Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
Nếu bạn là thành viên. Vui lòng ĐĂNG NHẬP để tiếp tục.
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 23/2007/CT-UBND | Long Xuyên, ngày 07 tháng 12 năm 2007 |
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC CHỦ ĐỘNG PHỐI HỢP ỨNG PHÓ KHI CÓ TIN BÃO KHẨN CẤP VÀO AN GIANG.
Theo nhận định của các nhà khoa học khí tượng thuỷ văn, các cơn bão xuất hiện vào nước ta từ khoảng tháng 11 đến tháng 12 hàng năm và thường có khả năng di chuyển vào các tỉnh nam bộ. Điều đó đã chứng minh qua cơn bão số 9 năm 2006, cơn bão này đã đổ bộ vào các tỉnh miền Tây nam bộ như Trà Vinh, Vĩnh Long, Cần Thơ, Bạc Liêu gây thiệt hại rất lớn đến tính mạng, tài sản của nhà nước và nhân dân.
Trong thời gian qua, tỉnh An Giang chủ yếu chỉ có kinh nghiệm phòng, chống lũ, nên việc phòng, chống, đối phó với bão sẽ gặp khó khăn nếu không có sự chủ động chuẩn bị phối hợp giữa các ngành, các cấp ngay từ trước. Do đó, để chủ động phối hợp ứng phó phòng, chống bão khi có tin bão khẩn cấp vào An Giang, Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ thị:
1. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:
a) Chỉ đạo cho Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn trực ban 24/24 giờ, tiếp nhận, báo cáo kịp thời các thông tin về bão, các công văn chỉ đạo của chính phủ, Ban Chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương về Ủy ban nhân dân tỉnh, đồng thời cung cấp tin cho cơ quan thông tin đại chúng, các ngành, các cấp, địa phương cùng biết để cùng phòng chống bão.
b) Chủ trì phối hợp với Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng, Công an tỉnh và các Sở, ngành có liên quan điều động các phương tiện vật tư, nhân lực kịp thời ứng phó với bão, bảo vệ sản xuất, tính mạng, tài sản của nhân dân và nhà nước.
c) Đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh các biện pháp phòng chống bão kịp thời.
2. Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn An Giang:
Theo dõi dự báo, dự đoán chính xác diễn biến của bão, báo cáo về Ủy ban nhân dân tỉnh, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh để tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo, xử lý kịp thời.
3. Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng, Công an tỉnh:
a) Triển khai đưa lực lượng xuống các địa phương để ứng phó với bão, đặc biệt là công tác di dời dân tránh bão đến nơi an toàn, cứu hộ, cứu nạn, bảo vệ an ninh trật tự, tài sản nhân dân.
b) Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng chuẩn bị sẵn sàng bắn pháo hiệu báo động tại 02 điểm: vĩnh xương huyện Tân Châu (đồn biên phòng 905), vĩnh ngươn thị xã Châu đốc (đồn biên phòng 945) theo quy định: báo áp thấp nhiệt đới, bão, lũ tại quyết định số 307/2005/QĐ-TTg ngày 25/11/2005 của Thủ tướng Chính phủ khi có lệnh của Ủy ban nhân dân tỉnh.
4. Sở Giao thông vận tải, Đoạn Quản lý Đường sông số 13:
a) Điều động phương tiện giúp các địa phương di dời dân tránh bão, tăng cường kiểm tra hoạt động của bến phà, bến đò, tàu thuyền khi có lệnh của Ủy ban nhân dân tỉnh cấm các phương tiện thuỷ lưu thông trên sông.
b) Phối hợp cùng các ngành có liên quan duy trì lưu thông trên quốc lộ 91, không để xảy ra ùn tắc giao thông trước, trong và sau bão.
5. Sở Thủy sản:
Hướng dẫn cho ngư dân neo đậu bè; các biện pháp bảo vệ đăng quầng, ao hầm trước khi bão đến. Khi có lệnh của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, phối hợp với các huyện, thị, thành phố cấm ngư dân đưa tàu thuyền ra khai thác trên sông và đồng ruộng. Điều động phương tiện hỗ trợ các địa phương phòng chống bão.
6. Sở Giáo Dục và Đào tạo:
a) Xây dựng phương án phòng chống bão của ngành giáo dục.
b) Khi có lệnh của Ủy ban nhân dân tỉnh, phối hợp với Ủy ban nhân dân các huyện, thị, thành phố huy động mọi lực lượng bảo vệ an toàn tài sản, cơ sở vật chất của ngành, tính mạng của học sinh, giáo viên, cho học sinh nghỉ học.
c) Khắc phục hậu quả của bão, đảm bảo các hoạt động của ngành trở lại bình thường trong thời gian sớm nhất.
7. Sở Tài nguyên và Môi trường:
Phối hợp với các ngành có liên quan xử lý ô nhiễm môi trường, khắc phục hậu quả sau cơn bão đi qua.
8. Sở Y tế:
Chuẩn bị đủ cơ số thuốc, các phương tiện cấp cứu cũng như phương tiện cứu thương thật chu đáo. Các bệnh viện tỉnh và huyện cũng như trạm y tế xã phải luôn sẵn sàng ứng cứu khi có tai nạn xảy ra. Phối hợp với các ngành liên quan xử lý tình hình dịch bệnh xảy ra (nếu có) sau bão.
9. Sở Lao động Thương binh và xã hội:
Triển khai thực hiện cứu trợ kịp thời, đồng thời phối hợp với các ban ngành, đoàn thể và tổ chức chính trị - xã hội có liên quan tổ chức vận động, quyên góp, tiếp nhận, phân phối hàng hóa cứu trợ cho các đối tượng bị thiệt hại và hỗ trợ cho người dân khắc phục hậu quả sau bão.
10. Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính:
Lập kế hoạch và chuẩn bị nguồn kinh phí đảm bảo để thực hiện và phòng ngừa ứng phó với bão.
11. Sở Xây dựng:
Hướng dẫn cho nhân dân biết các biện pháp gia cố, chằn néo nhà cửa bảo đảm an toàn trong bão.
12. Sở Bưu chính, Viễn thông:
Phối hợp với phòng Quản lý đô thị, phòng Hạ tầng kinh tế huyện, thị xã, thành phố hướng dẫn các doanh nghiệp bưu chính viễn thông kiểm tra, củng cố các công trình viễn thông như đài trạm, enten, mạng cáp,... nhằm bảo đảm an toàn mạng lưới, thông tin liên lạc phục vụ sự chỉ đạo, điều hành của các cơ quan thông suốt từ Trung ương, đến tỉnh huyện, xã, Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn và ngược lại để đảm bảo xử lý kịp thời các thông tin.
13. Đài Phát thanh - truyền hình:
Chỉ đạo các đơn vị trực thuộc phải ưu tiên cao nhất cho việc thu và phát tin tức về diễn biến của bão tới các ngành, các cấp và cộng đồng dân cư.
14. Ủy ban nhân dân huyện, thị, thành phố:
Chỉ đạo cho các phòng, ban huyện, Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn huyện, xã, phường, thị trấn về phương án phòng tránh, di dời dân đến nơi an toàn, chủ động thực hiện phương châm 4 tại chỗ; tăng cường công tác thông tin tuyên truyền nhắc nhở nhân dân, cơ quan gia cố nhà cửa trước khi bão vào.
Khi nhận được thông tin về “tin bão khẩn cấp”, lãnh đạo Ủy ban nhân dân huyện phân công cụ thể các thành viên trong Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn xuống địa bàn, trực tiếp hỗ trợ và kiểm tra đôn đốc công tác ứng phó, tổ chức sơ tán dân đến nơi an toàn, tạm dừng các cuộc họp, tập trung công tác chỉ đạo chống bão. Sau khi bão đi qua, tổ chức cứu trợ kịp thời, huy động lực lượng tại chỗ giúp dân ổn định cuộc sống, xử lý vệ sinh môi trường và khắc phục hậu quả; báo cáo nhanh tình hình thiệt hại, kết quả ứng phó bão tại địa phương về Ủy ban nhân dân tỉnh (thông qua Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn cấp tỉnh).
15. Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh:
Kiểm tra đôn đốc công tác chuẩn bị phòng ngừa trước bão, tổ chức triển khai kịp thời khi có bão xảy ra và thường xuyên báo cáo nhanh về Ủy ban nhân dân tỉnh, Ban Chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương để có chỉ đạo xử lý và đề xuất kịp thời.
16. Điện lực An Giang và Công ty Điện nước:
Phải kiểm tra việc an toàn lưới điện và phải có kế hoạch cắt điện để đảm bảo tính mạng cho người dân khi bão vào.
17. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh An Giang, Hội Chữ thập đỏ, các đoàn thể và các tổ chức chính trị - xã hội tham gia cùng chính quyền địa phương và cộng đồng trong công tác phòng chống, khắc phục hậu quả do bão gây ra.
Yêu cầu Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn cấp tỉnh; Thủ trưởng các Sở, ban, ngành, đoàn thể; Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện, thị, thành phố tổ chức thực hiện các biện pháp phòng ngừa và chủ động triển khai ứng phó kịp thời khi bão di chuyển vào các tỉnh Nam bộ hoặc ảnh hưởng trực tiếp đến tỉnh.
Chỉ thị này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày kể từ ngày ký.
Nơi nhận: | TM. ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH |
Chỉ thị 23/2007/CT-UBND về chủ động phối hợp ứng phó khi có tin bão khẩn cấp vào An Giang do Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang ban hành
- Số hiệu: 23/2007/CT-UBND
- Loại văn bản: Chỉ thị
- Ngày ban hành: 07/12/2007
- Nơi ban hành: Tỉnh An Giang
- Người ký: Huỳnh Thế Năng
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra