BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 26/2003/CT-BGTVT | Hà Nội , ngày 27 tháng 11 năm 2003 |
BỘ TRƯỞNG BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI
Trong thời gian qua mặc dù còn nhiều khó khăn về vốn kinh doanh, thị trường, công nghệ và một số khó khăn khác, nhưng nhiều doanh nghiệp nhà nước thuộc Bộ Giao thông vận tải đã có những nỗ lực phấn đấu vươn lên trong quản lý sản xuất kinh doanh, mở rộng thị trường, quản lý tốt công tác tài chính, kế toán, kinh doanh có lãi đảm bảo việc làm và đời sống cho cán bộ, công nhân viên.
Tuy nhiên, qua công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán của Bộ Giao thông vận tải và các cơ quan có thẩm quyền cho thấy, mặc dù Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải đã có nhiều Chỉ thị chấn chỉnh công tác quản lý sản xuất kinh doanh, quản lý tài chính, kế toán đối với các doanh nghiệp ( Chỉ thị số 322/1998/CT- BGTVT ngày 30/9/1998 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải về việc chấn chỉnh tổ chức bộ máy tài chính kế toán và bổ nhiệm kế toán trưởng tại các đơn vị, Chỉ thị số 25/2001/CT- BGTVT ngày 28/12/2001 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải về việc đẩy mạnh thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, Chỉ thị số 26/2002/CT-BGTVT ngày 25/12/2002 về việc chấn chỉnh công tác kiểm kê tài sản và quản lý công nợ đối với các doanh nghiệp nhà nước) nhưng một số doanh nghiệp nhà nước thuộc Bộ vẫn chưa thực hiện đúng các yêu cầu của Bộ, còn tồn tại nhiều yếu kém trong điều hành sản xuất kinh doanh, buông lỏng một số mặt quản lý, vi phạm các chế độ quản lý tài chính, kế toán của Nhà nước gây thua lỗ kéo dài, tình hình tài chính mất cân đối nghiêm trọng. Những sai sót này thường biểu hiện dưới một số mặt dưới đây :
- Bỏ giá thầu thấp hơn giá thành gây thua lỗ.
- Công tác đầu tư, mua sắm tài sản đổi mới công nghệ còn thiếu kế hoạch tổng thể, bị động , không tính toán kỹ hiệu quả, thậm chí còn vi phạm quy trình đầu tư, dẫn đến không có khả năng thu hồi vốn.
- Mô hình tổ chức quản lý sản xuất kinh doanh , quy chế quản lý nội bộ còn chưa phù hợp, quá nhiều đầu mối làm giảm hiệu quả công tác giám sát, quản lý tài chính của doanh nghiệp tạo ra những kẽ hở, phát sinh tiêu cực.
- Công tác quản lý tài chính còn nhiều bất cập và vi phạm chế độ của nhà nước đặc biệt là trong quản lý chi phí và công nợ.
- Không tuân thủ các quy định về hoá đơn, chứng từ, tài khoản kế toán và sổ sách kế toán. Hạch toán và báo cáo tài chính không đầy đủ, thiếu trung thực.
- Vi phạm quy định về tổ chức bộ máy kế toán, bổ nhiệm kế toán trưởng.
Để khắc phục kịp thời tình trạng nêu trên, bảo đảm công tác quản lý sản xuất kinh doanh, quản lý tài chính, kế toán tại các doanh nghiệp nhà nước thuộc Bộ được thực hiện nghiêm túc theo đúng quy định của Nhà nước, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải yêu cầu các doanh nghiệp nhà nước thuộc Bộ Giao thông vận tải thực hiện ngay một số việc sau đây:
1/ Đảm bảo chất lượng khi xây dựng quy hoạch, kế hoạch sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Mọi chính sách về giá, chất lượng, đầu tư phải được quản lý theo quy định của Nhà nước và quy hoạch, kế hoạch đã đề ra.
2/ Khi đầu tư, mua sắm tài sản phải có kế hoạch cụ thể, phân tích kỹ về tính hiệu quả, về nguồn vốn để giảm thiểu rủi ro và tuân thủ đúng quy định của pháp luật về quản lý đầu tư và xây dựng và các văn bản hướng dẫn của Bộ Giao thông vận tải .
3/ Chấm dứt việc bỏ giá thầu thấp hơn giá thành gây thua lỗ.
4/ Đổi mới và hoàn thiện công tác tổ chức quản lý đảm bảo số đầu mối quản lý phù hợp. Kiên quyết sáp nhập, giải thể đối với những đơn vị kinh doanh kém hiệu quả. Các doanh nghiệp thành viên của các Tổng công ty phải thực hiện nghiêm các quy định của Nhà nước về vốn pháp định .
5/ Quản lý chặt chẽ chi phí, thực hành tiết kiệm chống lãng phí. Xây dựng và áp dụng định mức nội bộ nhất là định mức về chi phí vật tư . Chấp hành nghiêm các quy định về kiểm kê tài sản, tiền vốn, đặc biệt chú trọng đến tài sản là khối lượng sản phẩm dở dang tại các công trình.
6/ Có biện pháp thích hợp để quản lý công nợ, phân công cán bộ theo dõi công nợ, thường xuyên đối chiếu, trích lập các khoản dự phòng theo quy định, kiên quyết xử lý các khoản nợ tồn đọng. Đối với các cá nhân, tập thể có nợ doanh nghiệp nhưng không có lý do chính đáng hoặc cố tình chiếm dụng trái phép tài sản tiền vốn nhà nước phải có hình thức xử lý nghiêm. Đối với các khoản nợ phải trả cần nghiên cứu kỹ hồ sơ ,tiến hành các thủ tục pháp lý để giải quyết theo quy định tại Nghị định 69/2002/NĐ-CP ngày 12/7/2002 của Chính phủ về quản lý và xử lý nợ tồn đọng đối với doanh nghiệp nhà nước. Xây dựng kế hoạch trả nợ một cách khả thi và tập trung mọi nguồn lực tài chính để thực hiện kế hoạch đó.
7/ Xây dựng mới hoặc bổ sung hoàn thiện quy chế tài chính của doanh nghiệp, đặc biệt chú trọng đến quy chế quản lý tài chính, kế toán đối với các Xí nghiệp, Phân xưởng, Đội sản xuất, theo hướng khuyến khích vật chất tăng năng suất lao động đi đôi với kiểm tra, giám sát chặt chẽ và phải đảm bảo theo đúng quy định của Nhà nước.
8/ Thực hiện nghiêm túc quy định về bố trí kế toán trưởng, người phụ trách kế toán và tổ chức bộ máy kế toán. Nghiêm cấm việc bỏ trống chức danh kế toán trưởng tại doanh nghiệp. Chấm dứt tình trạng vi phạm chế độ hoá đơn chứng từ, hạch toán sai nhất là về chi phí, doanh thu. Các đơn vị nếu đã thực hiện ghi sổ kế toán bằng máy vi tính vẫn phải thực hiện đầy đủ các quy định về mở sổ, ghi sổ, khoá sổ kế toán theo quy định. Sau khi khoá sổ kế toán trên máy vi tính phải in sổ kế toán ra giấy và đóng thành quyển riêng cho từng kỳ kế toán theo đúng quy định hiện hành của Nhà nước.
9/ Cán bộ làm công tác tài chính, kế toán đặc biệt cán bộ là kế toán trưởng phải tự rèn luyện nâng cao phẩm chất đạo đức nghề nghiệp và ý thức tự giác chấp hành pháp luật .
10/ Hàng năm Thủ trưởng các Cục quản lý nhà nước chuyên ngành, các Tổng công ty, Công ty trực thuộc Bộ phải xây dựng kế hoạch và tiến hành kiểm tra về hoạt động sản xuất kinh doanh, tài chính, kế toán đối với các đơn vị trực thuộc và báo cáo kết quả về Bộ theo quy định của Nhà nước và của Bộ.
Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ, trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình có trách nhiệm tổ chức thực hiện đầy đủ, nghiêm túc Chỉ thị này.
Nơi nhận: | BỘ TRƯỞNG BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI |
Chỉ thị 26/2003/CT-BGTVT về tăng cường công tác quản lý sản xuất kinh doanh, quản lý tài chính, kế toán tại các doanh nghiệp nhà nước thuộc Bộ Giao thông vận tải do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành
- Số hiệu: 26/2003/CT-BGTVT
- Loại văn bản: Chỉ thị
- Ngày ban hành: 27/11/2003
- Nơi ban hành: Bộ Giao thông vận tải
- Người ký: Đào Đình Bình
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Số 198
- Ngày hiệu lực: 16/12/2003
- Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định