Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH ĐỒNG THÁP

---------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 27/2006/CT-UBND

Thị xã Cao Lãnh, ngày 14 tháng 11 năm 2006

 

CHỈ THỊ

VỀ MỘT SỐ BIỆN PHÁP CẤP BÁCH CHỦ ĐỘNG PHÒNG TRỪ RẦY NÂU, BỆNH VÀNG LÙN, LÙN XOẮN LÁ HẠI LÚA TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH ĐỒNG THÁP

Hiện nay, nhiều diện tích lúa Thu đông, lúa mùa ở các tỉnh miền Đông Nam bộ và đồng bằng sông Cửu Long vẫn đang bị nhiễm rầu nâu, bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã công bố dịch bệnh hại lúa; nhiều địa phương trong Tỉnh đang chuẩn bị xuống giống vụ Đông xuân sớm hơn lịch thời vụ quy định, trong khi nguồn bệnh tại chỗ chưa được khống chế, rầy nâu theo gió mùa Đông Bắc di trú đến, nguy cơ bị lây nhiễm và bộc phát dịch hại lúa trên diện rộng cho vụ sản xuất vụ Đông xuân 2006-2007 rất cao; thực hiện Công điện khẩn của Thủ tướng Chính phủ số 1680/CĐ-TTg ngày 19 tháng 10 năm 2006; để chủ động phòng ngừa dịch hại lúa vụ Đông xuân 2006-2007, Ủy ban nhân dân Tỉnh chỉ thị:

1. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:

- Thực hiện tốt công tác dự tính dự báo, giám sát chặt chẽ dịch bệnh, theo dõi phát hiện kịp thời sự xuất hiện của rầy nâu để hướng dẫn cho nông dân phòng trừ kịp thời, không để rầy nâu phát tán lây truyền bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá; cung cấp các tài liệu, tờ rơi, mở lớp tập huấn, hướng dẫn nông dân các biện pháp phòng trừ có hiệu quả; xây dựng thực hiện ứng dụng GIS trong dự tính dự báo tình hình sâu bệnh hại cây trồng; triển khai kế hoạch thực hiện chương trình “3 giảm, 3 tăng” trên địa bàn Tỉnh và chương trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp với quy hoạch phát triển nông nghiệp của tỉnh giai đoạn 2006-2010 và đến năm 2020.

- Chủ trì, phối hợp với Đài Phát thanh Truyền hình Tỉnh xây dựng các buổi tọa đàm, các chương trình cảnh báo sự mất cân bằng sinh thái, nguy cơ bùng phát các loài dịch hại lúa và tiếp tục đưa tin thường xuyên liên tục việc cảnh báo sự gây hại của rầy nâu, bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá trên lúa. Việc đưa tin cần lưu ý tránh gây tâm lý hoang mang cho người dân dẫn đến việc sử dụng thuốc tràn lan, lãng phí, không hiệu quả và gây ô nhiễm môi trường.

- Chỉ đạo Chi cục Bảo vệ thực vật tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật, phát hiện, ngăn chặn kịp thời và xử lý theo quy định của pháp luật đối với hành vi kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật giả, kém phẩm chất, đầu cơ nâng giá và vi phạm nội dung quảng cáo.

2. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã:

- Tập trung chỉ đạo, thực hiện tốt kế hoạch sản xuất vụ Đông xuân 2006-2007, có kế hoạch phát động, vận động, để nông dân ra quân đồng loạt vệ sinh đồng ruộng, diệt ốc bươu vàng trên diện rộng, hướng dẫn nông dân gieo sạ đúng theo lịch thời vụ, kiên quyết không để nông dân tự phát gieo sạ sớm hơn thời gian quy định của ngành nông nghiệp; khi phát hiện rầy nâu phải tổ chức phun xịt đồng loạt trên diện rộng theo khuyến cáo của ngành chuyên môn, không phun xịt lẻ tẻ dễ tạo điều kiện cho rầy nâu phát tán mang mầm bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá lây nhiễm sang nơi khác, khi phát hiện có lúa bị bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá thì phải nhổ bỏ hoặc đạp vùi ngay (bị nhiễm <10% diện tích), nếu diện tích bị nhiễm nặng (>10%) thuộc diện tiêu hủy bắt buộc, phải huy động mọi nguồn lực tại địa phương để tiến hành tiêu hủy ngay theo quy định, không bỏ sót hoặc để kéo dài nhằm cắt đứt nguồn lây bệnh trên đồng ruộng, nhất là ở giai đoạn đẻ nhánh, làm đòng phải cương quyết tiêu hủy cả ruộng hoặc phải nhổ bỏ hết những cây lúa bệnh để tránh nguồn bệnh phát tán, tạo điều kiện cho các cây lúa chưa nhiễm bệnh không bị lây lan và có điều kiện phát triển, đồng thời giảm lượng vật tư tiếp tục đầu tư cho lúa ở các giai đoạn sau. Hướng dẫn nông dân thực hiện các biện pháp quản lý dịch hại tổng hợp (IPM), các biện pháp giảm giá thành, 3 giảm - 3 tăng ngay từ khi gieo sạ.

- Tăng cường công tác thông tin tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng ở địa phương về dự báo tình hình sâu, bệnh hại cây trồng và các biện pháp phòng chống dịch rầy nâu, bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá trên lúa để nông dân nhận biết được sự nguy hiểm, tác hại của dịch bệnh và thực hiện các biện pháp phòng trừ có hiệu quả.

- Quy hoạch phát triển cây màu, cây công nghiệp ngắn ngày như: bắp lai, đậu nành, mè… phù hợp với điều kiện canh tác, thổ nhưỡng của địa phương và tích cực tìm giải pháp đầu ra để vận động nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp với quy hoạch phát triển nông nghiệp của Tỉnh giai đoạn 2006-2010 và đến năm 2020, theo hướng giảm dần diện tích lúa nhất là lúa vụ 3, tăng diện tích cây màu, cây công nghiệp ngắn ngày.

- Khẩn trương thành lập đội phòng, chống dịch rầy nâu, bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá để thực hiện công tác dập dịch kịp thời trong tình huống xảy ra dịch bệnh nghiêm trọng.

- Thống kê phương tiện như máy phun và có kế hoạch trang bị máy phun, dự trữ thuốc trừ rầy nâu phục vụ kịp thời trong phòng chống dịch.

3. Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn sử dụng kinh phí phục vụ cho công tác phòng, chống dịch rầy nâu, bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá và hỗ trợ nông dân theo Quyết định số 1459/QĐ-TTg ngày 07 tháng 11 năm 2006 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ phòng, trừ dập dịch rầy nâu, bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá trên lúa đối với các tỉnh phía Nam.

4. Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Tỉnh:

Chỉ đạo các ngân hàng thương mại nhà nước đóng trên địa bàn Tỉnh thực hiện việc khoanh nợ và cho nông dân vay vốn để khôi phục sản xuất theo Quyết định số 1459/QĐ-TTg ngày 07 tháng 11 năm 2006 của Thủ tướng Chính phủ.

5. Đài Phát thanh Truyền hình Tỉnh:

Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thông tin tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng về phòng, chống dịch rầy nâu, bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá hại lúa; đồng thời tăng thời lượng phát sóng chương trình này.

6. Đề nghị Mặt trận Tổ quốc Tỉnh, các Đoàn thể Tỉnh chỉ đạo các cấp hội chủ động phối hợp với chính quyền địa phương vận động hội viên hưởng ứng và tham gia tích cực các giải pháp phòng trừ rầy nâu, bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá trên lúa vụ Đông xuân 2006-2007 trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp theo khuyến cáo của ngành Nông nghiệp.

Công tác phòng chống dịch rầy nâu, bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá hại lúa là nhiệm vụ đột xuất, cấp bách, trọng tâm của các cấp ủy đảng, chính quyền, là trách nhiệm của mỗi người dân và phải huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị quán triệt cùng tham gia thực hiện.

Yêu cầu Thủ trưởng các sở, ban ngành Tỉnh và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã phối hợp với các đoàn thể, đơn vị liên quan tổ chức thực hiện nghiêm Chỉ thị này và thường xuyên báo cáo kết quả về Ủy ban nhân dân Tỉnh để chỉ đạo kịp thời./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
CHỦ TỊCH




Trương Ngọc Hân