Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
CHỦ TỊCH HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 317-CT | Hà Nội, ngày 10 tháng 11 năm 1989 |
CHỈ THỊ
VỀ KIỂM TRA VIỆC CHẤP HÀNH PHÁP LUẬT TRONG KINH DOANH THƯƠNG MẠI VÀ DỊCH VỤ
Vài năm nay, Nhà nước ta đã lần lượt ban hành nhiều quy định về kinh doanh thương mại và dịch vụ kể cả xuất nhập khẩu, thực hiện một bước chuyển quan trọng từ cơ chế lưu thông mang nặng tính chất độc quyền của một số tổ chức thương nghiệp quốc doanh, cắt khúc theo nấc thang và địa giới hành chính sang cơ chế lưu thông tự do theo pháp luật. Trên thị trường đã xuất hiện nhiều thành phần kinh tế cùng tham gia kinh doanh, hàng hoá và dịch vụ phong phú hơn, góp phần đáp ứng nhiều nhu cầu tiêu dùng của nhân dân với giá cả tương đối ổn định.
Nhưng các hoạt động trên thị trường hiện nay chưa có trật tự, trốn tránh sự kiểm soát của Nhà nước; tệ lậu thuế, bớt thuế, buôn bán của gian, hàng giả rất nghiêm trọng, gây thiệt hại đến lợi ích chính đáng của những tổ chức và cá nhân kinh doanh hợp pháp, gây thất thu lớn đối với ngân sách Nhà nước và tác động xấu đến sản xuất và tiêu dùng của nhân dân ta.
Có tình hình nói trên đây chủ yếu là do các cơ quan quản lý Nhà nước buông lỏng quản lý, các quy định thể lệ của Nhà nước chưa đủ và chưa cụ thể, một số cơ quan chính quyền địa phương đã ban hành những quy định riêng trái với pháp luật, trái với các quy định của trung ương, do thái độ không nghiêm túc thi hành pháp luật của khá nhiều cơ quan Nhà nước và đoàn thể, trong đó có những cơ quan và cán bộ có trách nhiệm chấp hành pháp luật.
Để tiếp tục mở rộng lưu thông hàng hoá theo đúng chủ trương đổi mới của Đảng, đồng thời tăng cường công tác quản lý của Nhà nước đối với các hoạt động thương mại, dịch vụ, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng quyết định giao cho Bộ trưởng Bộ Nội thương kiêm Trưởng ban Ban chỉ đạo quản lý thị trường Trung ương chủ trì cùng Bộ trưởng các Bộ, Thủ trưởng ngành có liên quan và Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân các tỉnh, thành phố đặc khu trực thuộc Trung ương phải thường xuyên tiến hành kiểm tra việc chấp hành pháp luật về kinh doanh thương mại và dịch vụ.
1. Yêu cầu kiểm tra là phát hiện các sai trái và lệch lạc trong việc chấp hành pháp luật để các ngành, các cấp chủ quản xử lý, trấn chỉnh; phát hiện những sơ hở hoặc những thiếu sót trong các quy định của cơ quan Nhà nước ở các cấp, các ngành để kịp thời sửa đổi hoặc bổ sung giúp kinh doanh thương mại và dịch vụ phát triển có trật tự.
2. Đối tượng kiểm tra là tất cả các tổ chức và các hộ kinh doanh thương mại và dịch vụ, chú trọng các tổ chức và hộ ngoài quốc doanh (kể cả những tổ chức được thành lập theo Quyết định số 92-CT ngày 22-4-1989 của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng về các cơ quan hành chính và các đoàn thể làm kinh tế).
3. Nội dung kiểm tra tập trung vào những điểm chủ yếu sau đây:
- Tính hợp pháp của việc thành lập các công ty, cửa hàng thương nghiệp và trung tâm dịch vụ.
- Chấp hành chế độ đăng ký kinh doanh.
- Thực hiện nội dung (mặt hàng và địa bàn) kinh doanh đã đăng ký.
- Thực hiện chế độ lập sổ sách thống kê - kế toán, buôn bán phải có chứng từ hoá đơn.
- Thực hiện nghĩa vụ nộp thuế.
- Thực hiện chế độ mở tài khoản tại Ngân hàng.
Đối với các tổ chức làm kinh tế của các cơ quan hành chính và các đoàn thể được thành lập theo Quyết định số 92-CT ngày 22-4-1989 thì phải kiên quyết kiểm tra và chấn chỉnh hoạt động theo đúng nội dung của Quyết định đó và Chỉ thị số 299-CT ngày 25-10-1989 của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng.
4. Tổ chức kiểm tra phải được tiến hành thường xuyên ở tất cả các địa bàn, các cấp chính quyền đều có trách nhiệm thực hiện nghiêm túc. ở trung ương, Bộ trưởng Bộ Nội thương kiêm Trưởng ban Ban chỉ đạo quản lý thị trường Trung ương chịu trách nhiệm chủ trì phối hợp với các cơ quan liên quan (các Bộ Tài chính, Nội vụ, Uỷ ban Thanh tra Nhà nước, Ngân hàng Nhà nước, Tổng cục Thống kê, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Ban Kinh tế, Ban Tư tưởng - Văn hoá của Đảng và Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam) hướng dãn nội dung kiểm tra; trong những trường hợp cần thiết, thành lập các đội kiểm tra, kiểm soát liên ngành về các tỉnh, thành phố, đặc khu đôn đốc việc kiểm tra hoặc kiểm tra lại một số địa bàn và đối tượng để đánh giá đúng kết quả và kịp thời chấn chỉnh những lệch lạc phát sinh trong kiểm tra.
Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân tỉnh, thành phố, đặc khu là người trực tiếp chỉ đạo công tác kiểm tra ở địa phương có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ với Ban Chỉ đạo quản lý thị trường Trung ương lập phương án hành động cụ thể về kiểm tra hướng dẫn và tổ chức các ngành, các cấp và nhân dân cùng tham gia thực hiện và giám sát việc thực hiện Chỉ thị này.
Những vấn đề phát sinh trong quá trình kiểm tra thuộc trách nhiệm của ngành, cấp nào sẽ do ngành cấp đó giải quyết theo các quy định hiện hành.
Giao cho Trưởng ban Ban Chỉ đạo quản lý thị trường Trung ương quyền xử lý hành chính đối với những vụ vi phạm pháp luật về kinh doanh mà mức độ xử lý vượt thẩm quyền Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân tỉnh, thành phố, đặc khu trực thuộc Trung ương hoặc tỉnh, thành phố, đặc khu trực thuộc Trung ương đã xử lý hành chính nhưng chưa đúng mức.
Các cơ quan thông tin đại chúng được sử dụng tài liệu do các đội kiểm tra cung cấp để đưa tin và phân tích trên đài và báo.
Theo hướng dẫn của Bộ trưởng Bộ Nội thương kiêm Trưởng ban Chỉ đạo quản lý thị trường Trung ương, việc kiểm tra được tiến hành thường xuyên ở các địa phương, hàng tháng Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân tỉnh, thành phố, đặc khu trực thuộc Trung ương và Trưởng ban Ban Chỉ đạo quản lý thị trường Trung ương đều đặn gửi báo cáo lên Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng kèm theo những kiến nghị về sửa đổi, bổ sung hoàn chỉnh các văn bản pháp quy để kịp thời ban hành áp dụng.
| Võ Văn Kiệt (Đã ký)
|
Chỉ thị 317-CT về kiểm tra việc chấp hành pháp luật trong kinh doanh thương mại và dịch vụ do Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng ban hành
- Số hiệu: 317-CT
- Loại văn bản: Chỉ thị
- Ngày ban hành: 10/11/1989
- Nơi ban hành: Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng
- Người ký: Võ Văn Kiệt
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Số 22
- Ngày hiệu lực: 25/11/1989
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra