THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 287/TTg | Hà Nội, ngày 02 tháng 05 năm 1997 |
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC TỔ CHỨC KIỂM TRA TRUY QUÉT NHỮNG CÁ NHÂN VỤ TỔ CHỨC PHÁ HOẠI RỪNG
Nhà nước ta coi việc bảo vệ và phát triển rừng là sự nghiệp có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với kế dân sinh, chẳng những cho đời nay mà cho cả những thế hệ tương lai của đất nước.Chủ trương trên đã được thể hiện bằng hệ thống các văn bản pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng đang không ngừng được hoàn thiện. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân chủ quan, tình trạng phá rừng hiện nay có chiều hướng nghiêm trọng, cả về quy mô và hình thức. Đặc biệt nhiều vùng rừng nguyên sinh, phòng hộ đầu nguồn đã và đang bị tàn phá nặng nề. Gần đây xuất hiện bọn lâm tặc hoạt động có tổ chức, chúng không chỉ phá rừng mà còn chống trả quyết liệt người thi hành công vụ, thậm chí ngang nhiên tấn công giết hại lực lượng bảo vệ rừng. Để lập lại trật tự kỷ cương, bảo vệ và phát triển rừng; Thủ tướng Chính phủ chỉ thị:
1/ Giao Chủ tịch UBND các tỉnh có rừng đầu nguồn, rừng tự nhiên, rừng đặc dụng trực tiếp quản lý rừng tại địa phương mình; chủ trì, có sự hỗ trợ của các Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Nội vụ, Quốc phòng tổ chức các lực lượng công an, quân đội, biên phòng, dân quân, kiểm lâm, lâm trường, khẩn trương tiến hành truy quét hết những cá nhân, tổ chức phá hoại rừng thuộc phạm vi quản lý của địa phương.
- Phải tổ chức lực lượng đủ mạnh tiến hành truy quét đồng bộ, kiên quyết không cho bọn phá rừng lợi dụng kẽ hở để lẩn trốn.
- Khi xây dựng phương án kiểm tra truy quét, phải xác định rõ địa bàn trọng điểm ở mỗi tỉnh để tiến hành truy quét trước, sau đó sẽ mở rộng làm toàn diện, bảo đảm có đủ lực lượng, phương tiện và đạt kết quả.
- Trong quá trình kiểm tra nếu phát hiện dân di cư tự do, kiên quyết đưa họ ra khỏi rừng để chuyển về địa điểm quy định. Một mặt báo cáo Thủ tướng Chính phủ, mặt khác báo cho Tỉnh có dân đi; bố trí định cư số người này vào những khu vực đã được quy hoạch, nếu ai không chấp nhận thì trả về quê cũ.
2/ Đối với những khu rừng giáp ranh nhiều tỉnh, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn phối hợp với Bộ Nội vụ, Bộ Quốc phòng và UBND các tỉnh lập kế hoạch hiệp đồng tổ chức kiểm tra truy quét. Bộ Nội vụ chủ trì chỉ đạo việc triển khai thực hiện.
- Đóng mốc giới, đóng bảng cấm, khoanh rừng phòng hộ, rừng tự nhiên. Kiểm tra những lõm rừng bị phá, phân loại cây trồng trên diện tích này. Kiên quyết xóa bỏ cây ngắn ngày trên diện tích rừng bị phá, tiến hành trồng lại rừng. Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn có văn bản hướng dẫn cách xử lý tùy theo từng trường hợp cụ thể, đảm bảo không gây hậu qủa tiêu cực về mặt chính trị - xã hội.
- Nghiêm trị bọn lâm tặc và xử lý nghiêm minh những tổ chức và cá nhân vi phạm, kể cả người cho phép khai thác không đúng thẩm quyền, sai pháp luật; nếu nghiêm trọng phải truy cứu trách nhiệm hình sự; trường hợp chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự thì xử lý trách nhiệm hành chính và bắt bồi thường những thiệt hại về rừng do họ gây ra.
3/ Bộ Nội vụ có trách nhiệm phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và chỉ đạo công an các tỉnh, thành phố phối hợp với các lực lượng ở địa phương tham gia truy quét bọn phá hoại rừng, hỗ trợ lực lượng bảo vệ rừng an toàn.
4/ Bộ Quốc phòng chỉ đạo các quân khu, quân đoàn, ban chỉ huy quân sự địa phương, bộ đội biên phòng phối hợp với các lực lượng truy quét bọn phá rừng; tổ chức kết hợp các đợt tập luyện hành quân dã ngoại để hỗ trợ cho lực lượng đang truy quét và chịu trách nhiệm bảo vệ rừng trong phạm vi đóng quân và vùng rừng dọc biên giới.
Bộ trưởng các Bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Quốc phòng, Nội vụ, Tài chính, Thủ trưởng các cơ quan hữu quan ở TW, Chủ tịch UBND các tỉnh có rừng, khẩn trương thực hiện chỉ thị này.
| THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ |
Chỉ thị 287/TTg năm 1997 về tổ chức kiểm tra truy quét những cá nhân vụ tổ chức phá hoại rừng do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- Số hiệu: 287/TTg
- Loại văn bản: Chỉ thị
- Ngày ban hành: 02/05/1997
- Nơi ban hành: Thủ tướng Chính phủ
- Người ký: Võ Văn Kiệt
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 02/05/1997
- Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực