Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 29/CT-TTg

Hà Nội, ngày 02 tháng 12 năm 2019

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TIẾP TỤC TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC ĐỐI VỚI HOẠT ĐỘNG SẢN XUẤT, KINH DOANH THAN VÀ CUNG CẤP THAN CHO SẢN XUẤT ĐIỆN

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ về việc tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh than, các bộ, ngành, địa phương cùng với Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam và Tổng công ty Đông Bắc đã chủ động, tích cực trong quản lý hoạt động sản xuất, kinh doanh than; công tác quản lý hoạt động sản xuất, kinh doanh than trên địa bàn các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đã có nhiều chuyển biến tích cực; tình trạng khai thác và kinh doanh than (mua bán nội địa, xuất khẩu, nhập khẩu, vận chuyển, tàng trữ,…) trái phép đã giảm, việc tiêu thụ than bất hợp pháp đã được hạn chế, góp phần cho ngành công nghiệp Than phát triển bền vững, đóng góp đáng kể cho ngân sách nhà nước. Việc cung cấp than cho sản xuất điện được Chính phủ, các bộ, ngành chỉ đạo kịp thời, tích cực và đã đạt được những tiến bộ nhất định, góp phần tích cực trong việc bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Tuy nhiên, trong thời gian qua, việc khai thác và kinh doanh than trái phép vẫn còn diễn ra và tiềm ẩn nguy cơ tái diễn; tình trạng vi phạm quy định về an toàn lao động và bảo vệ môi trường trong hoạt động sản xuất, kinh doanh than còn tồn tại; hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về hoạt động sản xuất, kinh doanh than còn hạn chế; công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động sản xuất, kinh doanh than có địa phương còn chưa được quan tâm đúng mức; sự phối hợp giữa chủ đầu tư nhà máy nhiệt điện than với các doanh nghiệp cung cấp than còn chưa chặt chẽ, kịp thời; khối lượng, chủng loại than cung cấp cho một số nhà máy nhiệt điện than còn chưa được đáp ứng kịp thời theo yêu cầu của nhà máy.

Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng trên là do: Sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng ở trung ương và địa phương, đặc biệt là giữa các địa phương có hoạt động sản xuất, kinh doanh than chưa thật sự chặt chẽ; cá biệt có hành vi tiếp tay, bao che của một số tổ chức, cá nhân được giao nhiệm vụ quản lý nhà nước trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh than; việc xử lý những vi phạm trong hoạt động sản xuất, kinh doanh than còn chưa nghiêm, chế tài xử phạt chưa đủ mạnh; tài nguyên than phân bố trên diện tích rộng, địa hình phức tạp, đan xen với khu vực dân cư và các dự án phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; lợi nhuận bất chính từ kinh doanh và khai thác than trái phép là rất lớn; việc huy động sản lượng phát điện của các nhà máy nhiệt điện than để đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội ngày càng tăng, nên nhu cầu than cho sản xuất điện hiện nay tăng cao so với trước đây, trong khi khả năng sản xuất than trong nước là hữu hạn và không thể gia tăng đột biến sản lượng than khai thác trong thời gian ngắn, dẫn đến phải nhập khẩu than để đáp ứng nhu cầu trong nước.

Để tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh than và đáp ứng đủ, ổn định dài hạn than cho các nhà máy nhiệt điện than phục vụ thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội và an ninh quốc phòng của đất nước trong thời gian tới; thực hiện Nghị quyết số 02-NQ/TW ngày 25 tháng 4 năm 2011 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược khoáng sản và công nghiệp khai khoáng đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; đồng thời, để tiếp tục triển khai hiệu quả Luật Khoáng sản năm 2010, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị liên quan tập trung thực hiện một số nhiệm vụ sau đây:

1. Các bộ, ngành, địa phương, cơ quan liên quan tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi khai thác, vận chuyển, kinh doanh than trái phép; xử lý nghiêm theo quy định đối với các cơ quan, đơn vị, cán bộ, công chức, viên chức có hành vi tiếp tay, bao che cho hoạt động sản xuất, kinh doanh than trái phép.

2. Bộ Công Thương

- Tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành, địa phương liên quan chỉ đạo và hướng dẫn các đơn vị thực hiện các đề án, dự án theo đúng quy định của pháp luật chuyên ngành.

- Chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương liên quan theo dõi việc thực thi pháp luật trong hoạt động sản xuất, kinh doanh than; tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật trong quá trình thực hiện Quy hoạch phát triển ngành than Việt Nam đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

- Tiếp tục rà soát, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan nhằm phát triển ngành than theo cơ chế thị trường, đồng thời tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh than.

- Tổ chức thanh tra, kiểm tra tình hình thực hiện sản xuất, kinh doanh than và công tác bảo đảm an toàn lao động trong hoạt động sản xuất than; kiểm tra các điểm khai thác, vận chuyển, chế biến, các bãi tập kết, mua bán than nhằm phát hiện và xử lý kịp thời tình trạng sản xuất, kinh doanh than trái phép và vi phạm về kỹ thuật an toàn trong sản xuất than.

- Chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam và chủ đầu tư các nhà máy nhiệt điện than chủ động nghiên cứu, sử dụng than pha trộn, than nhập khẩu cho sản xuất điện để vận hành nhà máy an toàn, ổn định, tin cậy, đảm bảo hiệu quả kinh tế và các yếu tố về môi trường theo quy định.

- Chỉ đạo Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam, Tổng công ty Đông Bắc khai thác than đảm bảo an toàn; cung cấp than kịp thời, đảm bảo khối lượng, chất lượng, đúng chủng loại cho các nhà máy nhiệt điện than theo Hợp đồng mua bán than đã ký với chủ đầu tư nhà máy.

3. Bộ Tài nguyên và Môi trường

- Rà soát, đổi mới, cải cách thủ tục hành chính trong việc thẩm định, cấp phép hoạt động khoáng sản để đẩy nhanh tiến độ cấp phép cho các đề án thăm dò, dự án đầu tư mỏ than bảo đảm tiến độ theo Quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

- Khẩn trương xây dựng, ban hành theo thẩm quyền văn bản hướng dẫn công tác quản lý, sử dụng đất đai trong khai thác khoáng sản, bảo vệ khoáng sản chưa khai thác theo quy định.

- Khẩn trương hoàn thành việc khoanh định và công bố khu vực khoáng sản phân tán, nhỏ lẻ đối với than theo quy định.

- Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về khoáng sản than và bảo vệ môi trường trong hoạt động sản xuất, kinh doanh than.

4. Bộ Tài chính

- Chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành và địa phương liên quan tiếp tục nghiên cứu, đề xuất các biện pháp liên quan đến quản lý tài chính (hóa đơn, thuế, phí, lệ phí), quản lý thủ tục hải quan,… theo hướng phát huy ứng dụng công nghệ cao để giảm thủ tục hành chính nhằm nâng cao hiệu quả việc ngăn chặn gian lận thương mại trong hoạt động kinh doanh than, đặc biệt là hoạt động xuất khẩu than.

- Hướng dẫn các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh than kê khai, đăng ký giá bán than; hằng năm thực hiện việc kiểm tra chi phí sản xuất, kinh doanh, giá thành than của các đơn vị sản xuất, kinh doanh than trong nước theo quy định tại Luật Giá và các văn bản hướng dẫn thi hành.

5. Bộ Quốc phòng chỉ đạo các lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam, Bộ đội Biên phòng tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng liên quan (Quản lý thị trường, Công an, Hải quan...) tăng cường kiểm tra, kiểm soát các tuyến biên giới, vùng biển và hải đảo để kịp thời phát hiện và ngăn chặn hoạt động buôn lậu, kinh doanh than trái phép, đặc biệt là thông qua đường biển.

6. Bộ Công an chỉ đạo lực lượng Công an (đặc biệt là Công an các tỉnh biên giới) tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng liên quan (Quản lý thị trường, Cảnh sát biển, Bộ đội Biên phòng,...) tiếp tục tăng cường các biện pháp phòng ngừa, đấu tranh, ngăn chặn và xử lý nghiêm minh theo quy định đối với các hành vi buôn lậu và gian lận thương mại trong hoạt động kinh doanh than trên đất liền và các vùng nước thủy nội địa.

7. Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành và cơ quan liên quan tiếp tục rà soát, hoàn thiện các quy định của pháp luật về hình sự đối với các hành vi sản xuất, kinh doanh khoáng sản trái phép theo hướng tăng nặng hình phạt đối với các hành vi sản xuất, kinh doanh than trái phép.

8. Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp

Chỉ đạo các doanh nghiệp được giao quản lý thực hiện điều hành sản xuất, kinh doanh than theo cơ chế thị trường, bình đẳng hợp tác và cạnh tranh theo pháp luật, bảo đảm hiệu quả sử dụng, bảo toàn và gia tăng vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp; tuân thủ các quy định của pháp luật về đầu tư, quản lý, sử dụng vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

9. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có hoạt động sản xuất, kinh doanh than

- Tiếp tục tăng cường công tác quản lý nhà nước trong hoạt động khai thác, sản xuất, kinh doanh than để ngăn chặn, xử lý kịp thời việc khai thác, sản xuất, kinh doanh than trái phép theo quy định của pháp luật.

- Khẩn trương ban hành quy định về việc sắp xếp các vị trí bến cảng, kho bãi kinh doanh than trên địa bàn quản lý theo thẩm quyền.

- Tiếp tục tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với các dự án phát triển kinh tế - xã hội của địa phương ở khu vực có khoáng sản than để ngăn chặn và phòng ngừa việc lợi dụng để khai thác, chế biến, tiêu thụ than trái phép; bảo đảm phát triển hài hòa giữa địa phương và ngành than. Hạn chế tối đa việc cấp phép các dự án phát triển kinh tế - xã hội chồng lấn với diện tích khoáng sàng trong Quy hoạch phát triển ngành than Việt Nam đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

- Chỉ đạo các cơ quan chức năng của địa phương phối hợp với các lực lượng liên quan (Thuế, Quản lý thị trường, Tài nguyên và Môi trường, Công an, Cảnh sát biển, Bộ đội Biên phòng, Hải quan, Tài chính…) tiếp tục đẩy mạnh kiểm tra việc thực hiện quy định về môi trường đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh than trên địa bàn; kiểm tra các tuyến đường vận chuyển, kho bãi, cảng tập kết than; duy trì thường xuyên các lực lượng tuần tra, kiểm soát trên các tuyến đường bộ, sông, biển để phát hiện, xử lý kịp thời các trường hợp kinh doanh than trái phép theo quy định.

- Thường xuyên tổ chức kiểm tra, xử lý các điểm khai thác, kinh doanh than trái phép và các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc thực hiện các quy định về mua bán than trôi, than phát mại, không để các cá nhân, doanh nghiệp lợi dụng hợp thức hóa cho than không có nguồn gốc hợp pháp. Chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ nếu để xảy ra các hành vi khai thác, kinh doanh than trái phép ở địa phương.

- Chỉ đạo các đơn vị sử dụng than trên địa bàn rà soát lại các công đoạn sản xuất nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng than, hạn chế thất thoát trong vận chuyển, kiểm soát chất lượng, định mức tiêu hao, giảm các khâu trung gian,…; cải tiến công tác hạch toán chi phí để giảm tiêu cực, gian lận; tăng cường áp dụng khoa học công nghệ, hợp lý hóa sản xuất để tiết kiệm chi phí.

10. Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh

Ngoài trách nhiệm thực hiện các nội dung nêu tại mục 9 trên đây, Tỉnh Quảng Ninh có trách nhiệm:

- Chủ trì cùng với các đơn vị được phép khai thác than trên địa bàn phối hợp với các tỉnh, thành phố có liên quan đến hoạt động sản xuất và kinh doanh than rà soát, điều chỉnh, bổ sung Quy chế phối hợp trong công tác quản lý, trao đổi thông tin cho phù hợp tình hình thực tế hiện nay để kiểm tra và kịp thời xử lý các tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật về khai thác, kinh doanh than.

- Chỉ đạo chính quyền địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về khoáng sản, bảo vệ môi trường trong hoạt động khai thác và kinh doanh than trên địa bàn.

11. Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam, Tổng công ty Đông Bắc và các đơn vị được phép khai thác, vận chuyển, chế biến, kinh doanh than

- Quản lý chặt chẽ ranh giới mỏ được giao; tăng cường công tác quản lý nguồn than từ nơi khai thác, trên đường vận chuyển đến các kho bãi, cảng tiêu thụ; quản lý tốt các phương tiện vận chuyển than đi tiêu thụ nội địa; quản lý chặt chẽ đất đá thải mỏ, bã sàng, đá xít có than.

- Khẩn trương hoàn thiện hồ sơ các đề án thăm dò, dự án đầu tư mỏ than theo Quy hoạch để trình cơ quan có thẩm quyền cấp phép theo quy định.

- Tiếp tục rà soát, hoàn thiện quy chế cung cấp than cho các hộ tiêu thụ trong nước; tăng cường kiểm tra để kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý theo quy định các hoạt động sản xuất, kinh doanh than trái phép trong ranh giới quản lý được giao.

- Chủ động phối hợp với chính quyền địa phương và các cơ quan, đơn vị liên quan xây dựng và triển khai thực hiện tốt quy chế phối hợp trong việc quản lý, bảo vệ tài nguyên, ranh giới mỏ được giao; thường xuyên cung cấp thông tin có liên quan cho địa phương có hoạt động sản xuất, kinh doanh than về các quy định tiêu thụ than để phối hợp quản lý.

- Chỉ đạo các đơn vị thành viên tiếp tục thực hiện nghiêm các quy định về bảo vệ môi trường, bảo đảm an toàn lao động, các quy định của pháp luật về khoáng sản và pháp luật khác có liên quan trong hoạt động thăm dò, khai thác, chế biến và kinh doanh than.

- Đẩy mạnh công tác nghiên cứu và thực hiện các giải pháp nâng cao năng suất lao động trong khai thác than; đa dạng hóa phương thức sàng tuyển, chế biến than để sản xuất tối đa các chủng loại than theo nhu cầu sử dụng của các hộ tiêu thụ, đặc biệt là các chủng loại than cho sản xuất điện.

- Rà soát, tính toán năng lực cung cấp than (kể cả sản xuất trong nước, nhập khẩu, pha trộn than) cho các hộ tiêu thụ để xây dựng và thực hiện kế hoạch cụ thể về khai thác và nhập khẩu than, bảo đảm cung cấp đủ, ổn định than trong dài hạn với giá cạnh tranh cho sản xuất điện và các hộ tiêu thụ khác.

- Phối hợp với chủ đầu tư các nhà máy nhiệt điện than đàm phán, ký hợp đồng mua bán than dài hạn, trung hạn, ngắn hạn cho sản xuất điện và thực hiện nghiêm theo hợp đồng; bảo đảm cung cấp đủ khối lượng, đúng chủng loại và đáp ứng tiến độ giao than cho các nhà máy theo hợp đồng đã ký.

- Chủ trì, phối hợp với các nhà máy nhiệt điện than xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch cung cấp than theo tháng, quý phù hợp với diễn biến của thời tiết và kế hoạch sản xuất điện của từng nhà máy để bảo đảm cung cấp đủ, ổn định than theo hợp đồng đã ký.

- Rà soát hệ thống cơ sở hạ tầng, kho cảng tại khu vực miền Trung và miền Nam để chủ động nghiên cứu đề xuất xây dựng các phương án, kho trung chuyển dự trữ than bảo đảm cung cấp đủ và ổn định cho các nhà máy nhiệt điện than.

12. Chủ đầu tư nhà máy nhiệt điện than

- Chịu trách nhiệm thu xếp nguồn than hợp pháp để cung cấp trong suốt thời gian tồn tại của nhà máy; thường xuyên rà soát, tính toán nhu cầu sử dụng than (than sản xuất trong nước, than nhập khẩu, than pha trộn) cho sản xuất để xây dựng và thực hiện kế hoạch bảo đảm cung cấp đủ, ổn định than cho hoạt động của nhà máy.

- Đối với việc sử dụng than trong nước: Chủ đầu tư nhà máy mua than từ Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam, Tổng công ty Đông Bắc hoặc từ các doanh nghiệp khác có nguồn gốc than hợp pháp theo quy định, đảm bảo giá than cạnh tranh và hiệu quả.

- Đối với than nhập khẩu, than pha trộn: Chủ đầu tư nhà máy trực tiếp nhập khẩu hoặc mua than qua đầu mối là Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam, Tổng công ty Đông Bắc hoặc qua doanh nghiệp khác, bảo đảm nguồn than hợp pháp theo quy định, giá than cạnh tranh và hiệu quả.

- Chủ động đàm phán, ký hợp đồng mua bán than dài hạn, trung hạn, ngắn hạn với Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam, Tổng công ty Đông Bắc, các doanh nghiệp cung cấp khác và thực hiện nghiêm theo hợp đồng đã ký; phối hợp với các doanh nghiệp cung cấp than xây dựng kế hoạch cấp than theo tháng, quý phù hợp với diễn biến của thời tiết và kế hoạch sản xuất điện để bảo đảm cung cấp đủ, ổn định than cho nhà máy.

- Chịu trách nhiệm chuẩn bị đầy đủ cơ sở hạ tầng tiếp nhận than (cầu cảng, nạo vét luồng, thiết bị bốc dỡ, kho bãi tiếp nhận than,...) và duy trì sẵn sàng, đầy đủ lượng than dự trữ định mức trong kho bảo đảm đáp ứng nhu cầu than cho sản xuất điện; đảm bảo các điều kiện an toàn, phòng chống cháy nổ và các yêu cần về bảo vệ môi trường trong việc Iưu trữ than.

- Chủ động nghiên cứu, sử dụng than pha trộn, than nhập khẩu cho sản xuất điện để vận hành nhà máy an toàn, hiệu quả và bảo đảm môi trường theo quy định.

13. Tổ chức thực hiện

- Chỉ thị này có hiệu lực kể từ ngày ký và thay thế Chỉ thị số 21/CT-TTg ngày 26 tháng 8 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh than.

- Trước ngày 31 tháng 01 hằng năm, các bộ, ngành và địa phương liên quan báo cáo việc thực hiện các nhiệm vụ được giao tại Chỉ thị này và gửi về Bộ Công Thương để tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, cơ quan, doanh nghiệp liên quan và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thực hiện nghiêm Chỉ thị này./.

 


Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan trực thuộc Chính phủ;
- HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;
- Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Tổng Bí thư;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Văn phòng Quốc hội;
- Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Viện kiểm sát nhân dân tối cao;
- Kiểm toán Nhà nước;
- Các Tập đoàn: EVN, PVN, TKV;
- Tổng công ty Đông Bắc;
- Chủ đầu tư nhà máy nhiệt điện than;
- VPCP: BTCN, các PCN, TGĐ Cổng TTĐT, các Vụ: TH, KTTH, KGVX, DMDN, V.I, QHĐP, NN, PL;
- Lưu: VT, CN (2).

KT. THỦ TƯỚNG
PHÓ THỦ TƯỚNG




Trịnh Đình Dũng