Hệ thống pháp luật

CHỦ TỊCH HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 230-CT

Hà Nội, ngày 07 tháng 9 năm 1989

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC CHỐNG NHẬP LẬU VÀ TẬN THU THUẾ NHẬP KHẨU THUỐC LÁ, BIA, RƯỢU.

Thời gian gần đây, việc nhập lậu thuốc lá, bia, rượu của nước ngoài vào nước ta và việc lưu thông trái phép những mặt hàng này diễn ra rất nghiêm trọng, đã ảnh hưởng xấu đến sản xuất và tiêu dùng của nhân dân, gây thất thu lớn cho ngân sách Nhà nước và gây thiệt hại cho những tổ chức kinh doanh xuất nhập khẩu hợp pháp. Những mặt hàng này đều thuộc diện Nhà nước thống nhất quản lý nhập khẩu theo hạn ngạch, có định mức hạn chế nhập khẩu phi mậu dịch và kinh doanh có điều kiện trên thị trường. Trong các chỉ thị về quản lý việc trao đổi hàng hoá qua biên giới, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng đã định rõ chủ trương xử lý đối với những mặt hàng này nhằm thực hiện nghiêm túc chính sách lưu thông, Luật thuế nhập khẩu và Pháp lệnh thuế công thương nghiệp mà Quốc hội và Hội đồng Nhà nước đã ban hành.

Nhưng các cơ quan có chức năng quản lý, kiểm tra, giám sát việc nhập khẩu và việc kinh doanh trên thị trường đã buông lỏng khâu tổ chức thực hiện, để thất thu thuế và không kiên quyết xử lý các vụ vi phạm pháp luật. Một số ngành, địa phương, cơ quan hành chính, đoàn thể, đơn vị lực lượng vũ trang... vì lợi ích cục bộ của mình đã dung túng cho bọn nhập lậu, trốn thuế và kinh doanh trái phép những mặt hàng này hoặc núp dưới nhiều danh nghĩa, trực tiếp làm những việc phi pháp đó.

Để khuyến khích các xí nghiệp trong nước sản xuất ra hàng hoá với chất lượng tốt, vệ sinh công nghiệp cao, mẫu mã đẹp, giá cả phải chăng, đáp ứng được nhu cầu xuất khẩu và tiêu dùng của nhân dân, bảo đảm kinh doanh đúng pháp luật và ngân sách Nhà nước không bị thất thu, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng chỉ thị các ngành, các cấp, các cơ sở trong thời gian tới phải chỉ đạo tốt việc chống nhập lậu và việc thu thuế theo đúng pháp luật. Đặc biệt đối với 3 mặt hàng thuốc lá, bia và rượu ngoại, trước mắt các ngành, các cấp phải tập trung thực hiện bằng được những chủ trương dưới đây:

1. Chấn chỉnh quản lý việc nhập khẩu.

Bộ Kinh tế đối ngoại duyệt cấp hạn ngạch (quota) một cách chặt chẽ và từ ngày 1 tháng 10 năm 1989 trở đi phải tổ chức thực hiện nghiêm túc và thuận tiện việc cấp giấy phép nhập khẩu từng chuyến đối với 3 mặt hàng này qua đường mậu dịch, bảo đảm tổng số thực nhập không vượt quá tổng hạn ngạch nhập khẩu của từng mặt hàng; phải xem xét kỹ tính chất hợp pháp của các tổ chức kinh doanh có đề nghị xuất nhập khẩu, kiên quyết không duyệt cấp hạn ngạch và giấp phép nhập khẩu thuốc lá, bia và rượu cho những tổ chức mà theo quy định hiện hành của Nhà nước thì những tổ chức này không được kinh doanh thương mại, kể cả những tổ chức được thành lập theo Quyết định số 92-CT ngày 22-4-1989 của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng về việc các cơ quan hành chính và các đoàn thể làm kinh tế.

Những người có thẩm quyền cấp giấy phép nhập khẩu chỉ cấp trong hạn ngạch được duyệt, đồng thời phải thông báo cho Tổng cục hải quan số lượng, chủng loại và giá cả hàng hoá trong mỗi giáy phép nhập khẩu mà mình đã cấp. Nếu số lượng hàng nhập trong các giấy phép vượt quá hạn ngạch được duyệt thì tuỳ mức độ nghiêm trọng của sai phạm, người cấp giấy phép phải bị xử lý hành chính hoặc xử lý theo điều 174 Bộ luật Hình sự.

Đối với số hàng thực nhập đúng giấy phép thì chủ hàng nộp thuế hàng hoá nhập khẩu mậu dịch theo Nghị định số 54-HĐBT ngày 27-5-1989 của Hội đồng Bộ trưởng quy định chi tiết thi hành Nghị quyết số 134-NQ/HĐNN8 ngày 3-3-1989 của Hội đồng Nhà nước.

Nếu số hàng thực nhập vượt quá số lượng trong giấy phép nhập khẩu thì số lượng vượt đó bị coi là hàng nhập lậu và xử lý có phân biệt như sau: - Trường hợp chủ hàng tự giác khai báo với hải quan hoặc cơ quan thuế vụ thì ngoài thuế, họ còn phải nộp phạt bằng 1 lần số thuế nhập khẩu hợp pháp.

- Trường hợp chủ hàng không tự giác khai báo với hải quan hoặc cơ quan thuế vụ thì ngoài thuế, họ còn phải nộp phạt bằng 2 lần số thuế nhập khẩu hợp pháp.

- Trường hợp chủ hàng dây dưa không chịu nộp phạt thì hải quan hoặc cơ quan thuế vụ tiến hành tịch thu số hàng nhập lậu đó và báo cho Bộ Kinh tế đối ngoại để tước quyền kinh doanh xuất nhập khẩu trực tiếp của họ hoặc chuyển hồ sơ sang cơ quan pháp luật để xử lý theo các điều liên quan của Bộ luật Hình sự.

- Đối với việc nhập khẩu qua đường phi mậu dịch, chủ trương xử lý như sau:

- Những người đi công tác, hợp tác lao động, hợp tác chuyên gia và học tập ở nước ngoài về nước hoặc những người nước ngoài đến nước ta chỉ được mang theo người mỗi loại hàng này trong định mức hiện hành cho mỗi đối tượng; số vượt định mức thì bị tịch thu.

- Những cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân nếu được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cho phép thì chỉ nhập trong phạm vi được phép và phải nộp thuế hàng hoá nhập khẩu phi mậu dịch theo pháp luật. Nếu số thực nhập vượt quá số được phép thì số vượt đó bị coi là hàng nhập lậu và cũng bị xử lý có phân biệt các trường hợp như đối với hàng nhập lậu qua đường mậu dịch nói ở trên, nhưng thuế và tiền nộp phạt đều căn cứ vào mức thuế hàng hoá nhập khẩu phi mậu dịch.

- Những tổ chức quốc tế, cơ quan đại diện nước ngoài và người nước ngoài tại nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam được nhập khẩu phi mậu dịch 3 mặt hàng này theo quy định tại Nghị định số 131-HĐBT ngày 27-8-1987 của Hội đồng Bộ trưởng.

- Những tổ chức kinh doanh và cá nhân được nhập thuốc lá, bia, rượu qua biên giới theo các Chỉ thị số 32-CT và số 33-CT ngày 21-2-1989, số 84-CT ngày 10-4-1989 và số 156-CT ngày 9-6-1989 của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng thì nhất thiết phải nộp đúng, nộp đủ thuế hàng hoá nhập khẩu phi mậu dịch với biểu thuế trong Pháp lệnh ngày 3 tháng 3 năm 1989 và theo giá tính thuế do Bộ Tài chính hướng dẫn. Từ nay, tất cả các quy định của các ngành, các địa phương về thuế trái với chủ trương này đều phải bị bãi bỏ. Ngành hoặc địa phương nào còn duy trì hoặc tiếp tục ban hành những quy định trái với chủ trương này thì người ký văn bản quy định sai trái đó phải chịu trách nhiệm. Mọi hình thức trốn thuế, bớt thuế đều bị coi là lậu liễm, ngoài thuế chủ hàng còn phải nộp phạt bằng 2 lần số thuế hàng hoá nhập khẩu phi mậu dịch. Nếu chủ hàng dây dưa không chịu nộp phạt thì số hàng lậu liễm đó phải bị tịch thu và phải chuyển hồ sơ vụ việc sang cơ quan pháp luật để xử lý theo các điều liên quan của Bộ luật Hình sự.

2. Tổ chức kiểm soát chặt chẽ, chống nhập lậu và thu đúng, thu đủ thuế nhập khẩu.

Trước mắt, Tổng cục Hải quan chủ trì phối hợp với Bộ Kinh tế đối ngoại và các ngành có liên quan tiến hành đợt kiểm tra, đối chiếu các giấy phép với hạn ngạch và với số thực nhập 3 mặt hàng thuốc lá, bia, rượu nhập khẩu qua đường mậu dịch của các ngành, các địa phương từ ngày 1 tháng 1 năm 1989 đến ngày 30 tháng 9 năm 1989 để xử lý theo chủ trương nêu ở điểm 1 trên đây. Trong trường hợp cần thiết, có thể kiểm tra tồn kho hàng nhập khẩu.

Bộ Tài chính hướng dẫn ngay việc tính thuế, nộp thuế, nộp phạt, việc cấp và xuất trình chứng chỉ nộp thuế, kể cả dán tem thuế trên hàng hoá và cùng Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo hệ thống tài chính, Ngân hàng phối hợp chặt chẽ với cơ quan hải quan thuế vụ ở cơ sở, kiên quyết thu đúng, thu đủ, thu kịp thời tiền nộp thuế và nộp phạt của các chủ hàng trong đợt kiểm tra này.

Chậm nhất ngày 30 tháng 11 năm 1989, Tổng cục Hải quan gửi báo kết quả đợt kiểm tra này trình Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng và thông báo những điều liên quan cho Bộ Tài chính và Bộ Kinh tế đối ngoại biết.

Mặt khác, Tổng cục Hải quan, Bộ Nội vụ, Bộ Quốc phòng, Bộ Tư lệnh biên phòng và Hải quân nhân chỉ đạo và tổ chức sự phối hợp chặt chẽ các lực lượng ở cửa khẩu, biên giới, vùng biển, hải đảo để tăng cường kiểm tra, giám sát, kiên quyết xử lý các vụ nhập lậu và thu thuế nhập khẩu theo những chủ trương nêu ở điểm 1 Chỉ thị này, bất kể là của cá nhân hoặc tổ chức nào, nhập khẩu dưới bất kỳ hình thức gì và bắt giữ các phương tiện chuyên chở, oa trữ hàng nhập lậu, hàng trốn thuế để xử lý theo đúng pháp luật.

Bộ Tư lệnh hải quân và Bộ Tư lệnh biên phòng phải gấp rút tổ chức những lực lượng đặc nhiệm tuần tra trên biển và các miền duyên hải, trước hết là các vùng biển Tây Nam và Đông Bắc, kiên quyết ngăn chặn các vụ tầu thuyền nước ngoài xâm nhập, thăm dò, khai thác tài nguyên và buôn bán trái phép trên các vùng biển nước ta. Tổng cục Hải quan khẩn trương xây dựng và trình Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng quyết định sớm phương án trang bị phương tiện kỹ thuật cần thiết nhằm tăng cường khả năng kiểm soát, chống xuất nhập khẩu lậu trên các vùng biển xung yếu.

Các trạm và đội kiểm soát liên ngành cố định và lưu động tạm thời được thành lập trên một số trục lộ ra biên giới theo các Chỉ thị số 84-CT ngày 10-4-1989 và số 156-CT ngày 9-6-1989 của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng phải thực hiện nghiêm túc nhiệm vụ kiểm soát và thu thuế đúng pháp luật, không được gây khó khăn cho việc lưu thông hàng hoá hợp pháp và tuyệt đối không được sách nhiễu, nhận "tiền mãi lộ" của các chủ hàng dưới bất kỳ hình thức nào. Ngoài những trạm và đội kiểm soát đó, các địa phương không được tuỳ tiện lập trạm kiểm soát dọc đường theo đúng Quyết định số 80-CT ngày 11-3-1987 của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng.

Tổng cục Hải quan phối hợp với Bộ Nội vụ và Bộ Quốc phòng thường xuyên chỉ đạo các tổ chức nghiệp vụ tăng cường điều tra các luồng hàng nhập lậu, các hình thức tổ chức và hoạt động của bọn nhập lậu, kể cả bọn núp dưới danh nghĩa cơ quan, đơn vị lực lượng vũ trang, đoàn thể và những phần tử lợi dụng chức quyền bao che bọn nhập lậu, trốn thuế hoặc trực tiếp làm những việc phi pháp đó, để có biện pháp ngăn chặn và xử lý có hiệu quả. Phải đặc biệt tăng cường công tác kiểm tra, làm trong sạch nội bộ, không để các tổ chức trong ngành mình buôn bán và nhập lậu hoặc bao che cho bọn nhập lậu, phát hiện những trường hợp vi phạm thì nhất thiết phải nghiêm trị, kể cả đưa ra Toà án.

3. Đẩy mạnh sản xuất và quản lý chặt chẽ việc kinh doanh trên thị trường.

Bộ Nông nghiệp và Công nghiệp thực phẩm phải chỉ đạo các cơ sở sản xuất thuốc lá, bia, rượu trong nước có chuyển biến thật sự như sản xuất sản phẩm với chất lượng tốt, bảo đảm vệ sinh công nghiệp cao, cải tiến mẫu mã đẹp và giá cả phải chăng, đáp ứng ngày càng tốt nhu cầu xuất khẩu và tiêu dùng của nhân dân ta. Phải xem đây vừa là mục tiêu vừa là một biện pháp kinh tế cơ bản và quan trọng nhất về chống nhập lậu và tận thu thuế nhập khẩu nói trong Chỉ thị này. Đặc biệt là đối với mặt hàng bia, Bộ Nông nghiệp và Công nghiệp thực phẩm cần chỉ đạo xử lý tốt các điều kiện để tăng nhanh năng lực sản xuất của các cơ sở hiện có, chỉ đạo chặt chẽ việc đổi mới tổ chức lưu thông sản phẩm của các cơ sở này, không để tình trạng tiêu cực như hiện nay; khuyến khích những tổ chức kinh tế quốc doanh khác và kêu gọi nước ngoài đầu tư xây dựng cơ sở sản xuất mới với công nghệ tiên tiến để trong một thời gian ngắn có thể thoả mãn được nhu cầu xuất khẩu và tiêu dùng của nhân dân ta.

Bộ Nội thương phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Công nghiệp thực phẩm và các ngành chức năng có liên quan hướng dẫn và cùng uỷ ban Nhân dân các tỉnh, thành phố, đặc khu chỉ đạo đợt kiểm tra việc chấp hành chế độ đăng ký kinh doanh thuốc lá, bia, rượu; có biện pháp quản lý chặt chẽ bảo đảm thực hiện đúng Quyết định số 193-HĐBT ngày 23-12-1988 của Hội đồng Bộ trưởng về kinh doanh thương mại và dịch vụ ở thị trường trong nước và Quyết định số 92-CT ngày 22-4-1989 của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng về việc các cơ quan hành chính và các đoàn thể làm kinh tế.

Các cơ sở kinh tế quốc doanh phải mở rộng mạng lưới đại lý tiêu thụ thuốc lá, bia, rượu nhằm phục vụ người tiêu dùng một cách thuận tiện và có trách nhiệm. Các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cần tổ chức chu đáo việc cấp đăng ký đại lý tiêu thụ cho những tổ chức và cá nhân có nhu cầu và có điều kiện theo đúng pháp luật.

Các đại lý tiêu thụ thuốc lá, bia rượu, đều phải trương biển ghi rõ tên cơ sở quốc doanh mà mình làm đại lý và số giấy phép đăng ký. Đại lý tiêu thụ thuốc lá, bia, rượu của cơ sở quốc doanh nào vi phạm các quy định của Nhà nước về kinh doanh thương mại và dịch vụ trên thị trường thì tuỳ tính chất và mức độ vi phạm, cơ sở quốc doanh đó phải liên đới chịu trách nhiệm.

Các đại lý tiêu thụ nếu có thuốc lá, bia, rượu ngoại dù khai thác từ nguồn nào cũng chỉ được phép bán số hàng đã có thuế hàng hoá nhập khẩu mậu dịch hoặc thuế hàng hoá nhập khẩu phi mậu dịch với những chứng chỉ, kể cả tem thuế do Bộ Tài chính quy định.

Đối với số thuốc lá, bia, rượu ngoại chưa có thuế nhập khẩu thì các tổ chức tiêu thụ, kể cả quốc doanh, hợp tác xã mua bán, đại lý... đều phải khai báo với cơ quan thuế vụ để nộp thuế thống nhất bằng thuế hàng hoá nhập khẩu phi mậu dịch do Bộ Tài chính hướng dẫn.

Từ ngày 15 tháng 9 năm 1989 trở đi, bất kỳ tổ chức và cá nhân nào bán thuốc lá, bia, rượu ngoại chưa có thuế nhập khẩu với chứng chỉ hợp pháp thì ngoài thuế còn phải nộp phạt bằng 2 lần số thuế hàng hoá nhập khẩu phi mậu dịch. Nếu họ dây dưa không chịu nộp thuế, nộp phạt thì số hàng hoá trốn thuế đó bị tịch thu và chủ hàng bị xử lý hành chính hoặc quy mô lớn và tính chất nghiêm trọng, bị đưa ra toà án xét xử theo các điều liên quan của Bộ luật Hình sự.

Bộ Tài chính hướng dẫn ngay việc thu thuế nhập khẩu, nhất là đối với số thuốc lá, bia, rượu nhập khẩu qua biên giới đưa sâu vào thị trường nội địa, áp dụng những biện pháp thu thuế thích hợp, thuận tiện cho việc nộp thuế và việc kiểm soát nộp thuế, bảo đảm Nhà nước không thu trùng nhưng không để sót thuế; đồng thời phối hợp với các ngành có liên quan (Hải quan, Nội vụ, Quốc phòng, Thương nghiệp, Ngân hàng,v.v...) chỉ đạo bảo đảm các chủ trương chế tài nêu trong Chỉ thị này được thực hiện nghiêm túc. Chậm nhất đến ngày 15 tháng 12 năm 1989, Bộ Tài chính gửi báo cáo kết quả cụ thể của việc chống nhập lậu và thu thuế thuốc lá, bia, rượu ngoại nhập trình Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng.

Các lực lượng công an, hải quan, bộ đội biên phòng, hải quân, kiểm soát quân sự, thuế vụ, quản lý thị trường... phải phối hợp chặt chẽ trên từng địa bàn, tăng cường kiểm tra, giám sát, nghiêm trị bọn nhập lậu, trốn thuế cũng như bọn sản xuất và buôn bán thuốc lá, bia, rượu giả. Thủ trưởng từng đơn vị thuộc các lực lượng này phải tăng cường giáo dục và kiểm tra cán bộ, nhân viên, chiến sĩ của mình trong việc duy trì chấp hành pháp luật và chịu trách nhiệm về những sai phạm của họ, kiên quyết loại trừ mọi hành vi tiêu cực, gây phiền hà cho những tổ chức và cá nhân kinh doanh hợp pháp hoặc làm ngơ, bao che cho bọn nhập lậu, trốn thuế.

Những đơn vị và cá nhân có công trong việc chống nhập lậu và tận thu thuế nhập khẩu cần được khen thưởng xứng đáng. Riêng đối với thuốc lá, bia, rượu ngoại, nay tạm thời trích 30% trị giá hàng nhập lậu tịch thu được hoặc số tiền nộp phạt về nhập lậu, trốn thuế tận thu được để bù đắp chi phí và thưởng cho những đơn vị, cá nhân có công trong việc phát hiện, bắt giữ, tịch thu hoặc tận thu số tiền nộp phạt đó.

Trưởng ban chỉ đạo quản lý thị trường Trung ương phối hợp với các ngành liên quan trong việc tổ chức thực hiện, theo dõi việc chấp hành Chỉ thị này của các ngành, các cấp, hàng tháng gửi báo cáo tình hình và những vấn đề cần xử lý trình Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng.

Bộ Thông tin hướng dẫn và chỉ đạo các cơ quan truyền thông đại chúng giải thích có căn cứ để cán bộ, nhân dân hiểu rõ chủ trương, chấp hành và theo dõi, phát hiện tình hình, kiểm tra việc chấp hành Chỉ thị này tại các ngành, các cấp, các cơ sở.

Nhận được Chỉ thị này, Thủ trưởng các ngành, các cấp và cơ sở phải khẩn trương phổ biến cho cán bộ, nhân viên, chiến sĩ và nhân dân; đồng thời có kế hoạch cụ thể triển khai việc thực hiện ở ngành, cấp và cơ sở của mình.

 

 

Võ Văn Kiệt

(Đã ký)

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Chỉ thị 230-CT năm 1989 về việc chống nhập khẩu và tận thu thuế nhập khẩu thuốc lá, bia, rượu do Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng ban hành

  • Số hiệu: 230-CT
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Ngày ban hành: 07/09/1989
  • Nơi ban hành: Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng
  • Người ký: Võ Văn Kiệt
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 17
  • Ngày hiệu lực: 22/09/1989
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản