Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 26/2011/CT-UBND | Ninh Thuận, ngày 31 tháng 10 năm 2011 |
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG CÁC BIỆN PHÁP NGĂN CHẶN, XỬ LÝ HÀNH VI SỬ DỤNG MUA BÁN, TÀNG TRỮ, VẬN CHUYỂN CÁC LOẠI CHẤT NỔ, CHẤT ĐỘC VÀ XUNG ĐIỆN ĐỂ KHAI THÁC THỦY SẢN TRÁI PHÉP TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH NINH THUẬN
Sử dụng chất nổ, chất độc, xung điện để khai thác thủy sản là hành động hủy diệt nguồn lợi, phá hủy sinh cảnh và gây ô nhiễm môi trường sống của các loài thủy sản, nguy hiểm đến tính mạng con người, làm thiệt hại tài sản và an ninh trật tự.
Trong những năm qua, các ngành, các cấp trên địa bàn tỉnh đã tích cực triển khai thực hiện các văn bản của Chính phủ, Bộ chủ quản và Ủy ban nhân dân tỉnh về việc cấm sử dụng chất nổ, chất độc, xung điện để khai thác thủy sản và đã thu được một số kết quả nhất định. Tuy nhiên, vì lợi ích trước mắt, một bộ phận ngư dân ở các địa phương vẫn lén lút sử dụng chất nổ, chất độc, xung điện để khai thác thủy sản. Tính từ năm 2006 - 2010, trên địa bàn tỉnh đã phát hiện, tịch thu và xử lý 98 trường hợp sử dụng chất nổ, chất độc, xung điện để khai thác thủy sản mang tính hủy diệt gây bức xúc trong nhân dân.
Để ngăn chặn có hiệu quả việc sử dụng chất nổ, chất độc và xung điện để khai thác thủy sản, bảo vệ tính mạng cho con người, bảo vệ môi trường và ngăn chặn hành vi hủy hoại nguồn lợi thủy sản tại các vùng nước ven biển, đầm vịnh và vùng nước nội đồng, Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ thị:
1. Tiếp tục triển khai, quán triệt Luật Thủy sản, Chỉ thị 01/1998/CT-TTg ngày 02 tháng 01 năm 1998 của Thủ tướng Chính phủ đến tận người dân; chấn chỉnh và ngăn chặn có hiệu quả tiến đến chấm dứt việc sử dụng các loại chất nổ, chất độc, xung điện để khai thác thủy sản, cấm các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh sản xuất, buôn bán, tàng trữ, vận chuyển và sử dụng trái phép các loại chất nổ, chất độc, bộ kích điện để khai thác thủy sản tại các vùng nước (trừ việc sử dụng bộ kích điện để thu hoạch toàn bộ thủy sản trong các ao nuôi), các trường hợp vi phạm sẽ xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật.
2. Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Công an tỉnh, Sở Công Thương và các đơn vị được cho phép sử dụng vật liệu nổ, hoá chất, chất độc có trách nhiệm quản lý nghiêm ngặt, không để thất thoát ra ngoài dưới mọi hình thức các loại chất nổ, kíp nổ, dây cháy chậm, chất độc theo quy định của Nhà nước.
Công an tỉnh, Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh chỉ đạo các lực lượng của mình, tăng cường phối hợp với lực lượng Bảo vệ nguồn lợi thủy sản thuộc ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh và chính quyền địa phương các cấp tiến hành kiểm tra, kiểm soát, truy quét định kỳ hoặc những lúc cao điểm để ngăn chặn, kiên quyết xử lý các đối tượng sản xuất, buôn bán, tàng trữ, vận chuyển trái phép các loại chất nổ, chất độc, xung điện theo quy định của pháp luật.
4. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các ban ngành, hội đoàn thể, chính quyền địa phương các cấp:
- Triển khai thực hiện Luật Thủy sản và các quy định về cấm sử dụng chất nổ, chất độc và xung điện để khai thác thủy sản;
- Trong tháng 11 năm 2011, tham mưu quán triệt, triển khai thực hiện Chỉ thị; tổ chức, củng cố lại Ban chỉ đạo và tổ giúp việc của tỉnh về việc chống sử dụng chất nổ, chất độc, xung điện để khai thác thủy sản;
- Chỉ đạo Chi cục Khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản; chủ động phối hợp với lực lượng Bộ đội Biên phòng, Công an, chính quyền địa phương, tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát trên biển; quản lý, giám sát chặt chẽ hoạt động tàu cá trước khi rời bến đi sản xuất trên biển; truy quét, bắt giữ, xử lý nghiêm theo quy định hiện hành các trường hợp phát hiện có sử dụng loại chất nổ, chất độc, bộ kích điện để khai thác thủy sản, kể cả các sản phẩm thủy sản khai thác bằng phương tiện này;
- Chỉ đạo các chi cục chuyên ngành và Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư xây dựng và triển khai các mô hình khai thác và nuôi trồng thủy sản theo hướng bền vững tại các xã phường, thị trấn ven biển và ven đầm Nại.
5. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố có trách nhiệm:
- Lập kế hoạch triển khai, phân công nhiệm vụ cụ thể cho các ban, ngành, các lực lượng chức năng, đoàn thể ở địa phương và chỉ đạo Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục để nhân dân nhận thức đầy đủ, thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật và đấu tranh, tố giác các hành vi sản xuất, buôn bán, tàng trữ, vận chuyển và sử dụng trái phép các loại chất nổ, chất độc, xung điện để khai thác thủy sản; tiếp tục triển khai thực hiện cuộc vận động toàn dân giao nộp vũ khí, vật liệu nổ;
- Chỉ đạo lực lượng chức năng có kế hoạch và chủ động phối hợp với lực lượng bảo vệ nguồn lợi thủy sản, các lực lượng có liên quan tăng cường quản lý, kiểm tra, kiểm soát nhằm ngăn chặn có hiệu quả, xử lý kịp thời các vụ vi phạm về sản xuất, buôn bán, tàng trữ, vận chuyển và sử dụng trái phép các loại chất nổ, chất độc, xung điện để khai thác thủy sản đồng thời lập kế hoạch triệt phá tận gốc các hành động vi phạm pháp luật nêu trên;
- Chỉ đạo tổ chức điều tra nắm bắt, phân loại đối tượng, thành phần thường xuyên hoạt động khai thác thủy sản trái phép bằng chất nổ, chất độc, xung điện để chỉ đạo các phòng ban chức năng, chính quyền xã phường, thị trấn phối hợp chặt chẽ với Mặt trận, đoàn thể cơ sở động viên, tuyên truyền và hỗ trợ họ chuyển đổi nghề nghiệp hợp pháp để ổn định lâu dài;
- Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, các xã, phường thị trấn phải triển khai thực hiện thường xuyên nhiệm vụ quản lý, kiểm tra, kiểm soát xử lý các vi phạm về sản xuất, buôn bán, tàng trữ, vận chuyển và sử dụng trái phép các loại chất nổ, chất độc, xung điện để khai thác thủy sản; chú trọng ngăn chặn triệt để việc sử dụng xung điện ở các vùng nước nội đồng; đồng thời xây dựng và nhân rộng các Tổ nhân dân tự quản bảo vệ nguồn lợi thủy sản hoạt động có hiệu quả.
6. Sở Tài chính có trách nhiệm hàng năm cân đối kế hoạch cấp đầy đủ kinh phí cho Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, lực lượng bảo vệ nguồn lợi thủy sản, Ban chỉ đạo và Tổ giúp việc để tổ chức hoạt động thanh kiểm tra việc sử dụng chất nổ, chất độc, xung điện để khai thác thủy sản.
7. Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Báo Ninh Thuận thường xuyên tuyên truyền, phổ biến Luật Thủy sản và nội dung Chỉ thị này trên các phương tiện thông tin đại chúng; phát hình và đăng tải các phóng sự về tác hại của việc sử dụng chất nổ, chất độc, xung điện để khai thác thủy sản nhằm nâng cao trách nhiệm và nhận thức cộng đồng trong việc bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản là trách nhiệm của toàn dân.
8. Các tổ chức hội, đoàn thể theo chức năng, trách nhiệm của mình tăng cường vận động, tuyên truyền giáo dục nhân dân tích cực tham gia bảo vệ môi trường, bảo vệ nguồn lợi thủy sản; nêu cao tinh thần đấu tranh ngăn chặn các hành vi sản xuất, buôn bán, tàng trữ, vận chuyển và sử dụng trái phép các loại chất nổ, chất độc, xung điện để khai thác thủy sản.
9. Ngân hàng Chính sách - Xã hội tỉnh, các ngân hàng thương mại đóng trên địa bàn tỉnh phối hợp với các ngành chức năng, chính quyền địa phương tham gia xây dựng và cho vay các chương trình, dự án, đề án hỗ trợ chuyển đổi nghề mới cho hộ dân sống dựa vào nghề khai thác thủy sản có sử dụng phương tiện nằm trong danh mục cấm.
10. Ban chỉ đạo chống sử dụng chất nổ, chất độc và xung điện để khai thác thủy sản tỉnh có trách nhiệm xây dựng quy chế hoạt động của Ban chỉ đạo và Tổ giúp việc chống sử dụng chất nổ, chất độc, xung điện để khai thác thủy sản và tổ chức triển khai chỉ thị này đạt hiệu quả.
11. Chỉ thị này có hiệu lực sau 10 (mười) ngày, kể từ ngày ký ban hành; thay thế Chỉ thị số 21/CT-UBND ngày 24 tháng 5 năm 2005 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận về việc cấm sử dụng các loại chất nổ, chất độc, xung điện và phương pháp có tính hủy diệt khác để khai thác thủy sản và Chỉ thị 14/CT-UBND ngày 23 tháng 5 năm 2011 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận về việc tăng cường các biện pháp ngăn chặn, xử lý hành vi sử dụng các loại chất nổ, chất độc và xung điện để khai thác thủy sản trái phép trên địa bàn tỉnh.
Giao Sở Nông nghiệp và Phát triên nông thôn theo dõi, tổng hợp báo cáo tình hình thực hiện Chỉ thị này cho Ủy ban nhân dân tỉnh biết, chỉ đạo kịp thời các công việc đạt kết quả tốt./.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
- 1Chỉ thị 11/CT-UBND năm 2014 tăng cường biện pháp ngăn chặn tình trạng trộm cắp, mua bán mủ cao su trái phép trên địa bàn tỉnh Đồng Nai
- 2Chỉ thị 04/CT-UBND năm 2018 về việc tăng cường công tác quản lý, ngăn chặn tàu giã cào hoạt động khai thác thủy sản trái phép do tỉnh Quảng Bình ban hành
- 3Chỉ thị 17/CT-UBND năm 2018 về tăng cường công tác quản lý, ngăn chặn tàu lưới kéo hoạt động khai thác thủy sản trái phép do tỉnh Phú Yên ban hành
- 4Quyết định 24/2019/QĐ-UBND bãi bỏ Chỉ thị 26/2011/CT-UBND về tăng cường biện pháp ngăn chặn, xử lý hành vi sử dụng, mua bán, tàng trữ, vận chuyển các loại chất nổ, chất độc và xung điện để khai thác thủy sản trái phép trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận
- 1Chỉ thị 1/1998/CT-TTg về nghiêm cấm sử dụng chất nổ, xung điện, chất độc để khai thác thuỷ sản do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 2Chỉ thị 11/CT-UBND năm 2014 tăng cường biện pháp ngăn chặn tình trạng trộm cắp, mua bán mủ cao su trái phép trên địa bàn tỉnh Đồng Nai
- 3Chỉ thị 04/CT-UBND năm 2018 về việc tăng cường công tác quản lý, ngăn chặn tàu giã cào hoạt động khai thác thủy sản trái phép do tỉnh Quảng Bình ban hành
- 4Chỉ thị 17/CT-UBND năm 2018 về tăng cường công tác quản lý, ngăn chặn tàu lưới kéo hoạt động khai thác thủy sản trái phép do tỉnh Phú Yên ban hành
Chỉ thị 26/2011/CT-UBND về tăng cường các biện pháp ngăn chặn, xử lý hành vi sử dụng mua bán, tàng trữ, vận chuyển các loại chất nổ, chất độc và xung điện để khai thác thủy sản trái phép trên địa bàn do tỉnh Ninh Thuận ban hành
- Số hiệu: 26/2011/CT-UBND
- Loại văn bản: Chỉ thị
- Ngày ban hành: 31/10/2011
- Nơi ban hành: Tỉnh Ninh Thuận
- Người ký: Trần Xuân Hoà
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 10/11/2011
- Ngày hết hiệu lực: 04/06/2019
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra