Hệ thống pháp luật

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 24/2005/CT-TTg

Hà Nội, ngày 28 tháng 6 năm 2005

 

CHỈ THỊ

VỀ TIẾP TỤC ĐẨY MẠNH VIỆC THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT TRUNG ƯƠNG 5 (KHOÁ IX) VỀ ĐẨY NHANH CÔNG NGHIỆP HOÁ, HIỆN ĐẠI HOÁ NÔNG NGHIỆP, NÔNG THÔN

Sau ba năm thực hiện Nghị quyết số 15/NQ-TW ngày 18 tháng 3 năm 2002 Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá IX) về đẩy nhanh công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn thời kỳ 2001 - 2010, các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể quần chúng đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện Nghị quyết và đạt được nhiều thành tựu quan trọng: an ninh lương thực quốc gia được bảo đảm; giá trị sản xuất nông, lâm, thuỷ sản tăng trưởng liên tục và mức cao (5,4%/năm, vượt chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX); cơ cấu nông nghiệp có sự chuyển dịch tích cực, chuyển mạnh sang sản xuất hàng hoá, từng bước gắn sản xuất với chế biến và thị trường; khoa học công nghệ được tăng cường và đã phát huy tác dụng; cơ cấu kinh tế nông thôn chuyển dịch theo hướng tăng dần tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ gắn với chuyển dịch cơ cấu lao động và tăng thời gian sử dụng lao động ở nông thôn; quan hệ sản xuất tiếp tục đổi mới tích cực; cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội ở nông thôn được cải thiện; xoá đói, giảm nghèo đạt được thành tựu lớn (tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh, bình quân 3%/năm); công tác y tế, giáo dục, văn hóa ở nông thôn được quan tâm hơn, đời sống nông dân ở nhiều vùng được cải thiện, bộ mặt nông thôn có nhiều thay đổi.

Tuy vậy, việc tuyên truyền, quán triệt Nghị quyết còn chưa thật sâu rộng, đầy đủ như yêu cầu của công tác này; cơ cấu nông nghiệp và kinh tế nông thôn ở nhiều nơi chuyển dịch chưa rõ nét và thiếu bền vững; năng suất, chất lượng nhiều loại nông sản và sức cạnh tranh thấp; giá trị thu được trên một héc ta đất nông nghiệp thấp; chậm đổi mới và nâng cao hiệu quả nông, lâm trường quốc doanh và kinh tế tập thể; công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch về sản xuất, hạ tầng, dân cư đô thị còn yếu kém; tình trạng thiếu việc làm, thu nhập thấp ở nhiều vùng nông thôn còn nhiều bức xúc, môi trường ở nhiều nơi bị ô nhiễm; đồng thời xuất hiện một số vấn đề mới, nhất là việc một số nông dân thiếu việc làm, đời sống khó khăn sau khi bị thu hồi đất sản xuất.

Để tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khoá IX) về đẩy nhanh công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn trong thời kỳ 2005 - 2010, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu:

1. Các Bộ, ngành có liên quan, Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương:

Tiếp tục và thường xuyên tuyên truyền, quán triệt sâu rộng trong ngành và địa phương mình để tạo sự chuyển biến thực sự về nhận thức, vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng, tính tất yếu khách quan và nội dung của việc đẩy nhanh công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp nông thôn và có chương trình kế hoạch cụ thể, thường xuyên quan tâm chỉ đạo, bố trí cán bộ, nguồn lực tương xứng để thực hiện. Trước mắt, tổ chức sơ kết ba năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khoá IX) về đẩy nhanh công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn thuộc Bộ, ngành và địa phương, coi việc sơ kết này là một trong nội dung đánh giá nhiệm kỳ đại hội của đảng bộ các cấp.

Các Bộ, ngành, theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình, khẩn trương hoàn thành các công việc đã được phân công tại Quyết định số 68/2002/QĐ-TTg ngày 04 tháng 6 năm 2002; đồng thời có kế hoạch theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện.

2. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Thuỷ sản, các địa phương tiếp tục rà soát, bổ sung, điều chỉnh quy hoạch sản xuất ngành và địa phương theo hướng: phát huy lợi thế tự nhiên của từng vùng, lợi thế kinh tế cây trồng, vật nuôi, tăng tỷ trọng chăn nuôi (thủy sản), dịch vụ; hình thành vùng sản xuất hàng hoá gắn với thị trường và công nghiệp chế biến, bảo đảm có hiệu quả và bền vững. Nghiên cứu sản xuất hoặc nhập nội, chuyển giao các loại giống tốt trong trồng trọt, chăn nuôi và nuôi trồng thuỷ sản, tập trung vào các loại cây trồng, vật nuôi có lợi thế, có thị trường; tiếp tục triển khai có hiệu quả chương trình giống cây trồng, giống vật nuôi. Tăng cường công tác khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư, công tác thú y (bao gồm thuỷ sản), bảo vệ thực vật, quản lý chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm.

UỶ BAN

nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phối hợp với các Bộ, ngành rà soát, bổ sung, điều chỉnh quy hoạch cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội (giao thông, thủy lợi, điện, đường, trường học, trạm y tế, chợ, bưu chính, viễn thông...) phù hợp với quy hoạch ngành và quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch kế hoạch sử dụng đất của địa phương để có sự quản lý thống nhất đồng bộ trên địa bàn. Coi trọng việc hình thành trung tâm tư vấn hỗ trợ nông nghiệp (thị trường, giá cả, thành lập doanh nghiệp nông nghiệp, xúc tiến thương mại,...). Rà soát, bổ sung quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, nhất là đất nông nghiệp, công nghiệp dịch vụ nông thôn, cụm công nghiệp và làng nghề nông thôn.

Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan hoàn thành và chỉ đạo thực hiện đề án quy hoạch nông thôn (nhà ở, hạ tầng, môi trường,...) phù hợp với quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn và giữ được nét đặc thù riêng của nông thôn Việt Nam, trình Thủ tướng Chính phủ trong quý III năm 2005.

3. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Bộ Thương mại, Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức sơ kết đánh giá kết quả thực hiện Quyết định số 80/2002/QĐ-TTg ngày 06 tháng 12 năm 2002 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách khuyến khích tiêu thụ nông sản thông qua hợp đồng, trên cơ sở đó có giải pháp tháo gỡ khó khăn vướng mắc nhất là cơ sở pháp lý để thực hiện cam kết hợp đồng tiêu thụ nông sản giữa người sản xuất với doanh nghiệp. Chỉ đạo các doanh nghiệp nhà nước, hiệp hội ngành hàng triển khai có hiệu quả chương trình xúc tiến thương mại trọng điểm đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

4. Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Thủy sản nghiên cứu đổi mới cơ chế quản lý khoa học (quản lý tài chính, nhân lực), trong lĩnh vực nông nghiệp, thủy sản nhằm tăng cường gắn kết giữa các đơn vị nghiên cứu, hệ thống khuyến nông, khuyến ngư nâng cao hiệu quả nghiên cứu và chuyển giao khoa học công nghệ; ưu tiên bố trí nguồn vốn sự nghiệp khoa học để triển khai các chương trình, đề tài nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ phục vụ đẩy nhanh công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn.

5. Bộ Công nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các địa phương có chính sách hỗ trợ và tạo điều kiện việc hình thành các khu, cụm công nghiệp, cụm làng nghề nông thôn để thu hút các cơ sở công nghiệp, chế biến, ngành nghề nông thôn sử dụng nhiều lao động và nguồn nguyên liệu từ nông, lâm, thủy sản ở nông thôn và nhận di chuyển các cơ sở công nghiệp chế biến, làng nghề hiện có trong khu dân cư giảm ô nhiễm môi trường. Trong quý III năm 2005 Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trình Thủ tướng Chính phủ dự thảo Nghị định một số chính sách khuyến khích phát triển ngành nghề nông thôn.

6. Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương rà soát lại chính sách về đất đai hiện hành, nếu cần thiết điều chỉnh bổ sung cho phù hợp yêu cầu phát triển công nghiệp và đô thị trong sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn thì trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương rà soát, đánh giá thực trạng ô nhiễm môi trường hiện nay, nhất là ô nhiễm nguồn nước để có giải pháp khắc phục, đồng thời có biện pháp kiểm soát phòng, chống ô nhiễm môi trường tại các cụm công nghiệp, cụm làng nghề và các đô thị mới hình thành ở nông thôn.

7. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Thủy sản Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xây dựng chính sách, kế hoạch đào tạo nghề phù hợp với yêu cầu chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp và kinh tế nông thôn thực hiện công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn.

8. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Thủy sản, các địa phương tổ chức chỉ đạo triển khai có kết quả Luật Hợp tác xã năm 2003 và các Nghị định hướng dẫn Luật nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động kinh tế hợp tác, hợp tác xã; trong năm 2005 hoàn thành việc sắp xếp nông, lâm trường quốc doanh theo quy định tại Nghị định số 170/2004/NĐ-CP ngày 22 tháng 9 năm 2004 của Chính phủ về sắp xếp, đổi mới và phát triển nông trường quốc doanh, Nghị định số 200/2004/NĐ-CP ngày 03 tháng 12 năm 2004 của Chính phủ về sắp xếp, đổi mới và phát triển lâm trường quốc doanh; khuyến khích tạo điều kiện kinh tế hộ, trang trại, doanh nghiệp nông nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa phát triển.

9. Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ngoài chính sách hiện hành, có cơ chế huy động các nguồn vốn cho quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn ưu tiên bố trí nguồn vốn nhà nước để thực hiện nhiệm vụ trọng tâm, trước hết là: thủy lợi, giao thông, điện nước, chuyển giao tiến bộ khoa học và công nghệ, phát triển thị trường. Trước mắt cần tập trung:

- Xây dựng và hoàn thành dứt điểm các công trình thuỷ lợi trọng điểm; rà soát lại các công trình thuỷ lợi xuống cấp và hệ thống đê điều ở những nơi xung yếu để có kế hoạch duy tu, bảo dưỡng và nâng cấp kịp thời.

- Triển khai dự án giao thông nông thôn 3, chú trọng nâng cao chất lượng đường ở miền núi, vùng sâu, vùng xa; đến hết năm 2007, 100% số xã có đường ô tô đến trung tâm.

- Hoàn thành việc kéo điện lưới quốc gia đến các buôn, làng chưa có điện ở Tây Nguyên và triển khai đề án cung cấp điện cho nông thôn, miền núi, hải đảo giai đoạn 2005 - 2010.

- Tiếp tục phát triển bưu chính viễn thông nông thôn, xây dựng các điểm bưu điện văn hoá xã nhất là các xã vùng sâu, vùng xa.

10. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức theo dõi tình hình triển khai thực hiện Chỉ thị này, định kỳ báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Thủ trưởng các đơn vị, các tổ chức liên quan chịu trách nhiệm thi hành Chỉ thị này.

 

 

Nguyễn Tấn Dũng

(Đã ký)

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Chỉ thị 24/2005/CT-TTg về tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (Khoá IX) về đẩy nhanh công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn do Thủ tướng Chính phủ ban hành

  • Số hiệu: 24/2005/CT-TTg
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Ngày ban hành: 28/06/2005
  • Nơi ban hành: Thủ tướng Chính phủ
  • Người ký: Nguyễn Tấn Dũng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 5
  • Ngày hiệu lực: 20/07/2005
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản