Hệ thống pháp luật

BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
******

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 28/2007/CT-BNN

Hà Nội, ngày 18 tháng 04 năm 2007 

 

CHỈ THỊ

ĐẨY MẠNH THỰC HIỆN QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN NGÀNH NGHỀ NÔNG THÔN VÀ PHÒNG CHỐNG Ô NHIỄM MÔI TRƯỜNG LÀNG NGHỀ

 BỘ TRƯỞNG BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN

Trong thời gian qua, việc khôi phục và phát triển ngành nghề nông thôn đã mang lại hiệu quả cao, góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập và đời sống cho người lao động, xóa đói giảm nghèo tại nhiều địa phương. Tuy nhiên, do công tác quy hoạch và tổ chức thực hiện phát triển ngành nghề nông thôn tại một số địa phương chưa được quan tâm đúng mức; nhiều làng nghề tiếp tục phát triển dựa vào sản xuất thủ công, công nghệ lạc hậu, gây ô nhiễm môi trường không khí, đất, nước, ảnh hưởng trực tiếp tới sức khoẻ cộng đồng.

Để thực hiện có hiệu quả chủ trương chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn và khắc phục những tồn tại nêu trên, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn yêu cầu Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có liên quan thuộc Bộ chỉ đạo thực hiện một số việc sau:

I. VỀ QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN NGÀNH NGHỀ NÔNG THÔN

1. Tăng cường sự chỉ đạo của chính quyền các cấp đối với phát triển ngành nghề nông thôn và bảo vệ môi trường để phát triển bền vững.

2. Khẩn trương chỉ đạo xây dựng quy hoạch phát triển ngành nghề nông thôn, phát triển các làng nghề, cụm cơ sở ngành nghề nông thôn, gắn với việc hình thành các thị trấn, thị tứ mới ở nông thôn.

3. Quy hoạch phát triển ngành nghề nông thôn được xây dựng phù hợp với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội của địa phương và cả nước, gắn với bảo vệ môi trường làng nghề. Thực hiện tốt các quy định tại Nghị định số 66/2006/NĐ- CP ngày 07/7/2006 của Chính phủ về phát triển ngành nghề nông thôn và các văn bản hướng dẫn thi hành.

II. VỀ PHÒNG CHỐNG Ô NHIỄM MÔI TRƯỜNG LÀNG NGHỀ

1. Tăng cường các hoạt động tuyên truyền, phổ biến, vận động người dân thực hiện tốt các quy định về vệ sinh môi trường và phòng chống ô nhiễm môi trường làng nghề.

2. Thống kê, đánh giá mức độ ô nhiễm môi trường làng nghề trên địa bàn và có kế hoạch giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường làng nghề.

3. Tổ chức di dời cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng ra khỏi khu dân cư, đặc biệt là các cơ sở gây ô nhiễm bởi các hoá chất có chứa H2SO4, H2S, NH3, HCl, NaOH…; các loại kim loại nặng như chì, thủy ngân, asen; không khí có các hợp chất có chứa SO2, CO2, CO, NO2.

4. Hỗ trợ đầu tư cải tạo, nâng cấp hoặc xây dựng mới hệ thống thu gom, xử lý nước thải, chất thải tập trung. Xây dựng đồng bộ hệ thống cấp nước cho sản xuất và hệ thống xử lý nước thải tại các làng nghề tập trung.

5. Hướng dẫn áp dụng công nghệ mới ít gây ô nhiễm môi trường tại các làng nghề. Xây dựng khu tập kết chất thải rắn thông thường, chất thải nguy hại, đầu tư trang thiết bị đáp ứng nhu cầu thu gom, phân loại chất thải để không ảnh hưởng tới môi trường và sức khoẻ người dân.

6. Đẩy mạnh công tác kiểm tra môi trường làng nghề, kịp thời phát hiện những yếu tố gây nguy hại tới môi trường và sức khỏe người dân, đặc biệt là lao động ở các cơ sở sản xuất tại làng nghề.

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương

a) Chỉ đạo đẩy nhanh thực hiện xây dựng quy hoạch phát triển ngành nghề nông thôn, phòng chống ô nhiễm môi trường làng nghề trên địa bàn.

b) Quy hoạch và đầu tư các cụm làng nghề, chuyển dần các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm ra khỏi khu dân cư.

c) Đẩy mạnh công tác vận động, thuyết phục người dân thực hiện tốt các quy định về vệ sinh môi trường để đảm bảo sức khoẻ người dân làng nghề.

d) Xây dựng Chương trình Bảo tồn và phát triển làng nghề, gửi về Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đúng thời gian quy định.

2. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

a) Tổ chức thực hiện xây dựng quy hoạch phát triển ngành nghề nông thôn, Chương trình Bảo tồn và phát triển làng nghề, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm trong Chương trình công tác năm 2007.

 b) Thực hiện đúng tiến độ xây dựng quy hoạch phát triển ngành nghề nông thôn. Trường hợp chưa đưa vào kế hoạch thực hiện trong năm 2007 thì phải báo cáo Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố bổ sung kinh phí để thực hiện.

c) Chủ động, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan thuộc Bộ và ở địa phương trong quỏ trình thực hiện xây dựng quy hoạch phát triển ngành nghề nông thôn, phòng chống ô nhiễm môi trường làng nghề.

3. Các cơ quan thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

a) Cục Chế biến nông lâm sản và Nghề muối chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan hướng dẫn các địa phương quy hoạch phát triển ngành nghề nông thôn; xây dựng Chương trình Bảo tồn và phát triển làng nghề giai đoạn 2008- 2010 và tầm nhìn 2020; thực hiện xây dựng thí điểm một số mô hình phát triển ngành nghề nông thôn và phòng chống ô nhiễm môi trường làng nghề.

b) Vụ Khoa học công nghệ

- Đề xuất biện pháp đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng, chuyển giao khoa học công nghệ vào sản xuất nhằm phòng chống, giảm thiểu ô nhiễm môi trường làng nghề.

- Bố trí trong nguồn vốn sự nghiệp khoa học hàng năm thực hiện các đề tài nghiên cứu khoa học để tạo ra công nghệ, sản phẩm mới, hoàn thiện sản phẩm nghiên cứu có khả năng thương mại hoá, thực hiện các dịch vụ khoa học công nghệ thuộc lĩnh vực ngành nghề nông thôn và phòng chống ô nhiễm môi trường làng nghề. 

c) Vụ Kế hoạch

- Đề xuất cơ chế tăng cường đầu tư cho lĩnh vực phát triển ngành nghề nông thôn, phòng chống và xử lý ô nhiễm môi trường làng nghề trong kế hoạch hàng năm.

- Bố trí kinh phí trong kế hoạch 2008 và các năm tiếp theo thực hiện đề tài điều tra cơ bản về thực trạng các làng nghề gây ô nhiễm môi trường tại một số tỉnh trọng điểm cũng như trong lĩnh vực phát triển ngành nghề nông thôn và bảo vệ môi trường làng nghề.

d) Vụ Hợp tác quốc tế

Tăng cường vận động các nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức từ các tổ chức song phương, đa phương để đầu tư cho phát triển ngành nghề nông thôn, phòng chống ô nhiễm môi trường làng nghề, Chương trình Bảo tồn và phát triển làng nghề trong giai đoạn 2008- 2010 và tầm nhìn 2020.

đ) Vụ Tài chính

Bố trí trong nguồn vốn sự nghiệp hàng năm cho các hoạt động điều tra, khảo sát và các hoạt động có liên quan khác thuộc lĩnh vực phát triển ngành nghề nông thôn, phòng chống ô nhiễm môi trường làng nghề.

e) Cục Thuỷ lợi, Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn

- Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân, chính quyền các cấp về phòng chống ô nhiễm môi trường tại các làng nghề.

- Xây dựng hệ thống cấp nước, tiêu thoát nước và xử lý chất thải, nước thải tại các làng nghề đảm bảo có quy trình công nghệ phù hợp và đạt tiêu chuẩn môi trường.

- Nghiên cứu, xây dựng các mô hình thí điểm xử lý chất thải làng nghề, chú trọng các làng nghề chế biến lương thực, thực phẩm và hàng thủ công mỹ nghệ.

g) Trung tâm Khuyến nông quốc gia

Phối hợp chỉ đạo, hỗ trợ cơ sở ngành nghề nông thôn, làng nghề các nội dung: thông tin, tuyên truyền; xây dựng mô hình, chuyển giao khoa học công nghệ; tập huấn, đào tạo và tư vấn dịch vụ.

h) Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp- nông thôn

- Nghiên cứu, đánh giá, tổng kết, rút kinh nghiệm trong quá trình xây dựng, phát triển làng nghề, ngành nghề nông thôn và đề xuất cơ chế chính sách, các giải pháp phù hợp để phát triển làng nghề, ngành nghề nông thôn một cách bền vững, đảm bảo môi trường và sức khoẻ cộng đồng.

- Đề xuất cơ chế, chính sách khuyến khích các thành phần kinh tế phát triển công nghệ phòng chống ô nhiễm môi trường tại các làng nghề, tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ sở sản xuất nâng cấp, đầu tư công nghệ mới theo hướng sản xuất sạch, giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

i) Các Viện, Trường có liên quan thuộc Bộ

Theo chức năng, nhiệm vụ được phân công đẩy mạnh công tác đào tạo, nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực phát triển ngành nghề nông thôn, phòng chống ô nhiễm môi trường làng nghề.

k) Báo Nông nghiệp Việt Nam, Trung tâm Tin học và Thống kê, Tạp chí Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có trách nhiệm tuyên truyền, nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của phát triển ngành nghề nông thôn, phòng chống ô nhiễm môi trường làng nghề; đẩy mạnh tuyên truyền các mô hình tốt, cách làm hay, có hiệu quả về phát triển ngành nghề nông thôn và phòng chống ô nhiễm môi trường làng nghề.

Các cơ quan, đơn vị có liên quan báo cáo tình hình thực hiện về Cục Chế biến nông lâm sản và Nghề muối vào tháng 12 hàng năm. Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc, các cơ quan, đơn vị kịp thời báo cáo về Bộ để giải quyết./.

 

 

Nơi nhận:
- Ban bí thư Trung ương Đảng (để b/c);
- Thủ tướng Chính phủ (để b/c);
- PTTg Nguyễn Sinh Hùng (để b/c);
- Văn phòng Chính phủ;
- Các Bộ: TN& MT, KH& ĐT, TC, CA;
- Lãnh đạo Bộ;
- Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
- Giám đốc các Sở NN& PTNT;
- Các Vụ, Cục có liên quan;
- Các Trung tâm: NS& VSMTNT, KNQG;
- Các Viện, Trường có liên quan;
- Chi Cục HTX và PTNT hoặc Chi cục PTNT các tỉnh, thành phố có Chi cục;
- Công báo Chính phủ;
- Cục Kiểm tra văn bản (Bộ Tư pháp);
- Website Chính phủ;
- Lưu VT, CB.

BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
 



 
Cao Đức Phát

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Chỉ thị 28/2007/CT-BNN về đẩy mạnh thực hiện quy hoạch phát triển ngành nghề nông thôn và phòng chống ô nhiễm môi trường làng nghề do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn ban hành

  • Số hiệu: 28/2007/CT-BNN
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Ngày ban hành: 18/04/2007
  • Nơi ban hành: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
  • Người ký: Cao Đức Phát
  • Ngày công báo: 18/05/2007
  • Số công báo: Từ số 310 đến số 311
  • Ngày hiệu lực: 02/06/2007
  • Tình trạng hiệu lực: Đã biết
Tải văn bản