Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
UỶ BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 25/CT-UBND | Hải Dương, ngày 12 tháng 12 năm 2011 |
CHỈ THỊ
VỀ TĂNG CƯỜNG QUẢN LÝ ĐẦU TƯ TỪ NGUỒN VỐN ĐẦU TƯ PHÁT TRIỂN THUỘC NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC TỈNH HẢI DƯƠNG
Trong những năm qua, việc huy động, quản lý và sử dụng vốn đầu tư phát triển thuộc ngân sách nhà nước tỉnh Hải Dương (bao gồm vốn ngân sách nhà nước, vốn trái phiếu Chính phủ và các nguồn vốn khác có nguồn gốc ngân sách nhà nước thuộc 3 cấp ngân sách: tỉnh, huyện và ngân sách cấp xã) đã đóng góp quan trọng vào việc đầu tư xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, đặc biệt là công trình phục vụ lợi ích công, không có khả năng hoàn vốn trực tiếp, qua đó tạo tiền đề vững chắc để thúc đẩy sản xuất phát triển, bảo đảm không ngừng nâng cao đời sống vật chất, văn hóa tinh thần của nhân dân, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tại địa phương. Tuy nhiên, do yêu cầu về xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội của tỉnh rất lớn, nhưng khả năng huy động các nguồn vốn rất hạn chế, phải cân đối, bố trí theo cơ cấu ngành, lĩnh vực, nhất là trong điều kiện lạm phát, giá vật tư, thiết bị tăng cao, đã làm tăng tổng mức đầu tư của dự án, đồng thời, nhiều dự án được phê duyệt đầu tư nhưng chưa có điều kiện về vốn để giao thực hiện, từ đó dẫn đến tình trạng vượt khả năng cân đối, thời gian thi công kéo dài do phải phân kỳ đầu tư, gây phân tán nguồn lực ngân sách, hiệu quả đầu tư thấp, chưa đảm bảo tốt yêu cầu theo mục tiêu đầu tư của dự án đã đề ra. Một số chủ đầu tư năng lực còn hạn chế, trách nhiệm trong việc quản lý, tổ chức thực hiện dự án không cao, chưa thật sự công khai và minh bạch, dẫn đến thi công kéo dài, tăng tổng mức đầu tư và thất thoát vốn đầu tư.
Để khắc phục các tồn tại, bất cập chính nêu trên, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu các Sở, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, thị xã (UBND cấp huyện) và Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn (UBND cấp xã) thuộc tỉnh quán triệt thực hiện nghiêm có hiệu quả Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 24 tháng 02 năm 2011 của Chính phủ về những giải pháp chủ yếu tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội, Chỉ thị số 1792/CT-TTg ngày 15 tháng 10 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường quản lý đầu tư từ vốn ngân sách nhà nước và vốn trái phiếu Chính phủ, Quyết định số 14/2011/QĐ-UBND ngày 11 tháng 5 năm 2011 của Ủy ban nhân dân tỉnh về ban hành các nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách nhà nước tỉnh Hải Dương giai đoạn 2011 - 2015, đồng thời, triển khai thực hiện các nguyên tắc và giải pháp tăng cường quản lý, sử dụng vốn đầu tư phát triển thuộc ngân sách nhà nước tỉnh Hải Dương cụ thể như sau:
I. Về nguyên tắc quản lý và phân cấp đầu tư từ nguồn vốn đầu tư phát triển thuộc ngân sách nhà nước tỉnh Hải Dương
1. Việc xây dựng và thực hiện các dự án đầu tư từ nguồn vốn đầu tư phát triển thuộc ngân sách nhà nước phải bám sát với mục tiêu và định hướng trong quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2020, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011 - 2015 của địa phương, bảo đảm nguyên tắc chỉ thực hiện đầu tư xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội không có khả năng hoàn vốn trực tiếp, phục vụ lợi ích công và một số chương trình, dự án khác theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước.
2. Từng bước điều chỉnh cơ cấu đầu tư theo hướng giảm dần đầu tư công. Tăng cường các biện pháp huy động, khuyến khích xã hội hoá đầu tư nhanh vào các dự án kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội mà các thành phần kinh tế khác có thể tham gia, đặc biệt là ở các địa bàn có điều kiện để tập trung ưu tiên nguồn lực ngân sách đầu tư cho lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn.
3. Trước khi quyết định phê duyệt dự án đầu tư, cấp có thẩm quyền quyết định đầu tư (cơ quan quyết định đầu tư dự án theo thẩm quyền đã phân cấp) chịu trách nhiệm kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ phạm vi, quy mô của từng dự án đầu tư theo đúng mục tiêu, lĩnh vực, chương trình đã phê duyệt, chỉ được quyết định đầu tư khi đã thẩm định xác định rõ nguồn vốn thực hiện dự án và khả năng cân đối vốn ở từng cấp ngân sách.
Việc xác định nguồn vốn và cân đối vốn là nội dung quan trọng, phải có trong hồ sơ dự án để thẩm định, trình phê duyệt dự án đầu tư. Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì cùng Sở Tài chính thẩm định đối với dự án thuộc thẩm quyền quyết định phê duyệt của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh; Phòng Tài chính - Kế hoạch các huyện, thành phố và thị xã chủ trì thẩm định đối với dự án thuộc thẩm quyền quyết định phê duyệt của Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, thị xã và dự án thuộc thẩm quyền quyết định phê duyệt của Chủ tịch Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn trực thuộc.
Những dự án được quyết định đầu tư mà không xác định được rõ nguồn vốn, không bảo đảm cân đối về vốn, dẫn đến việc bố trí vốn dàn trải, thi công kéo dài, gây lãng phí thì người ký quyết định đầu tư phải chịu trách nhiệm về những tổn thất do việc phê duyệt quyết định đầu tư gây ra theo quy định của pháp luật.
4. Trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày ban hành quyết định phê duyệt dự án đầu tư (bao gồm cả các quyết định phê duyệt điều chỉnh, bổ sung dự án, nếu có), cơ quan quyết định đầu tư (theo thẩm quyền phê duyệt dự án đã phân cấp cho cả 3 cấp sử dụng vốn NSNN) phải gửi quyết định đầu tư đến Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính để các cơ quan này xem xét, giám sát.
Trong thời hạn 30 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được quyết định đầu tư và trong quá trình kiểm tra việc thực hiện dự án, nếu phát hiện quyết định đầu tư dự án, hoặc việc triển khai thực hiện dự án không tuân thủ theo các quy định tại Chỉ thị này thì Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, thống nhất với Sở Tài chính (nếu cần thiết) có ý kiến bằng văn bản để cơ quan quyết định đầu tư xem xét, điều chỉnh, sửa đổi. Trong thời hạn 30 ngày làm việc, kể từ ngày Sở Kế hoạch và Đầu tư có ý kiến, cơ quan quyết định đầu tư không điều chỉnh, sửa đổi thì Sở Kế hoạch và Đầu tư báo cáo, đề xuất Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh biện pháp xử lý.
Đối với các dự án đã phê duyệt trước ngày 25 tháng 10 năm 2011 nhưng chưa khởi công, thì phải rà soát lại, thực hiện gửi quyết định đầu tư và kiểm tra, giám sát như quy định tại điểm này.
5. Về vốn giao thực hiện dự án phải có đủ các thủ tục đầu tư theo quy định của pháp luật về quản lý đầu tư và xây dựng; bảo đảm bố trí đủ vốn để hoàn thành dự án nhóm B không quá 5 năm, dự án nhóm C không quá 3 năm, trong đó, ưu tiên bố trí vốn cho các dự án trọng điểm, các công trình, dự án hoàn thành trong kỳ kế hoạch, vốn đối ứng cho các dự án ODA và đối ứng khác.
6. Từ năm 2012, tất cả các dự án được quyết định đầu tư phải thực hiện khối lượng công việc tương ứng với mức vốn kế hoạch được giao để không gây nên nợ đọng xây dựng cơ bản (trừ trường hợp các dự án đặc thù, có quy định về thời gian hoàn thành để phục vụ yêu cầu phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai và cấp bách khác). Các cấp chính quyền địa phương và cơ sở tự cân đối các nguồn vốn để xử lý nợ đọng xây dựng cơ bản thuộc phạm vi trách nhiệm và thẩm quyền.
II. Về bố trí vốn và tổng hợp, giao kế hoạch vốn đầu tư phát triển thuộc ngân sách nhà nước tỉnh Hải Dương năm 2012
Việc cân đối, bố trí vốn đầu tư kế hoạch năm 2012 cho các dự án thực hiện theo trình tự và phải bảo đảm các yêu cầu sau:
1. Thực hiện rà soát, lập danh mục các dự án đã và đang đầu tư trong kế hoạch vốn đầu tư phát triển thuộc ngân sách nhà nước tỉnh Hải Dương hàng năm (gồm 3 cấp ngân sách: tỉnh, huyện và ngân sách cấp xã), cụ thể:
a) Danh mục các dự án hoàn thành (bàn giao và đưa vào sử dụng) trước ngày 31 tháng 12 năm 2011 nhưng chưa bố trí đủ vốn, gồm:
- Danh mục các dự án hoàn thành đến ngày 31 tháng 10 năm 2011.
- Danh mục các dự án dự kiến hoàn thành từ ngày 01 tháng 11 năm 2011 đến ngày 31 tháng 12 năm 2011.
b) Danh mục các dự án đầu tư chuyển tiếp (dự án chuyển tiếp) dự kiến bố trí vốn kế hoạch năm 2012, gồm:
- Danh mục các dự án dự kiến hoàn thành trong năm 2012 (theo tiến độ ghi trong quyết định đầu tư, khả năng cân đối vốn và khả năng thực hiện trong năm 2012).
- Danh mục các dự án dự kiến không có khả năng hoàn thành trong năm 2012.
c) Danh mục các dự án chuyển tiếp không bố trí được vốn kế hoạch năm 2012, gồm:
- Danh mục các dự án có khả năng chuyển đổi hình thức đầu tư (chuyển đổi sang hình thức đầu tư khác), như: bán, chuyển nhượng cho chủ đầu tư mới theo hình thức BOT, BT, PPP...
- Danh mục các dự án phải tạm dừng thực hiện năm 2012 do không thể huy động được các nguồn vốn hợp pháp khác, hoặc không thể chuyển đổi được sang các hình thức đầu tư khác để tiếp tục đầu tư.
2. Về bố trí vốn đầu tư kế hoạch năm 2012:
Sau khi rà soát theo quy định tại điểm 1, mục II nêu trên, việc cân đối và bố trí vốn đầu tư kế hoạch năm 2012 như sau:
a) Ưu tiên cân đối cho các lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn; giao thông; giáo dục, y tế; quốc phòng, an ninh.
b) Về vốn bố trí cho các dự án, thực hiện theo thứ tự ưu tiên như sau:
- Tập trung bố trí vốn cho các dự án hoàn thành từ năm 2011 về trước, nhưng chưa bố trí đủ vốn, trong đó, ưu tiên thanh toán dứt điểm nợ khối lượng hoàn thành của các dự án đã có quyết định phê duyệt quyết toán vốn đầu tư.
- Ưu tiên bố trí vốn cho các dự án dự kiến hoàn thành trong năm 2012 và vốn đối ứng cho các dự án ODA theo tiến độ thực hiện.
- Số vốn còn lại (nếu có) bố trí cho một số dự án chuyển tiếp và dự án đầu tư khởi công mới (dự án khởi công mới) thật sự cấp bách và cần thiết, nhưng phải hạn chế tối đa. Đối với dự án khởi công mới phải có quyết định đầu tư trước ngày 25 tháng 10 năm 2011; hoặc đã được Ban Thường vụ Tỉnh ủy giao thực hiện năm 2012 đối với dự án đầu tư từ nguồn vốn ngân sách tỉnh; hoặc đã được Ban Thường vụ Huyện ủy, Thành ủy, Thị ủy giao thực hiện năm 2012 đối với dự án đầu tư từ nguồn vốn ngân sách cấp huyện và ngân sách cấp xã.
c) Việc bố trí vốn cho dự án phải bảo đảm dự án nhóm B hoàn thành trong 5 năm, dự án nhóm C hoàn thành trong 3 năm. Riêng mức vốn bố trí cho dự án khởi công mới năm 2012, tổng số vốn giao cho dự án trong năm (từ tất cả các nguồn vốn) so với tổng mức đầu tư được duyệt phải bảo đảm tối thiểu bằng 20% đối với dự án nhóm B và 35% đối với dự án nhóm C.
3. Tổng hợp và giao vốn đầu tư kế hoạch năm 2012:
Căn cứ phương án phân bổ vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách nhà nước kế hoạch năm 2012 dự kiến trình Hội đồng nhân dân tỉnh tại kỳ họp thứ hai, khóa XV, giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì rà soát, hướng dẫn việc rà soát và tổng hợp báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh theo yêu cầu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư tại văn bản số 7356/BKHĐT-TH ngày 28 tháng 10 năm 2011 về hướng dẫn thực hiện Chỉ thị số 1792/CT-TTg ngày 15 tháng 10 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ.
Căn cứ Quyết định của Ủy ban nhân dân tỉnh về giao chỉ tiêu kế hoạch nhà nước năm 2012 (trong đó, có kế hoạch vốn đầu tư phát triển nguồn NSNN), Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, thị xã tiếp tục chỉ đạo việc rà soát và dự kiến phương án bố trí vốn kế hoạch năm 2012 trình Hội đồng nhân dân cùng cấp quyết định; chịu trách nhiệm về kết quả rà soát, phương án bố trí vốn theo đúng các nguyên tắc, yêu cầu quy định tại Chỉ thị này và tổng hợp báo cáo kết quả rà soát, thực hiện phân bổ chi tiết vốn kế hoạch năm 2012 giao cho các dự án, gửi về Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính trước ngày 31 tháng 12 năm 2011 để giám sát việc tổ chức triển khai, thực hiện và tổng hợp báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư theo quy định (báo cáo theo mẫu biểu của Sở Kế hoạch và Đầu tư).
III. Về quản lý dự án đầu tư:
1. Các Sở, ngành, địa phương và đơn vị có liên quan căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao, phải tăng cường đôn đốc, kiểm tra, thanh tra việc lập, thẩm định trình phê duyệt dự án và tổ chức quản lý, triển khai thực hiện dự án; giải quyết kịp thời các khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện và xử lý nghiêm các vi phạm theo quy định của pháp luật.
2. Các Chủ đầu tư phải nâng cao tinh thần trách nhiệm trong việc quản lý và tổ chức thực hiện dự án, đặc biệt là việc lựa chọn các nhà thầu về tư vấn (như tư vấn lập dự án, giám sát...), nhà thầu xây dựng, cung ứng lắp đặt thiết bị, cũng như việc quản lý chất lượng công trình phải thực hiện theo đúng quy trình, quy phạm, bảo đảm thật sự khách quan, công khai, minh bạch, gắn với việc không ngừng nâng cao chất lượng công trình, sớm phát huy hiệu quả đầu tư, đồng thời hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về các vi phạm xảy ra trong quá trình quản lý và tổ chức thực hiện dự án theo quy định.
IV. Tổ chức thực hiện
1. Giám đốc các Sở, Thủ trưởng các ngành, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, thị xã căn cứ chức năng, nhiệm vụ và quy định tại Chỉ thị này, khẩn trương tổ chức triển khai thực hiện, bảo đảm bố trí vốn tập trung, không ngừng nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách nhà nước. Đồng thời, thường xuyên quán triệt, đôn đốc, kiểm tra và hướng dẫn các Chủ đầu tư tổ chức thực hiện kế hoạch vốn, triển khai thực hiện dự án đầu tư, báo cáo đầu tư theo quy định của pháp luật về sử dụng vốn đầu tư phát triển nguồn NSNN, bảo đảm công khai, minh bạch và xử lý nghiêm các vi phạm.
2. Sở Kế hoạch và Đầu tư: Chủ trì hướng dẫn, đôn đốc thực hiện và tổng hợp phương án cân đối, bố trí kế hoạch vốn đầu tư phát triển thuộc ngân sách nhà nước tỉnh Hải Dương, báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định; tổng hợp báo cáo theo yêu cầu quy định của Bộ Kế hoạch và Đầu tư tại văn bản số 7356/BKHĐT-TH ngày 28 tháng 10 năm 2011 về hướng dẫn thực hiện Chỉ thị số 1792/CT-TTg ngày 15 tháng 10 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ; chịu trách nhiệm hướng dẫn, đôn đốc Ủy ban nhân dân cấp huyện (các dự án đầu tư từ nguồn vốn ngân sách cấp huyện và ngân sách cấp xã) và các Chủ đầu tư (các dự án đầu tư từ nguồn vốn ngân sách tỉnh) thực hiện nghiêm chế
độ báo cáo về giám sát đầu tư, đánh giá kết quả đầu tư xây dựng công trình và các báo cáo đầu tư khác theo quy định của pháp luật.
3. Sở Tài chính: Chịu trách nhiệm đôn đốc, hướng dẫn các Chủ đầu tư thực hiện kiểm toán, quyết toán vốn đầu tư ngay sau khi dự án hoàn thành, bàn giao và đưa vào sử dụng theo quy định của pháp luật.
Yêu cầu Giám đốc các Sở, Thủ trưởng các ngành, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, thị xã và Thủ trưởng các đơn vị có liên quan trong tỉnh tổ chức thực hiện nghiêm túc Chỉ thị này./.
Nơi nhận: | CHỦ TỊCH |
- 1Nghị quyết 17/2011/NQ-HĐND điều chỉnh chỉ tiêu kế hoạch vốn đầu tư phát triển thuộc Ngân sách Nhà nước năm 2011 tỉnh Yên Bái
- 2Công văn 4468/UBND-KH năm 2013 chỉ đạo thực hiện và quản lý nguồn vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia năm 2014 do tỉnh Lâm Đồng ban hành
- 1Nghị quyết 11/NQ-CP năm 2011 về những giải pháp chủ yếu tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội do Chính phủ ban hành
- 2Chỉ thị 1792/CT-TTg năm 2011 về tăng cường quản lý đầu tư từ vốn ngân sách nhà nước và vốn trái phiếu chính phủ do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 3Công văn 7356/BKHĐT-TH hướng dẫn Chỉ thị về tăng cường quản lý đầu tư từ Ngân sách nhà nước và vốn trái phiếu Chính phủ do Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành
- 4Nghị quyết 17/2011/NQ-HĐND điều chỉnh chỉ tiêu kế hoạch vốn đầu tư phát triển thuộc Ngân sách Nhà nước năm 2011 tỉnh Yên Bái
- 5Công văn 4468/UBND-KH năm 2013 chỉ đạo thực hiện và quản lý nguồn vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia năm 2014 do tỉnh Lâm Đồng ban hành
Chỉ thị 25/CT-UBND năm 2011 về tăng cường quản lý đầu tư từ nguồn vốn đầu tư phát triển thuộc ngân sách nhà nước tỉnh Hải Dương
- Số hiệu: 25/CT-UBND
- Loại văn bản: Chỉ thị
- Ngày ban hành: 12/12/2011
- Nơi ban hành: Tỉnh Hải Dương
- Người ký: Nguyễn Mạnh Hiển
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 12/12/2011
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra