Hệ thống pháp luật

CHỦ TỊCH HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 270-CT

Hà Nội, ngày 23 tháng 7 năm 1992

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC GỬI CÔNG DÂN VIỆT NAM ĐI ĐÀO TẠO Ở NƯỚC NGOÀI TRONG TÌNH HÌNH MỚI 

Trong nhiều năm qua, Nhà nước ta đã gửi hàng chục nghìn công dân đi đào tạo ở nước ngoài, chủ yếu theo các Hiệp định hợp tác được ký kết giữa Chính phủ ta với Chính phủ Liên Xô (trước đây) và các nước Đông emdashu. Số cán bộ đào tạo ở nước ngoài cùng với số cán bộ đào tạo ở trong nước đã có những đóng góp xứng đáng và đang phát huy vai trò tích cực trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Hiện nay, hoàn cảnh quốc tế có những biến đổi to lớn và sâu sắc. Cuộc cách mạng khoa học và công nghệ hiện đại đang diễn ra mạnh mẽ. Nền sản xuất vật chất và đời sống xã hội đang trong quá trình quốc tế hoá. Đất nước ta đang đứng trước thời cơ phát triển thuận lợi đồng thời cũng đứng trước những thách thức gay gắt. Việc gửi công dân Việt Nam đi đào tạo ở nước ngoài là một hướng quan trọng để bồi dưỡng nguồn nhân lực, đào tạo các nhà quản lý, kinh doanh, các chuyên gia công nghệ giỏi và công nhân lành nghề nhằm đáp ứng các yêu cầu mới của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đưa nhanh nền khoa học và công nghệ đất nước vươn lên trình độ của thế giới.

Việc gửi công dân Việt Nam đào tạo nước ngoài trong thời gian qua được mở rộng về đối tượng đi đào tạo, về loại hình đào tạo, đã có bước cải tiến về tổ chức quản lý, về thủ tục hành chính. Tuy nhiên, trong công việc này cũng đã bộc lộ nhiều sơ hở, còn có tình trạng chồng chéo, trùng lặp và lỏng lẻo trong quản lý, không ít người được gửi đi đào tạo không đủ tiêu chuẩn, kết quả học tập kém, do công tác tổ chức tuyển chọn và hướng dẫn theo dõi, kiểm tra thiếu sự chỉ đạo thống nhất.

Để việc gửi công dân Việt Nam đi đào tạo ở nước ngoài tiếp tục được mở rộng nhưng có tổ chức chặt chẽ và có hiệu quả cao, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng chỉ thị:

1. Việc gửi công dân Việt Nam đi đào tạo ở nước ngoài có thể thực hiện ở các bậc và cấp học trung học chuyên nghiệp, cao đẳng, đại học, sau đại học, học nghề hoặc bổ túc nâng cao trình độ, theo các con đường sau đây:

a) Theo các Hiệp định giữa Chỉnh phủ Việt Nam với Chính phủ nước ngoài hoặc với các tổ chức quốc tế.

b) Theo sự thỏa thuận trong các liên doanh, dự án và kế hoạch hợp tác giữa các ngành, các địa phương, các tổ chức kinh tế, văn hoá, xã hội, các cơ sở nghiên cứu, đào tạo của Việt Nam (gọi tắt là tổ chức phía Việt Nam) với các tổ chức phía nước ngoài hoặc các tổ chức quốc tế.

c) Theo bảo lãnh, đỡ đầu của cá nhân các nhà khoa học, các nhà hoạt động xã hội nước ngoài hoặc thân nhân đang sinh sống ở nước ngoài.

Đối tượng gửi đi đào tạo ở nước ngoài là công dân Việt Nam có trình độ văn hoá, chuyên môn đáp ứng các yêu cầu đào tạo và tuyển chọn của cơ sở đào tạo phía nước ngoài và của các cơ quan Việt Nam có thẩm quyền theo từng bậc và cấp đào tạo.

Nhà nước khuyến khích việc đào tạo công dân ở nước ngoài theo hình thức vừa học vừa làm để tự trang trải những chi phí cần thiết cho học tập và sinh hoạt.

2. Việc gửi công dân Việt Nam đi đào tạo ở nước ngoài theo đường tài trợ của Nhà nước Việt Nam (từ nguồn ngân sách, viện trợ không hoàn lại, vốn vay nước ngoài...) chỉ thực hiện ở cấp đại học và sau đại học đối với những ngành mũi nhọn mà ta có yêu cầu đạo tạo chuyên gia giỏi, trên cơ sở tuyển chọn những người xuất sắc đáp ứng các tiêu chuẩn do Nhà nước quy định.

3. Công dân Việt Nam đang đào tạo ở nước ngoài được các cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam ở nước ngoài bảo hộ pháp lý về mặt lãnh sự và tư pháp theo các điều khoản được ký kết giữa Việt Nam và các nước ngoài.

Công dân Việt Nam đang đào tạo ở nước ngoài phải tuân thủ Hiến pháp và pháp luật của Nhà nước Việt Nam và nước sở tại, chấp hành đầy đủ những quy chế, quy định hiện hành của Nhà nước Việt Nam và của phía nhận đào tạo đối với người đi học; tự chịu trách nhiệm về những thiệt hại do bản thân mình gây ra khi vi phạm các quy chế, quy định đó.

Mọi công dân Việt Nam đang đào tạo ở nước ngoài đều được thống nhất quản lý theo Quy chế công tác lưu học sinh của Bộ giáo dục và đào tạo. Những người làm việc ở nước ngoài sau khi hoàn thành chương trình đạo tạo được quản lý theo quy chế chuyên gia khoa học kỹ thuật và quy chế quản lý người lao động Việt Nam làm việc ở nước ngoài.

4. Trách nhiệm của các Bộ, ngành, các Tổ chức Việt Nam trong việc gửi người đi đào tạo ở nước ngoài:

a) Giao cho Bộ Giáo dục và đào tạo thống nhất quản lý Nhà nước toàn bộ số học bổng đi đào tạo ở nước ngoài theo các Hiệp định giữa Chính phủ ta với Chỉnh phủ nước ngoài hoặc với các tổ chức quốc tế.

Bộ giáo dục và Đào tại chịu trách nhiệm thông báo, phân bổ chỉ tiêu cho các ngành và địa phương, tổ chức việc tuyển chọn theo quy chế tuyển sinh đi học nước ngoài do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành. Mọi thủ tục cần quy định công khai, bảo đảm thời gian và thuận lợi.

Bộ giáo dục và Đào tạo chủ trì phân phối với Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước, Uỷ ban Khoa học Nhà nước, các Bộ, ngành và tham khảo ý kiến các nhà khoa học định kỳ xác định danh mụch những lĩnh vực mũi nhọn cần cử người đi đào tạo.

b) Giao cho Bộ giáo dục và Đào tạo làm đầu mối quản lý tổng hợp đối với các loại hình đào tạo khác và chủ trì cùng các cơ quan hữu quan xem xét quyết định những trường hợp công dân đi đào tạo ở nước ngoài theo chế độ tự túc.

Trong quý I hàng năm, các tổ chức của Việt Nam phải báo cáo cho Bộ giáo dục và Đào tạo về kết quả thực hiện kế hoạch đào tạo của năm trước và kế hoạch gửi người đi đào tạo ở nước ngoài trong năm đó.

Vào tháng 10 hàng năm, Bộ giáo dục và Đào tạo báo cáo Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng về tình hình đào tạo công dân Việt Nam ở nước ngoài, và có những kiến nghị cần thiết.

c) Bộ giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động - Thương binh và xã hội chủ trì phối hợp với các cơ quan hữu quan soát lại và đổi mới nội dung các quy chế quản lý lưu học sinh, quy chế quản lý người lao động Việt Nam làm việc ở nước ngoài cải tiến công tác tổ chức, quản lý, kiểm tra cho phù hợp với tình hình mới.

Bộ Ngoại giao, các cơ quan Đại diện Việt Nam ở nước ngoài tích cực xúc tiến các thủ tục pháp lý nhằm bảo hộ về mặt lãnh sự và tư pháp cho công dân Việt Nam học tập ở nước ngoài.

5. Bộ trưởng các Bộ, Chủ nhiệm các Uỷ ban Nhà nước, Thủ trưởng các cơ quan khác thuộc Hội đồng Bộ trưởng, Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có trách nhiệm thực hiện Chỉ thị này.

Chỉ thị này có hiệu lực thi hành từ ngày ký.

Tất cả các văn bản trước đây trái với Chỉ thị này đều bãi bỏ.

 

 

Phan Văn Khải

(Đã ký)

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Chỉ thị 270-CT 1992 về việc gửi công dân Việt Nam đi đào tạo ở nước ngoài trong tình hình mới do Chủ tịch Hội đồng bộ trưởng ban hành

  • Số hiệu: 270-CT
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Ngày ban hành: 23/07/1992
  • Nơi ban hành: Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng
  • Người ký: Phan Văn Khải
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 14
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản