Hệ thống pháp luật

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
******

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 277-TTg

Hà Nội, ngày 13 tháng 05 năm 1978 

 

CHỈ THỊ

VỀ KẾ HOẠCH THỰC HIỆN CHỈ THỊ SỐ 33-CT/TU CỦA BỘ CHÍNH TRỊ TRUNG ƯƠNG ĐẢNG VÀ NGHỊ QUYẾT SỐ 33-CP CỦA HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ VỀ XÂY DỰNG HUYỆN VÀ TĂNG CƯỜNG CẤP HUYỆN

Xây dựng huyện thành đơn vị kinh tế nông – công nghiệp như nghị quyết Đại hội IV của Đảng đề ra “là vấn đề rất mới, rất phức tạp, đụng tới hầu hết các cơ sở kinh tế, đụng tới tất cả các ngành, các cấp, cả từ tổ chức sản xuất, cơ sở vật chất - kỹ thuật đến phương thức quản lý, bộ máy quản lý và cán bộ”. Nó “phải nằm trong hệ thống chung: Tổ chức lại nền sản xuất xã hội… và kiện toàn bộ máy Nhà nước bốn cấp”. Cho nên, nó phải được tiến hành một cách kiên trì, liên tục và đồng bộ trong nhiều năm, qua những bước đi thích hợp và vững chắc; phải vừa làm, vừa rút kinh nghiệm và nâng dần lên.

Trước mắt, từ nay đến cuối năm 1978 (còn khoảng 8 tháng), phải làm những việc sau đây:

1. Bảo đảm việc xây dựng (hoặc hoàn thành) và xét duyệt quy hoạch huyện theo chỉ thị số 80-TTg ngày 25/01/1978 của Thủ tướng Chính phủ.

Để bảo đảm thống nhất cả hai mặt quy hoạch ngành và quy hoạch lãnh thổ theo tư tưởng chỉ đạo của nghị quyết Đại hội IV của Đảng và nghị quyết Hội nghị lần thứ hai và ba của Ban chấp hành Trung ương Đảng, mỗi Bộ, Tổng cục xem lại quy hoạch toàn ngành trong phạm vi cả nước, từ các vùng lớn cho đến địa bàn tỉnh và huyện mà chỉ đạo cấp tỉnh hoàn chỉnh quy hoạch ngành cho đến địa bàn huyện.

2. Trên cơ sở quy hoạch huyện đã được quyết định, và theo kế hoạch từng thời gian có bước đi thích hợp phải khẩn trương tăng cường cơ sở vật chất - kỹ thuật cho huyện.

Đối với một vài công trình hoặc công việc đã được tính toán, xem xét hiệu quả hoặc công trình có yêu cầu cấp thiết và có đủ điều kiện tiến hành , thì không nhất thiết phải đợi quy hoạch chung của huyện được duyệt, mà có thể cho phép triển khai thực hiện ngay.

a) Các Bộ, Tổng cục phải cùng với các tỉnh, thành phố xác định sớm những đơn vị cơ sở, những công việc… cần giao cho cấp huyện trực tiếp quản lý (kể cả nông trường, lâm trường, xí nghiệp), có kế hoạch chuẩn bị và thực hiện việc phân cấp quản lý. Việc phân cấp quản lý cho huyện phải làm xong cho 5 huyện: Đông Hưng, Nam Ninh, Tân Lạc, Thọ Xuân, Quỳnh Lưu trong quý II và quý III năm 1978; đối với các huyện khác ở miền Bắc, phải làm xong phần lớn trong năm 1978. Khi tiến hành việc phân cấp quản lý, phải tính toán kỹ cái gì có thể và cần giao cho các huyện quản lý, cái gì cần phải để cấp tỉnh trực tiếp quản lý.

b) Bộ vật tư chủ trì cùng với các Bộ khác có làm nhiệm vụ cung ứng vật tư, phối hợp với các Bộ, các địa phương có liên quan, thực hiện việc giao các tổ chức cung ứng vật tư, và giúp cấp huyện xây dựng tổ chức đại lý cung ứng vật tư theo chỉ thị số 33-CT/TU và nghị quyết số 33-CP. Việc này phải làm xong tại 5 huyện: Đông Hưng, Nam Ninh, Tân Lạc, Thọ Xuân, Quỳnh Lưu trong quý II năm 1978 và làm xong tại các huyện khác ở miền Bắc trong năm 1978.

c) Bộ Nội thương chủ trì bàn với các Bộ, Tổng cục và các tỉnh, thành phố có liên quan, thực hiện việc tổ chức lại hệ thống thu mua, bán buôn và bán lẻ trên địa bàn tỉnh và huyện, làm thử việc giao cho cấp huyện quản lý tổ chức đại lý thu mua nông sản và tổ chức bán lẻ ở một số huyện trọng điểm. Việc này phải được làm xong trong quý II và đầu quý III năm 1978. Văn phòng Phủ thủ tướng phải giúp Bộ Nội thương thực hiện việc này.

Việc xây dựng tổ chức đại lý cung ứng vật tư cũng như việc tổ chức đại lý thu mua nông sản, lâm sản, tổ chức bán lẻ… bao gồm cả: Xây dựng tổ chức bộ máy quản lý, thể thức kinh doanh, hệ thống kho, trạm cung ứng, thu mua ở thị trấn huyện và ở nhiều khu vực trong huyện; phải kết hợp chặt chẽ giữa việc cung ứng vật tư, cung ứng hàng tiêu dùng với việc thu mua sản phẩm, thực hiện hợp đồng kinh tế hai chiều.

d) Cấp huyện phải chỉ đạo chặt chẽ và khẩn trương việc tổ chức lại sản xuất, cải tiến quản lý các đơn vị cơ sở hiện có (hợp tác xã, xí nghiệp, trạm, trại…), bảo đảm sử dụng tốt và phát huy khả năng tiềm tàng của các đơn vị cơ sở (theo các nghị quyết số 61-CP, số19-CP và số 134-CP của Hội đồng Chính phủ)

3. Tiến hành ngay việc xây dựng kế hoạch kinh tế - văn hóa huyện năm 1979 và ngân sách huyện năm 1979 theo quy định mới.

a) Ủy ban Kế hoạch Nhà nước, Bộ Tài chính cùng với các tỉnh, thành phố hướng dẫn, giúp đỡ các huyện xây dựng kế hoạch huyện năm 1979 và ngân sách huyện năm 1979; chuẩn bị và tích cực tạo điều kiện cho cấp huyện thực hiện được việc quản lý kế hoạch năm 1979 và ngân sách huyện năm 1979 theo nội dung mới.

Sau khi có số kiểm tra kế hoạch năm 1979 của Nhà nước, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố phải giao ngay số kiểm tra kế hoạch cho các huyện; chỉ đạo trực tiếp một, hai huyện trọng điểm xây dựng kế hoạch và ngân sách năm 1979 để có kinh nghiệm phổ biến cho các huyện khác.

Về ngân sách, Bộ Tài chính cần hướng dẫn ngay cho 5 huyện trọng điểm của Trung ương xây dựng ngân sách huyện 6 tháng cuối năm 1978 để rút kinh nghiệm cho các huyện khác.

b) Cấp huyện phải nắm sát tình hình xây dựng kế hoạch (bao gồm cả sản xuất - kỹ thuật – phân phối – tài chính – đời sống…) của các hợp tác xã và kế hoạch sản xuất- kỹ thuật – tài chính của các xí nghiệp trực thuộc, bảo đảm cho kế hoạch kinh tế - văn hóa huyện và ngân sách huyện được xây dựng từ đơn vị cơ sở sản xuất.

4. Kiện toàn tổ chức của cấp huyện, tăng cường cán bộ, bồi dưỡng, đào tạo cán bộ cho huyện

Đây là vấn đề có tính chất quyết định đối với việc xây dựng huyện. Tùy theo sự phát triển của cơ cấu kinh tế từng huyện mà kiện toàn tổ chức của cấp huyện theo từng bước vững chắc. Đối với 5 huyện trọng điểm của Trung ương, bộ máy phải được kiện toàn trong quý II và quý III năm 1978. Đối với các huyện khác có vị trí quan trọng về kinh tế và quốc phòng, bộ máy phải được kiện toàn trong quý IV năm 1978.

- Các Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố phải cải tiến tổ chức của cấp mình theo hướng tổ chức lại sản xuất và cải tiến quản lý các ngành trong tỉnh, đưa một phần ba (1/3) số cán bộ có năng lực ở các ngành của tỉnh về tăng cường cho các huyện; chỉ đạo các huyện kiện toàn bộ máy theo quy định mới và tổ chức việc bồi dưỡng các bộ cho cấp huyện.

Các Bộ, Tổng cục phải cải tiến tổ chức của ngành hoặc lĩnh vực công tác theo hướng tổ chức lại sản xuất và cải tiến quản lý toàn ngành hoặc lĩnh vực công tác, đưa một phần ba (1/3) số cán bộ có năng lực ở các cơ quan Trung ương về tăng cường cho các tỉnh, thành phố, huyện trong cả nước và cho các cơ sở trọng điểm trong ngành; tổ chức việc bồi dưỡng, đào tạo cán bộ cho ngành ở tỉnh, huyện.

- Ban tổ chức của Chính phủ cùng với Ban tổ chức Trung ương theo dõi, đôn đốc các ngành, các cấp thực hiện việc cải tiến và kiện toàn tổ chức theo yêu cầu trên.

- Ủy ban nhân dân huyện phải tổ chức và kiện toàn các Ban chuyện môn theo quy định mới, đồng thời phải đặc biệt quan tâm kiện toàn bộ máy quản lý ở các đơn vị cơ sở (hợp tác xã, xí nghiệp, trạm, trại…), tăng cường cán bộ có năng lực cho các cơ sở kinh tế.

5. Tổ chức làm thử để rút kết luận chính xác

Về những việc sau đây, theo các cách khác nhau hoặc các mức độ khác nhau như đã ghi trong nghị quyết số 33-CP:

a) Bộ Nội thương phụ trách tổ chức làm thử việc giao cho cấp huyện quản lý công ty đại lý thu mua nông sản và công ty bán lẻ hàng tiêu dùng (làm xong và báo cáo kết quả vào cuối quý III năm 1978).

b) Bộ Nông nghiệp phụ trách cùng với Bộ cơ khí và luyện kim tổ chức làm thử việc giao cho cấp huyện quản lý trạm máy nông nghiệp và sửa chữa cơ khí (làm xong và báo cáo kết quả vào cuối quý III năm 1978).

c) Văn phòng Phủ thủ tướng chủ trì việc tổ chức làm thử toàn diện công tác xây dựng kinh tế huyện và kiện toàn cấp huyện ở hai huyện miền núi (tổng kết và quý IV năm 1978).

d) Bộ Hải sản chủ trì tổ chức làm thử việc cấp huyện tham gia quản lý đánh cá ngoài biển và nuôi tôm, cá ven biển (Tổng kết vào quý IV năm 1978).

Đối với những việc cần tổ chức làm thử trên đây, cơ quan được phân công phụ trách hoặc chủ trì phải dự thảo kế hoạch tiến hành và bàn với các Bộ, Tổng cục, các tỉnh, huyện có liên quan, để thống nhất kế hoạch và thực hiện đồng bộ.

6. Tổ chức nghiên cứu và chỉ đạo việc thi hành các chỉ thị, nghị quyết về huyện ở các tỉnh miền Nam.

Văn phòng Phủ thủ tướng và Ban tổ chức của Chính phủ chủ trì cùng với các cơ quan: Ban nông nghiệp Trung ương, Bộ Nông nghiệp, Bộ Lâm nghiệp, Bộ Hải sản, Bộ Công nghiệp nhẹ, Ủy ban Kế hoạch Nhà nước, Bộ Tài chính, Bộ Vật tư, Bộ Nội thương, Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, Ban tổ chức Trung ương tiến hành việc khảo sát, nghiên cứu và kiến nghị về cách làm ở các huyện miền Nam.

Mỗi cơ quan trên đây cứ 3 cán bộ cấp Vụ hoặc tương đương để lập thành 3 tổ cán bộ đi làm ở 3 vùng: đồng bằng, duyên hải, Tây nguyên.

Việc khảo sát, nghiên cứu và kiến nghị phải làm xong trong quý II-1978 (trình Ban bí thư Trung ương Đảng và Thường vụ Hội đồng Chính phủ) để triển khai việc tập huấn cán bộ và làm thử từ tháng 7 năm 1978.

7. Đối với các huyện trọng điểm của Trung ương

(Đông Hưng, Nam Ninh, Tân Lạc, Thọ Xuân, Quỳnh Lưu, Phước Vân, Krông Pách, An Sơn, Cai Lậy, Long Mỹ, Long Thành, Củ Chi); Thường vụ Hội đồng Chính phủ. Các ngành, các cấp phải tập trung chỉ đạo làm toàn diện, đồng bộ, đi trước một bước để rút kết luận đúng và kinh nghiệm tốt cho việc mở rộng ra các huyện khác. Phải tổng kết công việc thực hiện tại 5 huyện trọng điểm ở miền Bắc vào đầu quý IV/1978.

Phải kết hợp chặt chẽ việc chỉ đạo trọng điểm, làm thử ở trọng điểm với việc chỉ đạo mở ra diện tích rộng, coi trọng những kinh nghiệm tốt ở cả huyện trọng điểm và các huyện khác. Phải kết hợp chặt chẽ với việc bảo đảm hoàn thành kế hoạch Nhà nước năm 1978.

Các tỉnh, thành phố không có huyện nằm trong số huyện trọng điểm của Trung ương, cần nắm huyện trọng điểm của tỉnh, thành phố mình và tập trung chỉ đạo thực hiện đi trước một bước để mở rộng ra các huyện khác.

Phải  quán triệt nghị quyết của Hội đồng Chính phủ: “Ở mỗi Bộ, mỗi tỉnh, huyện, đồng chí Bộ trưởng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện phải đích thân thường xuyên tổ chức và chỉ đạo thực hiện, động viên và sử dụng bộ máy của các ngành, các địa phương vào làm công việc này.

Văn phòng Phủ thủ tưởng cùng với Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, Ban tổ chức của Chính phủ giúp Thường vụ Hội đồng Chính phủ theo dõi, đôn đốc, kiểm tra các ngành, các cấp thực hiện chỉ thị 33-CT/TU và nghị quyết số 33-CP.

Từ nay, hàng tháng, hàng quý, các Bộ, Tổng cục, các Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố. Ủy ban nhân dân các huyện trọng điểm của Trung ương phải báo cáo lên Ban bí thư Trung ương Đảng và Thường vụ Hội đồng Chính phủ về kết quả thực hiện công tác xây dựng huyện và tăng cường cấp huyện.

Các Bộ, Tổng cục phải lập kế hoạch triển khai trong toàn ngành xuống đến tỉnh, huyện, cơ sở và gửi đến Văn phòng Phủ thủ tướng trong tháng 5 năm 1978.

Các Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố phải lập kế hoạch triển khai trong địa phương mình, gửi đến Văn phòng Phủ thủ tướng trong tháng 5 năm 1978.

Cấp huyện lập kế hoạch triển khai việc thực hiện gửi đến cấp tỉnh, thành phố (các huyện trọng điểm của Trung ương đồng gửi đến Văn phòng Phủ thủ tướng).

 

 

KT. THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
PHÓ THỦ TƯỚNG




Lê Thanh Nghị

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Chỉ thị 277-TTg năm 1978 kế hoạch thực hiện Chỉ thị 33-CT/TU và Nghị quyết 33-CP về xây dựng huyện và tăng cường cấp huyện do Thủ tướng Chính phủ ban hành

  • Số hiệu: 277-TTg
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Ngày ban hành: 13/05/1978
  • Nơi ban hành: Thủ tướng Chính phủ
  • Người ký: Lê Thanh Nghị
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 3
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản