ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 26/CT-UBND | Biên Hòa, ngày 08 tháng 12 năm 2009 |
CHỈ THỊ
TĂNG CƯỜNG CÁC BIỆN PHÁP QUẢN LÝ VỆ SINH AN TOÀN THỰC PHẨM
Vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) đã trở thành mối quan tâm hàng đầu của các ngành, các cấp và của toàn xã hội, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm vì mục tiêu nâng cao chất lượng cuộc sống con người, ổn định phát triển sản xuất kinh doanh có ý nghĩa hết sức quan trọng trong đời sống xã hội nói chung và trên địa bàn tỉnh Đồng Nai nói riêng.
Đồng Nai là tỉnh nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, toàn tỉnh có 29 khu công nghiệp tập trung, 27 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động thu hút hơn 700 ngàn lao động trong hơn 900 doanh nghiệp. Hầu hết các doanh nghiệp có tổ chức cho công nhân ăn tập thể với nhiều hình thức: Bếp ăn tập thể, hợp đồng dịch vụ cung cấp, suất ăn công nghiệp. Mặc dù các doanh nghiệp có quan tâm công tác bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, nhưng tình hình ngộ độc thực phẩm vẫn luôn tiềm ẩn trong các bếp ăn tập thể, trong cộng đồng dân cư.
Qua thanh tra, kiểm tra, khảo sát đánh giá điều kiện đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm tại các bếp ăn tập thể, các cơ sở cung cấp suất ăn sẵn cho thấy các doanh nghiệp, cơ quan, đơn vị có tổ chức bếp ăn tập thể đã quan tâm, ý thức về điều kiện đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Tình hình giết mổ, bảo quản, kinh doanh, chế biến sản phẩm gia súc, gia cầm được kiểm soát. Việc quản lý các cơ sở chế biến, kinh doanh thực phẩm, thức ăn đường phố được chú trọng...
Tuy nhiên, vẫn còn những đơn vị chưa thực sự quan tâm việc thực hiện các quy định về đảm bảo VSATTP, nguy cơ ngộ độc thực phẩm vẫn luôn tiềm ẩn tại các bếp ăn tập thể. Trong 06 tháng đầu năm 2009, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 02 vụ ngộ độc thực phẩm tại 02 bếp ăn tập thể có quy mô hàng ngàn người ăn với 741 người mắc, 173 người phải nhập viện điều trị, tăng hơn 04 lần số người nhập viện so với năm 2008. Tình trạng vi phạm về giết mổ, kinh doanh sản phẩm gia súc, gia cầm vẫn xảy ra; công tác quản lý các cơ sở chế biến kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống và thức ăn đường phố hiệu quả chưa cao.
Ngộ độc thực phẩm có thể xảy ra do nhiều nguyên nhân nhưng phần lớn do việc lựa chọn, chế biến, bảo quản và sử dụng thực phẩm không an toàn là những nguyên nhân chủ yếu gây ra ngộ độc thực phẩm.
Để tăng cường công tác phòng, chống ngộ độc thực phẩm, phòng ngừa, khắc phục ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai yêu cầu:
1. Giám đốc các doanh nghiệp, Thủ trưởng các cơ quan, Hiệu trưởng các trường có tổ chức bếp ăn tập thể chịu trách nhiệm trước pháp luật về bữa ăn tập thể của công nhân, cán bộ, viên chức, sinh viên và học sinh của đơn vị, trường học. Thực hiện ký cam kết với cơ quan y tế theo phân cấp quản lý về đảm bảo điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm tại bếp ăn tập thể, không để xảy ra ngộ độc thực phẩm; chú trọng thực hiện nghiêm túc các yêu cầu, quy định về điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm tại các nhà ăn, bếp ăn tập thể và cơ sở kinh doanh chế biến suất ăn sẵn (quy định tại Quyết định số 4128/2001/QĐ-BYT ngày 03/10/2001 của Bộ trưởng Bộ Y tế).
- Các doanh nghiệp, đơn vị, trường học có hợp đồng với cơ sở, dịch vụ nấu ăn tại chỗ hoặc dịch vụ cung cấp suất ăn sẵn cần lựa chọn cơ sở có tư cách pháp nhân, có đủ năng lực đảm bảo điều kiện VSATTP, có giấy chứng nhận đủ điều kiện VSATTP do ngành y tế cấp, có hợp đồng theo đúng thủ tục pháp lý trong đó có điều khoản quy định về trách nhiệm đảm bảo VSATTP của bên cung cấp dịch vụ. Trường hợp có thay đổi cơ sở cung cấp dịch vụ phải thông báo đến Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm để biết, hướng dẫn doanh nghiệp, đơn vị thực hiện các yêu cầu cần thiết và lựa chọn cơ sở cung cấp dịch vụ đảm bảo VSATTP.
- Đối với đơn vị tự tổ chức bếp ăn tập thể, người được giao quản lý bếp ăn phải ký cam kết trách nhiệm đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm với Giám đốc hoặc Thủ trưởng đơn vị; nguồn nguyên liệu thực phẩm phải có hợp đồng cung cấp, có tài liệu chứng nhận về chất lượng, nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng.
- Khi xảy ra ngộ độc thực phẩm, Giám đốc, Thủ trưởng đơn vị phải khẩn trương huy động mọi nguồn lực, phương tiện để sơ cấp cứu người bị ngộ độc; đồng thời báo cáo ngay tình hình ngộ độc cho cơ quan y tế; phối hợp tích cực với cơ quan y tế để thực hiện các bước điều tra theo quy định.
2. Các sở, ngành chức năng có nhiệm vụ:
a) Sở Y tế chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan, các địa phương, hướng dẫn các đơn vị, cơ sở kinh doanh, dịch vụ, phục vụ ăn uống thực hiện đúng quy định, hướng dẫn của Bộ Y tế về điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm tại các nhà ăn, bếp ăn tập thể, cơ sở kinh doanh chế biến thức ăn sẵn, cơ sở kinh doanh, dịch vụ, phục vụ ăn uống; đồng thời tăng cường kiểm tra, thanh tra, giám sát việc thực hiện các quy định về điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm của các cơ sở cung cấp dịch vụ nấu ăn tại chỗ, cung cấp suất ăn sẵn, các cơ sở dịch vụ, phục vụ ăn uống, cơ sở kinh doanh thực phẩm, thực phẩm tươi sống để kịp thời chỉ đạo, chấn chỉnh, nếu vi phạm nghiêm trọng phải xử lý nghiêm, kiên quyết theo quy định.
- Sở Y tế có trách nhiệm chủ động phối hợp với Ban Quản lý các Khu công nghiệp, Sở Giáo dục và Đào tạo, các sở, ngành liên quan tổ chức thanh tra, kiểm tra bếp ăn tập thể tại các doanh nghiệp trong khu công nghiệp, các bếp ăn trong các trường mẫu giáo, nhà trẻ, các trường bán trú; các cơ sở dịch vụ, phục vụ ăn uống trên địa bàn về việc thực hiện đầy đủ các quy định về đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Trong quá trình thanh, kiểm tra phải kiên quyết xử lý nghiêm các vi phạm, không để các cơ sở không đủ điều kiện theo quy định của pháp luật sản xuất, kinh doanh thực phẩm, cung ứng dịch vụ ăn uống; đồng thời công bố trên các phương tiện thông tin đại chúng các cơ sở không chấp hành đúng các quy định về bảo đảm VSATTP và có nhiều nguy cơ xảy ra ngộ độc thực phẩm. Hướng dẫn các cơ sở kinh doanh, chế biến thực phẩm thực hiện thủ tục để được thẩm định cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện VSATTP; thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn kiến thức về VSATTP cho các đối tượng quản lý, phục vụ tại các bếp ăn tập thể, dịch vụ cung cấp suất ăn sẵn, các cơ sở cung cấp thực phẩm tươi sống để nâng cao nhận thức trong việc chấp hành các quy định về bảo đảm VSATTP, thực hành tốt các quy trình bảo đảm VSATTP trong sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm nhằm giảm thiểu những nguy cơ gây ra ngộ độc thực phẩm. Chỉ đạo Chi cục An toàn Vệ sinh Thực phẩm tăng cường công tác kiểm nghiệm các nguồn nước sử dụng và các sản phẩm từ thịt heo gà tại các chợ trên địa bàn tỉnh; tăng cường kiểm tra các cơ sở chế biến thực phẩm, cung cấp suất ăn công nghiệp; kiên quyết xử lý các cơ sở chế biến thực phẩm do mua những nguyên liệu không rõ nguồn gốc hoặc các nguyên liệu đã bị nhiễm khuẩn, nguyên liệu có các chất độc hại tồn dư trong thịt như: Hormone (hóc môn), thuốc kháng sinh, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, độc tố vi sinh, kim loại nặng, các nguyên liệu nhập khẩu đông lạnh quá thời hạn.
b) Sở Nông nghiệp và PTNT tiếp tục hoàn chỉnh hồ sơ quy hoạch vùng khuyến khích phát triển chăn nuôi và giết mổ tập trung; xây dựng và nhân rộng các mô hình thực hành nông nghiệp tốt trong sản xuất nông nghiệp nhằm tạo ra các sản phẩm an toàn cho người tiêu dùng gắn với việc tổ chức triển khai tốt kế hoạch phòng, chống dịch cho cây trồng, vật nuôi, góp phần bảo đảm VSATTP. Có kế hoạch kiểm tra, giám sát tồn dư hóa chất độc hại trong nông - thủy sản và công tác phối hợp hoạt động liên ngành trong hoạt động thanh kiểm tra và xử lý các vi phạm về VSATTP, sản xuất kinh doanh vật tư nông nghiệp.
c) Sở Công thương có trách nhiệm:
- Phối hợp với các ngành chức năng kiểm tra, kiểm soát việc kinh doanh thực phẩm giả, kém chất lượng, thực phẩm không rõ nguồn gốc, không có chứng nhận về chất lượng, vi phạm quy định ghi nhãn hàng hóa thuộc lĩnh vực Sở quản lý. Tăng cường kiểm tra, kiểm soát các khâu từ sản xuất đến lưu thông các sản phẩm là thực phẩm, nhất là quản lý chặt chẽ lưu thông thịt gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, công ty hoạt động trong lĩnh vực cung cấp sản phẩm thịt gia súc, gia cầm bố trí nhiều điểm kinh doanh hoặc các đại lý bán thực phẩm an toàn tại các chợ, siêu thị.
- Phối hợp với Ủy ban nhân dân các cấp chỉ đạo triển khai và kiểm tra việc thực hiện các quy định bảo đảm điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm tại các chợ, siêu thị, các cơ sở kinh doanh dịch vụ, phục vụ ăn uống.
d) Sở Giáo dục và Đào tạo:
- Chỉ đạo các phòng giáo dục, các trường học, nhất là các trường có bếp ăn tập thể hoặc có hợp đồng với các cơ sở cung cấp suất ăn sẵn, dịch vụ ăn uống phải bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm trong hệ thống các trường học, không để các cơ sở không đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm cung ứng các dịch vụ ăn uống trong trường học.
- Phối hợp với ngành y tế tổ chức tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn về vệ sinh an toàn thực phẩm trong trường học, đồng thời huy động giáo viên và học sinh tham gia tích cực công tác vệ sinh an toàn thực phẩm.
e) Sở Thông tin và Truyền thông, Đài Phát thanh - Truyền hình Đồng Nai, Báo Đồng Nai, Báo Lao động Đồng Nai phối hợp với ngành y tế tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật về VSATTP phù hợp cho từng đối tượng; đồng thời chỉ đạo các Đài Truyền thanh cơ sở, các đội thông tin lưu động, hệ thống truyền thanh xã, phường, thị trấn dành thời lượng phát sóng để phổ biến các kiến thức, quy tắc về vệ sinh an toàn thực phẩm, về cách chọn lựa, bảo quản, chế biến thực phẩm; khuyến khích người tiêu dùng sử dụng các sản phẩm sạch, có thương hiệu, uy tín; thông tin kịp thời các cơ sở, dịch vụ ăn uống, các sản phẩm không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm đến nhân dân biết, không sử dụng.
3. Các doanh nghiệp, công ty sản xuất, kinh doanh, chế biến sản phẩm gia súc, gia cầm trên địa tỉnh cần tăng cường xây dựng và phát triển mạng lưới, mở nhiều điểm kinh doanh trên địa bàn các huyện, thị xã Long Khánh, thành phố Biên Hòa; nguồn hàng thực phẩm tươi sống có bao bì, thương hiệu để người tiêu dùng có điều kiện sử dụng tốt sản phẩm; có kế hoạch ký kết hợp đồng thu hút các hộ, cơ sở, doanh nghiệp chăn nuôi đưa vào giết mổ tại nhà máy, công ty nhằm đảm bảo quản lý chất lượng sản phẩm vệ sinh an toàn thực phẩm trước khi đưa ra lưu thông trên thị trường cũng như tạo hệ thống bán lẻ tại các chợ loại 1, loại 2 thông qua các hộ, cơ sở kinh doanh.
4. Chủ tịch UBND các huyện, thị xã Long Khánh, thành phố Biên Hòa tăng cường quản lý Nhà nước về vệ sinh an toàn thực phẩm trên địa bàn, xây dựng kế hoạch, phân công nhiệm vụ triển khai thực hiện và chỉ đạo kiểm tra, giám sát, đánh giá việc thực hiện công tác VSATTP tại địa phương; chỉ đạo phòng y tế, các cơ quan chức năng liên quan, UBND các xã, phường, thị trấn căn cứ chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền của đơn vị, địa phương, phối hợp hiệu quả công tác cấp giấy phép, giấy chứng nhận đủ điều kiện VSATTP theo phân cấp quản lý đúng quy định, hướng dẫn của Bộ Y tế, đồng thời tăng cường hoạt động giám sát quá trình hoạt động, kinh doanh của các cơ sở; kịp thời chỉ đạo, chấn chỉnh những đơn vị, cơ sở sản xuất, kinh doanh chế biến thực phẩm không đúng quy định, có nguy cơ gây ngộ độc thực phẩm, lưu ý đến việc sử dụng nguồn nước, vệ sinh môi trường xung quanh.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu Giám đốc các sở, Thủ trưởng các ban, ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã Long Khánh và thành phố Biên Hòa có trách nhiệm tổ chức thực hiện nghiêm túc Chỉ thị này. Sở Y tế có trách nhiệm đôn đốc, kiểm tra việc triển khai thực hiện, quá trình thực hiện có khó khăn, vướng mắc, kịp thời báo cáo đề xuất và tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo, giải quyết.
Chỉ thị này có hiệu lực kể từ ngày ký./.
| ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH ĐỒNG NAI |
Chỉ thị 26/CT-UBND năm 2009 về tăng cường các biện pháp quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm do Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai ban hành
- Số hiệu: 26/CT-UBND
- Loại văn bản: Chỉ thị
- Ngày ban hành: 08/12/2009
- Nơi ban hành: Tỉnh Đồng Nai
- Người ký: Huỳnh Thị Nga
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 08/12/2009
- Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực