Hệ thống pháp luật

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 32/1999/CT-TTg

Hà Nội, ngày 29 tháng 10 năm 1999

 

CHỈ THỊ

VỀ CẢI TIẾN NỘI DUNG, PHƯƠNG THỨC, NÂNG CAO HIỆU QUẢ, TRIỆT ĐỂ THỰC HÀNH TIẾT KIỆM TRONG VIỆC TỔ CHỨC CÁC CUỘC HỌP VÀ HỘI NGHỊ

Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và cải cách hành chính nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy hành chính Nhà nước từ Trung ương đến địa phương là chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước được mọi tầng lớp nhân dân đồng tình hưởng ứng.

Thời gian qua, nhiều Bộ, ngành, địa phương đã có cố gắng cải cách thủ tục hành chính, giảm phiền hà cho nhân dân, quản lý chi tiêu chặt chẽ, tiết kiệm hơn. Tuy nhiên, công tác thực hành tiết kiệm và cải cách lề lối làm việc trong tổ chức hội nghị, hội họp còn nhiều tồn tại. Hội nghị ngành ở Trung ương và địa phương quá nhiều, mang nặng tính phô trương, hình thức, nội dung nghèo nàn, chậm được cải tiến, nặng về phổ biến, ít chú ý đến trao đổi, thảo luận, thành phần và số người tham gia quá đông, kết quả thấp; nhiều nội dung lẽ ra chỉ cần chỉ đạo, truyền đạt, phối hợp bằng văn bản nhưng vẫn tổ chức hội nghị toàn ngành, liên ngành, vừa tiêu tốn nhiều thời gian và tiền của, vừa tạo ra dư luận không tốt trong xã hội về ý thức trách nhiệm của các cấp, các ngành trong việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Để khắc phục tồn tại trên, Thủ tướng Chính phủ chỉ thị:

1. Thủ trưởng các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phải trực tiếp chỉ đạo việc rà soát lại kế hoạch và biện pháp thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong sử dụng các khoản chi tiêu cho hội nghị của đơn vị và địa phương, có biện pháp kiểm tra, giám sát chặt chẽ để mọi chi tiêu đều phải thực hiện theo đúng chế độ, tiêu chuẩn quy định.

2. Cải tiến một cách cơ bản phương thức truyền đạt, phổ biến chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, chỉ thị của cấp trên cho cấp dưới và việc đúc kết, phổ biến kinh nghiệm, các điển hình tiên tiến trong toàn ngành, địa phương theo hướng : cơ quan cấp trên (Bộ, ngành, tỉnh, thành phố...) chuẩn bị kỹ, đầy đủ các văn bản báo cáo, các dự thảo chủ trương, gửi cho cấp dưới để tổ chức nghiên cứu, quán triệt và đóng góp ý kiến; đồng thời, phân công người theo dõi, hướng dẫn cấp dưới triển khai thực hiện; tiếp thu góp ý của cấp dưới để điều chỉnh, bổ sung, hoàn thiện các dự thảo văn bản (nếu có) cho phù hợp.

3. Song song với các cải tiến trên đây, từ nay, không triệu tập các cuộc hội nghị toàn ngành để sơ kết, tổng kết công tác hàng quý, sáu tháng và hàng năm. Trường hợp Bộ, ngành xét thấy nhất thiết phải tổ chức hội nghị chuyên đề để triển khai thực hiện một chủ trương, nhiệm vụ mới, hoặc để đúc kết, phổ biến kinh nghiệm chuyên sâu cho một lĩnh vực hết sức cần thiết thì chỉ sau khi đã chuẩn bị kỹ nội dung mới được tổ chức; thành phần và số người tham dự hội nghị phải hết sức hạn chế, chỉ những người trực tiếp liên quan đến nội dung chuyên đề mới dự họp. Bộ trưởng các Bộ, Chủ tịch ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố, Thủ trưởng các cơ quan là người chịu trách nhiệm về nội dung, kết quả và việc thực hiện tiết kiệm đối với việc tổ chức hội nghị chuyên đề.

4. Việc tập huấn nghiệp vụ của các ngành dọc, thực hiện chủ yếu bằng hình thức trao đổi, nghiên cứu tài liệu. Trường hợp phải mở lớp để tập huấn thì thủ trưởng đơn vị ngành dọc phải xem xét, cân nhắc thật kỹ về sự cần thiết và tính hiệu quả. Chỉ sau khi đã chuẩn bị kỹ về nội dung, hình thức, thành phần tham dự, kinh phí sử dụng, địa điểm và thời gian mới được tổ chức tập huấn. Nội dung, thành phần tham gia tập huấn phải gọn, thiết thực, bảo đảm được kết quả theo yêu cầu đề ra. Nghiêm cấm việc lợi dụng tổ chức hội nghị chuyên đề, hội nghị tập huấn để thu tiền của người đến dự hội nghị ngoài chế độ quy định, để kết hợp tổ chức đi tham quan du lịch hoặc nghỉ mát.

5. Lễ kỷ niệm ngày thành lập, ngày truyền thống của cơ quan, của đơn vị và của ngành, tổ chức đón nhận các danh hiệu thi đua khen thưởng Nhà nước, chỉ được tổ chức trong phạm vi nội bộ cơ quan, đơn vị, không tổ chức toàn ngành. Thành phần và số người tham dự các buổi lễ này phải hết sức hạn chế; không mời đại biểu, đại diện của các cơ quan, đơn vị ở Trung ương, địa phương tới dự và không được sử dụng công qũy để liên hoan, tặng, biếu quà cho đại biểu.

6. Không dùng vốn ngân sách nhà nước hoặc vốn tín dụng của Nhà nước để tổ chức lễ động thổ, khởi công, khánh thành các công trình. Việc tổ chức lễ động thổ, khởi công, khánh thành chỉ được tổ chức trong phạm vi hẹp thuộc bộ phận, hoặc đơn vị có liên quan trực tiếp đến công trình, không mời các bộ phận không liên quan trực tiếp hoặc mời đại diện các cơ quan Đảng, Nhà nước đến dự. Những công trình lớn của Nhà nước, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng về đối nội và đối ngoại, cần phải tổ chức lễ khởi công, khánh thành, Thủ tướng Chính phủ sẽ có quyết định riêng.

7. Cơ quan tài chính các cấp phối hợp với các cơ quan chức năng ở Trung ương và địa phương kiểm soát việc chi tiêu cho hội nghị, hội họp theo Chỉ thị này; kịp thời phát hiện và báo cáo lên cơ quan có thẩm quyền xử lý nghiêm mọi trường hợp vi phạm.

Các cơ quan thông tin đại chúng tuyên truyền để nhân dân nắm được nội dung, cùng tham gia giám sát việc thực hiện Chỉ thị này; kịp thời phản ánh, biểu dương những cơ quan, đơn vị chấp hành tốt, phê phán những cơ quan, đơn vị và cá nhân chấp hành không nghiêm túc các nội dung của Chỉ thị.

8. Hàng năm các Bộ, ngành, địa phương, các tổ chức đoàn thể có sử dụng kinh phí thuộc ngân sách Nhà nước báo cáo tình hình về kết quả thực hiện chủ trương tiết kiệm trong việc tổ chức các cuộc họp, hội nghị của Bộ, ngành, địa phương, cơ quan mình, gửi Bộ Tài chính tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Thủ trưởng các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các tổ chức đoàn thể có sử dụng kinh phí thuộc ngân sách Nhà nước chịu trách nhiệm chỉ đạo và thực hiện nghiêm túc Chỉ thị này.

 

 

Phan Văn Khải

(Đã ký)

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Chỉ thị 32/1999/CT-TTg về cải tiến nội dung, phương thức, nâng cao hiệu quả, triệt để thực hành tiết kiệm trong việc tổ chức các cuộc họp và hội nghị do Thủ tướng Chính phủ ban hành

  • Số hiệu: 32/1999/CT-TTg
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Ngày ban hành: 29/10/1999
  • Nơi ban hành: Thủ tướng Chính phủ
  • Người ký: Phan Văn Khải
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 45
  • Ngày hiệu lực: 13/11/1999
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản