Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI
******

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 27/2002/CT-UB

Hà Nội, ngày 06 tháng 08 năm 2002 

 

CHỈ THỊ

VỀ TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC QUẢN LÝ VÀ CHỐNG THẤT THU THUẾ CÔNG THƯƠNG NGHIỆP, DỊCH VỤ - NGOÀI QUỐC DOANH TRÊN ĐỊA BÀN HÀ NỘI

Năm 2001, kết quả thu thuế đối với hoạt động sản xuất kinh doanh công thương nghiệp - dịch vụ Ngoài quốc doanh trên địa bàn Hà Nội đạt 105,5% dự toán và tăng 16% so với cùng kỳ, đây là cố gắng rất lớn của ngành Thuế Hà Nội. Tuy nhiên, số thuế thu được từ khu vực này chưa tương xứng với quy mô và tốc độ tăng trưởng của khu vực kinh tế Ngoài quốc doanh trên địa bàn Thành phố.

Qua kiểm tra cụ thể tại một số địa bàn và các doanh nghiệp thì hiện tượng thất thu về đối tượng nộp thuế và doanh thu tính thuế còn tương đối phổ biến; tình trạng trốn thuế, nợ đọng thuế, chiếm đoạt tiền thuế chưa khắc phục triệt để, tạo sự không công bằng giữa các doanh nghiệp, các thành phần kinh tế trong việc thực hiện Luật thuế, gây những hậu quả không tốt cho công tác quản lý kinh tế trên địa bàn.

Thủ tướng Chính phủ đã có Chỉ thị 06/2002/CT-TTg ngày 20/02/2002 về biện pháp tăng cường quản lý và chống thất thu Ngân sách Nhà nước năm 2002; Bộ Tài chính có công văn số 4320 TC/TCT ngày 07/05/2002 về tăng cường phối hợp giữa các ngành trong công tác chống thất thu thuế.

Để thực hiện nghiêm Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ và công văn của Bộ Tài chính nhằm ngăn chặn các hành vi chốn lậu thuế, chống thất thu Ngân sách Nhà nước, Uỷ ban nhân dân Thành phố yêu cầu các Sở, Ban, Ngành liên quan và Uỷ ban nhân dân các quận, huyện tập trung thực hiện tốt các công việc sau:

1. Cục Thuế Thành phố Hà Nội phối hợp với Báo Kinh tế Đô thị, Báo Hà Nội Mới, Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội và Uỷ ban nhân dân các quận, huyện, phường, xã, thị trấn đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến nội dung các chính sách thuế, các hành vi vi phạm và chế tài xử lý các hành vi vi phạm về thuế để các hộ kinh doanh, các doanh nghiệp nắm được và tự giác chấp hành.

2. Uỷ ban nhân dân các quận, huyện chỉ đạo Uỷ ban nhân dân các phường, xã, thị trấn và các Đội Thuế sở tại tiến hành rà soát tất cả các hộ kinh doanh trên địa bàn, để đưa vào quản lý thu thuế 100% số hộ có địa điểm kinh doanh cố định. Tập trung chống thất thu đối với một số loại hình kinh doanh cá thể hiện nay chưa quản lý tốt như: kinh doanh vận tải, xây dựng nhà ở cho tư nhân, cho người lao động ngoại tỉnh và sinh viên thuê nhà, cho tư nhân thuê nhà làm cửa hàng - cửa hiệu, các dịch vụ dạy học, luyện thi...

Kiểm tra việc kê khai doanh thu, mức thu thuế của các nhà hàng ăn uống, khách sạn, nhà nghỉ trên địa bàn; đối chiếu với quy mô kinh doanh thực tế để ấn định doanh thu và mức thuế sát với hoạt động kinh doanh.

3. Sở Giao thông công chính Hà Nội phối hợp với các Trạm đăng kiểm trên địa bàn Thành phố Hà Nội có trách nhiệm cung cấp cho Cục Thuế Thành phố Hà Nội danh sách các chủ phương tiện là cá  nhân kinh doanh vận tải hành khách và vận tải hàng hoá để ngành Thuế theo dõi quản lý thu thuế.

Khi các Trạm đăng kiểm tiếp nhận hồ sơ, ngoài các giấy tờ đã quy định phải yêu cầu chủ phương tiện xuất trình biên lai nộp thuế Môn bài, thuế Giá trị gia tăng, thuế Thu nhập doanh nghiệp. Nếu chủ phương tiện chưa có biên lai nộp thuế thì các Trạm đăng kiểm thông báo cho Chi cục Thuế sở tại để thu thuế trước khi cấp giấy phép lưu hành.

Uỷ ban nhân dân các quận, huyện chỉ đạo Uỷ ban nhân dân các phường, xã, thị trấn tổ chức thu thuế đối với hoạt động kinh doanh vận tải trên điạ bàn, phối hợp với ngành Thuế để quản lý thu thuế. Cục thuế Thành phố Hà Nội xây dựng phương án uỷ nhiệm cho Uỷ ban nhân dân các phường, xã, thị trấn tổ chức thu thuế đối với hoạt động kinh doanh vận tải trên địa bàn.

4. Công an Thành phố Hà Nội, Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội có trách nhiệm phối hợp với cơ quan Thuế để tổ chức kiểm tra việc thực hiện chế độ sổ sách kế toán, hoá đơn chứng từ của các hộ và các doanh nghiệp; xử lý nghiêm các vi phạm có tính chất nghiêm trọng, bán hàng ghi hoá đơn thấp hơn số tiền thu của khách hàng (thường xảy ra đối với các mặt hàng: xe gắn máy, ô tô, điện tử, điện lạnh...), cố tình sử dụng hoá đơn giả, mua bán hoá đơn khống để trốn lậu thuế.

5. Sở Tài chính - Vật giá Hà Nội bố trí kinh phí cấp hỗ trợ cho Cục Thuế Thành phố Hà Nội để triển khai công tác quản lý và chống thất thu thuế đối với khu vực Ngoài quốc doanh.

Thủ trưởng các Sở, Ban, Ngành liên quan và Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các quận, huyện chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện nghiêm chỉnh Chỉ thị này.

Trong quá trình triển khai thực hiện có khó khăn, vướng mắc cần kịp thời báo cáo về Cục Thuế để tổng hợp báo cáo Uỷ ban nhân dân Thành phố xem xét giải quyết./.

 

 

T/M. UỶ BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI
K/T. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Phan Văn Vượng

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Chỉ thị 27/2002/CT-UB về tăng cường công tác quản lý và chống thất thu thuế Công thương nghiệp, dịch vụ - Ngoài quốc doanh trên địa bàn Hà Nội do Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nội ban hành

  • Số hiệu: 27/2002/CT-UB
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Ngày ban hành: 06/08/2002
  • Nơi ban hành: Thành phố Hà Nội
  • Người ký: Phan Văn Vượng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 06/08/2002
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản