Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
Nếu bạn là thành viên. Vui lòng ĐĂNG NHẬP để tiếp tục.
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 30/2011/CT-UBND | TP. Hồ Chí Minh, ngày 14 tháng 9 năm 2011 |
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC TRIỂN KHAI THỰC HIỆN LUẬT NUÔI CON NUÔI NĂM 2010 VÀ NGHỊ ĐỊNH SỐ 19/2011/NĐ-CP NGÀY 21 THÁNG 3 NĂM 2011 CỦA CHÍNH PHỦ QUY ĐỊNH CHI TIẾT THI HÀNH MỘT SỐ ĐIỀU CỦA LUẬT NUÔI CON NUÔI TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
Ngày 17 tháng 6 năm 2010, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thông qua Luật Nuôi con nuôi số 52/2010/QH12, có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2011; Ngày 21 tháng 3 năm 2011, Chính phủ ban hành Nghị định số 19/2011/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Nuôi con nuôi có hiệu lực thi hành từ ngày 08 tháng 5 năm 2011.
Nhằm triển khai thực hiện hiệu quả các quy định của Luật Nuôi con nuôi và Nghị định số 19/2011/NĐ-CP, tăng cường trách nhiệm của cơ quan đăng ký, quản lý việc nuôi con nuôi, bảo đảm quyền, nghĩa vụ của người nhận con nuôi và người được nhận làm con nuôi; Ủy ban nhân dân thành phố giao các sở - ban - ngành và Ủy ban nhân dân các quận - huyện, phường - xã, thị trấn thực hiện các nhiệm vụ sau:
1. Sở Tư pháp:
a) Tổ chức tập huấn Luật Nuôi con nuôi và Nghị định số 19/2011/NĐ-CP đến lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể có liên quan; báo cáo viên pháp luật thành phố; lãnh đạo Ủy ban nhân dân các quận - huyện, phường - xã, thị trấn nhằm quán triệt các nội dung cơ bản của Luật, Nghị định để triển khai áp dụng đồng bộ trên địa bàn thành phố.
Thời gian thực hiện: Trước tháng 10 năm 2011.
b) Chủ trì, phối hợp với Hội đồng phối hợp công tác phổ biến, giáo dục pháp luật thành phố tổ chức phổ biến sâu rộng pháp luật nuôi con nuôi nhằm nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm của cá nhân, cơ quan, tổ chức trong việc bảo đảm quyền và nghĩa vụ của người nhận con nuôi và người được nhận làm con nuôi.
Thời gian thực hiện: Trước tháng 12 năm 2011.
c) Chủ trì, phối hợp với Ủy ban nhân dân quận - huyện, Công an thành phố, Sở Y tế, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Tài chính tham mưu Ủy ban nhân dân thành phố ban hành Quy chế phối hợp trong thực hiện việc đăng ký nuôi con nuôi trong nước, nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài. Quy chế phải thể hiện rõ trách nhiệm, quy trình thực hiện công việc cụ thể tại mỗi cơ quan, đơn vị và mối quan hệ phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị trong việc thực hiện pháp luật nuôi con nuôi.
Thời gian thực hiện: Trước tháng 12 năm 2011.
d) Chủ trì, phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông xây dựng đề án tin học hóa công tác đăng ký, quản lý việc nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài tại Sở Tư pháp và việc đăng ký, quản lý nuôi con nuôi trong nước tại các xã, phường, thị trấn.
Thời gian thực hiện: Trước tháng 6 năm 2012.
đ) Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan giúp Ủy ban nhân dân thành phố hướng dẫn, kiểm tra việc tổ chức thực hiện đăng ký, quản lý việc nuôi con nuôi trong nước, nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài trên địa bàn thành phố, kiểm tra tình hình tiếp nhận trẻ em vào nuôi dưỡng tại các Trung tâm nuôi dưỡng, bảo trợ trẻ em trực thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thành phố, kiểm tra hoạt động của các Văn phòng con nuôi nước ngoài đang hoạt động tại thành phố theo quy định của pháp luật.
2. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội:
a) Chịu trách nhiệm hướng dẫn các Trung tâm nuôi dưỡng, bảo trợ trẻ em trực thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội có chức năng giới thiệu trẻ em cho làm con nuôi nước ngoài việc lập hồ sơ, phương pháp thẩm tra, xác minh hồ sơ… cho trẻ em làm con nuôi nước ngoài; xem xét, xác nhận danh sách trẻ em đủ điều kiện cho làm con nuôi nước ngoài của các Trung tâm nuôi dưỡng, bảo trợ trẻ em.
b) Đảm bảo các điều kiện cơ sở vật chất trong việc nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em tại các Trung tâm nuôi dưỡng, bảo trợ trẻ em trực thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội.
3. Công an thành phố:
a) Thực hiện thẩm tra, xác minh hồ sơ nguồn gốc trẻ em bị bỏ rơi được cho làm con nuôi và trả lời kết quả cho cơ quan gửi xác minh đúng thời hạn quy định.
b) Có biện pháp phòng ngừa, phát hiện, điều tra, xử lý vi phạm pháp luật trong lĩnh vực nuôi con nuôi.
c) Chỉ đạo Công an quận - huyện, phường - xã, thị trấn thường xuyên kiểm tra tình hình hoạt động, việc quản lý nhân khẩu, hộ khẩu; tình hình tạm trú, tạm vắng tại các Trung tâm nuôi dưỡng, bảo trợ trẻ em trực thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội và các cơ sở nuôi dưỡng trẻ em được thành lập hợp pháp để tránh tình trạng thu nhận trẻ em, hình thành cơ sở nuôi dưỡng trẻ em tự phát gây mất trật tự, an toàn xã hội.
4. Sở Y tế:
Hướng dẫn, kiểm tra các bệnh viện trên địa bàn thành phố thực hiện nghiêm túc việc cấp các giấy tờ về sự kiện sinh, tử, trẻ em bị bỏ rơi theo đúng quy định của pháp luật để tránh tình trạng làm hồ sơ giả cho trẻ em làm con nuôi, mua bán trẻ em.
5. Sở Nội vụ:
Chủ trì, phối hợp với Sở Tư pháp rà soát, đánh giá đội ngũ cán bộ tư pháp trên địa bàn thành phố; tham mưu Ủy ban nhân dân thành phố củng cố, kiện toàn đội ngũ cán bộ tư pháp, đảm bảo biên chế cần thiết cho hoạt động đăng ký và quản lý hộ tịch trên địa bàn thành phố.
6. Sở Tài chính:
Chủ trì, phối hợp với Sở Tư pháp, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tham mưu Ủy ban nhân dân thành phố có văn bản hướng dẫn sử dụng khoản tiền từ chi phí giải quyết nuôi con nuôi nước ngoài do Cục Con nuôi - Bộ Tư pháp chuyển vào ngân sách thành phố theo quy định tại Khoản 1 Điều 49 Nghị định số 19/2011/NĐ-CP ngày 21 tháng 3 năm 2011 của Chính phủ.
7. Đài Truyền hình thành phố, Đài Tiếng nói nhân dân thành phố, các Báo trực thuộc thành phố:
a) Phổ biến rộng rãi pháp luật nuôi con nuôi để nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm của cá nhân, cơ quan, tổ chức trong việc bảo đảm quyền và nghĩa vụ của người nhận con nuôi và người được nhận làm con nuôi.
b) Hỗ trợ Sở Tư pháp thành phố trong việc thông tin danh sách trẻ em cần tìm mái ấm gia đình thay thế.
8. Ủy ban nhân dân quận - huyện:
a) Tăng cường công tác chỉ đạo và kiểm tra, theo dõi tình hình đăng ký nuôi con nuôi tại Ủy ban nhân dân phường - xã, thị trấn.
b) Tập huấn, hướng dẫn công chức tư pháp - hộ tịch phường - xã, thị trấn trong việc ghi chép biên bản tiếp xúc, lấy ý kiến của những người có liên quan; xác nhận điều kiện kinh tế, chỗ ở, hoàn cảnh gia đình của người nhận con nuôi; chú ý việc giải quyết đăng ký nuôi con nuôi thực tế theo Điều 50 Luật Nuôi con nuôi chặt chẽ, đúng quy định pháp luật.
c) Tổ chức rà soát đội ngũ công chức tư pháp - hộ tịch để đào tạo, bồi dưỡng, đáp ứng tiêu chuẩn về nghiệp vụ chuyên môn và phẩm chất đạo đức; bố trí, sử dụng cán bộ ổn định lâu dài. Đối với những phường - xã, thị trấn còn thiếu công chức tư pháp, hộ tịch chuyên trách, Ủy ban nhân dân quận - huyện khẩn trương chỉ đạo Ủy ban nhân dân phường - xã, thị trấn bố trí đủ cán bộ để đảm trách công việc tiếp nhận, giải quyết hồ sơ hộ tịch theo thẩm quyền.
9. Ủy ban nhân dân phường - xã, thị trấn: chuẩn bị nhân sự, cơ sở vật chất, đảm bảo thực hiện tốt các quy định của pháp luật nuôi con nuôi.
Chỉ thị này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày, kể từ ngày ký. Yêu cầu thủ trưởng các sở - ngành, đơn vị và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận - huyện, phường - xã, thị trấn triển khai thực hiện nghiêm túc Chỉ thị này./.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
Chỉ thị 30/2011/CT-UBND triển khai Luật Nuôi con nuôi năm 2010 và Nghị định 19/2011/NĐ-CP hướng dẫn Luật Nuôi con nuôi trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh do Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành
- Số hiệu: 30/2011/CT-UBND
- Loại văn bản: Chỉ thị
- Ngày ban hành: 14/09/2011
- Nơi ban hành: Thành phố Hồ Chí Minh
- Người ký: Lê Minh Trí
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Số 57
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra