Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÀ RỊA - VŨNG TÀU
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 27/CT-UBND

Bà Rịa - Vũng Tàu, ngày 26 tháng 12 năm 2013

 

CHỈ THỊ

VỀ ĐIỀU HÀNH ĐẦU TƯ XÂY DỰNG CƠ BẢN NGUỒN VỐN NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC NĂM 2014

Thực hiện Nghị quyết số 15/2013/NQ-HĐND ngày 13 tháng 12 năm 2013 của Hội đồng nhân dân tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu khóa V, kỳ họp thứ 7 về kế hoạch vốn đầu tư xây dựng cơ bản năm 2014 nguồn vốn ngân sách nhà nước, nhằm tăng cường công tác quản lý đầu tư và xử lý nợ đọng xây dựng cơ bản, Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành; Ủy ban nhân dân các huyện và thành phố thuộc tỉnh tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm các quy định tại các Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ số 1792/CT-TTg ngày 15 tháng 10 năm 2011 về tăng cường quản lý đầu tư từ vốn ngân sách nhà nước và vốn trái phiếu Chính phủ, số 27/CT-TTg ngày 10 tháng 10 năm 2012 về những giải pháp chủ yếu khắc phục tình trạng nợ đọng xây dựng cơ bản tại các địa phương và số 14/CT-TTg ngày 28 tháng 6 năm 2013 về tăng cường quản lý đầu tư và xử lý nợ đọng xây dựng cơ bản từ nguồn ngân sách nhà nước, trái phiếu Chính phủ; đồng thời, tập trung triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp sau đây:

1. Kiểm soát chặt chẽ việc lập, thẩm định, phê duyệt các dự án đầu tư sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước:

- Các chủ đầu tư phải lựa chọn nhà thầu tư vấn có năng lực trong việc lập dự án đầu tư và chịu trách nhiệm trước người quyết định đầu tư về quy mô, tổng mức đầu tư và hiệu quả của dự án. Đối với các dự án đang triển khai thi công phải kiểm tra, rà soát lại thiết kế, dự toán để loại bỏ các hạng mục không cần thiết; không sử dụng vật liệu, thiết bị đắt tiền, lãng phí làm tăng tổng mức đầu tư bất hợp lý.

- Các cơ quan thẩm định dự án tăng cường bộ máy trực tiếp thực hiện công việc thẩm định dự án. Chịu trách nhiệm kiểm soát chặt chẽ phạm vi, quy mô và hiệu quả sử dụng của từng dự án đầu tư theo đúng mục tiêu, lĩnh vực, chương trình đã được phê duyệt; chỉ trình người quyết định đầu tư phê duyệt khi đã xác định rõ nguồn vốn và khả năng cân đối vốn ở từng cấp ngân sách.

- Việc điều chỉnh tăng tổng mức đầu tư của các dự án đã được phê duyệt quyết định đầu tư hoặc điều chỉnh quyết định đầu tư sau khi Nghị định số 83/2009/NĐ-CP có hiệu lực thi hành phải thực hiện đúng theo các quy định tại Chỉ thị 14/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ và phải bảo đảm hiệu quả đầu tư, mục tiêu đầu tư, khả năng cân đối nguồn vốn và khả năng hoàn thành dự án đúng tiến độ. Trong quá trình thẩm định điều chỉnh dự án phải: (i) Làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong việc lập, thẩm định, phê duyệt, thực hiện dự án đầu tư, dẫn đến việc tăng tổng mức đầu tư các dự án không thuộc các trường hợp được phép điều chỉnh theo quy định tại Nghị định số 83/2009/NĐ-CP và (ii) Rà soát, báo cáo người có thẩm quyền quyết định đầu tư xem xét quyết định dừng những dự án không bảo đảm hiệu quả đầu tư, chưa thật cấp bách để tập trung vốn cho các dự án cấp bách và hiệu quả cao hơn.

- Giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan kiểm soát và thẩm định chặt chẽ về nguồn vốn và tổng mức đầu tư các dự án thuộc nguồn vốn ngân sách tỉnh quản lý; theo dõi, giám sát và hướng dẫn các địa phương thẩm định tổng mức đầu tư và phân bổ vốn cho các dự án thuộc nguồn vốn hỗ trợ từ ngân sách tỉnh và ngân sách địa phương theo đúng mục tiêu và khả năng nguồn vốn được phân bổ hàng năm.

2. Tăng cường công tác quản lý nhằm giảm tối đa nợ đọng xây dựng cơ bản:

- Các chủ đầu tư, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố thuộc tỉnh báo cáo tình hình nợ đọng xây dựng cơ bản các dự án do tỉnh quản lý, các dự án thuộc nguồn vốn ngân sách huyện, xã đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2013 và các giải pháp xử lý nợ đọng trong thời gian tới gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính. Giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh trước ngày 30 tháng 01 năm 2014.

- Giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính và các cơ quan liên quan tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh cân đối các nguồn vốn để xử lý dứt điểm tình trạng nợ đọng xây dựng cơ bản các dự án thuộc nguồn vốn ngân sách tỉnh. Đối với các dự án thuộc vốn ngân sách cấp huyện, xã, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện, xã phải tự cân đối các nguồn vốn để xử lý nợ đọng.

- Đối với các chủ đầu tư các dự án thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước: (i) Các dự án đã được quyết định đầu tư phải thực hiện theo mức vốn kế hoạch đã giao; (ii) Không yêu cầu doanh nghiệp ứng vốn thực hiện dự án khi chưa được bố trí vốn, dẫn đến hậu quả phát sinh nợ đọng xây dựng cơ bản; (iii) Chỉ được tổ chức lựa chọn nhà thầu đối với các gói thầu đã được bố trí vốn. Đối với các gói thầu đã hoàn thành và bàn giao đưa vào sử dụng, tổ chức nghiệm thu và thanh quyết toán theo đúng hợp đồng đã ký theo quy định tại Điều 58 và Điều 59 của Luật Đấu thầu, tránh tình trạng nợ đọng, chiếm dụng vốn của nhà thầu; (iv) Lập và điều chỉnh kế hoạch đấu thầu theo tiến độ, kế hoạch vốn được phân bổ của từng dự án theo đúng quy định tại Điều 6, Luật Đấu thầu và khoản 3, Điều 10 Nghị định số 85/2009/NĐ-CP ngày 15 tháng 10 năm 2009 của Chính phủ hướng dẫn thi hành Luật Đấu thầu và lựa chọn nhà thầu xây dựng theo Luật Xây dựng.

- Không sử dụng vốn vay ngân sách địa phương để bố trí cho các dự án khởi công mới khi chưa xác định hoặc thẩm định được nguồn vốn để hoàn trả.

- Ủy ban nhân dân các huyện và thành phố phân bổ vốn hỗ trợ từ ngân sách tỉnh năm 2014 theo đúng mục tiêu; tập trung chỉ đạo và điều hành các dự án thuộc nguồn vốn ngân sách cấp huyện, bảo đảm tuân thủ các quy định về quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình và khả năng cân đối của ngân sách cấp huyện, không để phát sinh tình trạng nợ đọng trong xây dựng cơ bản. Khi xây dựng kế hoạch đầu tư hàng năm cần tính toán chặt chẽ trên hai yếu tố cơ bản là nhu cầu thật sự bức thiết của địa phương và khả năng nguồn vốn có giới hạn để quyết định đầu tư, xác định quy mô và phân kỳ đầu tư cho phù hợp, tránh lãng phí do hiện tượng dư thừa công năng sử dụng. Rà soát và chấn chỉnh việc tuân thủ các quy định về phân loại các nhóm công trình và bố trí vốn cho từng nhóm công trình phù hợp với khả năng thanh toán, đặc biệt với nhóm công trình khởi công mới phải đảm bảo đầy đủ thủ tục theo quy định, hạn chế tối đa việc điều chỉnh tăng số lượng dự án, công trình trong năm, trừ những công trình cấp bách, đột xuất phục vụ kịp thời cho yêu cầu nhiệm vụ chính trị của tỉnh, của địa phương

3. Về tạm ứng và thu hồi các khoản tạm ứng cho đầu tư xây dựng cơ bản từ ngân sách nhà nước:

- Việc ứng trước kế hoạch vốn đầu tư (bao gồm cả vốn bồi thường giải phóng mặt bằng) chỉ được thực hiện đối với các dự án phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh, quốc phòng, an ninh cấp bách và các dự án trọng điểm cấp bách.

- Kho bạc Nhà nước tỉnh tổ chức thực hiện ngay việc thu hồi tạm ứng khi dự án được bố trí kế hoạch vốn (kể cả nguồn vốn trung ương và nguồn vốn địa phương).

- Các chủ đầu tư có trách nhiệm rà soát, kiểm tra các khoản đã tạm ứng nhưng sử dụng không đúng mục đích, không sử dụng hoặc chưa sử dụng để lập thủ tục hoàn trả lại cho ngân sách. Chỉ được ký kết và tạm ứng hợp đồng khi đã bảo đảm đủ điều kiện để nhà thầu có thể triển khai thực hiện ngay các công việc theo hợp đồng đã ký kết.

4. Về bồi thường giải phóng mặt bằng:

- Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố cùng với các chủ đầu tư ưu tiên tập trung thực hiện công tác bồi thường giải phóng mặt bằng của các dự án trên địa bàn, đối với các dự án theo tuyến như đường giao thông, kênh mương, đường ống cấp thoát nước... phải thực hiện giải phóng mặt bằng dứt điểm tuần tự theo từng đoạn để không ảnh hưởng đến tiến độ thi công xây lắp và phù hợp với khả năng nguồn vốn phân bổ cho dự án, không thực hiện giải phóng mặt bằng theo kiểu “da beo”, làm ách tắc công tác xây lắp và giảm hiệu quả sử dụng vốn của dự án.

- Khi lập phương án tổng thể về bồi thường, hỗ trợ tái định cư để thực hiện dự án phải căn cứ vào tổng mức đầu tư của dự án được phê duyệt, nếu vượt tổng chi phí bồi thường trong quyết định phê duyệt dự án phải xin chủ trương của người có thẩm quyền quyết định đầu tư và thực hiện các thủ tục điều chỉnh tổng mức đầu tư theo quy định hiện hành trước khi phê duyệt phương án tổng thể về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư của dự án.

- Các chủ đầu tư chỉ được tổ chức đấu thầu và triển khai thi công các gói thầu của dự án khi đã thực hiện xong công tác giải phóng mặt bằng trong phạm vi gói thầu.

- Trong quá trình thực hiện công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố thuộc tỉnh và các chủ đầu tư phải kịp thời báo cáo và kiến nghị Ủy ban nhân dân tỉnh xử lý những vướng mắc vượt quá thẩm quyền. Giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì phối hợp với các cơ quan liên quan hướng dẫn thực hiện các chính sách về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh xử lý những vướng mắc trong công tác bồi thường giải phóng mặt bằng các dự án trên địa bàn tỉnh.

5. Về quyết toán dự án đã hoàn thành:

- Các chủ đầu tư đôn đốc và phối hợp với các nhà thầu lập hồ sơ và quyết toán các dự án đã hoàn thành bảo đảm thời gian quy định: nhóm C không quá 6 tháng, nhóm B không quá 9 tháng và nhóm A không quá 12 tháng kể từ ngày bàn giao công trình đưa vào sử dụng.

- Giao Sở Tài chính chủ trì phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Kho bạc Nhà nước Bà Rịa-Vũng Tàu và các chủ đầu tư báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh trong tháng 6 năm 2014 tình hình quyết toán các dự án đã hoàn thành đưa vào sử dụng trước ngày 31 tháng 12 năm 2013, trong đó làm rõ nguyên nhân khách quan, chủ quan; xác định trách nhiệm và kiến nghị xử lý chế tài đối với các tổ chức, cá nhân liên quan đến các dự án vi phạm thời hạn quyết toán theo quy định.

6. Trong năm 2014 tiếp tục thực hiện giao ban xây dựng cơ bản định kỳ hàng tháng, giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì tổng hợp báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh tình hình đầu tư xây dựng cơ bản các dự án trong danh mục kế hoạch vốn ngân sách năm 2014 do tỉnh quản lý. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố và các chủ đầu tư có trách nhiệm báo cáo theo đề cương và biểu mẫu ban hành theo Văn bản số 7131/UBND-VP ngày 17 tháng 10 năm 2013 gửi về Sở Kế hoạch và Đầu tư và Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh trước ngày 20 hàng tháng để tổng hợp.

Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố thuộc tỉnh và các chủ đầu tư nghiêm túc thực hiện các nội dung chỉ đạo nêu trên. Sở Kế hoạch và Đầu tư chịu trách nhiệm hướng dẫn, giám sát, đôn đốc thực hiện và định kỳ 6 tháng báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh tình hình triển khai thực hiện Chỉ thị này./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Hồ Văn Niên

 

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Chỉ thị 27/CT-UBND năm 2013 điều hành đầu tư xây dựng cơ bản nguồn vốn ngân sách nhà nước năm 2014 do tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu ban hành

  • Số hiệu: 27/CT-UBND
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Ngày ban hành: 26/12/2013
  • Nơi ban hành: Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu
  • Người ký: Hồ Văn Niên
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 26/12/2013
  • Tình trạng hiệu lực: Đã biết
Tải văn bản