Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
Nếu bạn là thành viên. Vui lòng ĐĂNG NHẬP để tiếp tục.
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 31/CT-UBND | Nha Trang, ngày 13 tháng 10 năm 2006 |
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC CHẤN CHỈNH KỶ LUẬT, KỶ CƯƠNG HÀNH CHÍNH TRONG GIẢI QUYẾT CÔNG VIỆC CỦA NGƯỜI DÂN VÀ DOANH NGHIỆP
Ngày 14 tháng 01 năm 2005, Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành Chỉ thị số 03/2005/CT-UB về việc chấn chỉnh kỷ cương, kỷ luật hành chính và trách nhiệm của cán bộ, công chức khi thi hành công vụ và giải quyết công việc của tổ chức và công dân nhằm triển khai Nghị quyết số 17-NQ/TU ngày 06 tháng 10 năm 2004 của Tỉnh ủy Khánh Hòa. Tuy nhiên qua thời gian thực hiện, kỷ luật, kỷ cương hành chính trong hoạt động của bộ máy hành chính, các đơn vị sự nghiệp của tỉnh chưa chuyển biến rõ rệt, tình trạng quan liêu, nhũng nhiễu, cửa quyền, gây phiền hà của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức các cơ quan hành chính nhà nước, tổ chức sự nghiệp dịch vụ công vẫn còn phổ biến, làm ảnh hưởng xấu đến môi trường đầu tư và kinh doanh, cản trở phát triển kinh tế - xã hội, gây bức xúc trong nhân dân.
Ngày 07 tháng 9 năm 2006, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 32/2006/CT- TTg về một số biện pháp cần làm ngay để chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương hành chính trong giải quyết công việc của người dân và doanh nghiệp. Nhằm thực hiện Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, tạo điều kiện thuận lợi cho việc giải quyết các thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công liên quan đến đời sống thiết thân hàng ngày của người dân và hoạt động đầu tư, kinh doanh của các nhà đầu tư doanh nghiệp, Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu Thủ trưởng các sở, ban, ngành, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã Cam Ranh, thành phố Nha Trang tiếp tục thực hiện nghiêm Chỉ thị số 03/2005/CT-UB ngày 14 tháng 01 năm 2005 của Ủy ban nhân dân tỉnh, đồng thời tập trung thực hiện một số công việc sau đây:
1. Chỉ đạo tiến hành ngay việc rà soát các quy trình, thủ tục hành chính, trên cơ sở đó loại bỏ những khâu trung gian, chồng chéo những loại giấy tờ không cần thiết gây phiền hà cho việc tiếp nhận và xử lý công việc của người dân và doanh nghiệp; đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh việc bãi bỏ những thủ tục rườm rà, không còn phù hợp. Thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Ủy ban nhân dân tỉnh, Ban chỉ đạo cải cách hành chính tỉnh về đẩy mạnh triển khai và nâng cao hiệu quả thực hiện cơ chế “một cửa”.
2. Tại tất cả các điểm tiếp nhận hồ sơ, những nơi tiếp, làm việc với người dân, doanh nghiệp của cơ quan, đơn vị, tổ chức phải thực hiện niêm yết công khai.
a) Toàn bộ quy trình, thủ tục, thời hạn giải quyết công việc của người dân và doanh nghiệp; họ tên, chức vụ của những cán bộ, công chức, viên chức có thẩm quyền, trách nhiệm giải quyết công việc.
b) Quyền, nghĩa vụ của công dân, tổ chức, doanh nghiệp có liên quan đến nội dung thẩm quyền giải quyết của cơ quan, đơn vị, tổ chức đó.
c) Quyền và trách nhiệm khiếu nại, tố cáo của công dân, tổ chức đối với những hành vi vi phạm, gây phiền hà sách nhiễu của cán bộ, công chức, viên chức trong giải quyết công việc; họ tên, chức vụ của người có thẩm quyền, trách nhiệm giải quyết những khiếu nại, tố cáo này;
d) Trong khi thi hành công vụ, tất cả cán bộ, công chức, viên chức có trách nhiệm tiếp, làm việc trực tiếp với người dân và doanh nghiệp phải đeo thẻ cán bộ, công chức, viên chức, ghi rõ họ tên, chức vụ, đơn vị công tác.
Các công việc trên đây phải hoàn thành trước ngày 01/11/2006.
Đối với các cơ quan, đơn vị đã thực hiện cơ chế “một cửa”, ngoài việc thực hiện các yêu cầu trên, phải thực hiện đầy đủ các yêu cầu về việc tiếp nhận và trả kết quả đúng với đề án và bản Quy định thủ tục đã được Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt.
3. Thiết lập số điện thoại đường dây nóng, địa chỉ hộp thư điện tử của cơ quan, đơn vị, tổ chức mình và công bố công khai tại nơi tiếp dân, nơi làm việc và trên các phương tiện thông tin đại chúng để tiếp nhận các góp ý về quy trình thủ tục, các kiến nghị, phản ánh của cá nhân, tổ chức đối với những việc làm sai trái, sách nhiễu, tiêu cực, gây phiền hà của cán bộ, công chức, viên chức.
Phân công trách nhiệm cụ thể trong việc theo dõi, ghi nhận đầy đủ các thông tin, góp ý qua đường dây nóng, hộp thư điện tử; thẩm tra, xác minh, xử lý kịp thời và công bố công khai kết quả xử lý.
4. Kiên quyết xử lý kịp thời, nghiêm minh các hành vi vi phạm, gây nhũng nhiễu, phiền hà về thủ tục hành chính của cán bộ, công chức, viên chức thuộc quyền trong giải quyết công việc của người dân và doanh nghiệp, đặc biệt là các trường hợp tái phạm, có tổ chức, có tình tiết nghiêm trọng trong việc thực hiện các thủ tục cấp phép, đăng ký tài sản, đăng ký kinh doanh, xuất nhập cảnh, thuế, hải quan, cấp Giấy chứng nhân quyền sử dụng đất, đăng ký hộ khẩu, tuyển sinh, công chứng, chứng thực, khám chữa bệnh.
5. Thường xuyên giáo dục, nâng cao tinh thần trách nhiệm, thái độ, ý thức phục vụ của cán bộ, công chức, viên chức trong thực thi công vụ, nhiệm vụ, chú trọng những người có quan hệ trực tiếp với người dân, doanh nghiệp và tổ chức.
6. Đài Phát thanh - Truyền hình, Báo Khánh Hòa cùng với các cơ quan thông tin đại chúng tại địa bàn tích cực phát huy vai trò giám sát, tham gia phát hiện và góp ý, phê phán những cán bộ, công chức, viên chức có hành vi vi phạm, gây sách nhiễu, phiền hà về thủ tục hành chính; đồng thời, cổ vũ, động viên kịp thời những điển hình cán bộ, công chức, viên chức thực hiện tốt công vụ, nhiệm vụ, có tinh thần trách nhiệm và thái độ tận tụy phục vụ nhân dân.
Thủ trưởng các sở, ban, ngành, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã Cam Ranh, thành phố Nha Trang tổ chức thực hiện nghiêm Chỉ thị này, định kỳ báo cáo tình hình thực hiện cho Ủy ban nhân dân tỉnh vào trước ngày 15 tháng cuối mỗi quý.
Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh có trách nhiệm:
Theo dõi, kiểm tra đôn đốc việc thực hiện Chỉ thị này, tổng hợp và dự thảo báo cáo của Ủy ban nhân dân tỉnh cho Thủ tướng Chính phủ đúng thời gian quy định;
- Phối hợp với Sở Nội vụ và các ngành liên quan trình Ủy ban nhân dân tỉnh việc xử lý đối với thủ trưởng các cơ quan, tổ chức, đơn vị trực thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh để xảy ra các hành vi vi phạm hoặc chưa thực hiện đầy đủ các yêu cầu tại Chỉ thị này./.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
- 1Quyết định 20/2013/QĐ-UBND quy định biện pháp chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương hành chính của tỉnh Quảng Ngãi
- 2Chỉ thị 07/2013/CT-UBND tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính trên địa bàn tỉnh An Giang
- 3Quyết định 156/QĐ-UBND năm 2014 thành lập Tổ Kiểm tra liên ngành chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương hành chính trên địa bàn tỉnh Bình Phước
- 1Chỉ thị 32/2006/CT-TTg về biện pháp cần làm ngay để chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương hành chính trong giải quyết công việc của người dân và doanh nghiệp do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 2Quyết định 20/2013/QĐ-UBND quy định biện pháp chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương hành chính của tỉnh Quảng Ngãi
- 3Chỉ thị 07/2013/CT-UBND tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính trên địa bàn tỉnh An Giang
- 4Quyết định 156/QĐ-UBND năm 2014 thành lập Tổ Kiểm tra liên ngành chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương hành chính trên địa bàn tỉnh Bình Phước
Chỉ thị 31/CT-UBND năm 2006 về chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương hành chính trong giải quyết công việc của người dân và doanh nghiệp do Tỉnh Khánh Hòa ban hành
- Số hiệu: 31/CT-UBND
- Loại văn bản: Chỉ thị
- Ngày ban hành: 13/10/2006
- Nơi ban hành: Tỉnh Khánh Hòa
- Người ký: Võ Lâm Phi
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra