ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 32/CT-UB | TP. Hồ Chí Minh, ngày 21 tháng 6 năm 1978 |
CHỈ THỊ
VỀ NHỮNG BIỆN PHÁP CẦN THỰC HIỆN ĐỂ TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC QUẢN LÝ MÁY MÓC, THIẾT BỊ VÀ CÁC PHƯƠNG TIỆN DÙNG TRONG SẢN XUẤT
Máy móc, thiết bị và các phương tiện dùng trong sản xuất là những công cụ để sản xuất ra của cải vật chất, là tài sản của nhân dân. Việc giữ gìn, bảo quản, quản lý máy móc, thiết bị và các phương tiện dùng trong sản xuất nhằm mục đích bảo đảm cho máy móc, thiết bị luôn luôn làm việc ở trạng thái tốt, ổn định, an toàn, để làm cơ sở cho việc hoàn thành kế hoạch sản xuất, là một nội dung quan trọng của công tác quản lý kỹ thuật, quản lý sản xuất của các ngành, các cấp, nhứt là các cơ sở sản xuất trực tiếp.
Hiện nay, công tác quản lý máy móc, thiết bị và các phương tiện dùng trong sản xuất ở các cơ sở sản xuất đang từng bước được tăng cường và tổ chức lại có nền nếp hơn; tuy nhiên, ở nhiều nơi còn rất tùy tiện và lỏng lẻo. Nhiều nơi không nắm vững số lượng và chất lượng của máy móc, thiết bị của mình; thậm chí có nơi không nắm được công dụng, tính năng kỹ thuật các máy móc, thiết bị do mình trực tiếp quản lý. Do chế độ trách nhiệm quản lý chưa đầy đủ, việc kiểm tra, bảo dưỡng, sửa chữa định kỳ không được tiến hành thường xuyên, thiếu biện pháp giữ gìn, bảo quản chu đáo nên một số máy móc, thiết bị và phương tiện dùng trong sản xuất đã bị hư hỏng, mất mát. Việc mua bán, đổi chác, thanh lý máy móc, thiết bị và phương tiện dùng trong sản xuất đã bị hư hỏng, mất mát. Ở một số nơi trong thời gian vừa qua có nhiều biểu hiện tùy tiện, trái với quy định của Nhà nước, đã gây ra nhiều thiệt hại cho tài sản chung.
Để khắc phục tình trạng trên đây, Ủy ban Nhân dân thành phố chỉ thị cho các ngành, các cấp, các cơ sở sản xuất trong thành phố Hồ Chí Minh phải thực hiện những điều sau đây:
1) Tất cả các ngành, các cấp, các cơ sở sản xuất quốc doanh, công ty hợp doanh, hợp tác xã sản xuất, tổ hợp sản xuất và hộ sản xuất cá thể tiểu, thủ công nghiệp đều phải có trách nhiệm giữ gìn, bảo quản máy móc, thiết bị và phương tiện dùng trong sản xuất theo đúng nghị định số 93/CP ngày 8-4-1977 của Hội đồng Chánh phủ đã ban hành về “Điều lệ xí nghiệp công nghiệp quốc doanh” và chị thị hướng dẫn của các bộ chuyên ngành về vấn đề quản lý máy móc, thiết bị.
Giám đốc xí nghiệp, Chủ nhiệm hợp tác xã sản xuất, tổ trưởng tổ hợp sản xuất, chủ hộ sản xuất cá thể tiểu, thủ công nghiệp là người chịu trách nhiệm trước Nhà nước về việc các máy móc, thiết bị và phương tiện dùng trong sản xuất thuộc phạm vi mình phụ trách phải được bảo quản theo chế độ định kỳ sửa chữa mà Nhà nước và các bộ đã ban hành.
Mọi hành vi trực tiếp hay gián tiếp làm hư hỏng, mất mát máy móc, thiết bị và phương tiện dùng trong sản xuất, tùy mức độ, đều bị xử lý về kinh tế, hành chính theo pháp luật hiện hành.
2) Nghiêm cấm việc tự tiện mua bán, đổi chác và di chuyển máy móc, thiết bị và phương tiện dùng trong sản xuất ra khỏi thành phố, nếu chưa được Ủy ban Nhân dân thành phố cho phép.
3) Mỗi máy móc, thiết bị và phương tiện dùng trong sản xuất phải được kiểm kê đầy đủ, phải có đủ hồ sơ, lý lịch kèm theo, để theo dõi từ khi tiếp nhận đến khi thanh lý. Hồ sơ phải được thường xuyên bổ sung, để người sử dụng và quản lý nắm được đầy đủ tính nắng kỹ thuật và chất lượng của máy móc, thiết bị đó.
4) Mỗi máy móc, thiết bị phải có đủ nội quy vận hành, nội quy an toàn,… kèm theo. Đối với các máy móc, thiết bị có yêu cầu đặc biệt về an toàn (dễ cháy, dễ nổ, độc hại, phóng xạ…) nhứt thiết phải trang bị đủ các phương tiện an toàn kèm theo mới được sử dụng. Đối với các máy móc, thiết bị quý, hiếm phải xây dựng nội quy sử dụng, bảo quản và biện pháp bảo vệ đặc biệt.
5) Việc bảo quản, bảo dưỡng, kiểm tra định kỳ, sửa chữa các máy móc, thiết bị phải theo đúng chế độ quy định.
6) Khi tiếp nhận, lắp đặt, bảo dưỡng, sửa chữa, thanh lý thiết bị, đều phải lập biên bản đầy đủ theo đúng thủ tục quy định.
7) Nghiêm cấm việc tùy tiện tháo gỡ các chi tiết của máy móc khi chưa được cơ quan quản lý có thẩm quyền cho phép.
8) Người sử dụng máy móc, thiết bị phải được hướng dẫn, huấn luyện chu đáo về tay nghề, phải qua sát hạch có chứng nhận đạt yêu cầu mới cho sử dụng thiết bị và chỉ được làm những công việc trong phạm vi được phân công.
9) Đối với những nơi sản xuất, làm việc theo chế độ ca, kíp, nhứt thiết phải thực hành chặt chẽ chế độ trách nhiệm trong việc giao nhận máy móc, thiết bị bằng văn bản mỗi khi chuyển ca, kíp (có thể dưới hình thức nhật ký giao ca, kíp có ký nhận đầy đủ).
10) Các ngành, các cấp gấp rút xây dựng và kiện toàn tổ chức quản lý máy móc, thiết bị và các phương tiện dùng trong sản xuất của ngành mình, cấp mình để có đủ sức quản lý và tổ chức thực hiện các quy định về quản lý máy móc, thiết bị và phương tiện dùng trong sản xuất do Nhà nước ban hành.
Các ban, ngành, sở, quận, huyện có trách nhiệm phổ biến rộng rãi chỉ thị này đến tận cơ sở sản xuất.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ |
Chỉ thị 32/CT-UB năm 1978 về những biện pháp cần thực hiện để tăng cường công tác quản lý máy móc, thiết bị và các phương tiện dùng trong sản xuất do Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành
- Số hiệu: 32/CT-UB
- Loại văn bản: Chỉ thị
- Ngày ban hành: 21/06/1978
- Nơi ban hành: Thành phố Hồ Chí Minh
- Người ký: Võ Thành Công
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 21/06/1978
- Tình trạng hiệu lực: Ngưng hiệu lực