Hệ thống pháp luật

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 247-TTg

Hà Nội, ngày 28 tháng 4 năm 1995

 

CHỈ THỊ

VỀ KHẮC PHỤC TÌNH TRẠNG GIẢM SÚT DIỆN TÍCH ĐẤT TRỒNG LÚA NƯỚC VÀ ĐẤT TRỒNG CÂY NÔNG NGHIỆP CÓ GIÁ TRỊ CAO DO VIỆC CHUYỂN QUỸ ĐẤT NÀY SANG SỬ DỤNG VÀO MỤC ĐÍCH KHÁC 

Lúa là cây trồng chủ yếu cung cấp lương thực cho mỗi gia đình Việt Nam và lương thực là nhu cầu hàng đầu của sự sống con người. Có bảo vệ và phát triển được diện tích đất trồng lúa mới đảm bảo được an toàn lương thực bền vững để thực hiện các mục tiêu xây dựng đất nước.

Trong nhiều năm qua, nhận thức được tầm quan trọng này, Nhà nước đã đầu tư hàng trăm tỷ đồng để khai hoang, lấn biển, mở rộng diện tích đất nông nghiệp, nhất là đất trồng lúa ở những nơi có điều kiện như các vùng Đồng Tháp Mười và Tứ giác Long Xuyên v.v... Nhân dân ta ở nhiều địa phương đã có nhiều cố gắng thực hiện các biện pháp thâm canh, tăng năng suất lúa, tăng sản lượng lương thực.

Từ khi có Luật đất đai, một số địa phương đã quan tâm chỉ đạo, quản lý quỹ đất nông nghiệp có giá trị cao, và đặc biệt là diện tích đất trồng lúa nước, hạn chế việc chuyển quỹ đất này sang sử dụng vào các mục đích khác không đúng quy định của pháp luật. Mặt khác, cùng với những đổi mới về cơ chế quản lý và áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong nông nghiệp đã góp phần ổn định và phát triển sản lượng lương thực bảo đảm nhu cầu tiêu dùng trong nước và có phần xuất khẩu. Tuy nhiên, nhìn chung đến nay vẫn còn nhiều ngành, nhiều cấp chính quyền địa phương chưa nhận thức đầy đủ nhiệm vụ bảo vệ quỹ đất nông nghiệp, đặc biệt là đất trồng lúa, việc quản lý quỹ đất này đang có chiều hướng ngày càng bị buông lỏng, nhiều cơ quan, tổ chức, hộ gia đình và cá nhân tự ý, tuỳ tiện chuyển diện tích đất trồng lúa sang sử dụng vào mục đích khác một cách trái pháp luật như làm trụ sở, cơ sở kinh doanh, nhà ở, sản xuất gạch ngói, trồng cây ăn quả v.v... Trong khi mỗi năm dân số nước ta tăng trên 1 triệu người, thiên tai thường xảy ra, vấn đề an toàn lương thực chưa thật vững chắc, nhưng lại để giảm đi hàng vạn héc ta đất nông nghiệp, chủ yếu là đất trồng lúa, đây là việc làm rất nguy hại, phải sớm ngăn chặn, để bảo đảm lương thực và thực phẩm cho toàn dân ta hiện nay cũng như cho các thế hệ tiếp sau.

Trong quá trình phát triển kinh tế xã hội, chuyển đổi cơ cấu kinh tế, từng bước thực hiện công nghiệp hoá, đô thị hoá nông thôn, nhu cầu sử dụng đất để xây dựng các công trình, nhà cửa ngày càng lớn, nếu không có quy hoạch thật cụ thể, xác định rõ ràng từng loại đất, thiếu sự chỉ đạo và quản lý chặt chẽ thì không thể tránh khỏi việc giảm diện tích đất nông nghiệp có giá trị cao, đặc biệt là đất trồng lúa, mà nhân dân ta đã phải trải qua nhiều thế hệ và tốn nhiều công sức mới khai pha, tạo lập được.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Công nghiệp thực phẩm, Tổng cục trưởng Tổng cục Địa chính, Thủ trưởng các Bộ, ngành hữu quan, những người đứng đầu các tổ chức chính trị, kinh tế, xã hội, thực hiện ngay các việc sau đây:

1/ Các địa phương trong quá trình tiến hành công nghiệp hoá, đô thi hoá, cần có quy hoạch cụ thể nhằm duy trì, bảo vệ diện tích đất trồng cây lương thực đặc biệt là đất trồng lúa nước hiện có. Đi đôi với các biện pháp thâm canh tăng năng suất, cần có chính sách và kế hoạch cụ thể để khuyến kích việc mở rộng diện tích đất trồng lúa nước, như khai hoang, phục hoá, cải tạo diện tích lúa 1 vụ, năng suất thấp thành 2-3 vụ có năng suất cao, duy trì và xây dựng thêm ruộng bậc thang ở miền núi và trung du nhằm bảo đảm nhu cầu lương thực của từng địa phương và an toàn lương thực quốc gia.

Cùng với các biện pháp trên, đối với các tỉnh có đồng bằng, đặc biệt là các tỉnh ở vùng đồng bằng sông Hồng, đồng bằng sông Cửu Long, trước hết, phải khai thác và tận dụng triệt để các loại đất trồng lúa đã chuyển sang xây dựng cơ bản mà lâu nay để lãng phí hoặc chưa sử dụng, các loại đất nông nghiệp, các diện tích đất trồng lúa nhưng năng suất thấp, bấp bênh (bạc mầu, chua phèn) để phục vụ cho nhu cầu xây dựng cơ bản.

Trên cơ sở đó, mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phải khẩn trương hoàn chỉnh quy hoạch kinh tế - xã hội của địa phương, xác định thật cụ thể, rõ ràng các vùng đất sử dụng lâu dài theo hướng công nghiệp hoá, đô thị hoá; hàng năm phải lập kế hoạch sử dụng đất của địa phương mình khớp với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội theo tinh thần hạn chế đến mức thấp nhất việc chuyển đất nông nghiệp như đã nói trên sang sử dụng vào mục đích khác để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Uỷ ban Nhân dân các địa phương chỉ được giao đất, cho thuê đất nông nghiệp để sử dụng vào mục đích khác theo thẩm quyền được quy định tại các Điều 23, 24, 25 của Luật Đất đai. Địa phương nào không lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất nông nghiệp trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt thì nhất thiết không được chuyển đất nông nghiệp sang sử dụng vào mục đích khác.

Giao cho Tổng cục Địa chính chủ trì, cùng các Bộ, ngành có liên quan như Uỷ ban Nhà nước về Hợp tác và Đầu tư, Bộ Nông nghiệp và Công nghiệp thực phẩm, Bộ Lâm nghiệp, Bộ Xây dựng thẩm định kế hoạch trên, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào tháng 8 hàng năm để Chính phủ trình Quốc hội tại kỳ họp cuối năm.

Giao cho Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước và Bộ Nông nghiệp và Công nghiệp thực phẩm có nhiệm vụ cân đối nhu cầu lương thực trên phạm vi cả nước (cho tiêu dùng trong nước và cho xuất khẩu), xác định rõ nhiệm vụ sản xuất lương thực, kế hoạch sử dụng đất trồng cây lương thực và thực hiện các biện pháp thâm canh, tăng năng suất trong kế hoạch 5 năm và hàng năm của mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Việc bảo vệ diện tích đất trồng cây lương thực, đặc biệt là đất trồng lúa nước ở từng địa phương là trách nhiệm của Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Công nghiệp thực phẩm, Tổng cục trưởng Tổng cục Địa chính.

Hàng năm, Bộ Nông nghiệp và Công nghiệp thực phẩm và Tổng cục Địa chính, Uỷ ban Nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phải báo cáo Chính phủ tình hình biến động diện tích đất trồng lúa nước của địa phương mình cũng như trong cả nước cùng thời gian trình kế hoạch sử dụng đất đã nêu trên.

2/ Việc chuyển dịch cơ cấu diện tích cây trồng ở các địa phương nhất thiết phải được tính toán chặt chẽ, lập nhiều phương án để so sánh, bảo đảm hiệu quả kinh tế - xã hội cao nhất. Các địa phương có nhu cầu chuyển dịch cơ câu cây trồng, nếu thật cần thiết phải chuyển một số diện tích lúa nước có năng suất thấp, kém hiệu quả sang cơ cấu mới đáp ứng nhu cầu của xã hội, để tăng giá trị thu nhập, thu hút thêm lao động, tạo việc làm,... thì cần được xem xét, tính toán kỹ, cân đối toàn diện cả về lợi ích trước mắt và lâu dài, có sự tham gia ý kiến của Bộ Nông nghiệp và Công nghiệp thực phẩm và Tổng cục Địa chính, nhưng phải theo đúng quy hoạch và kế hoạch được duyệt.

3/ Để đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, nhất là quá trình công nghiệp hoá, phát triển đô thị, xây dựng cơ sở hạ tầng, bảo đảm diện tích nhà ở cho dân, xây dựng các cơ sở liên doanh, hợp tác đầu tư với nước ngoài v.v... khi xây dựng quy hoạch, xem xét, thẩm định các dự án đầu tư xây dựng, Uỷ ban Nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các Bộ, ngành có liên quan cần cân nhắc kỹ việc sử dụng đất, nên hướng vào các vùng gò, đồi, vùng đất quá xấu mà việc trồng lúa không có hiệu quả. Việc kiến trúc công trình và xây dựng công trình và nhà ở cũng cần được tận dụng tối đa về chiều cao, không gian để hạn chế đến mức thấp nhất việc sử dụng đất trồng lúa nước mà vẫn đảm bảo được yêu cầu phát triển công nghiệp, phát triển ngành nghề, tăng cường phúc lợi xã hội cũng như đáp ứng các yêu cầu đô thị hoá của địa phương. Trường hợp đặc biệt, buộc phải dùng đến đất trồng lúa nước đã có hệ thống thuỷ nông bảo đảm tưới, tiêu chủ động có năng suất cao và ổn định thì phải thuyết minh thật cụ thể, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định từng dự án mới được thực hiện.

4/ Giao cho Uỷ ban Nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phối hợp với các Bộ, ngành chức năng tổ chức kiểm tra và đình chỉ ngay việc các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân tự tiện chuyển đất trồng lúa nước sang làm trụ sở, cơ sở kinh doanh, làm nhà, sản xuất gạch ngói và các mục đích xây dựng khác dưới bất cứ hình thức nào; xử lý thật nghiêm minh, kể cả truy cứu trách nhiệm hình sự các trường hợp vi phạm nghiêm trọng Luật đất đai.

5/ Giao Bộ Nông nghiệp và Công nghiệp thực phẩm chủ trì, cùng Bộ Tài chính, Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước, Tổng cục Địa chính nghiên cứu chính sách khuyến khích người trồng lúa, bảo đảm cho họ có thu nhập ổn định, bền vững và không thấp hơn so với các loại cây trồng khác. Đề án này phải hoàn thành trước 30 tháng 6 năm 1995 để trình Thủ tướng Chính phủ.

6/ Giao cho Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước cùng các Bộ, ngành địa phương có liên quan hoàn thành sớm quy hoạch các vùng kinh tế tập trung, nhất là quy hoạch các khu công nghiệp, chú trọng đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng về giao thông, điện, nước và san ủi mặt bằng để khai thác các vùng đất xấu (ít có khả năng sản xuất nông nghiệp) thành các khu công nghiệp và các khu dân cư mới trình Thủ tướng Chính phủ xét duyệt.

7/ Việc thực hiện chủ trương bảo vệ quỹ đất nông nghiệp, đặc biệt đất trồng lúa nước như đã nói trên, trong quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá là trách nhiệm thường xuyên, lâu dài của các cấp, các ngành và của toàn dân. Chủ trương này phải được phổ biến, tuyên truyền công khai cho toàn dân biết để thực hiện và giám sát, kiểm tra việc thi hành. Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân các cấp, Thủ trưởng các Bộ, ngành có trách nhiệm tổ chức thực hiện nghiêm túc Chỉ thị này.

8/ Thủ tướng Chính phủ giao cho Tổng Thanh tra Nhà nước, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Công nghiệp thực phẩm, Tổng cục trưởng Tổng cục Địa chính theo chức năng và nhiệm vụ của mình, tổ chức kiểm tra, thanh tra việc chấp hành thực hiện Chỉ thị này và định kỳ hàng quý báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Chỉ thị này thay thế Công điện số 1044/KTN ngày 03 tháng 3 năm 1995 của Thủ tướng Chính phủ.

 

 

Võ Văn Kiệt

(Đã ký)

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Chỉ thị 247-TTg năm 1995 khắc phục tình trạng giảm sút diện tích đất trồng lúa nước và đất trồng cây nông nghiệp có giá trị cao do việc chuyển quỹ đất này sang sử dụng vào mục đích khác do Thủ tướng Chính phủ ban hành

  • Số hiệu: 247-TTg
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Ngày ban hành: 28/04/1995
  • Nơi ban hành: Thủ tướng Chính phủ
  • Người ký: Võ Văn Kiệt
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 12
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản