Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 29/CT-UBND | Thanh Hóa, ngày 29 tháng 12 năm 2020 |
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC TẬP TRUNG TRIỂN KHAI QUYẾT LIỆT, ĐỒNG BỘ CÁC BIỆN PHÁP PHÒNG, CHỐNG BỆNH VIÊM DA NỔI CỤC TRÊN TRÂU, BÒ VÀ CÁC LOẠI DỊCH BỆNH GIA SÚC, GIA CẦM VỤ ĐÔNG XUÂN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH THANH HÓA
Trong thời gian qua, tình hình dịch bệnh gia súc, gia cầm trên địa bàn cả nước diễn biến phức tạp; từ đầu năm 2020 đến nay, đã xảy ra nhiều loại dịch bệnh nguy hiểm như: bệnh Dịch tả lợn châu Phi, bệnh Cúm gia cầm, bệnh Lở mồm long móng, bệnh Tai xanh. Đặc biệt từ giữa tháng 10 năm 2020, bệnh Viêm da nổi cục trên đàn trâu, bò lần đầu tiên xuất hiện tại Việt Nam và đã xảy ra tại 97 xã, 37 huyện của 13 tỉnh, thành phố (trong đó có tỉnh Sơn La và tỉnh Nghệ An giáp ranh với tỉnh ta) nhưng tại Việt Nam chưa có vắc xin phòng bệnh, làm 1.323 con trâu, bò mắc bệnh, buộc phải tiêu hủy trên 200 con. Trên địa bàn tỉnh ta, bệnh Dịch tả lợn châu Phi đã tái phát từ tháng 10 năm 2020 tại 342 hộ, 129 thôn, 38 xã, 08 huyện, hiện vẫn còn 02 xã của huyện Thạch Thành chưa công bố hết dịch; bệnh Cúm gia cầm tuy đã được dập tắt nhưng kết quả giám sát lưu hành vi rút vẫn ở mức cao. Nếu không được kiểm soát chặt chẽ, nguy cơ các loại dịch bệnh bùng phát trở lại và xuất hiện các loại dịch bệnh mới trên địa bàn tỉnh là rất cao, nhất là trong điều kiện thời tiết thay đổi bất lợi, nhu cầu vận chuyển động vật, sản phẩm động vật tăng mạnh vào dịp trước và sau Tết Nguyên Đán.
Để kiểm soát tốt, không để các loại dịch bệnh nguy hiểm xảy ra diện rộng, đảm bảo nguồn cung thực phẩm và an toàn thực phẩm trong thời gian trước, trong và sau Tết Nguyên Đán, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu Giám đốc các sở, Trưởng các ban, ngành cấp tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố tập trung các nguồn lực và khẩn trương triển khai quyết liệt, đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch bệnh theo đúng quy định của Luật thú y, các văn bản chỉ đạo của Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Chỉ thị số 8711/CT-BNN-TY ngày 11/12/2020 và số 8634/CT-BNN-TY ngày 09/12/2020 của Bộ Nông nghiệp và PTNT, các văn bản chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh và Chủ tịch UBND tỉnh; trong đó tập trung triển khai ngay các biện pháp sau:
1. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố
1.1. Khẩn trương củng cố, kiện toàn Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm cấp huyện, cấp xã, Tổ giám sát thôn, ban để tập trung nguồn lực và tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả các văn bản chỉ đạo, chương trình, kế hoạch phòng, chống dịch bệnh của Trung ương, của tỉnh và hướng dẫn của ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
1.2. Chỉ đạo Trung tâm dịch vụ nông nghiệp và các đơn vị trực thuộc tập trung hướng dẫn người chăn nuôi tăng cường theo dõi đàn gia súc, gia cầm, áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, thực hành chăn nuôi tốt, vệ sinh, sát trùng, diệt côn trùng, ruồi muỗi, ve, mòng... tại khu vực chăn nuôi, bổ sung chất dinh dưỡng, khoáng chất, tu sửa chuồng trại, chống rét, mưa, gió để nâng cao sức đề kháng cho gia súc.
1.3. Rà soát, tiêm phòng mới, tiêm nhắc lại, tiêm bổ sung cho đàn vật nuôi, đảm bảo 100% gia súc, gia cầm thuộc diện tiêm phòng phải được tiêm phòng vắc xin phòng bệnh, đặc biệt là các loại dịch bệnh nguy hiểm như: Cúm gia cầm, Lở mồm long móng, tai xanh....
1.4. Tổ chức rà soát, thống kê tổng đàn, hộ chăn nuôi gia súc, gia cầm, đặc biệt là đàn trâu, bò trên địa bàn và hướng dẫn người chăn nuôi chủ động giám sát, kịp thời phát hiện gia súc, gia cầm mắc bệnh. Tăng cường công tác giám sát dịch bệnh gia súc, gia cầm, nhất là tại các khu vực đã từng có dịch bệnh xuất hiện, khu vực có nguy cơ cao để phát hiện sớm, cảnh báo và xử lý dứt điểm khi dịch bệnh mới được phát hiện; xử lý nghiêm các trường hợp giấu, không báo cáo dẫn đến dịch bệnh lây lan rộng, gây bức xúc cho người dân và cộng đồng.
1.5. Tăng cường công tác quản lý kiểm dịch, kiểm soát vận chuyển động vật, sản phẩm động vật; tổ chức ngăn chặn và xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển động vật, sản phẩm động vật trái phép; chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra, giám sát, phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp buôn bán, vận chuyển, giết mổ động vật, chế biến các sản phẩm không bảo đảm yêu cầu về phòng, chống dịch bệnh, an toàn thực phẩm.
1.6. Trường hợp các huyện, thị xã, thành phố xảy ra ổ dịch Viêm da nổi cục trên trâu, bò phải tập trung các nguồn lực và áp dụng đồng bộ các giải pháp để kiểm soát, tiêu hủy, xử lý dứt điểm các ổ dịch, không để dịch bệnh lây lan, phát sinh các ổ dịch mới theo đúng hướng dẫn của ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; báo cáo kịp thời, đầy đủ về tình hình dịch bệnh từ cấp thôn/bản đến cấp xã, cấp huyện, cấp tỉnh theo đúng quy định.
1.7. Người đứng đầu địa phương, đơn vị nếu để xảy ra dịch bệnh xảy ra và lây lan rộng trên địa bàn do lơ là, chủ quan trong lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện công tác phòng, chống dịch hoặc giấu dịch phải chịu trách nhiệm trước pháp luật và UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh.
2. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
2.1. Tăng cường chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc các địa phương thực hiện nghiêm quy định về phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm, đặc biệt là công tác giám sát dịch bệnh, công tác quản lý chăn nuôi an toàn sinh học, công tác vệ sinh tiêu độc khử trùng, công tác tái đàn, kiểm soát vận chuyển, kiểm soát giết mổ và các biện pháp xử lý các ổ dịch; thành lập các đoàn công tác, đội phản ứng nhanh để kiểm tra, hướng dẫn xử lý dứt điểm các ổ dịch ngay khi mới xuất hiện, báo cáo kết quả thực hiện với Chủ tịch UBND tỉnh.
2.2. Chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố chủ động giám sát, lấy mẫu xét nghiệm để kịp thời phát hiện và xử lý triệt để các ổ dịch ngay khi mới xảy ra, không để lây lan diện rộng; chuẩn bị đầy đủ các loại vật tư, hóa chất, xây dựng dự toán kinh phí đảm bảo công tác phòng, chống dịch bệnh.
2.3. Triển khai xây dựng và nhân rộng các mô hình, cơ sở chăn nuôi áp dụng có hiệu quả các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh phù hợp với điều kiện và quy mô chăn nuôi; đẩy mạnh thực hiện xây dựng các vùng, chuỗi chăn nuôi, sản xuất thịt lợn an toàn dịch bệnh.
3. Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các đơn vị liên quan chủ động tham mưu, cân đối nguồn kinh phí phục vụ công tác phòng, chống bệnh trên địa bàn tỉnh theo đúng nội dung chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và UBND tỉnh.
4. Các sở, ngành, thành viên Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm và các bệnh lây lan từ động vật sang người tăng cường kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn các biện pháp phòng, chống dịch tại các địa phương được giao phụ trách chỉ đạo; kịp thời phát hiện những hạn chế, yếu kém trong công tác phòng, chống dịch bệnh và đề xuất biện pháp khắc phục, báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch tỉnh (qua Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để tổng hợp).
5. Đề nghị Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Thanh Hóa, các tổ chức đoàn thể tăng cường phối hợp với chính quyền các cấp vận động đoàn viên, hội viên và Nhân dân tự giác tuân thủ, thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống bệnh gia súc, gia cầm trên địa bàn./.
| CHỦ TỊCH |
- 1Kế hoạch 02/KH-UBND về phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm và thủy sản trên địa bàn tỉnh Ninh Bình năm 2021
- 2Kế hoạch 15/KH-UBND về phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm và thủy sản năm 2021 trên địa bàn tỉnh Yên Bái
- 3Quyết định 261/QĐ-UBND về Kế hoạch phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm và thủy sản trên địa bàn tỉnh Tây Ninh năm 2021
- 4Kế hoạch 68/KH-UBND năm 2021 về ngăn chặn và phòng, chống bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò do tỉnh Thừa Thiên Huế ban hành
- 5Kế hoạch 223/KH-UBND năm 2021 triển khai tiêm phòng vắc xin phòng bệnh Viêm da nổi cục trên trâu, bò trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn
- 6Chì thị 06/CT-UBND năm 2021 về tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp kiểm soát phòng, chống bệnh Viêm da nổi cục trên trâu, bò trên địa bàn tỉnh Bình Định
- 7Quyết định 1001/QĐ-UBND năm 2021 về Kế hoạch ứng phó khẩn cấp với bệnh Viêm da nổi cục trâu, bò trên địa bàn tỉnh Nghệ An
- 1Luật thú y 2015
- 2Chỉ thị 8634/CT-BNN-TY năm 2020 về tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ giải pháp phòng, chống dịch bệnh Viêm da nổi cục trên trâu, bò do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành
- 3Chỉ thị 8711/CT-BNN-TY năm 2020 về tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm vụ Đông Xuân do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành
- 4Kế hoạch 02/KH-UBND về phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm và thủy sản trên địa bàn tỉnh Ninh Bình năm 2021
- 5Kế hoạch 15/KH-UBND về phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm và thủy sản năm 2021 trên địa bàn tỉnh Yên Bái
- 6Quyết định 261/QĐ-UBND về Kế hoạch phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm và thủy sản trên địa bàn tỉnh Tây Ninh năm 2021
- 7Kế hoạch 68/KH-UBND năm 2021 về ngăn chặn và phòng, chống bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò do tỉnh Thừa Thiên Huế ban hành
- 8Kế hoạch 223/KH-UBND năm 2021 triển khai tiêm phòng vắc xin phòng bệnh Viêm da nổi cục trên trâu, bò trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn
- 9Chì thị 06/CT-UBND năm 2021 về tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp kiểm soát phòng, chống bệnh Viêm da nổi cục trên trâu, bò trên địa bàn tỉnh Bình Định
- 10Quyết định 1001/QĐ-UBND năm 2021 về Kế hoạch ứng phó khẩn cấp với bệnh Viêm da nổi cục trâu, bò trên địa bàn tỉnh Nghệ An
Chỉ thị 29/CT-UBND năm 2020 về tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ biện pháp phòng, chống bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò và các loại dịch bệnh gia súc, gia cầm vụ Đông Xuân trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa
- Số hiệu: 29/CT-UBND
- Loại văn bản: Chỉ thị
- Ngày ban hành: 29/12/2020
- Nơi ban hành: Tỉnh Thanh Hóa
- Người ký: Đỗ Minh Tuấn
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 29/12/2020
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra