Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
Nếu bạn là thành viên. Vui lòng ĐĂNG NHẬP để tiếp tục.
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 29/CT-TTg | Hà Nội, ngày 06 tháng 12 năm 2023 |
VỀ VIỆC NGĂN CHẶN NHẬP LẬU, VẬN CHUYỂN TRÁI PHÉP ĐỘNG VẬT, SẢN PHẨM ĐỘNG VẬT; KIỂM SOÁT TỐT DỊCH BỆNH, PHÁT TRIỂN CHĂN NUÔI BỀN VỮNG, BẢO ĐẢM NGUỒN CUNG THỰC PHẨM
Thời gian qua, Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều văn bản chỉ đạo việc ngăn chặn nhập lậu, vận chuyển trái phép gia cầm, lợn và các sản phẩm động vật từ nước ngoài vào Việt Nam; đồng thời, tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch bệnh động vật. Đến nay, tình trạng nhập lậu có nhiều chuyển biến tích cực; dịch bệnh động vật nói chung và dịch tả lợn Châu Phi nói riêng cơ bản được kiểm soát, góp phần quan trọng trong việc duy trì tốc độ phát triển của ngành chăn nuôi, bảo đảm nguồn cung thực phẩm cho tiêu dùng trong nước và đẩy mạnh xuất khẩu.
Tuy nhiên, tình trạng nhập lậu động vật (gia cầm, lợn và trâu, bò) vẫn diễn ra phức tạp tại một số địa phương, gây nguy cơ xâm nhiễm các loại dịch bệnh, mất an toàn thực phẩm. Bên cạnh đó, dịch bệnh động vật, nhất là bệnh Dịch tả lợn Châu Phi tiếp tục xảy ra ở một số địa phương, ảnh hưởng lớn đến phát triển chăn nuôi, làm tăng chi phí, giá thành sản xuất, tổn thất về kinh tế cho người chăn nuôi, gây nguy cơ mất an toàn thực phẩm và giảm nguồn cung trong thời gian tới.
Để ngăn chặn triệt để, chấm dứt tình trạng nhập lậu, vận chuyển trái phép động vật, sản phẩm động vật, kiểm soát tốt các loại dịch bệnh động vật, giảm chi phí, hạ giá thành chăn nuôi, nâng cao hiệu quả kinh tế trong chăn nuôi và bảo đảm nguồn cung sản phẩm trong các tháng cuối năm 2023 và đầu năm 2024, nhất là dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu:
1. Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương:
a) Chỉ đạo lực lượng Bộ đội Biên phòng, Hải quan, Công an, Ban chỉ đạo 389 địa phương tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát, đặc biệt tại các cửa khẩu, đường mòn, lối mở khu vực biên giới, cảng biển, đường sông,....để kịp thời ngăn chặn, phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp buôn bán, vận chuyển trái phép động vật, sản phẩm động vật qua biên giới vào Việt Nam;
b) Chỉ đạo, triển khai lực lượng kiểm tra, giám sát chặt chẽ đối với các cơ sở thu gom, giết mổ gia súc, gia cầm, nhất là các địa bàn tiếp giáp biên giới; tăng cường công tác kiểm tra và truy xuất nguồn gốc đối với việc vận chuyển động vật, sản phẩm động vật tiêu thụ tại địa bàn; kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật;
c) Tổ chức tuyên truyền cho nhân dân nhất là người dân ở khu vực biên giới về tác hại của việc nhập lậu, nguy cơ xâm nhiễm các dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, mất an toàn thực phẩm do vận chuyển trái phép, nhập lậu động vật, sản phẩm động vật từ nước ngoài vào Việt Nam;
d) Hướng dẫn người chăn nuôi tăng cường áp dụng các biện pháp chăn nuôi theo hướng tập trung hàng hóa, an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh để giảm giá thành sản xuất, nâng cao hiệu quả kinh tế trong chăn nuôi.
đ) Tập trung chỉ đạo, ưu tiên bố trí nguồn lực để tổ chức triển khai quyết liệt, đồng bộ, có hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch bệnh động vật, nhất là bệnh Dịch tả lợn Châu Phi theo quy định của pháp luật về thú y, chỉ đạo của Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ (tại các Chương trình, Kế hoạch quốc gia do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; các Công điện, Chỉ thị đã ban hành) và hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong đó đẩy mạnh việc tiêm vắc xin phòng bệnh Dịch tả lợn Châu Phi trên đàn lợn thịt;
e) Căn cứ tình hình cụ thể tại địa phương, chủ động chỉ đạo lực lượng Quản lý thị trường và các đơn vị có liên quan phối hợp với lực lượng làm công tác Thú y, Công an, Thanh tra giao thông lập các chốt kiểm soát, tổ kiểm soát lưu động để phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp buôn bán, vận chuyển trái phép động vật, sản phẩm động vật không rõ nguồn gốc xuất xứ, chưa qua kiểm dịch;
g) Khẩn trương kiện toàn và tăng cường năng lực hệ thống thú y các cấp theo quy định của Luật Thú y năm 2015, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ (Quyết định số 414/QĐ-TTg ngày 22/3/2021 và Quyết định số 889/QĐ-TTg ngày 25/7/2023) để bảo đảm các nguồn lực tổ chức triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ phòng, chống dịch bệnh động vật, ngăn chặn nhập lậu, vận chuyển trái phép động vật, sản phẩm động vật;
h) Chỉ đạo các cơ quan chức năng, Ủy ban nhân dân các cấp thành lập các đoàn kiểm tra, đánh giá đúng thực trạng để chủ động chỉ đạo các biện pháp phù hợp, tổ chức ngăn chặn kịp thời, có hiệu quả và xử lý nghiêm những sai phạm trong buôn bán, vận chuyển động vật, sản phẩm động vật, cũng như trong công tác phòng, chống dịch bệnh động vật, nhất là bệnh Dịch tả lợn Châu Phi và tiêm vắc xin.
2. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:
a) Theo dõi sát tình hình, chủ động chỉ đạo, triển khai các biện pháp bảo đảm nguồn cung thực phẩm trước, trong và sau dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024.
b) Chỉ đạo cơ quan chuyên môn thú y tăng cường công tác kiểm dịch nhập khẩu, vận chuyển động vật, sản phẩm động vật trong nội địa theo quy định pháp luật, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm;
c) Phối hợp với các địa phương và các bộ, ngành có liên quan kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp buôn bán, vận chuyển trái phép động vật, sản phẩm động vật qua biên giới vào Việt Nam;
d) Tập trung chỉ đạo, tổ chức hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra việc phòng, chống dịch bệnh động vật, nhất là bệnh Dịch tả lợn Châu Phi; chủ động giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh; phát hiện sớm, cảnh báo và chỉ đạo xử lý triệt để ổ dịch, không để dịch bệnh lây lan diện rộng; chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương, doanh nghiệp tập trung xây dựng thành công các vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh để phục vụ xuất khẩu.
3. Bộ Công Thương:
a) Chỉ đạo lực lượng Quản lý thị trường và các đơn vị có liên quan phối hợp với lực lượng Thú y, Công an, Thanh tra giao thông xử lý các trường hợp buôn bán, vận chuyển trái phép động vật, sản phẩm động vật không rõ nguồn gốc xuất xứ, chưa qua kiểm dịch trên thị trường; có giải pháp kiểm soát, giảm thiểu chi phí trung gian, tăng lợi ích kinh tế cho người chăn nuôi;
b) Tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, ngăn chặn hành vi đầu cơ, găm hàng, gian lận thương mại, thao túng thị trường, đẩy giá bất hợp lý gây thiệt hại cho người tiêu dùng và ảnh hưởng đến phát triển chăn nuôi trong nước.
4. Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo các cơ quan thông tấn, báo chí và hệ thống đài truyền thanh cơ sở tổ chức công tác truyền thông về tác hại của việc nhập lậu, nguy cơ xâm nhiễm các dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, mất an toàn thực phẩm do nhập lậu vận chuyển trái phép động vật, sản phẩm động vật từ nước ngoài vào Việt Nam; các biện pháp phòng, chống dịch bệnh động vật; phát triển chăn nuôi an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh, đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm động vật sản xuất trong nước, nhất là các sản phẩm thịt lợn.
5. Các Bộ, ngành có liên quan theo chức năng, nhiệm vụ được giao chủ động chỉ đạo các cơ quan chức năng chuyên ngành phối hợp để triển khai các biện pháp nhằm ngăn chặn, chấm dứt để tình trạng nhập lậu, vận chuyển trái phép động vật, sản phẩm động vật, đồng thời kiểm soát tốt các loại dịch bệnh động vật, hạ giá thành chăn nuôi, đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm động vật sản xuất trong nước.
Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, các cơ quan, tổ chức liên quan triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Chỉ thị này./.
| THỦ TƯỚNG |
- 1Công văn 2457/BNN-PC xử lý vụ mua, bán, vận chuyển, nuôi trái phép động vật nguy cấp, quý, hiếm do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành
- 2Công điện 9863/CĐ-BNN-TY năm 2018 về ngăn chặn tình trạng nhập lậu, vận chuyển trái phép, buôn bán, tiêu thụ động vật, sản phẩm động vật nhập lậu từ nước ngoài vào Việt Nam do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành
- 3Công văn 7169/TCHQ-ĐTCBL năm 2020 về tăng cường công tác chống buôn lậu, vận chuyển trái phép gia súc, sản phẩm động vật qua biên giới do Tổng cục Hải quan ban hành
- 4Quyết định 1740/QĐ-TTg năm 2023 phê duyệt Đề án Phát triển công nghiệp giết mổ, chế biến và thị trường sản phẩm chăn nuôi đến năm 2030 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 1Công văn 2457/BNN-PC xử lý vụ mua, bán, vận chuyển, nuôi trái phép động vật nguy cấp, quý, hiếm do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành
- 2Luật thú y 2015
- 3Công điện 9863/CĐ-BNN-TY năm 2018 về ngăn chặn tình trạng nhập lậu, vận chuyển trái phép, buôn bán, tiêu thụ động vật, sản phẩm động vật nhập lậu từ nước ngoài vào Việt Nam do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành
- 4Quyết định 414/QĐ-TTg năm 2021 phê duyệt Đề án tăng cường năng lực hệ thống cơ quan quản lý chuyên ngành thú y các cấp, giai đoạn 2021-2030 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 5Công văn 7169/TCHQ-ĐTCBL năm 2020 về tăng cường công tác chống buôn lậu, vận chuyển trái phép gia súc, sản phẩm động vật qua biên giới do Tổng cục Hải quan ban hành
- 6Quyết định 889/QĐ-TTg năm 2023 phê duyệt "Kế hoạch quốc gia triển khai các nhiệm vụ trọng tâm nhằm tăng cường năng lực quản lý, kiểm soát dịch bệnh động vật và bảo đảm an toàn thực phẩm có nguồn gốc động vật, giai đoạn 2023-2030" do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 7Quyết định 1740/QĐ-TTg năm 2023 phê duyệt Đề án Phát triển công nghiệp giết mổ, chế biến và thị trường sản phẩm chăn nuôi đến năm 2030 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
Chỉ thị 29/CT-TTg năm 2023 về ngăn chặn nhập lậu, vận chuyển trái phép động vật, sản phẩm động vật; kiểm soát tốt dịch bệnh, phát triển chăn nuôi bền vững, bảo đảm nguồn cung thực phẩm do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- Số hiệu: 29/CT-TTg
- Loại văn bản: Chỉ thị
- Ngày ban hành: 06/12/2023
- Nơi ban hành: Thủ tướng Chính phủ
- Người ký: Phạm Minh Chính
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Từ số 1297 đến số 1298
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra