ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 27/CT-UBND | Vĩnh Phúc, ngày 21 tháng 11 năm 2022 |
CHỈ THỊ
VỀ TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ PHÁT TRIỂN CÂY XANH ĐÔ THỊ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH VĨNH PHÚC
Trong những năm vừa qua, việc quản lý cây xanh tại các đô thị trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc đã đạt được những kết quả đáng kể. Chỉ tiêu diện tích đất cây xanh bình quân trên đầu người tại các đồ án quy hoạch chung, quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết đô thị được tính toán đảm bảo theo quy chuẩn, tiêu chuẩn. Việc tổ chức trồng và quản lý cây xanh đường phố dần đi vào nề nếp, các loại cây trồng đô thị được trồng mới, thay thế cơ bản đảm bảo chủng loại, quy cách, kích thước theo tiêu chuẩn, số lượng cây xanh đường phố tăng, chủng loài ngày càng đa dạng, đồng đều về kích thước, độ cao, được chăm sóc, bảo vệ chuyên nghiệp hơn. Tại các đô thị trên địa bàn tỉnh duy trì việc trang trí đô thị bằng hoa, cây cảnh vào các dịp lễ, Tết góp phần làm sinh động, tạo điểm nhấn và tăng mỹ quan cho các khu vực trung tâm.
Tuy nhiên trong việc quản lý và phát triển cây xanh đô thị hiện vẫn còn một số tồn tại, hầu hết các địa phương chưa lập, phê duyệt kế hoạch cắt tỉa cây hằng năm theo thẩm quyền làm cơ sở chăm sóc, bảo vệ, dịch chuyển, chặt hạ đối với cây xanh đô thị; các địa phương cũng chưa thực hiện công tác thống kê, phân loại cây xanh và định kỳ kiểm tra, dẫn đến quản lý cây xanh đô thị thiếu tính khoa học, hệ thống; nhiều tuyến đường đô thị cây xanh do người dân, doanh nghiệp tự trồng nên không thống nhất về chủng loại, chiều cao, tuổi cây, không đảm bảo kiến trúc cảnh quan đô thị. Tình trạng xâm hại cây xanh diễn biến dưới nhiều hình thức, từ chủ động phá hoại đến sự thiếu ý thức trong quá trình thi công các công trình, khiến hệ thống cây xanh đối mặt với những rủi ro bất ngờ, tiềm ẩn những nguy cơ mất an toàn. Nhiều tuyến đường vẫn chưa ngầm hóa hệ thống lưới điện nên xảy ra tình trạng xung đột lưới điện với cây xanh, cây xanh bị khai quang nhiều lần để đảm bảo an toàn điện dẫn đến bị lệch tán, thân nghiêng, dễ gây ra gãy đổ trong mùa mưa bão. Còn có hiện tượng cây xanh mới trồng chưa đảm bảo về khoảng cách, chủng loại, tiêu chuẩn theo quy định.
Để khắc phục những hạn chế trong công tác quản lý, thực hiện tốt Quy định về quản lý cây xanh đô thị trên địa bàn tỉnh, thúc đẩy phát triển cây xanh đô thị, góp phần nâng cao các tiêu chí phát triển đô thị và hướng tới mục tiêu xây dựng đô thị hiện đại, văn minh, phát triển bền vững, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu:
1. Về quy hoạch cây xanh đô thị:
Sở Xây dựng, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố thực hiện nghiêm việc thẩm định, phê duyệt đồ án quy hoạch đô thị đảm bảo các chỉ tiêu về tỷ lệ đất cây xanh, về diện tích đất cây xanh sử dụng công cộng trong đô thị theo quy chuẩn, tiêu chuẩn hiện hành.
Các khu vực bố trí đất cây xanh - công viên phải nghiên cứu có tính khả thi cao, có khả năng kết nối với các công trình hạ tầng xã hội khác của đô thị, của đơn vị ở. Đặc biệt đối với các đồ án quy hoạch chi tiết đô thị, trong quá trình lập, thẩm định cần xác định cụ thể: Chủng loại cây, tiêu chuẩn cây trồng, các hình thức bố cục cây xanh trong các khu chức năng, cây xanh trên đường phố;
2. Về thực hiện dự án ĐTXD có trồng mới, thay thế cây xanh:
a) Các Sở quản lý công trình xây dựng chuyên ngành; Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố:
Yêu cầu kiểm soát nghiêm với thiết kế cây xanh trong quá trình thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi, báo cáo kinh tế - kỹ thuật; thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở đối với dự án, công trình có hạng mục cây xanh bóng mát đường phố, cây xanh khuôn viên trong trụ sở. Việc trồng cây xanh phải xác định cụ thể trong hồ sơ thiết kế, nội dung thiết kế đảm bảo tuân thủ quy định, quy chuẩn, tiêu chuẩn về quy cách, chủng loại cây trồng, danh mục cây trồng phù hợp với quy định quản lý cây xanh của UBND tỉnh Vĩnh Phúc.
b) Chủ đầu tư các dự án đầu tư công:
Kiểm soát chặt chẽ công tác trồng cây xanh của các nhà thầu thi công, tuân thủ theo thiết kế được duyệt, yêu cầu: Trồng cây phải bảo đảm đúng quy trình kỹ thuật, đúng chủng loại, tiêu chuẩn cây và bảo đảm an toàn; cây mới trồng phải được bảo vệ, chống giữ thân cây chắc chắn, ngay thẳng đảm bảo cây sinh trưởng và phát triển tốt; cây trồng phải được định kỳ chăm sóc, kiểm tra và xác định tình trạng phát triển của cây, theo dõi, bảo vệ và xử lý kịp thời các tác động ảnh hưởng tới sự phát triển của cây; Việc chăm sóc, cắt tỉa cây phải tuân thủ quy trình kỹ thuật đồng thời có biện pháp bảo đảm an toàn cho người, phương tiện và công trình. Đối với các dự án chỉnh trang đô thị có trồng thay thế cây xanh đã trưởng thành: Phải tổ chức xin ý kiến của cộng đồng dân cư chịu ảnh hưởng trực tiếp của dự án để tạo sự đồng thuận của nhân dân trước khi thực hiện dự án.
c) Chủ đầu tư các dự án khu đô thị mới, dự án phát triển nhà ở:
- Thực hiện rà soát các dự án được giao làm chủ đầu tư, đối với các diện tích đất cây xanh - cảnh quan, thể dục thể thao, mặt nước theo đồ án quy hoạch chi tiết đã được phê duyệt, trường hợp chưa đề xuất trong dự án đầu tư cẩn thực hiện lập thiết kế bổ sung, trình thẩm định, phê duyệt điều chỉnh dự án theo đúng quy định của pháp luật về xây dựng, làm cơ sở để thực hiện đầy đủ các hạng mục công trình chức năng theo quy hoạch được duyệt.
- Trường hợp diện tích đất cây xanh - cảnh quan, thể dục thể thao, mặt nước đã được để xuất đầu tư trong dự án, cần khẩn trương đẩy nhanh tiến độ thực hiện, lấp đầy diện tích đất chức năng theo quy hoạch chi tiết, đảm bảo các hạng mục nói trên được hoàn thành đúng tiến độ, chất lượng, có tính kết nối với các hạng mục hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội khác của dự án.
- Yêu cầu cây trồng phải tuân thủ theo quy hoạch, thiết kế được duyệt, đảm bảo khoảng cách, quy cách, chủng loại. Danh mục cây trồng phù hợp với quy định quản lý cây xanh của Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc.
- Trong thời gian chưa bàn giao các hạng mục công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội của dự án cho đơn vị tiếp nhận theo quy định, phải có trách nhiệm định kỳ duy tu, bảo trì với hạng mục cây xanh - cảnh quan, khu vườn hoa, mặt nước, thể dục thể thao... thuộc dự án, tránh hiện tượng công trình, hạng mục công trình xuống cấp gây mất mỹ quan, không có hiệu quả khai thác, sử dụng cho nhân dân trong dự án và khu vực lân cận.
3. Tăng cường công tác quản lý hệ thống cây xanh hiện có:
a) Sở Xây dựng:
- Hướng dẫn các địa phương thực hiện quản lý hệ thống cây xanh đô thị trên địa bàn đảm bảo hiệu quả, đúng quy định; giới thiệu các quy trình kỹ thuật chuyên ngành và các văn bản cụ thể về quản lý cây xanh đô thị để các địa phương thực hiện; nghiên cứu, tham mưu UBND tỉnh ban hành các văn bản chỉ đạo liên quan công tác quản lý và phát triển cây xanh đô thị trên địa bàn tỉnh;
- Thực hiện công tác quản lý hạ tầng kỹ thuật sử dụng chung, ngầm hoá hệ thống hạ tầng điện lực, viễn thông, truyền hình, yêu cầu phải hạn chế tối đa ảnh hưởng các công trình này đến phát triển cây xanh, đảm bảo mỹ quan đô thị;
- Chỉ đạo Thanh tra Xây dựng phối hợp chặt chẽ với chính quyền các cấp xử lý nghiêm các hành vi vi phạm các quy định về bảo vệ cây xanh, công viên và vườn hoa theo quy định của pháp luật;
b) Sở Tài chính:
Hướng dẫn UBND các huyện, thành phố lập dự toán kinh phí hàng năm để đảm bảo thực hiện tốt công tác duy trì, quản lý cây xanh trên địa bàn theo quy định (bao gồm cả hệ thống cây xanh trên các tuyến đường giao thông do tỉnh quản lý mà bàn giao cho UBND cấp huyện thực hiện công tác chăm sóc, duy trì cây xanh).
c) Sở Giáo dục và Đào tạo:
Chỉ đạo các đơn vị trường học lập kế hoạch trồng và chăm sóc cây xanh trong khuôn viên trường. Định kỳ rà soát, kiểm tra các cây xanh bóng mát trong khuôn viên trường học về chủng loại, tình trạng cây để kịp thời có phương án cắt tỉa, thay thế các cây thuộc danh mục cây cấm trồng, cây hạn chế trồng và các cây bị sâu bệnh, có khả năng gãy, đổ gây mất an toàn cho người và tài sản. Việc trồng thay thế các cây xanh bóng mát phải đảm bảo chủng loại, quy cách cây theo quy định.
d) UBND các huyện, thành phố:
- Tổ chức lựa chọn đơn vị thực hiện dịch vụ về quản lý cây xanh đô thị thông qua hình thức đấu thầu hoặc đặt hàng theo đúng quy định của pháp luật; thường xuyên kiểm tra, giám sát và tổ chức nghiệm thu theo quy định.
- Thực hiện nghiêm việc cấp giấy phép chặt hạ, di chuyển cây xanh đô thị; chỉ đạo UBND xã, phường, thị trấn, phòng Quản lý đô thị, phòng Kinh tế - Hạ tầng, phối hợp cùng đơn vị thực hiện dịch vụ về quản lý cây xanh đô thị, kiểm tra trong quá trình thực hiện chặt hạ, cắt sửa, dịch chuyển cây.
- Chỉ đạo các lực lượng chức năng tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát và xử phạt theo thẩm quyền hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền xử phạt các hành vi vi phạm hành chính và quản lý và bảo vệ cây xanh đô thị;
- Khẩn trương ban hành danh mục cây cổ thụ, cây cần bảo tồn ở đường phố, công viên, vườn hoa và các khu vực công cộng khác thuộc địa bàn quản lý. Tổ chức lập hồ sơ quản lý cây xanh đô thị: tổ chức thống kê về số lượng, kiểm tra đánh giá chất lượng, tình trạng phát triển, đánh số cây, lập danh sách, phân loại cây kèm theo bản vẽ vị trí cây cho từng tuyến phố, khu vực đô thị; xác định cây nguy hiểm, cây cấm trồng, hạn chế trồng để có kế hoạch chăm sóc, di chuyển, chặt hạ và trồng thay thế kịp thời. Đối với cây cần bảo tồn, cây cổ thụ, ngoài việc thống kê, phân loại, đánh số, phải treo biển tên và lập hồ sơ cho từng cây để phục vụ công tác quản lý, chăm sóc cây.
- Tăng cường tuyên truyền phổ biến, giáo dục, hướng dẫn người dân và cộng đồng dân cư tham gia trồng, chăm sóc, bảo vệ cây xanh đô thị và chấp hành nghiêm chỉnh các quy định của pháp luật liên quan về quản lý cây xanh đô thị, khuyến khích người dân tham gia quản lý, chăm sóc cây xanh trước nhà, cây xanh đường phố.
- Thông báo đến các đơn vị (điện lực, viễn thông, quản lý hạ tầng kỹ thuật) trước khi có nhu cầu cắt tỉa, chặt hạ, dịch chuyển cây xanh phải lập thủ tục xin phép gửi đến cơ quan quản lý của địa phương (chỉ trừ trường hợp miễn xin phép).
- Chỉ đạo, yêu cầu các đơn vị thực hiện dịch vụ quản lý lý cây xanh đô thị:
Thực hiện việc quản lý, duy trì, bảo vệ cây xanh đô thị theo đúng nội dung hợp đồng cung ứng sản phẩm dịch vụ đô thị đã ký; Thực hiện đầy đủ trách nhiệm về quản lý cây xanh theo quy định của pháp luật.
Thực hiện công tác cắt tỉa cây bóng mát theo đúng quy trình kỹ thuật; kiểm tra, rà soát số lượng cây bóng mát nguy hiểm, xử lý kịp thời các cây có nguy cơ gây mất an toàn trong mùa mưa bão. Bố trí nhân lực, các phương tiện, máy móc đảm bảo hoạt động hiệu quả trong trường hợp cấp thiết ứng phó với các tình huống thiên tai, khắc phục hậu quả sau thiên tai; tổ chức ứng trực, xử lý kịp thời các trường hợp cây đổ, cành gãy;
Đề xuất trồng những chủng loại cây xanh, cỏ, hoa phù hợp với đặc điểm thổ nhưỡng, khí hậu và cảnh quan chung của địa phương; đồng thời, thực hiện việc di thực, du nhập, gieo ươm, nhân giống các loại cây xanh, hoa kiểng đẹp có nguồn gốc từ các địa phương khác để áp dụng;
Thường xuyên tuần tra, kiểm soát để phát hiện, xử lý kịp thời các hư hỏng, các hành vi vi phạm về bảo vệ cây xanh công cộng được giao quản lý và chủ động phối hợp với cơ quan có thẩm quyền xử lý theo quy định.
đ) Các đơn vị điện lực, viễn thông, cấp nước, thoát nước:
Trong quá trình thi công, xử lý kỹ thuật công trình, có trách nhiệm thông báo, phối hợp chặt chẽ với Sở Xây dựng và UBND cấp huyện để đảm bảo mỹ thuật, kỹ thuật, sự an toàn của cây xanh và tuân thủ đúng theo quy định.
Công ty Điện lực Vĩnh Phúc khi tiến hành chặt hạ cây xanh phải lập thủ tục xin phép gửi đến cơ quan quản lý của địa phương (chỉ trừ trường hợp miễn xin phép); khi cắt tỉa, chặt hạ phải báo cơ quan quản lý của địa phương để cử cán bộ kỹ thuật phối hợp thực hiện; có kế hoạch từng bước ngầm hoá hệ thống điện các tuyến đường đô thị để không ảnh hưởng đến sự phát triển cây xanh đô thị và đảm bảo mỹ quan đô thị.
e) Báo Vĩnh Phúc, Đài phát thanh và truyền hình Vĩnh Phúc, Cổng Thông tin điện tử tỉnh: Tăng cường nội dung, thời lượng đẩy mạnh công tác tuyên truyền về tác dụng, tầm quan trọng của cây xanh đô thị đối với môi trường sống, không gian và mỹ quan đô thị. Tuyên truyền, vận động, khuyến khích người dân tham gia quản lý, chăm sóc cây xanh trước nhà, cây xanh đường phố; cây xanh tại các khu vườn hoa, khu cây xanh cảnh quan công cộng tại đơn vị ở, chung tay tạo dựng môi trường sống xanh - sạch - đẹp trong khu dân cư.
Giao Sở Xây dựng chủ trì, thường xuyên theo dõi, kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn thực hiện các nội dung yêu cầu nêu trên; tổng hợp báo cáo UBND tỉnh kết quả thực hiện theo quy định.
Yêu cầu Thủ trưởng các Sở, Ban, ngành thuộc tỉnh; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố; các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan nghiêm túc triển khai thực hiện Chỉ thị này./.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
- 1Quyết định 1144/QĐ-UBND năm 2018 về phê duyệt Quy hoạch xây dựng và phát triển hệ thống cây xanh đô thị Ninh Bình đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050
- 2Kế hoạch 269/KH-UBND năm 2021 về phát triển cây xanh đô thị trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp đến năm 2030
- 3Quyết định 39/2022/QĐ-UBND về Bộ đơn giá Thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn đô thị; duy trì, phát triển hệ thống cây xanh đô thị; duy trì hệ thống chiếu sáng đô thị; duy trì hệ thống thoát nước đô thị; Quy định định mức tỷ lệ chi phí quản lý chung trong dự toán chi phí dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước và sản phẩm dịch vụ công ích đô thị tỉnh Phú Thọ
- 4Công văn 854-CV/TU năm 2017 về chỉ đạo tăng cường công tác quản lý Nhà nước, rà soát, kiểm tra, chấn chỉnh hoạt động chăm sóc, giáo dục, bảo vệ trẻ em tại các cơ sở mầm non ngoài công lập do Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh ban hành
- 5Quyết định 494/QĐ-UBND năm 2023 phê duyệt Đề án phát triển cây xanh đô thị thành phố Long Xuyên, tỉnh An Giang đến năm 2035
- 6Quyết định 25/2023/QĐ-UBND sửa đổi nội dung của Quy định về quản lý cây xanh đô thị trên địa bàn tỉnh Sơn La kèm theo Quyết định 22/2012/QĐ-UBND Quy định quản lý chiếu sáng đô thị trên địa bàn tỉnh Sơn La kèm theo Quyết định 25/2013/QĐ-UBND
- 7Kế hoạch 393/KH-UBND năm 2023 thực hiện Chỉ thị 40-CT/TU về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác quản lý đô thị và xây dựng đô thị văn minh trên địa bàn tỉnh Lào Cai
- 8Chỉ thị 16/CT-UBND năm 2023 tăng cường thực hiện Đề án 02-ĐA/TU về công tác dân vận tham gia xây dựng nếp sống văn hóa - văn minh và hành trình phát triển cây xanh, bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh Bình Dương
- 1Quyết định 1144/QĐ-UBND năm 2018 về phê duyệt Quy hoạch xây dựng và phát triển hệ thống cây xanh đô thị Ninh Bình đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050
- 2Kế hoạch 269/KH-UBND năm 2021 về phát triển cây xanh đô thị trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp đến năm 2030
- 3Quyết định 39/2022/QĐ-UBND về Bộ đơn giá Thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn đô thị; duy trì, phát triển hệ thống cây xanh đô thị; duy trì hệ thống chiếu sáng đô thị; duy trì hệ thống thoát nước đô thị; Quy định định mức tỷ lệ chi phí quản lý chung trong dự toán chi phí dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước và sản phẩm dịch vụ công ích đô thị tỉnh Phú Thọ
- 4Công văn 854-CV/TU năm 2017 về chỉ đạo tăng cường công tác quản lý Nhà nước, rà soát, kiểm tra, chấn chỉnh hoạt động chăm sóc, giáo dục, bảo vệ trẻ em tại các cơ sở mầm non ngoài công lập do Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh ban hành
- 5Quyết định 494/QĐ-UBND năm 2023 phê duyệt Đề án phát triển cây xanh đô thị thành phố Long Xuyên, tỉnh An Giang đến năm 2035
- 6Quyết định 25/2023/QĐ-UBND sửa đổi nội dung của Quy định về quản lý cây xanh đô thị trên địa bàn tỉnh Sơn La kèm theo Quyết định 22/2012/QĐ-UBND Quy định quản lý chiếu sáng đô thị trên địa bàn tỉnh Sơn La kèm theo Quyết định 25/2013/QĐ-UBND
- 7Kế hoạch 393/KH-UBND năm 2023 thực hiện Chỉ thị 40-CT/TU về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác quản lý đô thị và xây dựng đô thị văn minh trên địa bàn tỉnh Lào Cai
- 8Chỉ thị 16/CT-UBND năm 2023 tăng cường thực hiện Đề án 02-ĐA/TU về công tác dân vận tham gia xây dựng nếp sống văn hóa - văn minh và hành trình phát triển cây xanh, bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh Bình Dương
Chỉ thị 27/CT-UBND năm 2022 tăng cường công tác quản lý nhà nước về phát triển cây xanh đô thị trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc
- Số hiệu: 27/CT-UBND
- Loại văn bản: Chỉ thị
- Ngày ban hành: 21/11/2022
- Nơi ban hành: Tỉnh Vĩnh Phúc
- Người ký: Vũ Chí Giang
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 21/11/2022
- Tình trạng hiệu lực: Đã biết