BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 24/2006/CT-BNN | Hà Nội, ngày 07 tháng 04 năm 2006 |
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG TRIỂN KHAI CHƯƠNG TRÌNH 3 GIẢM 3 TĂNG
Chương trình "3 giảm 3 tăng" đã được triển khai trên phạm vi toàn quốc với quy mô và nội dung phù hợp với tập quán canh tác, điều kiện sinh thái của từng vùng. Hiệu quả của chương trình đã được thực tế sản xuất xác nhận và diện tích áp dụng chương trình ngày một tăng.
Ở các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, đến vụ đông xuân năm 2005-2006 đã có khoảng 30% diện tích gieo cấy được áp dụng chương trình. Ở các tỉnh miền Trung, đã xây dựng những cánh đồng 3 giảm 3 tăng. Các diện tích áp dụng chương trình 3 giảm 3 tăng (giảm lượng giống gieo sạ, phân đạm, thuốc trừ sâu; tăng năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế) đều cho năng suất cao hơn so với ruộng khác, thu nhập tăng thêm bình quân một triệu đồng/ha. Đặc biệt, mật độ rầy ở những ruộng áp dụng chương trình thấp hơn từ 2-3 lần, giảm áp lực phải sử dụng thuốc hoá học để trừ rầy.
Ở các tỉnh phía Bắc, đến nay đã mở hàng trăm lớp tập huấn với quy mô khác nhau cho cán bộ kỹ thuật bảo vệ thực vật và nông dân của các tỉnh về phương pháp triển khai 3 giảm 3 tăng (giảm lượng phân dạm, thuốc trừ sâu và tiết kiệm nước hoặc giống). Đã xây dựng hơn 3000 mô hình với diện tích khoảng 2000 ha tại các tỉnh vùng đồng bằng sông Hồng và khu 4 để tuyên truyền vận động nông dân tham gia áp dụng. Những ruộng áp dụng theo mô hình đều giảm chi phí về phân đạm, thuốc trừ sâu và tăng năng suất lúa, góp phần làm ra nông sản sạch, bảo vệ môi trường và sức khoẻ cộng đồng.
Để chương trình "3 giảm 3 tăng" triển khai hiệu quả và phù hợp với điều kiện sản xuất lúa của từng địa phương trong phạm vi cả nước, Bộ trưởng Bộ nông nghiệp & Phát triển nông thôn chỉ thị triển khai các nhiệm vụ sau:
1. Thành lập ban chỉ đạo triển khai chương trình "3 giảm 3 tăng" các cấp.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn thành lập ban chỉ đạo trung ương Tại các địa phương, Ban chỉ đạo tỉnh/thành phố do Giám đốc Sở Nông nghlệp & Phát triển nông thôn thành lập; Ban chỉ đạo cấp huyện do chủ tịch Uỷ ban nhân dân huyện, Ban chỉ đạo cấp xã do chủ tịch Uỷ ban nhân dân xã thành lập.
2. Tăng cường công tác tập huấn về biện pháp, kỹ thuật 3 giảm 3 tăng cho cán bộ kỹ thuật, nông dân và xây dựng mô hình/cánh đồng "3 giảm 3 tăng" trên cây lúa:
- Cục Bảo vệ thực vật phối hợp với Cục Trồng trọt, Trung tâm Khuyến nông quốc gia tổ chức các lớp tập huấn cho cán bộ kỹ thuật cấp tỉnh;
- Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phối hợp và chỉ đạo Chi cục bảo vệ thực vật, Trung tâm Khuyến nông các tỉnh/thành phố tổ chức tập huấn cho nông dân và triển khai mô hình tại địa phương;
- Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn chỉ đạo Chi cục Bảo vệ thực vật
phối hợp với Trung tâm Khuyến nông tỉnh/thành phố tổ chức, triển khai, kiểm tra thực hiện xây dựng mô hình/cánh đồng "3 giảm 3 tăng" trên cây lúa và tổ chức các lớp tập huấn tại chỗ, hội nghị đầu bờ cho nông dân.
3. Triển khai nghiên cứu thực nghiệm về "3 giảm 3 tăng" trên lúa và các cây trồng khác:
- Các Viện nghiên cứu phối hợp với các Cục chuyên ngành (Trồng trọt, Bảo vệ thực vật, Chế biến nông lâm sản và nghề muối, Thuỷ lợi) tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện và bổ sung các biện pháp kỹ thuật phù hợp cho từng vùng sinh thái, đặc biệt bổ sung biện pháp tiết kiệm nước, giảm thất thoát sau thu hoạch đối với cây lúa và nghiên cứu xây dựng quy trình đối với các cây trồng khác (ngô, đậu tương, lạc. . .)
- Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn chỉ đạo Chi cục Bảo vệ thực vật phối hợp với Trung tâm Khuyến nông tỉnh/thành phố xây dựng mô hình áp dụng các kết quả nghiên cứu trên để tuyên truyền và tập huấn cho nông dân.
4. Tuyên truyền, phổ biến kiến thức, hướng dẫn nông dân áp dụng:
- Cục Bảo vệ thực vật phối hợp với Trung tâm Khuyến nông quốc gia in bảng so màu lá úa để cung cấp cho nông dân; làm phim ngắn cung cấp cho các đài truyền hình trung ương, địa phương và sang ra đĩa CD để phân phát cho các địa phương làm tài liệu tuyên truyền;
- Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn chỉ đạo Chi cục Bảơ vệ thực vật
phối hợp với Trung tâm Khuyến nông tỉnh/thành phố và các cơ quan thông tin đại chúng trong tỉnh tuyên truyền, nhân rộng những điển hình tiên tiến của địa phương.
5. Kinh phí triển khai hàng năm sẽ được trích từ nguồn kinh phí khuyến nông:
- Cục Bảo vệ thực vật phối hợp với Cục Trồng trọt xây dựng kế hoạch kinh phí để tập huấn cho cán bộ cấp tỉnh/thành phố, cho công tác tuyên truyền, triển khai nghiên cứu đồng rưộng trên cây lúa và các cây trồng khác;
- Trung tâm Khuyến nông quốc gia hướng dẫn Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn xây dựng kế hoạch tập huấn cho nông dân và xây dựng mô hình ở địa phương.
- Vụ Khoa học Công nghệ bố trí kinh phí cho các Viện nghiên cứu triển khai hoàn thiện quy trình kỹ thuật theo các kênh phù hợp.
6. Công tác tổng kết, khen thưởng:
Cuối mỗi vụ sản xuất, căn cứ theo chức năng nhiệm vụ đã được phân công, các đơn vị triển khai và Ban chỉ đạo cấp tỉnh/thành phố phải có báo cáo kết quả triển khai chương trình của tỉnh/thành phố gửi Ban chỉ đạo trung ương để kịp thời động viên khen thưởng những đơn vị, cá nhân làm tốt và uốn nắn nhưng nơi làm chưa tốt.
Bộ Nông nghiệp - Phát triển Nông thôn yêu cầu Giám đốc Sở Nông nghiệp - PTNT các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Thủ trưởng các đơn vị liên quan thuộc Bộ thực hiện tết những nội dung nêu trên theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình. Báo cáo thường xuyên về Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tình hình thực hiện chỉ thị này.
| BỘ TRƯỞNG |
Chỉ thị 24/2006/CT-BNN triển khai chương trình 3 giảm 3 tăng do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành
- Số hiệu: 24/2006/CT-BNN
- Loại văn bản: Chỉ thị
- Ngày ban hành: 07/04/2006
- Nơi ban hành: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
- Người ký: Cao Đức Phát
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Số 22
- Ngày hiệu lực: 05/05/2006
- Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực