Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH ĐỒNG NAI
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 23/CT-UBND

Đồng Nai, ngày 27 tháng 8 năm 2013

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG, HIỆU QUẢ CÔNG TÁC CẢI CÁCH THỦ TỤC HÀNH CHÍNH, KIỂM SOÁT THỦ TỤC HÀNH CHÍNH TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH ĐỒNG NAI

Triển khai thực hiện Nghị định số 48/2013/NĐ-CP ngày 14/5/2013 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định liên quan đến kiểm soát thủ tục hành chính; Chỉ thị số 07/CT-TTg ngày 22/5/2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc đẩy mạnh thực hiện Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2020; Chỉ thị số 15/CT-TTg ngày 05/7/2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc tổ chức thực hiện Nghị định số 48/2013/NĐ-CP ngày 14/5/2013 của Chính phủ và các văn bản liên quan về công tác cải cách thủ tục hành chính, kiểm soát thủ tục hành chính;

Trong những năm qua, Ủy ban nhân dân tỉnh xác định cải cách thủ tục hành chính, kiểm soát thủ tục hành chính là nhiệm vụ trọng tâm trong thực hiện Chương trình cải cách hành chính; kết quả đạt được đã tạo nhiều chuyển biến tích cực trong việc tiếp nhận, giải quyết và trả kết quả thủ tục hành chính, mang lại lợi ích trực tiếp cho người dân, cộng đồng doanh nghiệp, góp phần cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, phát triển kinh tế, xã hội. Tuy nhiên, kiểm soát thủ tục hành chính vẫn còn một số tồn tại, hạn chế, như: Sự chỉ đạo về công tác kiểm soát thủ tục hành chính của các ngành, các cấp chưa quyết liệt; việc tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính tại một số cơ quan, đơn vị, cán bộ, công chức, viên chức chưa nghiêm túc, chậm so với thời gian quy định; cơ chế phối hợp giữa các cơ quan trong quá trình giải quyết thủ tục hành chính ở một số lĩnh vực chưa tốt; thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông ở một số đơn vị chưa đồng bộ; việc niêm yết, công khai thủ tục hành chính chưa đáp ứng đúng yêu cầu chỉ đạo (nhất là ở các đơn vị cấp xã).

Để tiếp tục triển khai, thực hiện nâng cao chất lượng có hiệu quả công tác cải cách thủ tục hành chính, kiểm soát thủ tục hành chính, nhất là sau khi chuyển giao nhiệm vụ và bộ máy tổ chức làm công tác kiểm soát thủ tục hành chính từ Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh sang Sở Tư pháp; Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ thị:

1. Người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương chịu trách nhiệm tổ chức triển khai, thực hiện có hiệu quả Quy chế phối hợp công bố, công khai thủ tục hành chính; Quy chế phối hợp tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức về các quy định hành chính; Quy định về trình tự, thủ tục ban hành văn bản quy phạm pháp luật và các Kế hoạch kiểm tra, kiểm soát, rà soát thủ tục hành chính hàng năm tại cơ quan, đơn vị mình. Xác định rõ nhiệm vụ thực hiện phải gắn với trách nhiệm của cá nhân, đơn vị; bố trí nguồn lực bảo đảm cho việc thực hiện tốt nhiệm vụ; tăng cường công tác kiểm tra, đánh giá nghiêm túc kết quả thực hiện cải cách thủ tục hành chính, kiểm soát thủ tục hành chính theo quy định của Ủy ban nhân dân tỉnh và Bộ, ngành Trung ương.

Kết quả thực hiện cải cách thủ tục hành chính, kiểm soát thủ tục hành chính hàng năm, là cơ sở đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ, năng lực lãnh đạo, điều hành và trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị; bình xét danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng cho tập thể, cá nhân.

2. Các Sở, Ban, ngành; Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã Long Khánh, thành phố Biên Hòa (sau đây gọi là Ủy ban nhân dân cấp huyện); Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn (sau đây gọi là Ủy ban nhân dân cấp xã):

a) Tiếp tục triển khai thực hiện mạnh mẽ công tác cải cách thủ tục hành chính, kiểm soát thủ tục hành chính, nhất là những thủ tục hành chính liên quan trực tiếp đến đời sống, sản xuất kinh doanh của người dân, doanh nghiệp; lưu ý tập trung ở các lĩnh vực: Đất đai, môi trường, đầu tư, xây dựng, đăng ký kinh doanh, bồi thường, tái định cư, hành chính, tư pháp v.v…; tiếp tục rà soát, đơn giản hóa những thủ tục hành chính hiện hành để công bố bổ sung các thủ tục hành chính mới ban hành hoặc còn thiếu hoặc bị sửa đổi; tổ chức niêm yết, công khai đầy đủ tất cả thủ tục hành chính theo ngành, lĩnh vực; thực hiện có hiệu quả việc giải quyết thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông, một cửa liên thông hiện đại tại cơ quan, đơn vị.

b) Tập trung đổi mới lề lối làm việc, chấn chỉnh thái độ phục vụ nhân dân của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong tiếp nhận, giải quyết và trả kết quả hồ sơ; giải quyết kịp thời các đơn, thư phản ánh, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp về các quy định hành chính.

3. Sở Tư pháp chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương tham mưu Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định thiết lập hệ thống cán bộ đầu mối kiểm soát thủ tục hành chính để triển khai thực hiện tốt nhiệm vụ kiểm soát thủ tục hành chính tại các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện, UBND cấp xã. Tăng cường công tác kiểm tra việc thực hiện công tác kiểm soát thủ tục hành chính, thực hiện có hiệu quả việc tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị. Thường xuyên tổ chức tập huấn, hướng dẫn nghiệp vụ kiểm soát thủ tục hành chính cho cán bộ, công chức, viên chức các Sở, Ban, ngành; Ủy ban nhân dân cấp huyện, Ủy ban nhân dân cấp xã làm nhiệm vụ kiểm soát thủ tục hành chính.

4. Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với Sở Tư pháp, Báo Đồng Nai, Báo Lao động Đồng Nai, Đài Phát thanh Truyền hình Đồng Nai thực hiện tuyên truyền về công tác kiểm soát thủ tục hành chính; công khai đầy đủ thủ tục hành chính, công khai địa chỉ tiếp nhận phản ánh, kiến nghị trên Cổng thông tin điện tử của tỉnh; đẩy mạnh việc thực hiện dịch vụ công ở mức độ 3 và tiến hành triển khai thực hiện dịch vụ công ở mức độ 4; triển khai phần mềm thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông hiện đại tại Ủy ban nhân dân cấp huyện.

5. Sở Tài chính có trách nhiệm cân đối ngân sách, đảm bảo kinh phí triển khai, thực hiện công tác cải cách thủ tục hành chính, kiểm soát thủ tục hành chính hàng năm của tỉnh.

6. Sở Tư pháp chủ trì, phối hợp với Sở Nội vụ và các cơ quan, đơn vị, địa phương định kỳ hoặc đột xuất có đề xuất sáng kiến, kiến nghị, cách làm hiệu quả về cải cách thủ tục hành chính, trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, điều chỉnh nhằm cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; nhất là những lĩnh vực hiện đang gây nhiều bức xúc trong xã hội.

7. Thủ trưởng các Sở, ban, ngành; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn; Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Chỉ thị này và báo cáo kết quả trước ngày 10 của tháng thứ ba của mỗi quý về Sở Tư pháp.

Sở Tư pháp có trách nhiệm kiểm tra, đôn đốc, theo dõi quá trình tổ chức, triển khai thực hiện và báo cáo kết quả Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh.

Chỉ thị này có hiệu lực kể từ ngày ký./.

 

 

Nơi nhận:
- Bộ Tư pháp;
- TT. Tỉnh ủy;
- TT. HĐND tỉnh;
- Chủ tịch, các Phó Chủ tịch UBND tỉnh;
- Cục Kiểm soát thủ tục hành chính (BTP);
- Văn phòng UBND tỉnh;
- Các Sở, ban, ngành;
- UBND các huyện, thị xã, thành phố;
- UBND các xã, phường, thị trấn;
- Báo, Đài phát thanh truyền hình Đồng Nai;
- Trung tâm công báo tỉnh;
- Lưu: VT, KSTT.

CHỦ TỊCH




Đinh Quốc Thái

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Chỉ thị 23/CT-UBND năm 2013 nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác cải cách thủ tục hành chính, kiểm soát thủ tục hành chính trên địa bàn tỉnh Đồng Nai

  • Số hiệu: 23/CT-UBND
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Ngày ban hành: 27/08/2013
  • Nơi ban hành: Tỉnh Đồng Nai
  • Người ký: Đinh Quốc Thái
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản