Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG BÌNH
----------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 32/2006/CT-UBND

Đồng Hới, ngày 13 tháng 10 năm 2006

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC THỰC HIỆN CUỘC VẬN ĐỘNG "NÓI KHÔNG VỚI TIÊU CỰC TRONG THI CỬ VÀ BỆNH THÀNH TÍCH TRONG GIÁO DỤC" TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG BÌNH

Sự nghiệp giáo dục đào tạo Quảng Bình qua 20 năm đổi mới đã đạt được những thành tựu quan trọng trong việc nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn nhiều khuyết điểm, yếu kém, trong đó, tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục là 2 vấn đề bức xúc nhất hiện nay của ngành Giáo dục và Đào tạo cả nước nói chung và tỉnh ta nói riêng.

Xuất phát từ thực tế đó, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã phát động cuộc vận động "Nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục", coi đây là khâu đột phá để lập lại trật tự, kỷ cương trong dạy và học, làm tiền đề triển khai những giải pháp khác nhằm khắc phục những yếu kém trong ngành, nâng cao chất lượng và hiệu quả giáo dục. Cuộc vận động này bước đầu được sự đồng tình và hưởng ứng tích cực của toàn xã hội.

Để cuộc vận động "Nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục" đạt hiệu quả cao, Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, Thủ trưởng các sở, ban, ngành liên quan tập trung chỉ đạo thực hiện tốt một số nhiệm vụ sau đây:

1. Sở Giáo dục và Đào tạo

1.1. Xây dựng và triển khai kế hoạch thực hiện vận động "Nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục"; khơi dậy và phát huy niềm tự hào, tự trọng nghề nghiệp của mỗi nhà giáo; nâng cao đạo đức, trách nhiệm của mỗi cán bộ quản lý và giáo viên; giáo dục tính trung thực cho học sinh, sinh viên; tăng cường trách nhiệm của các cơ quan quản lý giáo dục và nhà trường trong việc kiên quyết ngăn chặn các biểu hiện tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục.

Cuộc vận động phải được tổ chức chỉ đạo triển khai quyết liệt và đồng bộ từ Sở Giáo dục và Đào tạo đến các cơ sở giáo dục trong toàn tỉnh; từ các thầy cô giáo đến các em học sinh, sinh viên; tập trung chủ yếu vào 2 khâu: Kiểm tra, đánh giá, thi cử và công tác thi đua trong ngành Giáo dục. Kiểm tra rà soát các chỉ tiêu thi đua, loại bỏ các chỉ tiêu thiếu cơ sở khoa học, duy ý chí, làm tiền đề phát sinh bệnh thành tích; xây dựng hệ thống tiêu chí đánh giá thi đua khoa học, khách quan, phù hợp với điều kiện của cơ sở. Gắn việc thực hiện cuộc vận động với đổi mới giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục trung học, cao đẳng và giáo dục nghề nghiệp; đổi mới công tác kiểm tra, thi, tuyển sinh; xây dựng quy trình đánh giá, kiểm định chất lượng giáo dục, thực hiện phổ cập giáo dục, bảo đảm dạy thực chất, học thực chất để đạt được chất lượng giáo dục thực chất.

1.2. Phối hợp với Công an tỉnh, Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tỉnh, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh, Công đoàn Giáo dục tỉnh, các tổ chức thành viên khác của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các cơ quan thông tin đại chúng, xây dựng và thực hiện Chương trình liên ngành để việc chống tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục trở thành hành động chung của toàn xã hội.

2. Các sở, ban, ngành có các trường chuyên nghiệp, dạy nghề, cơ sở giáo dục trực thuộc, trường Cao đẳng sư phạm cần chủ động phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo phổ biến, tổ chức triển khai thực hiện cuộc vận động "Nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục"; thông báo cho Sở Giáo dục và Đào tạo kết quả thực hiện để tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh và Bộ Giáo dục và Đào tạo.

3. Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố phối hợp chặt chẽ với Sở Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo các Phòng Giáo dục, các cơ sở giáo dục đóng trên địa bàn và vận động nhân dân tích cực tham gia thực hiện nghiêm túc cuộc vận động "Nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục"; không áp đặt các chỉ tiêu về kết quả thi, lên lớp, tốt nghiệp một cách hình thức, duy ý chí, không phù hợp với thực tiễn; chỉ đạo xử lý nghiêm các hành vi vi phạm Quy chế thi. Cần coi đây là một nhiệm vụ chỉ đạo trọng tâm của năm học 2006 - 2007 và có kế hoạch tổ chức thực hiện cuộc vận động tại địa phương mình.

4. Gia đình và các bậc phụ huynh, Ban đại diện cha mẹ học sinh cần chú trọng giáo dục con em mình thái độ, động cơ học tập đúng đắn, trung thực, không tiếp tay cho các hiện tượng tiêu cực, đồng thời phối hợp chặt chẽ với nhà trường và chính quyền địa phương phát hiện và kiên quyết chống các hiện tượng tiêu cực trong giáo dục.

5. Các sở, ban, ngành liên quan phải chủ trì, phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo các cơ sở giáo dục, dạy nghề trực thuộc xây dựng và triển khai thực hiện cuộc vận động, nâng cao chất lượng dạy và học; chỉ đạo các cơ quan chức năng nghiên cứu bổ sung, hoàn thiện các cơ chế quản lý, chính sách đãi ngộ, khen thưởng, xử phạt, đáp ứng yêu cầu phát triển, đổi mới giáo dục.

6. Sở Văn hóa - Thông tin phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền rộng rãi nhằm nâng cao nhận thức tạo sự đồng thuận của toàn xã hội trong việc chống gian lận trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục, huy động toàn xã hội xây dựng phát triển sự nghiệp giáo dục tỉnh nhà.

Báo Quảng Bình, Đài Phát thanh - Truyền hình Quảng Bình phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo mở chuyên mục tuyên truyền, định kỳ đăng bài, phát sóng về các hoạt động chống tiêu cực và khắc phục bệnh thành tích trong giáo dục, trước mắt là tuyên truyền về cuộc vận động "Nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục".

7. Sở Tài chính, Sở Nội vụ, Ban Thi đua - Khen thưởng tỉnh và các sở, ban, ngành theo thẩm quyền phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo và các cơ quan có liên quan xây dựng kế hoạch bảo đảm các điều kiện thực hiện cuộc vận động "Nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục" giai đoạn 2006 - 2010.

8. Nhận được Chỉ thị này, yêu cầu Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố; Thủ trưởng các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh và các tổ chức, cá nhân có liên quan có trách nhiệm triển khai thực hiện nghiêm túc. Định kỳ hàng quý, từng học kỳ và từng năm học, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo có trách nhiệm tổng hợp tình hình và báo cáo kết quả triển khai thực hiện Chỉ thị này của các sở, ban, ngành và các địa phương lên Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh./.

 

 

Nơi nhận:
- Văn phòng Chính phủ;
- Thủ tướng Chính phủ;
- Bộ Giáo Dục & Đào tạo;
- Cục Kiểm tra văn bản (Bộ Tư pháp);
- Thường vụ Tỉnh ủy;
- Thường trực HĐND tỉnh;
- Chủ tịch, các PCT HĐND tỉnh;
- UBMT Tổ quốc Việt Nam tỉnh;
- Văn phòng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh;
- Ban văn hóa xã hội HĐND tỉnh;
- Các Sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh;
- Báo Quảng Bình, Đài PT-TH Quảng Bình;
- UBND các huyện, thành phố;
- Sở Tư pháp;
- Trung tâm Công báo tỉnh;
- Lưu VT, NCVX.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Trần Công Thuật

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Chỉ thị 32/2006/CT-UBND thực hiện cuộc vận động "Nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục" trên địa bàn tỉnh Quảng Bình

  • Số hiệu: 32/2006/CT-UBND
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Ngày ban hành: 13/10/2006
  • Nơi ban hành: Tỉnh Quảng Bình
  • Người ký: Trần Công Thuật
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 23/10/2006
  • Ngày hết hiệu lực: 06/08/2018
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
Tải văn bản