Hệ thống pháp luật

BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 3029/CT-BNN-XD

Hà Nội, ngày 15 tháng 4 năm 2016

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC QUẢN LÝ TƯ VẤN TRONG CÁC DỰ ÁN SỬ DỤNG NGUỒN HỖ TRỢ PHÁT TRIỂN CHÍNH THỨC VÀ NGUỒN VỐN VAY ƯU ĐÃI CỦA CÁC NHÀ TÀI TRỢ DO BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN QUẢN LÝ

Thời gian qua, công tác quản lý các dự án sử dụng nguồn hỗ trợ phát triển chính thức (sau đây gọi tắt là nguồn vốn ODA) và vốn vay ưu đãi do Bộ Nông nghiệp và PTNT quản lý đã thực hiện nghiêm túc theo quy định hiện hành của Pháp luật và quy định của các nhà tài trợ, đảm bảo chất lượng và tiến độ, phát huy hiệu quả đầu tư, tăng cường cơ sở vật chất phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn, góp phần phát triển kinh tế-xã hội của đất nước. Tuy nhiên, công tác quản lý tư vấn của một số dự án còn tồn tại, hạn chế, như: số lượng dịch vụ tư vấn chưa phù hợp, chưa đáp ứng yêu cầu thực tế; chi phí, tiến độ và chất lượng sản phẩm đầu ra của tư vấn chưa được giám sát chặt chẽ và quản lý thống nhất.

Để khắc phục tồn tại, hạn chế nêu trên, nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT (Bộ) yêu cầu các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan đến các hoạt động quản lý tư vấn trong các dự án sử dụng nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi do Bộ Nông nghiệp và PTNT quản lý, thực hiện các nội dung như sau:

1. Sau khi Bộ trưởng cho phép lập dự án đầu tư, cơ quan đầu mối (cơ quan đầu mối quản lý dự án, cơ quan đầu mối thẩm định dự án - quy định tại Điều 3, Thông tư số 39/2015/TT-BNNPTNT ngày 20/10/2015 của Bộ Nông nghiệp và PTNT Quy định một số nội dung về công tác lựa chọn nhà thầu các dự án đầu tư xây dựng công trình sử dụng vốn đầu tư công do Bộ Nông nghiệp và PTNT quản lý (sau đây gọi tắt là Thông tư 39)) phải đề xuất, trình cấp quyết định đầu tư xem xét giao nhiệm vụ cho các cơ quan chuyên môn liên quan đến từng hợp phần của dự án để thực hiện trách nhiệm xem xét thẩm định, theo dõi, hướng dẫn, giám sát.

2. Chủ dự án, chủ đầu tư khi xây dựng điều khoản tham chiếu (TOR) cho các dịch vụ tư vấn phải nêu rõ: mục tiêu, phạm vi và nội dung công việc của từng vị trí tư vấn (tránh chồng chéo); khối lượng, chất lượng, thời gian thực hiện; tiêu chí năng lực của tư vấn; sản phẩm đầu ra của tư vấn; phương thức nghiệm thu sản phẩm đầu ra, dự kiến những sản phẩm cần thành lập Hội đồng để nghiệm thu.

Trước khi trình cơ quan chức năng phê duyệt TOR phải có ý kiến bằng văn bản của cơ quan đầu mối và các cơ quan chuyên môn được giao nhiệm vụ thẩm định các hợp phần.

Đối với sản phẩm tư vấn cần thành lập Hội đồng nghiệm thu: các chủ dự án, chủ đầu tư trình Bộ hoặc Tỉnh (nếu Tỉnh được Bộ ủy quyền quyết định đầu tư) về việc thành lập Hội đồng (kèm theo Quy chế hoạt động của Hội đồng, thành phần Hội đồng gồm đại diện cơ quan đầu mối và các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan). Báo cáo kết quả của Hội đồng nghiệm thu là cơ sở để cấp quyết định đầu tư quyết định nghiệm thu sản phẩm tư vấn. Chủ dự án, chủ đầu tư thanh quyết toán chi phí cho tư vấn trên cơ sở quyết định nghiệm thu của cấp quyết định đầu tư.

3. Căn cứ nội dung, tính chất, quy mô dịch vụ tư vấn của dự án, Vụ Hợp tác quốc tế chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu, xem xét việc lựa chọn tư vấn là tư vấn nước ngoài hay trong nước, tư vấn theo hình thức công ty hay cá nhân cho phù hợp, một số dịch vụ tư vấn chỉ nên sử dụng chuyên gia nước ngoài cho các vị trí chủ chốt hoặc vị trí có tính chất kỹ thuật phức tạp, sử dụng tối đa chuyên gia trong nước để giảm chi phí; báo cáo Bộ và làm việc, thống nhất với nhà tài trợ.

4. Khi lập và trình duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu (gọi tắt là KHLCNT) cho các gói thầu tư vấn, phải thực hiện nghiêm quy định tại các Điều 33, 34, 35, 36 của Luật Đấu thầu số 43/2013/QH13; quy định tại Điều 4, Điều 5 của Thông tư 39; Mục 2 của Chỉ thị số 4339/CT-BNN-XD ngày 05/12/2013 của Bộ NN&PTNT về việc tăng cường quản lý công tác đấu thầu các dự án sử dụng nguồn vốn ODA; quy định tại các Điều ước quốc tế liên quan; không tách hay chia nhỏ các gói thầu có nội dung liên quan với nhau trong một dự án; giảm số lượng gói thầu có tính chất và nội dung tương tự; nêu rõ các gói thầu mà sản phẩm đầu ra phải được Hội đồng nghiệm thu.

5. Trong hồ sơ mời thầu (HSMT) hoặc hồ sơ yêu cầu (HSYC), chủ dự án, chủ đầu tư phải quy định cụ thể các yêu cầu về cung cấp tài liệu cần thiết của nhà thầu tư vấn nước ngoài để phục vụ cho việc kiểm tra, phân tích đánh giá đề xuất tài chính của nhà thầu. Đối với những công việc tư vấn trong nước có thể đảm nhiệm, trong HSMT phải quy định rõ yêu cầu nhà thầu tư vấn nước ngoài liên danh hoặc sử dụng nhà thầu phụ tư vấn trong nước để tiết kiệm chi phí.

6. Giá gói thầu tư vấn được xác định trên cơ sở tổng mức đầu tư của dự án và phải được phê duyệt trong KHLCNT. Khi tổ chức đấu thầu, chủ đầu tư cần lập và phê duyệt lại dự toán gói thầu (nếu cần) để làm cơ sở đánh giá lựa chọn nhà thầu (kể cả trường hợp chỉ định thầu).

Dự toán gói thầu thuê tư vấn nước ngoài được xác định theo cách lập dự toán tháng - người (hoặc ngày - người) trên cơ sở cơ cấu, số lượng từng loại chuyên gia, tiền lương chuyên gia và các chi phí khác cần thiết và phải được xác định rõ trong TOR.

Mức lương tháng (hoặc ngày) của chuyên gia tư vấn trong nước (trong trường hợp liên danh hoặc làm thầu phụ cho nhà thầu tư vấn nước ngoài) căn cứ theo mức lương thực tế, các khoản chi phí xã hội, chi phí quản lý, lợi nhuận, các phụ cấp khác trong Báo cáo tài chính đã được kiểm toán hoặc xác nhận của cơ quan thuế, tài chính hoặc hợp đồng tương tự đã hoặc đang thực hiện trong năm gần nhất và mức trượt giá tiền lương hàng năm.

7. Việc thương thảo, hoàn thiện ký kết hợp đồng, điều chỉnh hợp đồng đối với công tác tư vấn, thực hiện theo quy định của nhà tài trợ và các Điều 8, 9, 10 của Thông tư 39 và phù hợp với KHLCNT được duyệt.

Trường hợp thay đổi đơn vị tư vấn, kéo dài thời gian thực hiện của tư vấn hay gia hạn thực hiện hợp đồng, trước khi lấy ý kiến của nhà tài trợ (nếu có) cần báo cáo Bộ (qua cơ quan đầu mối).

8. Về kiểm toán, quyết toán: Các gói thầu báo cáo kiểm toán, báo cáo tài chính của dự án thực hiện theo quy định của Hiệp định ký kết và chế độ kế toán hiện hành của Chính phủ Việt Nam. Hồ sơ quyết toán các gói thầu tư vấn thực hiện theo hình thức lập dự toán phải tập hợp đầy đủ chứng từ kế toán làm căn cứ thẩm tra, phê duyệt quyết toán.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn yêu cầu thủ trưởng các cơ quan thuộc Bộ; UBND các tỉnh, thành phố được Bộ Nông nghiệp và PTNT ủy quyền quản lý các dự án sử dụng nguồn hỗ trợ phát triển chính thức và vốn vay ưu đãi; các chủ dự án, chủ đầu tư các dự án, dự án thành phần thuộc dự án sử dụng nguồn hỗ trợ phát triển chính thức và vốn vay ưu đãi do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý nghiêm túc thực hiện Chỉ thị này./.

 

 

Nơi nhận:
- Văn phòng Chính phủ (để b/c);
- Lãnh đạo Bộ;
- Các Tổng cục, Cục, Vụ thuộc Bộ;
- Thanh tra Bộ;
- UBND, Sở Nông nghiệp và PTNT các tỉnh, TP;
- Các Ban: CPO, QLĐT và XDTL 1-10;
- Chủ đầu tư các TDA;
- Lưu: VT, XD.

BỘ TRƯỞNG




Cao Đức Phát

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Chỉ thị 3029/CT-BNN-XD năm 2016 về tăng cường công tác quản lý tư vấn trong dự án sử dụng nguồn hỗ trợ phát triển chính thức và nguồn vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý

  • Số hiệu: 3029/CT-BNN-XD
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Ngày ban hành: 15/04/2016
  • Nơi ban hành: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
  • Người ký: Cao Đức Phát
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 15/04/2016
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản