CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM | |
Số: 261-CT | Hà Nội, ngày 09 tháng 9 năm 1987 |
CHỈ THỊ
Trong quý II năm 1987 Hội đồng Bộ trưởng đã cử đoàn kiểm tra công tác xây dựng cơ bản cấp Nhà nước đi kiểm tra tình hình xây dựng cơ bản của một số ngành và địa phương. Căn cứ báo cáo của đoàn kiểm tra và báo cáo tình hình thực hiện kế hoạch đầu tư xây dựng cơ bản 8 tháng đầu năm 1987 của Tổng cục Thống kê cho thấy những thiếu sót khuyết điểm trong công tác xây dựng cơ bản đã bị phê phán ở Đại hội Đảng vẫn đang tiếp diễn ở nhiều nơi, nhất là ở các quận, huyện. Vì vậy việc tăng cường quản lý vốn đầu tư xây dựng cơ bản theo mục tiêu kế hoạch Nhà nước là một việc cần làm ngay không thể trì hoãn được nữa. Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng chỉ thị cho các ngành, các cấp phải kiên quyết làm bằng được những việc sau đây:
1. Các ngành, các cấp chỉ được bố trí kế hoạch đầu tư xây dựng cơ bản năm 1987 trong giới hạn mức vốn đầu tư được Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước chính thức thông báo lại sau khi Nhà nước công bố áp dụng giá mới. Vốn phải dành ưu tiên xây lắp bảo đảm tiến độ các công trình thủy điện Hoà Bình, Trị An, dầu khí, Apatít Lao Cai mở rộng, công trình trọng điểm về than, về thuỷ lợi, giao thông, những công trình quan trọng thuộc chương trình lương thực, chương trình xuất khẩu và hàng tiêu dùng. Còn lại các công trình khác, các Bộ và địa phương phải cắt giảm khối lượng và tự sắp xếp lại công trình xây dựng trên cơ sở tổng mức vốn đầu tư được giao trừ đi vốn thanh toán khối lượng xây dựng cơ bản hoàn thành 9 tháng đầu năm 1987 (kể cả yếu tố trượt giá); không khởi công mới những công trình đến nay chưa khởi công. Ngành nào, địa phương nào làm vượt vốn ngân sách trung ương giao năm 1987 thì sang năm 1988 không được thanh toán.
2. Nguồn đầu tư bằng vốn tự có của các địa phương và các ngành chủ yếu phải tập trung vào đầu tư theo chiều sâu, cải tiến dây chuyền công nghệ sản xuất, phục vụ 3 chương trình kinh tế lớn, tăng nhanh sản phẩm xã hội. Trong 2 năm 1987-1988 không được xây dựng trụ sở cơ quan, hội trường, nhà truyền thống, nhà văn hoá, nhà khách, nhà thi đấu, sân vận động.
3. Cơ quan tài chính và ngân hàng các cấp, các cơ quan thi công xây lắp và cung ứng vật tư, vận tải không được cấp phát vốn đầu tư, ký hợp đồng thi công xây lắp, cung ứng vật tư, vận tải đối với các công trình không được ghi trong kế hoạch Nhà nước.
4. Nghiêm cấm việc sử dụng, đổi chác vật tư đã cân đối cho các công trình được ghi trong kế hoạch Nhà nước, hoặc vật tư dành để ký hợp đồng kinh tế mua nông sản và hàng xuất khẩu để xây dựng các công trình ngoài kế hoạch của các địa phương, các ngành.
5. Phải bằng mọi cách thực hiện tiết kiệm vốn đầu tư và vật liệu xây dựng. Ngay cả các công trình đã có luận chứng kinh tế kỹ thuật và thiết kế được duyệt, đã thi công một phần, cơ quan chủ quản đầu tư và cơ quan quản lý xây dựng cơ bản vẫn phải tổ chức xem xét lại chủ trương, quy mô và kết cấu xây dựng, cái gì có thể tận dụng cơ sở cũ chưa cần xây dựng mới, cái gì có thể thu hẹp quy mô hoặc chuyển sang kết cấu xây dựng dùng vật liệu tại chỗ thay thế vật liệu nhập khẩu hoặc phải đưa từ xa đến, thì kiên quyết xử lý theo hướng tiết kiệm nhất.
Phải rà soát thật chặt chẽ khoản đầu tư về nhà ở, nhất là các khoản kiến thiết cơ bản khác, giảm đến mức cao nhất vốn đền bù, đào tạo thực tập sinh, đài thọ chuyên gia, chi cho bộ máy quản lý công trình, chi cho lễ khởi công, chạy thử, khánh thành, v.v... khi xem xét để quyết định làm các công trình phụ trợ phục vụ thi công phải tận dụng các cơ sở đã có ở gần khu vực công trình, nếu cần thì mới cải tạo hoặc mở rộng đến mức cần thiết, để tiết kiệm vốn đầu tư.
Phải tận dụng các loại thiết kế mẫu, giao Uỷ ban Xây dựng cơ bản Nhà nước nghiên cứu sửa lại chi phí khảo sát, thiết kế phí theo hướng khuyến khích tận dụng các cơ sở che chắn đã có, chọn các giải pháp tiết kiệm vốn đầu tư và đất xây dựng. Khâu nào ta làm được thì nhất thiết không thuê chuyên gia nước ngoài.
Thủ trưởng các ngành, các cấp phải thật sự quán triệt tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI, Nghị quyết Hội nghị lần thứ hai và lần thứ ba của Ban Chấp hành Trung ương Đảng để lãnh đạo các cơ sở thực hiện tốt Chỉ thị này, kiên quyết chấn chỉnh ngay tình trạng xây dựng cơ bản không theo đúng kế hoạch, gây những khó khăn mới, làm rối ren tình hình kinh tế xã hội.
Uỷ ban Thanh tra Nhà nước các cấp phối hợp chặt chẽ với Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước và Uỷ ban Xây dựng cơ bản Nhà nước cùng cấp theo dõi kiểm tra việc thực hiện Chỉ thị này, kịp thời phát hiện biểu dương nơi làm tốt, có kỷ luật thích đáng đối với nơi cố tình vi phạm.
Chỉ thị này phổ biến đến cấp huyện và xí nghiệp, nông trường, lâm trường và đến cấp trung đoàn trong các lực lượng vũ trang.
Các Bộ, Tổng cục, Uỷ ban Nhà nước, Uỷ ban Nhân dân các tỉnh, thành phố, đặc khu trực thuộc Trung ương có trách nhiệm thi hành Chỉ thị này trong vòng 2 tháng kể từ ngày Chỉ thị được ban hành phải báo cáo kết quả thực hiện về Hội đồng Bộ trưởng.
| Phạm Hùng (Đã ký)
|
- 1Quyết định 101-TC/ĐT năm 1987 ban hành chế độ quản lý vốn đầu tư xây dựng cơ bản của Bộ trưởng Bộ Tài chính
- 2Quyết định 17/2001/QĐ-BTC về Quy chế báo cáo công tác quản lý vốn đầu tư xây dựng cơ bản do Bộ trưởng Bộ Tài Chính ban hành
- 3Thông tư 106/2003/TT-BTC hướng dẫn quản lý vốn đầu tư xây dựng cơ bản thuộc xã, thị trấn do Bộ Tài chính ban hành
- 1Quyết định 101-TC/ĐT năm 1987 ban hành chế độ quản lý vốn đầu tư xây dựng cơ bản của Bộ trưởng Bộ Tài chính
- 2Quyết định 17/2001/QĐ-BTC về Quy chế báo cáo công tác quản lý vốn đầu tư xây dựng cơ bản do Bộ trưởng Bộ Tài Chính ban hành
- 3Thông tư 106/2003/TT-BTC hướng dẫn quản lý vốn đầu tư xây dựng cơ bản thuộc xã, thị trấn do Bộ Tài chính ban hành
Chỉ thị 261-CT năm 1987 về tăng cường quản lý vốn đầu tư xây dựng cơ bản theo mục tiêu kế hoạch Nhà nước do Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng ban hành
- Số hiệu: 261-CT
- Loại văn bản: Chỉ thị
- Ngày ban hành: 09/09/1987
- Nơi ban hành: Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng
- Người ký: Phạm Hùng
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 24/09/1987
- Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định