Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH KIÊN GIANG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2323/CT-UBND

Kiên Giang, ngày 03 tháng 11 năm 2017

 

CHỈ THỊ

V/V TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC PHÂN LUỒNG, TUYỂN SINH, ĐÀO TẠO GIÁO DỤC NGHỀ NGHIỆP

Thực hiện Luật Giáo dục nghề nghiệp, các văn bản hướng dẫn của các Bộ, ngành chức năng Trung ương về giáo dục nghề nghiệp; thời gian qua, công tác đào tạo giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh từng bước được ổn định và nâng cao về chất lượng đào tạo; đội ngũ giáo viên không ngừng được đào tạo, bồi dưỡng nâng cao đạt chuẩn về trình độ; nhiều cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã được các doanh nghiệp trong nước và các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại huyện Phú Quốc, khu công nghiệp Thạnh Lộc và một số cụm công nghiệp trong tỉnh trực tiếp ký kết hợp đồng đào tạo và cung ứng nguồn nhân lực. Tuy nhiên, công tác đào tạo của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp hiện còn mang tính tự phát, chưa được quy hoạch ổn định; nhiều cơ sở giáo dục nghề nghiệp tuyển sinh còn gặp khó khăn, công tác phân luồng học sinh sau trung học cơ sở còn nhiều hạn chế; sự vào cuộc của các ngành, các cấp chưa thường xuyên và kịp thời, từ đó công tác giáo dục nghề nghiệp của tỉnh còn nhiều bất cập.

Xuất phát từ tình hình trên, UBND tỉnh ban hành Chỉ thị, yêu cầu Thủ trưởng các sở, ban ngành cấp tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố và các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh thực hiện tốt một số nội dung trọng tâm, sau:

1. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội:

Chủ trì, phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông xây dựng kế hoạch tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền bằng nhiều hình thức để người dân, doanh nghiệp hiểu rõ về chủ trương, chính sách và định hướng đào tạo, công tác giải quyết việc làm của tỉnh.

Tăng cường chỉ đạo công tác tuyển sinh đào tạo cao đẳng, trung cấp, sơ cấp và đào tạo thường xuyên theo quy định của Luật Giáo dục nghề nghiệp, đảm bảo hoàn thành chỉ tiêu Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh đề ra hàng năm và giai đoạn.

Điều tra, khảo sát nhu cầu học nghề, nhu cầu tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp, thông qua cuộc điều tra cung, cầu lao động hàng năm để thông tin và dự báo kịp thời cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp điều chỉnh chỉ tiêu đào tạo phù hợp với nhu cầu sử dụng nguồn nhân lực của doanh nghiệp.

Hướng dẫn các cơ sở giáo dục nghề nghiệp thực hiện tốt các quy định theo Thông tư số 05/2017/TT-BLĐTBXH ngày 02/3/2017 của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, về quy định quy chế tuyển sinh và xác định chỉ tiêu tuyển sinh trình độ trung cấp, cao đẳng.

2. Sở Giáo dục và Đào tạo:

Chủ trì, phối hợp với Sở Lao động- Thương binh và Xã hội, UBND các huyện, thị xã, thành phố tham mưu cho UBND tỉnh phê duyệt kế hoạch tuyển sinh vào lớp 10 THPT, trong đó xác định cụ thể tỷ lệ % học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở hàng năm vào học tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong tỉnh, nhằm tăng cường công tác phân luồng học sinh sau trung học cơ sở theo tinh thần Chỉ thị số 10-CT/TW ngày 05/12/2011 của Bộ Chính trị; Chương trình hành động số 27-CTr/TU ngày 24/7/2012 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy.

Chủ trì, phối hợp với Sở Nội vụ, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thực hiện việc đổi tên các Trung tâm Giáo dục thường xuyên trực thuộc Sở Giáo dục và Đào tạo quản lý, theo quy định tại Thông tư liên tịch số 39/2015/TTLT-BLĐTBXH-BGDĐT-BNV ngay 19/10/2015 của liên Bộ: Lao động- Thương binh và Xã hội, Giáo dục và Đào tạo, Nội vụ.

3. Các Sở, ban ngành cấp tỉnh:

Phối hợp với Sở Lao động- Thương binh và Xã hội và các cơ sở giáo dục nghề nghiệp để kịp thời cung cấp thông tin về nhu cầu sử dụng nguồn nhân lực qua đào tạo theo từng cấp trình độ, nhằm phát triển ngành, lĩnh vực theo quy hoạch đã được phê duyệt.

Sở Công Thương, Sở Du lịch chủ trì, phối hợp với Sở Lao động- Thương binh và Xã hội xây dựng kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực cho lĩnh vực du lịch; các khu, cụm công nghiệp và nguồn nhân lực phục vụ chương trình phát triển công nghiệp, chế biến, xuất khẩu của tỉnh đến năm 2020.

4. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố:

Chỉ đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo thực hiện tốt công tác phân luồng theo đúng tỷ lệ đã quy định.

Đẩy mạnh công tác hướng nghiệp và tư vấn nghề nghiệp; dự báo nhu cầu việc làm để tuyên truyền và định hướng học sinh trong lựa chọn ngành nghề, bậc học và việc làm sau tốt nghiệp.

Tăng cường công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn, đảm bảo chỉ tiêu kế hoạch đào tạo nghề nghiệp cho lao động và nguồn kinh phí đã được phân bổ hàng năm.

5. Đối với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp:

Tích cực vận động, tuyên truyền về công tác đào tạo giáo dục nghề nghiệp bằng nhiều hình thức, đa dạng phong phú. Tập trung cho công tác tuyển sinh ở các cấp trình độ đào tạo, cần chú trọng đối với đối tượng tuyển sinh tại các vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, các nhóm đối tượng chính sách và đối tượng yếu thế trong xã hội.

Đẩy mạnh việc liên kết đào tạo theo nhu cầu của doanh nghiệp, đào tạo theo đơn đặt hàng; gắn việc thực tập tại các doanh nghiệp với giải quyết việc làm cho học sinh, sinh viên. Tạo sự gắn kết chặt chẽ giữa nhà trường và doanh nghiệp, những cam kết giải quyết việc làm, thu nhập cho người học sau tốt nghiệp.

Trên đây là Chỉ thị của Chủ tịch UBND tỉnh về tăng cường công tác phân luồng, tuyển sinh và đào tạo giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh; đề nghị Thủ trưởng các sở, ban ngành cấp tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố; Thủ trưởng các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp có liên quan tổ chức triển khai thực hiện tốt Chỉ thị này.

Giao Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn, theo dõi, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện và định kỳ, đột xuất tổng hợp, báo cáo kết quả cho Chủ tịch UBND tỉnh.

 


Nơi nhận:
- Bộ Lao động - TB&XH;
- TT. TU; TT. HĐND tỉnh;
- CT, các PCT.UBND tỉnh;
- Các Sở, ban ngành cấp tỉnh (Đảng, CQ, ĐT và DNNN);
- Các trường CĐ, TC thuộc GDNN;
- LĐVP, Phòng: VHXH, TH;
- Lưu: VT, tvhung.

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Mai Văn Huỳnh