Hệ thống pháp luật

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HOÀ
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 237-TTg

Hà Nội, ngày 31 tháng 08 năm 1971 

 

 CHỈ THỊ

VỀ VIỆC HUY ĐỘNG VÀ SỬ DỤNG LAO ĐỘNG KHẮC PHỤC HẬU QUẢ CỦA TRẬN LŨ LỤT THÁNG 08 NĂM 1971

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Để bảo đảm thực hiện nghị quyết Hội nghị liên tịch Ban Bí thư trung ương Đảng và Thường vụ Hội đồng Chính phủ ngày 24 tháng 08 năm 1971 về việc khắc phục hậu quả của trận lũ lụt tháng 8 năm 1971, Thủ tướng Chính phủ chỉ thị về việc huy động và sử dụng lao động vào công tác này như sau:

1. Các Bộ, các ngành, các Uỷ ban hành chính các cấp phải có kế hoạch huy động và sử dụng hợp lý lực lượng lao động trong từng ngành, từng địa phương để làm tốt các mặt công tác chính dưới đây:

- Hàn khẩu những quãng đê bị vỡ, tiếp tục củng cố và bảo vệ đê điều;

- Nhanh chóng giải quyết các khó khăn trước mắt của đời sống nhân dân và bảo vệ tài sản của Nhà nước ở những nơi bị lũ lụt;

- Nhanh chóng khôi phục và ổn định sản xuất, đưa các hoạt động kinh tế và đời sống trở lại bình thường.

2. Lực lượng lao động cần được huy động trong thời gian trước mắt nhằm khắc phục hậu quả của lũ lụt, bao gồm:

- Bộ đội: Trừ những đơn vị trực chiến, các đơn vị khác đều phải tham gia khắc phục hậu quả của lũ lụt theo sự điều động của Bộ Quốc phòng, để làm những công việc cần thiết do yêu cầu của địa phương hoặc của Trung ương.

- Học sinh các trường đại học và trung học chuyên nghiệp, các trường lớp dạy nghề: Các Bộ Đại học và trung học chuyên nghiệp, Bộ Giáo dục, và các Bộ quản lý trường trực tiếp tổ chức huy động lực lượng học sinh và giáo viên ở những trường này phục vụ những công việc khắc phục hậu quả của lũ lụt, theo yêu cầu cần thiết của địa phương hoặc trung ương, do Bộ Lao động phân bố chỉ tiêu huy động cho các Bộ quản lý các trường.

- Nhân dân ở nông thôn, đường phố, thị trấn, ở những nơi không bị ngập lụt cần được huy động vào việc khắc phục hậu quả của lũ lụt theo chế độ dân công nghĩa vụ (Nghị định số 77-CP ngày 26 tháng 04 năm 1966 của Hội đồng Chính phủ) tuỳ theo yêu cầu công tác cần thiết của địa phương hoặc của trung ương.

- Cán bộ, nhân viên các cơ quan hành chính sự nghiệp (của cả trung ương và địa phương), thì ngoài số người do các Bộ, các ngành, các địa phương điều động về công tác ở địa phương và cơ sở để khắc phục hậu quả của lũ lụt, số còn lại phải vừa bảo đảm công tác ở cơ quan, đơn vị mình, vừa phải tham gia một số ngày công lao động xã hội chủ nghĩa tại địa phương, theo kế hoạch huy động hợp lý của Uỷ ban hành chính tỉnh, thành phố. Riêng đối với cán bộ nhân viên thuộc các cơ quan trung ương đóng tại Hà Nội, do Bộ Lao động phân bố hợp lý và huy động theo yêu cầu công tác cần thiết của địa phương hoặc của trung ương.

- Đối với công nhân sản xuất ở các xí nghiệp, công trường: chủ yếu là phải làm tốt nhiệm vụ sản xuất, xây dựng của xí nghiệp, công trường mình. Ngoài ra, cơ quan quản lý các xí nghiệp, công trường có thể huy động một số ngày công, giờ công lao động xã hội chủ nghĩa để khắc phục hậu quả của lũ lụt tại các xí nghiệp, công trường. Trưòng hợp khẩn cấp cứu nguy thì Uỷ ban hành chính địa phương có thể huy động theo chế độ huy động khẩn cấp (Nghị định số 232-CP ngày 24 tháng 11 năm 1965 của Hội đồng Chính phủ).

3. Chế độ thù lao cho các đối tượng được huy động tham gia khắc phục hậu quả của lũ lụt, áp dụng như sau:

- Đối với dân công nghĩa vụ, được hưởng thù lao 0đ60 một ngày công lao động.

- Đối với học sinh, thì ngoài chế độ học bổng hiện hành, được hưởng thù lao thêm 0đ60 một ngày công lao động trong thời gian đi phục vụ khắc phục hậu quả của lũ lụt.

Kể cả dân công nghĩa vụ và học sinh, nếu làm việc ban đêm (khoảng 22 giờ đến 6 giờ sáng) thì ngoài việc được hưởng một định suất thù lao (0đ60) còn được hưởng thêm thù lao làm việc ban đêm 0đ30.

- Đối với công nhân, viên chức Nhà nước, vẫn được hưởng lương như thường lệ, nên những ngày tham gia lao động xã hội chủ nghĩa không được trợ cấp thêm. Chỉ trong trường hợp làm lao động xã hội chủ nghĩa vào ban đêm (khoảng 22 giờ đến 6 giờ sáng) thì được hưởng thêm thù lao 0đ30.

Các chế độ khác như ốm đau, bị tai nạn lao động v.v… đối với các đối tượng nói trên, vẫn áp dụng theo chế độ hiện hành.

- Đối với bộ đội đi tham gia khắc phục hậu quả của lũ lụt, sẽ do Bộ Quốc phòng hướng dẫn cụ thể.

4. Việc huy động và sử dụng các lực lượng lao động nói trên phải được tổ chức và chỉ đạo thật chặt chẽ. Phải bố trí đủ công cụ, chuẩn bị sẵn việc làm, sử dụng hợp lý và phát huy khả năng, sở trường của mỗi lao động (chú ý đối với lực lượng lao động nữ) để làm việc có năng suất lao động cao, có hiệu quả thiết thực, tránh lãng phí và hình thức.

Mỗi ngành, mỗi địa phương phải chủ động làm ngay kế hoạch huy động và sử dụng lao động trong ngành, trong địa phương mình để nhanh chóng khắc phục hậu quả của lũ lụt, không được ỷ lại và chờ đợi.

Bộ Lao động và các cơ quan lao động ở địa phương có nhiệm vụ hướng dẫn cụ thể và kiểm tra các ngành, các cấp thực hiện chỉ thị này.

Trong quá trình thực hiện, các Bộ, các ngành, các Uỷ ban hành chính tỉnh, thành phố có nhiệm vụ thường xuyên báo cáo kết quả lên Thủ tướng Chính phủ.

 

 

K.T. THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
PHÓ THỦ TƯỚNG
 
 


Lê Thanh Nghị

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Chỉ thị 237-TTg năm 1971 về huy động và sử dụng lao động khắc phục hậu quả của trận lũ lụt tháng 08 năm 1971 do Thủ tướng Chính phủ ban hành

  • Số hiệu: 237-TTg
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Ngày ban hành: 31/08/1971
  • Nơi ban hành: Thủ tướng Chính phủ
  • Người ký: Lê Thanh Nghị
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 15
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản