ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 31/CT-UB-NCVX | TP. Hồ Chí Minh, ngày 29 tháng 6 năm 1995 |
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC NGĂN CHẶN PHẠM TỘI, TỆ NẠN XÃ HỘI TRONG THANH NIÊN VÀ THIẾU NIÊN.
Trong những năm qua, thanh niên và thiếu niên ở thành phố đã có những cống hiến xứng đáng trong sự nghiệp phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, bảo vệ an ninh quốc phòng và trật tự an toàn xã hội, phòng chống phạm tội và tệ nạn xã hội ở thành phố.
Tuy vậy, công tác quản lý, giáo dục của gia đình, nhà trường, đoàn thể đối với thanh niên và thiếu niên còn có những yếu kém. Ca nhạc đồi trụy, phim ảnh kích dâm và bạo lực đã tác động mạnh đến phạm tội trong thanh niên và thiếu niên. Một bộ phận thanh niên, thiếu niên có nhận thức và tư tưởng lệch lạc, vi phạm pháp luật, trở thành tội phạm hoặc là nạn nhân của các tệ nạn xã hội. Năm 1994, thanh niên và thiếu niên chiếm trên 80% số tội phạm ở thành phố. Đây là vấn đề xã hội rất nghiêm trọng cần phải ra sức ngăn chặn.
Để làm tốt việc này, sau khi trao đổi nhất trí với Thành đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Ủy ban nhân dân thành phố chỉ thị :
1- Công an thành phố và Thành đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh phối hợp chặt chẽ xây dựng chương trình hành động cụ thể về ngăn chặn tội phạm trong lứa tuổi thanh thiếu niên ở thành phố, có kế hoạch tổ chức triển khai rộng khắp trong lực lượng Công an và Đoàn thanh niên.
2- Ủy ban nhân dân các quận, huyện, phường, xã và thủ trưởng các ngành, các cơ quan, đơn vị, trường học phải chỉ đạo thực hiện tốt Nghị quyết 01 ngày 27/12/1994 của Liên Bộ Nội vụ và Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, tạo điều kiện thuận lợi để Công an và Đoàn Thanh niên thực hiện tốt việc ngăn chặn phạm tội trong thanh thiếu niên. Trước mắt, cần chỉ đạo lực lượng công an phối hợp với Đoàn Thanh niên cùng với các ngành, đoàn thể, lực lượng vũ trang, các cơ quan thông tin đại chúng mở một đợt tuyên truyền, giáo dục thanh thiếu niên và vận động quần chúng nhân dân tích cực tham gia giáo dục, xây dựng cho thanh thiếu niên có lối sống lành mạnh, trong sáng, giản dị, hăng say lao động, học tập, rèn luyện, tích cực phòng chống các hành vi vi phạm pháp luật và các tệ nạn xã hội.
3- Thành đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh cần phải phối hợp với Thanh niên xung phong triển khai trung tâm điều trị, dạy nghề, giáo dục thanh thiếu niên khắc phục tệ nạn xã hội, có sự tham gia tích cực của Công an thành phố, Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Lao động-Thương binh và xã hội thành phố. Các cấp, các ngành theo chức năng của mình có trách nhiệm chỉ đạo, phối hợp chặt chẽ với Đoàn Thanh niên và Công an tăng cường các hoạt động của “Đội Thanh niên xung kích”, tổ chức các “Câu lạc bộ pháp luật tuổi trẻ”, các lớp học “Tình thương”, nơi tập hợp để giáo dục và quản lý trẻ em lang thang, cảm hóa thanh thiếu niên hư, phạm pháp ở địa bàn dân cư. Phối hợp với các Trung tâm dạy nghề để đào tạo và sắp xếp việc làm cho thanh niên.
4- Các quận, huyện, phường, xã cần dành một phần kinh phí kết hợp với tổ chức vận động các đơn vị, đoàn thể, tổ chức xã hội, cán bộ, nhân dân tự nguyện góp tiền lập “Quỹ phòng chống tội phạm và tệ nạn xã hội trong lứa tuổi thanh thiếu niên” để tạo việc làm cho thanh niên, trợ giúp những trung tâm giáo dục, lao động dạy nghề do thanh niên đảm trách.
5- Ủy ban nhân dân các quận, huyện, phường, xã chỉ đạo ngành Công an phối hợp với Đoàn Thanh niên và ngành Lao động-Thương binh xã hội tiến hành một đợt khảo sát, đánh giá đúng thực chất tình hình phạm pháp, phạm tội trong lứa tuổi thanh thiếu niên, nắm vững số thanh niên chưa có việc làm, làm rõ nguyên nhân và hoàn cảnh của từng người để có biện pháp quản lý, giáo dục, giúp đỡ từng người phấn đấu trở thành những công dân tốt trong xã hội.
6- Sở Lao động-Thương binh và xã hội thành phố phối hợp với các ngành và đoàn thể có liên quan để xây dựng đề án ngăn chặn các tệ nạn xã hội trong lứa tuổi thanh thiếu niên, củng cố các Trung tâm cai nghiện, Trung tâm giáo dục và dạy nghề phụ nữ, Trung tâm giáo dục thanh thiếu niên thuộc diện tệ nạn xã hội.
Sở Giáo dục đào tạo phối hợp với Sở Lao động-Thương binh xã hội, Ủy ban Bảo vệ và chăm sóc trẻ em, Ủy ban Thanh niên thành phố và Ủy ban nhân dân các quận, huyện, phường, xã khảo sát tình hình thất học trong thanh thiếu niên và tình hình trẻ em vào đời sớm, lang thang trên đường phố để phối hợp với Ủy ban nhân dân các cấp có hình thức thích hợp tổ chức dạy học cho thanh thiếu niên còn thất học.
Ngành Văn hóa thông tin phối hợp với Thành Đoàn triển khai kế hoạch tuyên truyền, xây dựng nếp sống văn hóa mới, văn minh, lịch sự trong thanh thiếu niên và ngăn chặn các loại ấn phẩm văn hóa có nội dung xấu, độc hại.
7- Ủy ban nhân dân thành phố giao cho Giám đốc Công an thành phố phối hợp với Bí thư Thành Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh giúp Ủy ban nhân dân thành phố mở hội nghị triển khai và chỉ đạo thực hiện chỉ thị này. Định kỳ mỗi năm một lần, Công an thành phố và Thành Đoàn tổ chức sơ kết, đánh giá kết quả và những tồn tại trong tổ chức thực hiện, kịp thời rút kinh nghiệm để tiếp tục chỉ đạo làm tốt việc ngăn chặn phạm tội và tệ nạn xã hội trong thanh thiếu niên.-
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ |
Chỉ thị 31/CT-UB-NCVX năm 1995 về việc ngăn chặn phạm tội, tệ nạn xã hội trong thanh niên và thiếu niên do Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành
- Số hiệu: 31/CT-UB-NCVX
- Loại văn bản: Chỉ thị
- Ngày ban hành: 29/06/1995
- Nơi ban hành: Thành phố Hồ Chí Minh
- Người ký: Trương Tấn Sang
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 29/06/1995
- Ngày hết hiệu lực: 14/12/1998
- Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực