Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
Nếu bạn là thành viên. Vui lòng ĐĂNG NHẬP để tiếp tục.
BỘ THƯƠNG MẠI | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 25/1999/CT-BTM | Hà Nội, ngày 17 tháng 8 năm 1999 |
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG QUẢN LÝ, KIỂM TRA HOẠT ĐỘNG CỦA LỰC LƯỢNG QUẢN LÝ THỊ TRƯỜNG TRONG CẢ NƯỚC
Thực hiện "Qui chế công tác của công chức kiểm soát thị trường" ban hành kèm theo Quyết định số 880 TM/QLTT ngày 05/10/1996 của Bộ Thương mại , thời gian qua các Chi cục Quản lý thị trường đã tăng cường chỉ đạo, quản lý các hoạt động kiểm tra, kiểm soát của lực lượng Quản lý thị trường ở địa phương. Nhiều Chi cục đã xây dựng, ban hành những quy định về chức năng, nhiệm vụ cụ thể mối quan hệ công tác, lề lối làm việc của từng bộ phận, quy định về quản lý phương tiện, quản lý tài chính...; thường xuyên hướng dẫn, theo rõi, kiểm tra việc thực hiện các quy định và việc tuân theo pháp luật trong hoạt động của các công chức Quản lý thị trường, kịp thời phát hiện, uốn nắn, chấn chỉnh thiếu sót, xử lý những hiện tượng tiêu cực, vi phạm pháp luật. Vì vậy, nhìn chung hoạt động của lực lượng Quản lý thị trường các cấp được đẩy mạnh, ngày càng đi vào nề nếp, tuân thủ đúng những quy định của pháp luật, góp phần quan trọng vào cuộc đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng và các hành vi kinh doanh trái phép khác.
Bên cạnh những cố gắng trên, hoạt động của lực lượng Quản lý thị trường các cấp còn thiếu sót và sai phạm, thậm chí có hiện tượng thoái hoá, biến chất, lợi dụng chức năng, quyền hạn để sách nhiễu và tham nhũng, gây khó khăn, phiền hà cho các thương nhân. Mặc dù thời gian gần đây Cục Quản lý thị trường đã có văn bản chỉ đạo, Chi cục Quản lý thị trường các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đã chú ý hơn đến việc kiểm tra, giám sát hoạt động của công chức Quản lý thị trường thuộc quyền, đã xử lý kịp thời, nghiêm khắc hơn đối với những cán bộ vi phạm. Nhưng những hiện tượng tiêu cực, vi phạm pháp luật trong hoạt động kiểm tra, kiểm soát và xử lý vi phạm hành chính của lực lượng Quản lý thị trường chưa được ngăn chặn triệt để. Những hiện tượng : chặn xe dọc đường để kiểm tra trái pháp luật; sách nhiễu, gây khó khăn, phiền hà để nhận hối lộ; cố ý bao che, dung túng cho hành vi vi phạm pháp luật vì lợi ích cá nhân; tham ô, biển thủ công quĩ, hàng hoá là tang vật... vẫn xảy ra; một số trường hợp nghiêm trọng bị bắt quả tang, và bị khởi tố. Những hiện tượng nêu trên đã gây dư luận xấu trong xã hội, ảnh hưởng đến uy tín và danh dự chung của lực lượng Quản lý thị trường toàn quốc.
Để ngăn chặn có hiệu quả những hiện tượng trên, Bộ Thương mại yêu cầu tổ chức Quản lý thị trường các cấp thực hiện tốt một số việc sau:
1. Thường xuyên phổ biến, quán triệt để mọi công chức Quản lý thị trường nắm vững và thực hiện đúng những quy định của pháp luật về kinh doanh thương mại, các quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Quản lý thị trường các cấp; những qui trình, qui phạm trong hoạt động kiểm tra, kiểm soát thị trường và xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực thương mại và các quy định khác có liên quan. Các Đội Quản lý thị trường phải có nhật ký công tác hàng ngày theo mẫu của Cục quy định. Các hoạt động hàng ngày của Đội, Tổ kiểm soát viên phải ghi đầy đủ nghiêm túc.
2. Chi cục Quản lý thị trường các tỉnh, thành phố cần phân công nhiệm vụ, xác định trách nhiệm cụ thể cho từng cá nhân, bộ phận; quy định rõ lề lối làm việc, mối quan hệ công tác giữa các bộ phận; xây dựng và ban hành các quy định về quản lý phương tiện, quản lý tài chính... và có kế hoạch, biện pháp thường xuyên giám sát, kiểm tra hoạt động của lực lượng Quản lý thị trường ở địa phương, kịp thời uốn nắn, ngăn chặn những sai phạm trong công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, xử lý vi phạm hành chính.
3. Khi nhận được những thông tin do các tổ chức, cá nhân, các cơ quan thông tin đại chúng (báo, đài, truyền hình...) phản ánh những hiện tượng vi phạm pháp luật, vi phạm qui chế hoạt động, những hiện tượng tiêu cực của công chức Quản lý thị trường thuộc quyền thì Chi cục Quản lý thị trường phải kịp thời tiến hành kiểm điểm nghiêm túc, tạm thời đình chỉ công tác và tạm thu hồi thẻ kiểm tra thị trường, đối với công chức đó. Đồng thời tổ chức thẩm tra xác minh có kết luận khách quan, trung thực, không bao che người vi phạm, không để oan người không có khuyết điểm.
4. Khi phát hiện có tiêu cực xẩy ra, các Chi cục phải chủ động tổ chức xác minh, kết luận rõ đúng, sai, mức độ vi phạm, xác định rõ trách nhiệm và có biện pháp xử lý nghiêm túc bằng các hình thức: khiển trách, cảnh cáo, cách chức, hạ ngạch bậc công chức, buộc thôi việc. Trường hợp nghiêm trọng phải chuyển sang cơ quan pháp luật để truy cứu trách nhiệm hình sự. Những Đội Quản lý thị trường có hiện tượng tiêu cực xẩy ra, Đội trưởng phải liên đới chịu trách nhiệm về các hành vi sai phạm xẩy ra trong Đội, tuỳ theo mức độ vi phạm Đội trưởng phải chịu hình thức kỷ luật phù hợp.
5. Khi trong đơn vị có cán bộ, công chức vi phạm pháp luật bị các cơ quan bảo vệ pháp luật phát hiện và tiến hành điều tra, Chi cục phải phối hợp chặt chẽ với các cơ quan hữu quan; phải cung cấp đầy đủ tình hình, tài liệu và tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan pháp luật điều tra sớm có kết luận, xử lý; đồng thời phải có biện pháp chấn chỉnh, ổn định nội bộ, củng cố lực lượng để tiếp tục thực hiện nhiệm vụ một cách có hiệu quả.
6. Những công chức Quản lý thị trường có hành vi tham nhũng, sách nhiễu, bị xử lý kỷ luật từ hình thức cảnh cáo trở lên thì Chi cục ra quyết định thu hồi thẻ kiểm tra thị trường và bố trí làm công việc khác không trực tiếp liên quan đến hoạt động kiểm tra, kiểm soát và quản lý tiền, hàng. Trường hợp vi phạm nghiêm trọng hoặc tái phạm nhiều lần thì cho chuyển khỏi ngành.
7. Cục Quản lý thị trường có trách nhiệm giúp Bộ thường xuyên giám sát, kiểm tra để phát hiện biểu dương những điển hình tốt, những kinh nghiệm hay, uốn nắn những sai sót, kịp thời xử lý, ngăn chặn những hiện tượng cố ý vi phạm, những hành vi tiêu cực trong hoạt động của lực lượng Quản lý thị trường cả nước.
Nhận được văn bản này, cơ quan Quản lý thị trường các cấp khẩn trương xây dựng kế hoạch cụ thể có biện pháp triển khai thực hiện nghiêm túc những nội dung trong văn bản này và định kỳ báo cáo kết quả thực hiện về Bộ.
| Trương Đình Tuyển (Đã ký) |
- 1Quyết định 1211/2000/QĐ-BTM về việc giao chức năng nhiệm vụ của Thanh tra chuyên ngành thương mại cho lực lượng quản lý thị trường do Bộ trưởng Bộ Thương mại ban hành
- 2Quyết định 1243/2000/QĐ-BTM về Quy chế công tác của công chức quản lý thị trường do Bộ trưởng Bộ Thương mại ban hành
- 3Thông tư 09/2001/TT-BTM về việc tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn của lực lượng quản lý thị trường địa phương do Bộ Thương mại ban hành
- 4Thông tư 41/2013/TT-BCT quy định về chế độ báo cáo của Quản lý thị trường do Bộ trưởng Bộ Công Thương ban hành
- 1Quyết định 880-TM/QLTT năm 1996 về Quy chế công tác của Công chức kiểm soát thị trường do Bộ trưởng Bộ thương mại ban hành
- 2Quyết định 1211/2000/QĐ-BTM về việc giao chức năng nhiệm vụ của Thanh tra chuyên ngành thương mại cho lực lượng quản lý thị trường do Bộ trưởng Bộ Thương mại ban hành
- 3Quyết định 1243/2000/QĐ-BTM về Quy chế công tác của công chức quản lý thị trường do Bộ trưởng Bộ Thương mại ban hành
- 4Thông tư 09/2001/TT-BTM về việc tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn của lực lượng quản lý thị trường địa phương do Bộ Thương mại ban hành
- 5Thông tư 41/2013/TT-BCT quy định về chế độ báo cáo của Quản lý thị trường do Bộ trưởng Bộ Công Thương ban hành
Chỉ thị 25/1999/CT-BTM về tăng cường quản lý, kiểm tra hoạt động của lực lượng Quản lý thị trường trong cả nước do Bộ Thương mại ban hành
- Số hiệu: 25/1999/CT-BTM
- Loại văn bản: Chỉ thị
- Ngày ban hành: 17/08/1999
- Nơi ban hành: Bộ Thương mại
- Người ký: Trương Đình Tuyển
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra