Hệ thống pháp luật

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 27/CT-TTG

Hà Nội, ngày 10 tháng 7 năm 2020

 

CHỈ THỊ

VỀ TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ ĐẦU TƯ VÀ PHÒNG NGỪA VIỆC PHÁT SINH CÁC VỤ VIỆC TRANH CHẤP ĐẦU TƯ QUỐC TẾ

Cùng với quá trình hội nhập quốc tế, đầu tư nước ngoài (ĐTNN) vào Việt Nam cũng phát triển một cách nhanh chóng cả về số lượng, quy mô vốn và chất lượng dự án. ĐTNN trong những năm qua đã góp phần tạo việc làm, thu nhập cho người lao động; nâng cao trình độ, năng lực sản xuất; tăng thu ngân sách nhà nước, ổn định kinh tế vĩ mô; thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng; nâng cao vị thế và uy tín Việt Nam trên trường quốc tế. Vừa qua, Việt Nam đã tiến hành tổng kết 30 năm thu hút ĐTNN và trên cơ sở đó Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 50-NQ/TW ngày 20 tháng 8 năm 2019 về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030.

Trong thời gian qua, tình hình quốc tế có nhiều thay đổi với sự phát triển nhanh của các hiệp định bảo hộ đầu tư, cơ chế giải quyết tranh chấp đầu tư quốc tế đa dạng và hệ quả là sự gia tăng các tranh chấp đầu tư quốc tế. Cộng đồng quốc tế cũng có những lo ngại về những sự phát triển này và có những phản ứng khác nhau, kể cả cải tổ các cơ chế giải quyết tranh chấp đầu tư quốc tế. Kinh nghiệm giải quyết các tranh chấp đầu tư quốc tế đến nay, khi bị khởi kiện, Chính phủ, cơ quan nhà nước buộc phải tham gia tố tụng để bảo vệ quyền và lợi ích của Chính phủ, cơ quan nhà nước. Trung bình, mỗi vụ tranh chấp như vậy kéo dài khoảng 2 năm, với chi phí hàng triệu đô la Mỹ, chưa kể thời gian, công sức của các cán bộ, công chức nhà nước tham gia vào công tác này. Đặc biệt, khi thua thì Chính phủ, cơ quan nhà nước phải bồi thường khoản tiền lớn. Do vậy, tăng cường công tác quản lý nhà nước về đầu tư nước ngoài trong tình hình mới và phòng ngừa, giảm thiểu các tranh chấp đầu tư quốc tế luôn là ưu tiên hàng đầu của Chính phủ các nước.

Tuy nhiên, công tác quản lý hoạt động đầu tư nước ngoài còn một số tồn tại, bất cập như: (i) công tác phối hợp, trao đổi thông tin, quy hoạch trong xây dựng chính sách, pháp luật về ĐTNN, quản lý ĐTNN giữa các bộ, ngành và địa phương còn nhiều hạn chế, chưa bảo đảm hiệu lực, hiệu quả; (ii) năng lực của cán bộ quản lý nhà nước về đầu tư ở địa phương chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế; (iii) công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo của nhà đầu tư nước ngoài còn có lúc, có nơi chưa đúng quy định pháp luật, chưa tận dụng tốt giai đoạn này để giải quyết dứt điểm khiếu nại, vướng mắc của nhà ĐTNN, còn có tình trạng khiếu nại vượt cấp của nhà đầu tư nước ngoài...; (iv) hệ thống pháp luật đầu tư và pháp luật chuyên ngành còn thiếu thống nhất; (v) công tác kiểm tra, giám sát và phát hiện các vi phạm pháp luật trong hoạt động đầu tư nước ngoài tại địa phương chưa thực sự hiệu quả.

Đồng thời, công tác phòng ngừa tranh chấp đầu tư quốc tế tại Việt Nam hiện vẫn chưa được chú trọng đúng mức, cụ thể như: (i) nhận thức của các cơ quan nhà nước, chính quyền địa phương các cấp về tầm quan trọng của công tác này chưa tương xứng; (ii) chưa có cơ chế phối hợp trong phòng ngừa tranh chấp đầu tư quốc tế; (iii) hiểu biết của đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác quản lý nhà nước đối với các cam kết quốc tế về đầu tư và đề xuất, đàm phán các dự án đầu tư của Việt Nam còn hạn chế; (iv) nhiều địa phương còn chưa chú trọng công tác lựa chọn, sàng lọc nhà đầu tư.

Thời gian qua, Đảng và Nhà nước đã ban hành các văn bản định hướng, hoàn thiện thể chế liên quan đến đầu tư nước ngoài quan trọng, trong đó có Nghị quyết số 50-NQ/TW ngày 20 tháng 8 năm 2019 của Bộ Chính trị về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030 và Nghị quyết số 58/NQ-CP ngày 27 tháng 4 năm 2020 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 50-NQ/TW ngày 20 tháng 8 năm 2019 của Bộ Chính trị. Bên cạnh các giải pháp, nhiệm vụ được chỉ ra tại các Nghị quyết này, để nâng cao hơn nữa hiệu quả quản lý nhà nước về đầu tư (trong đó có công tác giải quyết khiếu nại tố cáo của nhà đầu tư nước ngoài) và phòng ngừa tranh chấp đầu tư quốc tế, Thủ tướng Chính phủ chỉ thị:

1. Về tăng cường công tác quản lý nhà nước về đầu tư nước ngoài

a) Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành và địa phương:

- Hàng năm rà soát, đánh giá việc đàm phán, ký và thực hiện các điều ước quốc tế và thỏa thuận quốc tế của Việt Nam về đầu tư; đề xuất các giải pháp nâng cao hiệu quả thực hiện, sửa đổi, bổ sung, chấm dứt hiệu lực của các điều ước quốc tế và thỏa thuận quốc tế về đầu tư không còn phù hợp với Việt Nam; xử lý kịp thời các vướng mắc, khó khăn, đặc biệt là các nguyên nhân cản trở việc thực hiện các điều ước quốc tế và thỏa thuận quốc tế về đầu tư.

- Khẩn trương tập hợp, sắp xếp, bảo quản và lưu giữ đầy đủ hồ sơ đàm phán các điều ước quốc tế và thỏa thuận quốc tế của Việt Nam về đầu tư phục vụ cho việc giải thích, áp dụng các quy định liên quan.

- Nghiên cứu xây dựng điều ước quốc tế mẫu về đầu tư của Việt Nam.

- Định kỳ hai năm tiến hành rà soát, đánh giá tính tương thích của pháp luật Việt Nam với các điều ước quốc tế về đầu tư để có đề xuất, kiến nghị phù hợp.

- Hàng năm rà soát, đánh giá pháp luật Việt Nam về đầu tư; phát hiện và đề xuất xử lý các quy định pháp luật mâu thuẫn, chồng chéo, hết hiệu lực hoặc không còn phù hợp.

- Nghiên cứu, đề xuất thiết lập đầu mối tiếp nhận, giải quyết các vướng mắc, khó khăn của nhà đầu tư.

- Đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm trong hoạt động đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.

b) Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành và địa phương:

- Hàng năm rà soát, đánh giá việc đàm phán, ký và thực hiện các điều ước quốc tế và thỏa thuận quốc tế về thương mại liên quan đến đầu tư thuộc chức năng quản lý nhà nước của Bộ Công Thương; phát hiện và đề xuất phương án xử lý kịp thời các vướng mắc, khó khăn.

- Hàng năm rà soát, đánh giá việc thực hiện công tác quản lý đầu tư, các cam kết và bảo lãnh của Chính phủ dành cho nhà đầu tư trong các lĩnh vực thuộc chức năng quản lý nhà nước của Bộ Công Thương.

c) Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành và địa phương:

- Hàng năm rà soát, đánh giá việc đàm phán, ký và thực hiện các điều ước quốc tế về thuế, các cam kết, thỏa thuận với nước ngoài trong lĩnh vực tài chính có liên quan đến đầu tư; phát hiện và đề xuất phương án xử lý kịp thời các vướng mắc, khó khăn.

- Nghiên cứu, bổ sung chế độ, chính sách phù hợp cho cán bộ trực tiếp tham gia công tác giải quyết tranh chấp đầu tư quốc tế nhằm khuyến khích, động viên, thu hút và sử dụng hiệu quả các cán bộ có năng lực và trình độ, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 12 tháng 2020.

d) Bộ Ngoại giao chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành và địa phương:

- Nghiên cứu, xây dựng báo cáo kinh nghiệm quốc tế về thu hút và quản lý đầu tư, giải quyết khiếu nại và tố cáo của nhà đầu tư nước ngoài và phòng ngừa việc phát sinh các tranh chấp đầu tư quốc tế, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong năm 2021.

- Hàng năm tổ chức bồi dưỡng nâng cao năng lực cho các công chức các bộ, ngành và địa phương về kiến thức, kỹ năng đàm phán và thực hiện điều ước quốc tế và thỏa thuận quốc tế.

đ) Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành và địa phương:

- Tổ chức tuyên truyền, phổ biến kiến thức về pháp luật thương mại, đầu tư quốc tế; các cam kết quốc tế của Việt Nam về thương mại và đầu tư.

- Hàng năm tổ chức đào tạo, tăng cường năng lực cho các cán bộ, công chức của các bộ, ngành, địa phương về pháp luật thương mại, đầu tư quốc tế; phòng ngừa và giải quyết tranh chấp đầu tư quốc tế.

- Kiểm tra, rà soát các văn bản về ưu đãi đầu tư của các bộ, ngành và địa phương, đề xuất phương án xử lý phù hợp.

- Chủ động, tích cực tham gia đàm phán, hoàn thiện các cơ chế giải quyết tranh chấp giữa Nhà nước và nhà đầu tư trong khuôn khổ Ủy ban của Liên Hiệp Quốc về Luật Thương mại Quốc tế (UNCITRAL) phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh Việt Nam.

e) Các bộ, ngành tăng cường tổ chức thi hành pháp luật, nâng cao hiệu quả quản lý ĐTNN trong phạm vi chức năng nhiệm vụ của mình.

g) Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương:

- Hàng năm rà soát, đánh giá công tác quản lý ĐTNN tại địa phương; có giải pháp cụ thể nâng cao hiệu quả công tác này.

- Tổ chức thực hiện đúng quy định của pháp luật và cam kết quốc tế về đầu tư tại địa phương;

- Giải quyết khiếu nại, tố cáo của nhà đầu tư nước ngoài theo đúng thẩm quyền, trình tự thủ tục được quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật; tạo điều kiện cho nhà đầu tư nước ngoài có cơ hội trình bày ý kiến trước khi có quyết định giải quyết khiếu nại, tố cáo. Trong quá trình giải quyết, cần tham vấn ý kiến của các Bộ: Tư pháp, Kế hoạch và Đầu tư, Tài nguyên và Môi trường, Ngoại giao và các cơ quan có liên quan để bảo đảm chặt chẽ, hạn chế tối đa phát sinh các vụ việc tranh chấp đầu tư quốc tế.

- Tập hợp và lưu giữ thông tin về các cam kết và thỏa thuận đầu tư, các vướng mắc, khiếu nại, tố cáo của nhà đầu tư trên hệ thống của cơ quan chuyên trách về đầu tư; thường xuyên rà soát, xử lý kịp thời, đúng quy định pháp luật.

- Rà soát, đánh giá để ưu tiên bố trí cán bộ có trình độ, năng lực, kỹ năng phù hợp làm công tác quản lý đầu tư nước ngoài.

2. Phòng ngừa tranh chấp đầu tư quốc tế

a) Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành và địa phương:

- Rà soát, đánh giá việc thực hiện các cơ chế lựa chọn, sàng lọc nhà đầu tư nước ngoài ngay từ khi nhà đầu tư nước ngoài tìm kiếm cơ hội đầu tư tại Việt Nam; tập hợp, lưu giữ đầy đủ thông tin về hoạt động đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, đề xuất các giải pháp hoàn thiện, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong năm 2021.

- Nghiên cứu, xây dựng cơ chế phối hợp giữa các bộ, ngành và địa phương trong rà soát, cảnh báo sớm nguy cơ phát sinh tranh chấp giữa nhà đầu tư nước ngoài và Nhà nước, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 12 năm 2020.

b) Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành và địa phương:

- Xây dựng Kế hoạch đào tạo đội ngũ chuyên gia pháp lý có đủ năng lực trình độ, phẩm chất đạo đức, có kiến thức chuyên môn, đủ năng lực tư vấn cho Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương khi tham gia giải quyết tranh chấp đầu tư quốc tế, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong năm 2020.

- Hàng năm đánh giá và chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn giải quyết tranh chấp đầu tư quốc tế tại Việt Nam.

- Hỗ trợ về pháp lý các bộ, ngành và địa phương đánh giá khả năng phát sinh tranh chấp đầu tư quốc tế khi được yêu cầu.

c) Bộ Ngoại giao tập hợp thông tin, đánh giá tình hình, xu thế đầu tư quốc tế, sự phát triển của pháp luật đầu tư quốc tế, tranh chấp đầu tư quốc tế và có các khuyến nghị phù hợp, kịp thời tới các cơ quan nhà nước Việt Nam.

d) Các bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương:

- Chủ động xây dựng và thực hiện các giải pháp hiệu quả, lựa chọn, sàng lọc nhà đầu tư nước ngoài ngay từ khi nhà đầu tư tìm hiểu cơ hội đầu tư tại Việt Nam; tập hợp, lưu giữ đầy đủ thông tin về hoạt động đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.

- Rà soát, đánh giá đúng yếu tố pháp lý, kể cả các rủi ro pháp lý có thể xảy ra trong đàm phán, ký và thực hiện các thỏa thuận, hợp đồng, cam kết với nhà đầu tư, cấp giấy chứng nhận hoặc văn bản cho nhà đầu tư, bảo đảm nội dung phù hợp với pháp luật Việt Nam và các cam kết đầu tư của Việt Nam, kịp thời xử lý các vướng mắc để hạn chế thấp nhất các tranh chấp phát sinh.

- Thường xuyên bồi dưỡng, nâng cao trình độ, năng lực và kỹ năng cho cán bộ làm công tác quản lý nhà nước về đầu tư nước ngoài; quan tâm tới kiến thức pháp luật và cam kết quốc tế về đầu tư.

3. Tổ chức thực hiện

a) Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chủ động, thực hiện kịp thời các nhiệm vụ được phân công tại Chỉ thị này.

b) Trong quá trình thực hiện, các cơ quan, tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật trong quá trình quản lý nhà nước về đầu tư làm phát sinh tranh chấp đầu tư quốc tế chịu trách nhiệm trước Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ về các thiệt hại phát sinh cho ngân sách nhà nước và ảnh hưởng đến môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam. Đồng thời, thực hiện nghiêm các quy định pháp luật về việc xử lý các cơ quan, tổ chức, cá nhân có vi phạm dẫn đến khiếu kiện gây thiệt hại ngân sách nhà nước theo Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước và các quy định pháp luật khác có liên quan.

c) Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành và cơ quan liên quan đôn đốc, kiểm tra, giám sát và báo cáo Thủ tướng Chính phủ tình hình thực hiện Chỉ thị./.

 

 

Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;
- Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Tổng Bí thư;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội;
- Văn phòng Quốc hội;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Viện kiểm sát nhân dân tối cao;
- Ủy ban Trung ương Mật trận Tổ quốc Việt Nam;
- Cơ quan trung ương của các đoàn thể;
- Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam;
- VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTg, TGĐ Cổng TTĐT, các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc, Công báo;
- Lưu: VT, V.I (2b).

THỦ TƯỚNG




Nguyễn Xuân Phúc

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Chỉ thị 27/CT-TTg năm 2020 về tăng cường công tác quản lý nhà nước về đầu tư và phòng ngừa việc phát sinh các vụ việc tranh chấp đầu tư quốc tế do Thủ tướng Chính phủ ban hành

  • Số hiệu: 27/CT-TTg
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Ngày ban hành: 10/07/2020
  • Nơi ban hành: Thủ tướng Chính phủ
  • Người ký: Nguyễn Xuân Phúc
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Từ số 707 đến số 708
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản