Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 24/CT-UBND | Hà Nội, ngày 02 tháng 12 năm 2010 |
CHỈ THỊ
VỀ CÔNG TÁC TĂNG CƯỜNG ĐẢM BẢO TRẬT TỰ XÂY DỰNG, TRẬT TỰ ĐÔ THỊ VÀ AN TOÀN GIAO THÔNG TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HÀ NỘI
Quản lý trật tự đô thị là một trong những lĩnh vực vô cùng quan trọng, luôn được Thành phố xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm. Trong những năm qua, đặc biệt là trong thời gian chuẩn bị và tổ chức Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội, với sự cố gắng, nỗ lực của các cấp, các ngành, các đơn vị; sự tham gia ủng hộ, đồng thuận của nhân dân, công tác đảm bảo trật tự đô thị trên địa bàn Thành phố đã có những chuyển biến tích cực, rõ nét, góp phần quan trọng vào thành công của Đại lễ và từng bước tạo nên đô thị văn minh, hiện đại, xanh – sạch – đẹp. Công tác quản lý trật tự đô thị, quản lý hè phố, lòng đường... được chính quyền các cấp quan tâm chỉ đạo, bước đầu tạo được nề nếp ở nhiều khu vực, nhiều tuyến phố. Tuy nhiên, công tác quản lý đô thị và trật tự an toàn giao thông tại một số quận, huyện và thị xã vẫn còn bộc lộ một số tồn tại, số vụ vi phạm về trật tự xây dựng và an toàn giao thông còn nhiều, vệ sinh môi trường còn nhiều vấn đề bất cập, ý thức của một bộ phận nhân dân còn hạn chế...
Để tiếp tục duy trì và phát huy những kết quả đạt được, khắc phục những hạn chế và để nâng cao ý thức trách nhiệm, tăng cường sự chỉ đạo, điều hành của các quận, huyện, thị xã, các phường, xã, thị trấn, các sở, ban, ngành Thành phố trong công tác quản lý trật tự xây dựng, trật tự an toàn giao thông, vệ sinh môi trường; Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố yêu cầu:
1. Giám đốc sở Xây dựng, Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã: Theo chức năng, nhiệm vụ được giao phải chịu trách nhiệm trước Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố về quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn; Chỉ đạo tăng cường công tác đảm bảo trật tự xây dựng; cấp giấy phép xây dựng phải đảm bảo đúng quy hoạch; tăng cường kiểm tra việc xây dựng theo giấy phép; kịp thời ngăn chặn, xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm trật tự xây dựng như: xây dựng trái phép, xây dựng không phép, xây dựng “nhà siêu mỏng, siêu méo”, xây dựng công trình không đảm bảo các điều kiện về an toàn lao động, vệ sinh công trường...
2. Giám đốc Sở Giao thông vận tải, Giám đốc Công an Thành phố, Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã: Chỉ đạo tăng cường công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông trên địa bàn; tăng cường kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm trật tự xây dựng và an toàn giao thông là nguyên nhân trực tiếp gây ra tai nạn giao thông, ùn tắc giao thông, như: xây dựng, chỉnh trang các hạng mục công trình trên đường, hè phố không tuân thủ quy trình thi công đã được phê duyệt, các phương tiện chở quá tải trọng, quá số người cho phép; phương tiện không đảm bảo điều kiện kỹ thuật an toàn; điều khiển phương tiện phóng nhanh, vượt ẩu, đi không đúng làn đường, phần đường quy định; lạng lách, đánh võng, đua xe trái phép; đỗ, dừng phương tiện không đúng quy định; đi xe máy không đội mũ bảo hiểm; phương tiện hoạt động tại các tuyến đường, khu vực, thời gian cấm hoạt động; đón trả khách không đúng nơi quy định; vận chuyển vật liệu, đất cát, phế thải không đảm bảo điều kiện về vệ sinh môi trường, làm rơi vãi trên đường phố...
3. Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã: Chỉ đạo thường xuyên kiểm tra, kiên quyết xử lý các hành vi lấn chiếm hè phố, lòng đường để bán hàng rong, kinh doanh dịch vụ, để vật liệu xây dựng, trông giữ xe, lợp mái che, mái vẩy, quảng cáo không đúng quy định làm ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị. Rà soát, tổ chức giải tỏa các chợ tạm, chợ “cóc” ảnh hưởng đến trật tự an toàn giao thông, vệ sinh môi trường.
4. Giám đốc Sở Giao thông Vận tải: Chỉ đạo tăng cường kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ việc thi công đào hè, đường, tránh tình trạng cấp phép đào hè đường tràn lan; giám sát đảm bảo thực hiện đúng quy định và hoàn trả đảm bảo chất lượng, kịp thời, không ảnh hưởng đến trật tự giao thông, vệ sinh môi trường. Chỉ đạo các đơn vị duy tu, duy trì giao thông chủ động kiểm tra, sửa chữa những đoạn đường, tuyển đường có mặt đường, hố ga bị hỏng, “ổ gà”, các điểm thường xuyên bị úng ngập cục bộ, xử lý ”điểm đen”..., đảm bảo an toàn giao thông.
5. Giám đốc Sở Xây dựng, Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã: Chỉ đạo các đơn vị vệ sinh môi trường tiếp tục thực hiện các biện pháp tăng cường phun rửa, quét hút, đảm bảo vệ sinh môi trường, chống bụi bẩn trên các tuyến đường, phố; thu dọn kịp thời rác, đất thải, phế thải tại các khu dân cư tập trung, các tuyến đường chính, các khu vực trung tâm tập trung đông người qua lại. Tăng cường kiểm tra các công trình xây dựng trong đô thị, xử lý nghiêm các chủ đầu tư, nhà thầu thi công có hành vi xây dựng trái phép, không phép, không che chắn công trường gây bụi, bẩn, ách tắc giao thông đường phố và khu vực xung quanh công trình.
6. Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp với Ban Tuyên giáo Thành ủy, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch: Chỉ đạo các cơ quan thông tin, tuyên truyền, các quận, huyện, thị xã, các phường, xã, thị trấn tăng cường công tác tuyên truyền để nâng cao ý thức, nhận thức của các tầng lớp nhân dân Thủ đô đối với việc ủng hộ, tham gia công tác đảm bảo trật tự đô thị, trật tự xây dựng, an toàn giao thông và vệ sinh môi trường trên địa bàn Thành phố./.
Nơi nhận: | CHỦ TỊCH |
Chỉ thị 24/CT-UBND năm 2010 về công tác tăng cường đảm bảo trật tự xây dựng, đô thị và an toàn giao thông trên địa bàn thành phố Hà Nội do Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội ban hành
- Số hiệu: 24/CT-UBND
- Loại văn bản: Chỉ thị
- Ngày ban hành: 02/12/2010
- Nơi ban hành: Thành phố Hà Nội
- Người ký: Nguyễn Thế Thảo
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 02/12/2010
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra