Hệ thống pháp luật

BỘ NÔNG NGHIỆP
VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
-----

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
-------

Số: 2373/CT-BNN-TCCB

Hà Nội, ngày 06 tháng 8 năm 2008

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC PHÁT ĐỘNG PHONG TRÀO THI ĐUA VÌ MỘT NỀN NÔNG NGHIỆP VIỆT NAM CHẤT LƯỢNG CAO, BẢO ĐẢM AN TOÀN VỆ SINH THỰC PHẨM

Trong những năm qua, công tác quản lý chất lượng, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm trong ngành Nông nghiệp và phát triển nông thôn đã được Bộ quan tâm chỉ đạo, bước đầu thu được kết quả tốt.

Tuy vậy, chất lượng ở nhiều lĩnh vực công tác trong ngành còn hạn chế; vệ sinh an toàn thực phẩm chưa được kiểm soát và ngăn chặn triệt để; công tác quản lý chất lượng có lúc, có nơi còn buông lỏng; sản phẩm nông, lâm, thuỷ sản kém chất lượng xuất hiện nhiều trên thị trường, làm ảnh hưởng tới sức khoẻ của người dân, có tác động xấu đến an sinh xã hội và xuất khẩu.

Để nhanh chóng khắc phục tồn tại, góp phần nâng cao chất lượng các lĩnh vực công tác trong ngành, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Chỉ thị:

1. Phát động trong toàn ngành phong trào: “Thi đua vì một nền nông nghiệp Việt Nam chất lượng cao, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm”

1.1. Thời gian thực hiện: Từ năm 2008 đến hết năm 2010

1.2. Mục tiêu:

a. Động viên cán bộ, công nhân, viên chức, người lao động và các tầng lớp nhân dân, các tổ chức chính trị xã hội tích cực hưởng ứng tham gia, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động trong quản lý, sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng.

b. Phát huy được tính chủ động, sáng tạo của các cấp, các ngành, các đơn vị, trên cơ sở nội dung thi đua chung, tự đề ra chỉ tiêu cụ thể để thực hiện; ý thức trách nhiệm của mỗi cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và nông dân ngay từ những công việc làm hàng ngày.

c. Hướng tới xây dựng nền nông nghiệp Việt Nam chất lượng cao, sản xuất hàng hoá quy mô lớn, hiện đại, hiệu quả và bền vững.

1.3. Nội dung thi đua:

a. Lĩnh vực trồng trọt:

- Đẩy mạnh chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nhằm nâng cao năng suất cây trồng, tăng chất lượng sản phẩm, giảm chi phí và nâng cao hiệu quả trên mỗi đơn vị diện tích, tăng thu nhập cho người dân.

- Phát triển sản xuất trồng trọt an toàn, trước mắt tập trung xây dựng những vùng rau, quả, chè, thực hiện tốt quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP đối với các sản phẩm này.

- Thực hiện phát triển mạnh các cây trồng công nghiệp có lợi thế cạnh tranh cao, theo quy hoạch đã được các cấp có thẩm quyền phê duyệt, tăng sức cạnh tranh của các sản phẩm cao su, cà phê, tiêu, điều và chè.

b. Lĩnh vực chăn nuôi gia súc, gia cầm:

- Trên cơ sở chiến lược phát triển chăn nuôi đến năm 2020, tiến hành quy hoạch lại việc tổ chức các cơ sở giết mổ chế biến tập chung và xử lý chất thải.

- Phát triển chăn nuôi hàng hoá theo hướng gia trại, trang trại an toàn dịch bệnh, gắn với tổ chức các cơ sở giết mổ chế biến tập trung và xử lý chất thải.

c. Lâm nghiệp

- Nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ rừng, phòng chống chặt phá rừng trái phép, cháy rừng và sâu bệnh hại rừng.

- Chuyển giao tiến bộ, kỹ thuật mới, bảo đảm giống mới có chất lượng cao cho nông dân và các tổ chức trồng rừng.

- Đẩy mạnh huy động nguồn lực để triển khai chiến lược phát triển lâm nghiệp quốc gia giai đoạn 2006- 2020; Chương trình hành động quốc gia chống sa mạc hoá, thực hiện tốt cam kết quốc tế về lâm nghiệp.

d. Diêm nghiệp

- Nâng cao hiệu quả áp dụng công nghệ mới sản xuất muối sạch, phát triển sản xuất muối tinh, nâng cao chất lượng muối ăn, cải thiện dời sống diêm dân.

- Đầu tư khoa học công nghệ, thực hiện lồng ghép các chương trình khuyến nông, xây dựng đồng muối công nghiệp bảo đảm chất lượng cao.

- Đẩy mạnh sản xuất muối công nghiệp thay thế nhập khẩu.

đ. Thuỷ, hải sản:

- Thực hiện chương trình phát triển nuôi trồng thuỷ sản bền vững, đưa nuôi trồng thuỷ sản trở thành ngành sản xuất hàng hoá lớn cung cấp nguyên liệu cho chế biến xuất khẩu, xây dựng và phát triển các vùng nuôi trồng thuỷ sản, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm.

- Tăng cường công tác bảo vệ và phát triển nguồn lợi thuỷ sản; nâng cao chất lượng, hiệu quả khai thác thuỷ sàn, cải thiện đời sống của ngư dân.

e. Thuỷ lợi, phòng chống giảm nhẹ thiên tai:

- Đảm bảo tiến độ chất lượng thi công các công trình xây dựng cơ bản.

- Nâng cao chất lượng quản lý, khai thác công trình thuỷ lợi đảm bảo hiệu quả tưới, tiêu nước phục vụ sản xuất và các ngành kinh tế quốc dân; Quản lý đầu tư, sửa chữa nâng cấp, bảo đảm an toàn công trình, sử dụng nước tiết kiệm.

- Tu bổ, bồi trúc đê sông ngăn lũ, nâng cấp hệ thống đê biển, thực hiện vững chắc thân đê, cứng hoá mặt đê, xanh hóa chân đê, trồng rừng phòng hộ ven biển, bảo đảm an toàn các hồ chứa nước trong mùa lũ.

g. Kinh doanh, dịch vụ, chế biến:

- Phát triển công nghiệp chế biến nông, lâm, thuỷ sản, quản lý tốt chất lượng nguyên liệu và chất lượng sản phẩm; Nâng cấp mở rộng, đổi mới trang thiết bị theo hướng tăng cường chất lượng, nâng cao năng suất và đa dạng hoá sản phẩm.

- Tổ chức các khâu dịch vụ ở nông thôn, thu hút sự tham gia của mọi thành phần kinh tế.

- Thực hiện có hiệu quả chương trình liên kết 4 nhà.

h. Xây dựng nông thôn mới:

- Động viên mọi lực lượng, mọi người dân thực hiện chương trình xây dựng và phát triển nông thôn mới, chương trình phát triển kinh tế tập thể.

- Đẩy mạnh phong trào thi đua nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, thực hiện “mỗi làng, mỗi nghề”, xây dựng cánh đồng, trang trại, hộ nông dân đạt và vượt 50 triệu/ha/năm.

i. Nghiên cứu khoa học:

- Tập trung nghiên cứu chọn tạo các giống cây trồng, vật nuôi có năng suất, chất lượng, giá trị kinh tế cao phù hợp các vùng sinh thái.

- Thực hiện chương trình công nghệ sinh học, chuyển giao công nghệ mới vào sản xuất, giúp nông dân áp dụng tiến bộ kỹ thuật, nâng cao hiệu quả sản xuất.

- Nghiên cứu phát triển công nghệ sau thu hoạch, nâng cao hiệu quả công tác khuyến nông, khuyến ngư và các dịch vụ hỗ trợ kỹ thuật, thông tin thị trường.

k. Giáo dục, đào tạo

- Mở rộng đào tạo nghề cho nông dân để đáp ứng nhu cầu chuyển nghề, phát triển tay nghề.

- Thực hiện đề án phát triển nguồn nhân lực, mở rộng trường đào tạo nghề, đa dạng hoá hình thức đào tạo, đào tạo lại cán bộ quản lý, cán bộ hợp tác xã, chủ trang trại, chủ doanh nghiệp.

- Thi đua dạy tốt, học tốt, tạo nguồn lực phục vụ sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá Nông nghiệp và phát triển nông thôn.

n. Chăm sóc y tế :

- Chăm sóc sức khoẻ để cán bộ, công nhân, viên chức và người lao động đảm nhiệm vụ công tác, định kỳ tổ chức khám sức khoẻ, hướng dẫn và tổ chức kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm trong đơn vị.

- Xây dựng công sở văn hoá, xanh sạch đẹp.

m. Khối quản lý nhà nước:

- Chủ động tham mưu giúp Bộ trưởng thực hiện các nhiệm vụ quản lý nhà nước về chất lượng trong ngành Nông nghiệp và phát triển nông thôn, xây dựng và ban hành các văn bản chỉ đạo, kiện toàn hệ thống quản lý chất lượng và hướng dẫn thực hiện.

- Tập trung chỉ đạo các địa phương cơ sở xây dựng và triển khai các chương trình nghiên cứu và đưa ứng dụng thành tựu khoa học, công nghệ mới vào sản xuất tạo ra bước chuyển biến rõ rệt về năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của hàng hoá nông sản Việt Nam, phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.

- Tăng cường thanh tra, kiểm tra, đẩy mạnh tuyên truyền nhân rộng điển hình tiên tiến.

2. Tổ chức thực hiện

2.1. Các cơ sở nghiên cứu khoa học công nghệ và đào tạo:

Chủ động đề xuất và tham gia nghiên cứu, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới, quy trình sản xuất nông lâm thuỷ sản sạch đạt chất lượng cao; Tuyển chọn các loại giống có chất lượng phục vụ sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng và xuất khẩu.

2.2. Các doanh nghiệp và các cơ sở sản xuất, kinh doanh nông lâm, thuỷ sản và nghề muối, dịch vụ nông nghiệp:

Công bố tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm của cơ sở và địa phương mình. Trên cơ sở đó, xây dựng kế hoạch nâng cao chất lượng, đổi mới công nghệ, áp dụng hệ thống quản lý chất lượng và quy trình sản xuất tiên tiến vào sản xuất kinh doanh, bảo quản, chế biến. Xây dựng vùng chuyên canh an toàn, chất lượng cao, trước hết tập trung vào các loại rau, quả, chè, chăn nuôi, giết mổ gia súc, gia cầm tập trung.

2.3. Các Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn:

- Tăng cường công tác quản lý nhà nước chuyên ngành, chỉ đạo xây dựng các vùng sản xuất an toàn. Tăng cường tuyên truyền đến người dân các chủ trương chính sách của Chính phủ, của Bộ và của chính quyền địa phương về chất lượng và những quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm.

- Thường xuyên kiểm tra các cơ sở sản xuất kinh doanh nông lâm thuỷ sản, vật tư nông nghiệp ở các vùng nông thôn, khắc phục và đi đến chấm dứt hiện tượng sản xuất, nuôi trồng, chế biến nông sản kém chất lượng, mất vệ sinh an toàn thực phẩm.

- Có kế hoạch thu hút, tạo điều kiện cho nhân dân tham gia phong trào một cách thiết thực, hiệu quả.

2.4. Công đoàn Nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam:

Phối hợp với các cấp chính quyền hướng dẫn các đơn vị và công đoàn cơ sở trực thuộc thực hiện nội dung thi đua theo từng lĩnh vực, từng khối công tác trong ngành. Động viên công nhân viên chức, người lao động và đoàn viên công đoàn tích cực hưởng ứng tham gia phong trào thi đua tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về tư tưởng và hành động. Hàng năm tiến hành sơ kết, tổng kết và khen thưởng kịp thời các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc, tiêu biểu theo quy định của đoàn thể.

2.5. Các Hội, Hiệp hội xã hội - nghề nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn:

- Tăng cường tuyên truyền, động viên, thu hút hội viên tham gia phong trào thi đua trong công việc hàng ngày, phù hợp với quyền lợi và nghĩa vụ của hội viên.

- Hướng dẫn hội viên hiểu và làm đúng quy định của nhà nước về công tác nâng cao chất lượng, năng suất ngành hàng.

3. Khen thưởng

3.1. Khen tập thể:

a. Bộ xét tặng cờ thi đua xuất sắc của Bộ cho các đơn vị dẫn đầu các khối:

- Các cơ sở nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ mới;

- Các doanh nghiệp;

- Các trường học;

- Các đơn vị sự nghiệp;

- Các Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn;

- Các cơ quan quản lý nhà nước;

- Các Hội, Hiệp hội;

b. Xét tặng bằng khen của Bộ trưởng Nông nghiệp và phát triển nông thôn cho các đơn vị đứng thứ nhì và tặng Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn cho đơn vị có thành tích từng mặt công tác.

c. Xét trình Thủ tướng Chính phủ khen thưởng các tập thể có thành tích xuất sắc, tiêu biểu, dẫn đầu phong trào thi đua trong toàn ngành

3.2. Khen thưởng cá nhân:

a. Xét tặng Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn cho các cá nhân có thành tích trong phong trào thi đua và thành tích trong từng mặt công tác.

b. Xét trình Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen của Thủ tướng cho các cá nhân có thành tích xuất sắc, tiêu biểu trong phong trào thi đua.

3.3. Hồ sơ và thời gian gửi về Bộ (qua Vụ tổ chức cán bộ):

Thực hiện theo Thông tư hướng đẫn số 75/2008/TT-BNN ngày 23/6/2008 của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn.

Bộ yêu cầu thủ trưởng các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ, Tổng Giám đốc Tập đoàn kinh tế, Tổng Công ty 91, Giám đốc các Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tổ chức thực hiện. Báo cáo Bộ kết quả thực hiện năm 2008 và đề xuất khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích trong năm 2009, tổng kết phong trào và khen thưởng toàn đợt thi đua vào cuối năm 2010./.

 

 

Nơi nhận:
- Các cơ quan , đơn vị thuộc Bộ (t/h);
- Tập đoàn công nghiệp Cao su Việt Nam và các Tổng Công ty 91(t/h);
- Giám đốc các Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn (t/h);
- Ban Thi đua KTTW (Vụ 1, Vụ 2);
- Hội đồng TĐKT Bộ;
- Đảng uỷ cơ quan Bộ; Đảng uỷ Khối cơ sở Bộ phía Nam;
- Công đoàn NN&PTNT Việt Nam;
- Lưu VT, TCCB.

BỘ TRƯỞNG




Cao Đức Phát

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Chỉ thị 2373/CT-BNN-TCCB năm 2008 về phát động phong trào thi đua vì một nền nông nghiệp việt nam chất lượng cao, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành

  • Số hiệu: 2373/CT-BNN-TCCB
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Ngày ban hành: 06/08/2008
  • Nơi ban hành: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
  • Người ký: Cao Đức Phát
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản