Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

UỶ BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HÀ NỘI

--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 24/2005/CT-UB

Hà Nội, ngày 16 tháng 11 năm 2005

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG, HIỆU QUẢ CÔNG TÁC CHO VAY ĐỐI VỚI HỘ NGHÈO, GIẢI QUYẾT VIỆC LÀM VÀ ĐỐI TƯỢNG CHÍNH SÁCH KHÁC

Sau 3 năm thực hiện Nghị định 78/2002/NĐ-CP ngày 04/10/2002 của Chính phủ về tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách đã mang lại một số kết quả đáng ghi nhận, góp phần hỗ trợ và tạo điều kiện cho hàng chục ngàn hộ nghèo được vay vốn để sản xuất kinh doanh vươn lên thoát nghèo; hàng chục ngàn lao động có việc làm và thu nhập ổn định, góp phần cùng thành phố giảm tỷ lệ hộ nghèo và tỷ lệ thất nghiệp trên địa bàn. Tuy nhiên, do mức chuẩn nghèo mới của thành phố được điều chỉnh cùng với quá trình đô thị hoá nhanh... số hộ nghèo và cận nghèo cần được vay vốn tăng lên; Qua kiểm tra có tình hình một số tổ chức, cá nhân chưa thực hiện tốt quy định của Chính phủ và Thành phố như: có một số tồn tại trong việc thành lập, hoạt động của tổ tiết kiệm và vay vốn; ghi chép, lưu giữ chứng từ sổ sách chưa đúng quy định; thu thêm phí của người vay; nâng lãi suất cho vay; thu nợ, thu lãi không nộp kịp thời vào ngân hàng... Để tiếp tục thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo và tạo việc làm trên địa bàn thành phố trong giai đoạn 2005 - 2010, nâng cao chất lượng hiệu quả công tác cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách; UBND Thành phố Hà Nội yêu cầu các Sở, Ngành, UBND các cấp và đề nghị các Hội đoàn thể thực hiện những Công việc sau:

1. Chi nhánh NHCSXH Thành phố Hà Nội phối hợp với các ngành, các cấp Chính quyền tiếp tục tuyên truyền, quán triệt chương trình xoá đói, giảm nghèo theo chuẩn nghèo mới; xây dựng kế hoạch cụ thể từng năm về số hộ thoát nghèo, lao động có việc làm; định kỳ sơ kết, tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện các chỉ tiêu này.

Nâng cao vai trò quản lý, chỉ đạo điều hành, chất lượng, hiệu quả công tác cho vay đối với hộ nghèo, giải quyết việc làm và các đối tượng chính sách khác; sử dụng vốn đúng mục đích, đúng đối tượng chính sách, đạt hiệu quả kinh tế - xã hội cao; thực hiện tốt quy trình nghiệp vụ, thu hồi nợ vay đúng thời hạn.

Xây dựng kế hoạch đào tạo, tập huấn nghiệp vụ cho cán bộ của ngân hàng và của hội đoàn thể có chất lượng tốt hơn; bám sát mục tiêu, nhiệm vụ của NHCSXH - Việt Nam và UBND Thành phố giao để thực hiện tốt công tác giảm nghèo, tạo việc làm cho lao động trên địa bàn thành phố.

2. Đề nghị hội Liên hiệp Phụ nữ, hội Nông dân, hội Cựu chiến binh, Thành Đoàn Hà Nội chỉ đạo và có biện pháp chấn chỉnh, khắc phục những tồn tại ở một số tổ chức và cá nhân thuộc các Hội đoàn thể ở cơ sở khi thực hiện nhiệm vụ nhận uỷ thác cho vay từ Chi nhánh NHCSXH Thành phố Hà Nội và các Phòng giao dịch NHCSXH quận, huyện.

Chỉ đạo các cấp hội cơ sở thực hiện tốt nội dung văn bản liên tịch và hợp đồng uỷ thác cho vay vốn đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách đã ký với Chi nhánh NHCSXH Thành phố Hà Nội; Tuân thủ các quy trình nghiệp vụ cho vay của NHCSXH. Thường xuyên tổ chức tập huấn, đào tạo đội ngũ cán bộ làm nhiệm vụ nhận uỷ thác cho vay; định kỳ tổ chức kiểm tra các cấp hội cơ sở, các tổ tiết kiệm và vay vốn, chủ dự án và các tổ viên vay vốn.

3. Sở Tài chính chủ trì, phối hợp cùng với Sở Kế hoạch - Đầu tư và Sở Lao động Thương binh và Xã hội.

- Hàng năm nghiên cứu nhu cầu nguồn vốn cần đầu tư cho hộ nghèo, giải quyết việc làm trên địa bàn; tham mưu cho UBND thành phố, trình Hội đồng nhân dân thành phố quyết định dành một phần từ nguồn tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách để bổ sung nguồn vốn của Thành phố uỷ thác sang NHCSXH thành phố cho vay hộ nghèo, giải quyết việc làm trên địa bàn, thực hiện các mục tiêu đã đề ra.

- Tạo điều kiện để Chi nhánh NHCSXH thành phố tiếp cận và huy động các nguồn vốn để bổ sung nguồn vốn cho vay của NHCSXH trên địa bàn.

4. Sở Lao động Thương binh và Xã hội phối hợp với Chi nhánh NHCSXH Thành phố để lựa chọn, thẩm định, trình cấp có thẩm quyền quyết định cho vay những dự án: nhóm hộ gia đình, cơ sở sản xuất kinh doanh có khả năng thu hút nhiều lao công và tạo việc làm ổn định; rút ngắn thời gian thẩm định và quyết định cho vay để đưa đồng vốn sớm đến người sử dụng, phát huy hiệu quả.

5. UBND các quận, huyện dành một phần từ nguồn tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách để bổ sung nguồn vốn uỷ thác sang NHCSXH thực hiện cho vay hộ nghèo, giải quyết việc làm và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn; quan tâm và tạo điều kiện thuận lợi cho các phòng giao dịch NHCSXH quận, huyện về trụ sở, phương tiện làm việc...

6. Về công tác kiểm tra, giám sát:

- Chi nhánh NHCSXH Thành phố Hà Nội thường xuyên phối hợp với chính quyền và Hội đoàn thể các cấp tăng cường kiểm tra, giám sát đối tượng vay, mục đích sử dụng vốn vay nhằm phát huy hiệu quả của vốn tín dụng ưu đãi đồng thời tham mưu, đề xuất cho Ban đại diện HĐQT NHCSXH cùng cấp về nội dung chương trình kiểm tra, giám sát của Ban đại diện HĐQT NHCSXH để phát hiện và khắc phục, xử lý kịp thời những tồn tại, vướng mắc.

- Các thành viên Ban đại diện HĐQT Chi nhánh NHCSXH Thành phố Hà Nội cần chủ động, tích cực tham gia các đoàn kiểm tra, giám sát xuống các quận, huyện, xã, phường; tổ tiết kiệm và vay vốn; chủ dự án và người vay vốn UBND Thành phố đề nghị các hội đoàn thể và yêu cầu Thủ trưởng các Sở Ban, Ngành, Chủ tịch UBND các quận, huyện triển khai thực hiện những công việc được giao; phối hợp chặt chẽ với Chi nhánh NHCSXH Thành phố Hà Nội tổ chức thực hiện Chỉ thị này./.

 

 

T/M UBND THÀNH PHỐ HÀ NỘI
K/T CHỦ TỊCH PHÓ CHỦ TỊCH




Vũ Văn Ninh