Hệ thống pháp luật

BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
--------------

Số: 2507/CT-BNN-TY

Hà Nội, ngày 05 tháng 08 năm 2010

 

CHỈ THỊ

TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC PHÒNG, CHỐNG BỆNH TAI XANH

Theo báo cáo của Cục Thú y, dịch hội chứng rối loạn sinh sản và hô hấp (dịch tai xanh) đã xuất hiện nhiều địa phương trong cả nước, nhất là từ cuối tháng 6/2010, dịch đã xuất hiện ở nhiều tỉnh ở Đồng bằng sông Cửu Long và đang có chiều hướng gia tăng, nơi có đàn lợn nuôi tập trung với số lượng lớn. Đến nay, dịch đã xảy ra nặng ở các tỉnh Tiền Giang, Sóc Trăng, Long An và Bạc Liêu; ngoài ra dịch còn xuất hiện ở các tỉnh Đông Nam Bộ (Bình Dương, Đồng Nai, Bình Phước), các tỉnh Duyên hải miền Trung (Quảng Nam, Đà Nẵng), các tỉnh Bắc Trung Bộ (Nghệ An, Quảng Trị), các tỉnh giáp ranh các tỉnh trên rất có nguy cơ xảy ra dịch.

Từ khi có dịch xảy ra, nhiều địa phương đã tích cực thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh. Tuy vậy, nhiều nơi vẫn còn lơ là, chủ quan, chưa tổ chức phòng, chống quyết liệt, chưa thực hiện nghiêm túc các biện pháp chỉ đạo, vẫn còn tình trạng buôn bán, vận chuyển gia súc mắc bệnh đi nơi khác làm dịch bệnh lây lan. Hiện nay, dịch đang xảy ra ở 227 xã 37 huyện của 13 tỉnh với 43.250 lợn mắc bệnh và 22.094 lợn bị tiêu hủy nên nguy cơ lan rộng là rất cao.

Bệnh tai xanh là dịch bệnh nguy hiểm lây lan nhanh, khó khống chế, gây thiệt hại về chăn nuôi, nhất là đàn lợn giống. Để nhanh chóng dập tắt dịch, hạn chế đến mức thấp nhất khi có dịch xảy ra. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương triển khai thực hiện nghiêm túc nội dung Công điện số 615/TTg-KTN ngày 21/4/2010 của Thủ tướng Chính phủ; công điện số: 15/CĐ-BNN-TY , ngày 26/4/2010 và công văn số 1429/BNN-TY , ngày 17/5/2010 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong đó chú trọng các biện pháp cấp bách sau:

1. Ủy ban nhân dân các tỉnh kiện toàn và tổ chức hoạt động Ban Chỉ đạo phòng chống dịch tai xanh tại các địa phương, khi có dịch xảy ra nhanh chóng công bố dịch, thành lập Ban chống dịch, chỉ đạo các ban, ngành thực hiện các biện pháp ngăn chặn dịch không để dịch lây lan, dây dưa kéo dài gây thiệt hại kinh tế và ảnh hưởng đến các sinh hoạt của xã hội. Công khai chính sách hỗ trợ do tiêu hủy gia súc mắc bệnh để mọi người dân biết và hợp tác trong công tác phòng, chống dịch bệnh.

2. Tổ chức tuyên truyền thường xuyên, sâu rộng về tính chất, đặc điểm, tác hại và biện pháp phòng chống bệnh tai xanh của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, để cho người chăn nuôi, buôn bán, vận chuyển, giết mổ nâng cao nhận thức và có kiến thức cùng tham gia công tác phòng, chống dịch bệnh.

3. Rà soát lại kết quả tiêm phòng vắc xin cho đàn lợn trong tỉnh, chỉ đạo chặt chẽ và đôn đốc thực hiện công tác tiêm phòng vắc xin dịch tả lợn, tụ huyết trùng lợn, phó thương hàn lợn theo quy định của Cơ quan Thú y để ra, yêu cầu tỷ lệ tiêm phòng phải đạt trên 80% so với tổng đàn tại vùng tiêm. Những địa phương lâu nay không thực hiện tốt công tác tiêm phòng để dịch thường xuyên xảy ra cần nghiêm khắc rút kinh nghiệm.

4. Tổ chức các đoàn kiểm tra, giám sát dịch bệnh trên địa bàn toàn tỉnh, phân công trách nhiệm cho người cụ thể để thường xuyên theo dõi giám sát chặt chẽ tình hình dịch tai xanh đến tận từng hộ chăn nuôi, phát hiện sớm các ổ dịch mới xảy ra, báo cáo kịp thời để Ủy ban nhân dân các cấp chỉ đạo thực hiện các biện pháp cần thiết.

5. Thiết lập các chốt kiểm dịch tạm thời ở các trục giao thông ở các xã có dịch cấm vận chuyển gia súc bệnh ra ngoài ổ dịch. Tăng cường công tác kiểm dịch tại gốc, kiểm soát vận chuyển nhằm không để dịch lây lan, đồng thời tạo điều kiện vận chuyển lợn khỏe mạnh, không mắc bệnh đến cơ sở giết mổ theo nội dung của công văn số 1429/BNN-TY .

6. Thực hiện tốt công tác vệ sinh tiêu độc, khử trùng tại nơi có dịch và vệ sinh tiêu độc định kỳ với các hộ, cơ sở chăn nuôi.

7. Ủy ban nhân dân các tỉnh kiểm tra và xử lý nghiêm minh các đơn vị, địa phương dấu dịch, phát hiện chậm, không thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch quyết liệt để lây lan dịch bệnh, những tổ chức cá nhân làm phát sinh dịch.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện nghiêm túc nội dung Chỉ thị này. Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn vướng mắc báo cáo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để cùng phối hợp giải quyết./.

 

 

Nơi nhận:
- Bộ trưởng Cao Đức Phát (để báo cáo);
- Văn phòng Chính phủ;
- Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố;
- Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chi cục Thú y các tỉnh, thành phố;
- Các Cục Thú y, Chăn nuôi;
- Các đơn vị liên quan thuộc Bộ;
- Lưu: VT, Cục Thú y.

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Diệp Kỉnh Tần

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Chỉ thị 2507/CT-BNN-TY năm 2010 về tăng cường công tác phòng, chống bệnh tai xanh do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành

  • Số hiệu: 2507/CT-BNN-TY
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Ngày ban hành: 05/08/2010
  • Nơi ban hành: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
  • Người ký: Diệp Kỉnh Tần
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 05/08/2010
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản