Hệ thống pháp luật

CHỦ TỊCH HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 241-CT

Hà Nội, ngày 04 tháng 9 năm 1988

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC GIẢI QUYẾT MỘT SỐ VẤN ĐỀ CẤP BÁCH TRONG CÔNG TÁC GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO

Trong năm học 1987-1988 các ngành giáo dục và đào tạo đã có nhiều cố gắng và tiến bộ. Đội ngũ cán bộ giảng dạy, giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục đã nêu cao tinh thần trách nhiệm, lương tâm nghề nghiệp, khắc phục nhiều khó khăn trong công tác và đời sống. Các ngành, các địa phương và nhân dân trong cả nước đã tích cực đóng góp cho sự nghiệp giáo dục.

Tuy nhiên, sự nghiệp giáo dục đang còn nhiều khó khăn và nhiều mặt yếu kém. Chất lượng giáo dục thấp, quy mô đào tạo giảm dần, cơ sở vật chất của các trường học quá thiếu thốn, đời sống giáo viên và học sinh nội trú quá khó khăn. Nạn mù chữ ở một số nơi có chiều hướng phát triển.

Tình hình nói trên gắn liền với những khó khăn chung về kinh tế, xã hội hiện nay; mặt khác do chính quyền các cấp chưa giải quyết đúng mức các yêu cầu cấp thiết của sự nghiệp giáo dục, đào tạo lực lượng lao động có văn hoá, có trình độ khoa học kỹ thuật. Đầu tư vốn của Nhà nước cho hoạt động giáo dục còn rất hạn chế và chưa thoả đáng. Phương châm Nhà nước và nhân dân cùng chăm lo xây dựng, phát triển sự nghiệp giáo dục chưa được thể chế hoá và thực hiện tốt trong thực tế. Tiềm năng trong nhân dân và trong các nhà trường chưa được khai thác đầy đủ, hợp lý để góp phần giải quyết khó khăn trong công tác giáo dục và đào tạo.

Để từng bước khắc phục khó khăn, tiếp tục phát triển sự nghiệp giáo dục và đào tạo theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ VI, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng yêu cầu các cấp, các ngành giải quyết một số vấn đề cấp bách đối với các ngành giáo dục và đào tạo trong thời gian trước mắt như sau:

1. Tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân và cán bộ để mọi người đều hiểu rõ giáo dục là sự nghiệp của toàn xã hội, làm tốt việc đào tạo con người là yếu tố quyết định để thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội; bỏ nhận thức không đúng coi giáo dục đơn thuần là ngành phi sản xuất; xây dựng và bồi dưỡng đội ngũ giáo viên có chất lượng cao là nhiệm vụ có ý nghĩa quyết định đối với sự nghiệp phát triển và nâng cao chất lượng giáo dục.

2. Từ năm học 1988 - 1989 phải phấn đấu thực hiện có kết quả những mục tiêu về giáo dục mà Nghị quyết Đại hội VI đề ra. Cần có những hình thức dạy học và đào tạo phù hợp với tình hình và khả năng của nền kinh tế. Nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo từ mầm non đến đại học, trên đại học. Tạo các điều kiện để thực hiện việc giáo dục toàn diện; thực hiện tốt chủ trương giáo dục kết hợp với lao động sản xuất; từng bước liên kết công tác đào tạo với các hoạt động khoa học và sản xuất. Sử dụng hợp lý số học sinh ra trường.

Ngành giáo dục phải tổng kết việc thực hiện cải cách giáo dục trong những năm qua và kiến nghị với Trung ương Đảng và Chính phủ những vấn đề cần bổ sung, sửa đổi về nội dung và phương pháp cải cách giáo dục.

Nhà nước bảo đảm giữ vững và tuỳ theo khả năng tài chính tăng dần tỷ lệ kinh phí giáo dục, đào tạo trong ngân sách hàng năm. Bộ giáo dục và Bộ Đại học Trung học chuyên nghiệp và dạy nghề có trách nhiệm xây dựng kế hoạch toàn ngành phù hợp với điều kiện tài chính nói trên, cân đối trong kế hoạch và ngân sách chung của Nhà nước.

A. VỀ CHẾ ĐỘ, CHÍNH SÁCH

a) Tiếp tục thực hiện những chính sách đã ban hành đối với các ngành giáo dục và đào tạo theo Quyết định số 79-HĐBT ngày 26-5-1987 và Nghị quyết số 73-HĐBT ngày 12-7-1983, khắc phục những lệch lạc trong việc thực hiện chính sách; đồng thời sửa đổi, bổ sung một số điểm về chính sách, chế độ đối với đội ngũ giáo viên.

Bộ Tài chính cùng Bộ Giáo dục xem lại những quy định về sử dụng quỹ bảo trợ nhà trường; số tiền trong quỹ này trước mắt chủ yếu sử dụng vào việc hỗ trợ cho đời sống của giáo viên.

b) Tuỳ theo tình hình và khả năng tài chính ở mỗi nơi cần thực hiện những biện pháp thiết thực bảo đảm cho giáo viên có mức thu nhập thực tế ngày một khá hơn.

Ưu tiên phân phối nhà ở, bán nguyên liệu, vật liệu làm nhà cho những giáo viên thực tế có nhu cầu. Có những quy định tạo điều kiện cho giáo viên nghỉ ngơi, chữa bệnh được thuận loại.

c) Để tăng thêm hiệu quả đào tạo và huy động được các nguồn tài chính khác ngoài ngân sách Nhà nước, cần sử dụng hình thức đào tạo theo hợp đồng.

Bộ Đại học Trung học chuyên nghiệp và dạy nghề cùng Bộ Tài chính và Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước chuẩn bị để Hội đồng Bộ trưởng quyết định riêng về vấn đề này.

d) Nhà nước khuyến khích các trường liên kết với các đơn vị sản xuất kinh doanh về nghiên cứu khoa học và sản xuất. Tạm thời chưa thu thuế đối với số thu nhập của các trường do các hoạt động nghiên cứu khoa học và lao động sản xuất, để tạo thêm điều kiện tăng cường cơ sở vật chất của các trường và cải thiện đời sống cán bộ, công nhiên viên, học sinh.

Ngành Đại học - Trung học chuyên nghiệp và dạy nghề được trực tiếp liên hệ và ký hợp đồng với nước ngoài về hợp tác đào tạo, sử dụng lao động kỹ thuật, nghiên cứu, thiết kế phù hợp với khả năng của mình và quy định chung của Nhà nước. Nếu hợp tác, liên doanh về sản xuất kinh doanh thì phải theo Luật Đầu tư của Nhà nước.

e) Từ năm học 1988 - 1989 cho giáo viên và cán bộ giảng dạy được hưởng phụ cấp thâm niên về nghề nghiệp.

Bộ trưởng các Bộ Giáo dục, Bộ Đại học Trung học chuyên nghiệp và dạy nghề, Bộ Tài chính, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp nghiên cứu để Hội đồng Bộ trưởng ban hành quy định cụ thể về vấn đề này.

g) Chuyển việc xếp lương các cán bộ quản lý trường học sang thang lương giáo viên và quy định cho các cán bộ này được hưởng phụ cấp trách nhiệm quản lý. Bộ Giáo dục và Bộ Đại học Trung học chuyên nghiệp và dạy nghề và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn cụ thể việc này.

Các cô nuôi dạy trẻ, mẫu giáo (ngoài biên chế Nhà nước) được hưởng sinh hoạt phí và tiêu chuẩn lương thực như chế độ hiện hành đối với cán bộ y tế của xã, phường; sinh hoạt phí một phần do ngân sách xã, phường đài thọ và một phần do nhân dân đóng góp.

h) Mức phụ cấp dạy thêm giờ, thêm buổi cho các giáo viên được tính bằng giá trị theo định lượng gạo và theo giá kinh doanh thương nghiệp ở địa phương; Bộ Giáo dục, Bộ Đại học Trung học chuyên nghiệp và dạy nghề, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Tài chính phối hợp quy định cụ thể và áp dụng ngay từ năm học 1988-1989.

Các Bộ nghiên cứu để Hội đồng Bộ trưởng quyết định bổ sung các chính sách, chế độ khuyến khích giáo viên, cán bộ giảng dạy đi công tác miền núi, hải đảo, vùng khó khăn và tình nguyện ở lại những nơi này.

B. VỀ TRƯỜNG SỞ VÀ SÁCH GIÁO KHOA

a) Ngành giáo dục và Uỷ ban Nhân dân các cấp cần kiểm điểm việc thực hiện Quyết định số 248-TTg ngày 22-11-1973 của Thủ tướng Chính phủ và có kế hoạch khắc phục các khuyết điểm trong việc sử dụng vốn xây dựng cơ bản mà Nhà nước dành cho ngành giáo dục.

b) Thực hiện đúng chủ trương của Hội đồng Bộ trưởng về việc sử dụng vốn thu được bằng xổ số dành cho giáo dục và y tế (trong số tiền này dành tỷ lệ nhiều hơn cho giáo dục).

Các ngành và các địa phương cần quy định chế độ ưu tiên bán nguyên liệu, vật liệu để xây dựng, sửa chữa và trang bị cho trường học các cấp.

c) Về giấy viết, sách giáo khoa và thiết bị kỹ thuật giáo dục. Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước và các ngành liên quan phối hợp chặt chẽ với các ngành giáo dục và đào tạo bảo đảm cung ứng theo kế hoạch vật tư (đúng giá quy định) tiền vốn, kinh phí (kể cả ngoại tệ) và các điều kiện cần thiết khác cho yêu cầu biên soạn, in và phát hành sách giáo khoa, tài liệu giảng dạy, tài liệu nghiệp vụ giáo dục. Cần ưu tiên cho việc sản xuất, chế thử và nhập khẩu vật tư, thiết bị kỹ thuật giáo dục phục vụ cho các ngành học.

Chủ tịch Hồ Chí Minh dạy: "Vì lợi ích mười năm phải trồng cây, vì lợi ích trăm năm phải trồng người".

Công tác giáo dục và đào tạo trong hoàn cảnh một nước kinh tế còn lạc hậu như nước ta càng cực kỳ quan trọng. Hội đồng Bộ trưởng yêu cầu các ngành, các cấp nghiêm chỉnh chấp hành Chỉ thị này để tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển sự nghiệp giáo dục và đào tạo trong thời gian tới.

 

 

Đỗ Mười

(Đã ký)

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Chỉ thị 241-CT năm 1988 giải quyết một số vấn đề cấp bách trong công tác giáo dục và đào tạo do Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng ban hành

  • Số hiệu: 241-CT
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Ngày ban hành: 04/09/1988
  • Nơi ban hành: Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng
  • Người ký: Đỗ Mười
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 18
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản