện ngăn chặn và xử lý nghiêm kỷ luật đối với cán bộ Hải quan có biểu hiện tiêu cực.

3. Sở Kế hoạch và Đầu tư:

- Kiểm tra và tăng cường công tác quản lý trong việc cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh nhằm ngăn chặn kịp thời tình trạng thành lập doanh nghiệp để chiếm đoạt tài sản nhà nước, buôn bán hóa đơn bất hợp pháp. Trường hợp nghi vấn cần làm rõ lý lịch nhân thân các thành viên góp vốn, trụ sở đặt văn phòng công ty, tài sản đăng ký thành lập doanh nghiệp để có biện pháp xử lý, chấn chỉnh kịp thời.

- Tăng cường phối hợp với cơ quan Thuế và cơ quan có liên quan để có biện pháp quản lý, kiểm tra chặt chẽ các hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp sau khi được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh; bảo đảm các doanh nghiệp hoạt động đúng theo giấy phép đã được cấp và đăng ký nộp thuế đầy đủ đúng luật. Đối với các trường hợp chia tách, sáp nhập, giải thể doanh nghiệp, chỉ cho phép thực hiện khi đơn vị đã chấp hành việc quyết toán thuế, thanh quyết toán hóa đơn với cơ quan Thuế.

4. Công an Thành phố:

- Phối hợp chặt chẽ với cơ quan Thuế, Hải quan để phát hiện, ngăn chặn kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật về thuế GTGT đối với các doanh nghiệp có hoàn thuế, doanh nghiệp mua bán hóa đơn bất hợp pháp để hợp thức hóa trong quá trình kinh doanh.

- Khẩn trương điều tra làm rõ các vụ việc mà cơ quan Thuế, Hải quan đã có nghi vấn vi phạm Luật thuế GTGT nhưng không có điều kiện điều tra xác minh, đã có hồ sơ chuyển cơ quan Công an, đặc biệt đối với các doanh nghiệp có mua hóa đơn bán hàng của cơ quan Thuế nhưng trốn khỏi địa chỉ kinh doanh.

- Tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, chống buôn lậu, đặc biệt là đối với hàng hóa xuất nhập khẩu qua đường biên.

5. Viện Kiểm sát nhân dân Thành phố, Tòa án nhân dân Thành phố:

- Phối hợp chặt chẽ với cơ quan Thuế, cơ quan Công an điều tra xác minh, truy tố, xét xử kịp thời, nghiêm minh các vụ gian lận về thuế, đặc biệt là những vụ án tham ô, tham nhũng về thuế GTGT để răn đe, ngăn chặn các hành vi vi phạm. Những trường hợp vi phạm pháp luật có kết luận của cơ quan điều tra phải được xem xét khẩn trương, kịp thời truy tố trước pháp luật.

6. Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước Hà Nội:

- Chỉ đạo và hướng dẫn các ngân hàng thương mại trên địa bàn cải tiến, mở rộng hình thức thanh toán qua tài khoản ngân hàng, tạo điều kiện thuận lợi cho việc thanh toán mua bán hàng hóa xuất nhập khẩu.

- Chỉ đạo các ngân hàng thương mại thực hiện nghiêm túc các lệnh thu, lệnh phạt của cơ quan Thuế, Hải quan.

7. Ủy ban nhân dân các Quận, Huyện:

- Quán triệt kịp thời Chỉ thị 19/2002/CT-TTg của Chính phủ và Chỉ thị của UBND Thành phố về tăng cường công tác quản lý thuế GTGT tới các ban, ngành, đoàn thể và UBND xã phường thị trấn trực thuộc.

- Phối hợp với Cục Thuế Hà Nội tăng cường chỉ đạo và giám sát hoạt động của Chi cục Thuế quận, huyện thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ được giao; biểu dương khen thưởng kịp thời các doanh nghiệp chấp hành tốt nghĩa vụ nộp thuế.

8. Các cơ quan tuyên truyền của Thành phố:

Sở Văn hóa Thông tin, Hội đồng phối hợp công tác phổ biến giáo dục pháp luật Thành phố phối hợp với Đài phát thanh truyền hình Hà Nội, Báo Hà Nội mới, Báo kinh tế đô thị có kế hoạch tuyên truyền, phổ biến về Luật thuế GTGT và các văn bản hướng dẫn, mở các chuyên mục về thuế với thời lượng thích hợp để các cơ quan, đoàn thể, nhân dân và các đối tượng nộp thuế hiểu rõ về thuế GTGT góp phần thực hiện tốt Luật Thuế. Biểu dương kịp thời các điển hình thực hiện nghĩa vụ thuế, đồng thời lên án các hành vi, đối tượng gian lận thuế.

Thủ trưởng các Sở, ban, ngành có liên quan, Chủ tịch UBND các quận, huyện có trách nhiệm tổ chức thực hiện nghiêm Chỉ thị này, định kỳ hàng tháng báo cáo về Cục Thuế Hà Nội để tổng hợp báo cáo UBND Thành phố kết quả triển khai thực hiện.

Trong quá trình triển khai thực hiện, nếu có những vấn đề vướng mắc cần giải quyết, các cơ quan, đơn vị phải kịp thời phản ánh về Cục Thuế Hà Nội để báo cáo UBND Thành phố xem xét, giải quyết./.

 

 

Nơi nhận
- Thường trực TU
- Thường trực HĐND TP
- Bộ Tài chính
- Đ/c Chủ tịch UBND TP
- Các đ/c Phó chủ tịch
- Các sở, ban, ngành nêu trên
- Sở Tài chính vật giá
- UBND các Quận, Huyện
- V1,V3,KTt,TH
- Lưu
  

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI
CHỦ TỊCH
 
 
 
 
Hoàng Văn Nghiên

 

 

 

 

 

 

 

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Chỉ thị 33/2002/CT-UB Về tăng cường công tác quản lý thuế giá trị gia tăng và chống gian lận do Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội ban hành

  • Số hiệu: 33/2002/CT-UB
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Ngày ban hành: 22/11/2002
  • Nơi ban hành: Thành phố Hà Nội
  • Người ký: Hoàng Văn Nghiên
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 22/11/2002
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản