Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH KIÊN GIANG
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 23/2006/CT-UBND

Rạch Giá, ngày 11 tháng 10 năm 2006

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC QUẢN LÝ TÀI NGUYÊN NƯỚC DƯỚI ĐẤT TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH KIÊN GIANG.

Nước dưới đất là nguồn tài nguyên quan trọng phục vụ cấp nước sinh hoạt và sản xuất cho các tổ chức, cá nhân, góp phần trực tiếp quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh ta. Trong các năm qua, sự phát triển sản xuất trên các lĩnh vực dịch vụ, du lịch, cùng với quá trình đô thị hoá và gia tăng dân số nhanh đòi hỏi nhu cầu nước ngày càng tăng cả về số lượng lẫn chất lượng, tạo ra sức ép đối với nguồn nước dưới đất.

Tuy nhiên, trong thời gian qua việc thực thi công tác quản lý nhà nước về tài nguyên nước dưới đất còn nhiều bất cập và chưa được quan tâm đúng mức, đặc biệt là việc quản lý các hoạt động thăm dò, khai thác, sử dụng nước dưới đất và hành nghề khoan nước dưới đất thiếu chặt chẽ, không theo quy hoạch, vi phạm quy định bảo vệ tài nguyên nước, gây tổn hại đến số lượng và chất lượng nguồn nước dưới đất. Tuy chưa có hiện tượng sụt lún đất nhưng đã có những hiện tượng hạ thấp mực nước, nhiễm bẩn, xâm mặn ở một số nơi làm ảnh hưởng xấu đến nước sinh hoạt và sản xuất ở nhiều vùng.

Để chấn chỉnh và tăng cường công tác quản lý tài nguyên nước dưới đất nhằm bảo đảm khai thác lâu dài, bền vững nguồn tài nguyên nước dưới đất Uỷ ban nhân dân tỉnh Kiên Giang chỉ thị đến các sở ngành, các địa phương có liên quan thực hiện tốt một số nhiệm vụ sau đây:

1. Sở Tài nguyên và Môi trường Kiên Giang có trách nhiệm:

a/ Phối hợp với chính quyền địa phương và các ngành có liên quan tổ chức kiểm tra, thanh tra việc khai thác, hành nghề khoan nước dưới đất; ngăn chặn việc khai thác nước không đăng ký, không được cấp phép theo quy định của pháp luật; đình chỉ hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền đình chỉ hành nghề đối với các tổ chức, cá nhân không đủ năng lực kỹ thuật hành nghề, không thực hiện việc bảo vệ nguồn nước dưới đất trong quá trình hành nghề. Trước mắt, tạm ngưng cấp giấy phép mới về đăng ký hành nghề khoan nước dưới đất; riêng đối với một số tổ chức, cá nhân đã được cấp giấy phép hành nghề trước đây, tùy điều kiện cụ thể xét cấp lại giấy phép nhưng thời gian cho phép hoạt động không quá 3 (ba) năm.

Hướng dẫn các tổ chức, cá nhân hiện nay đang khai thác, sử dụng tài nguyên nước dưới đất lập các thủ tục cấp phép theo quy định hiện hành. Riêng những vùng đã có hệ thống cung cấp nước sinh hoạt, hạn chế đến mức thấp nhất việc cấp phép khai thác, sử dụng nước dưới đất. Bên cạnh đó, ưu tiên cấp phép khai thác, sử dụng nước dưới đất đối với những vùng chưa có hệ thống cung cấp nước sạch; khuyến khích sử dụng nước mặt.

Tăng cường kiểm tra, theo dõi quá trình thi công các giếng khoan thăm dò khai thác nước dưới đất, nhất là những giếng khoan công nghiệp khai thác với lưu lượng lớn, cần có chế độ theo dõi khối lượng nước khai thác phù hợp bằng các hình thức như: gắn đồng hồ đo lưu lượng , khống chế khối lượng khai thác theo mùa và các biện pháp khác v.v... Đồng thời kiểm tra, lập danh bạ các giếng khoan quan trắc không còn sử dụng, các lỗ khoan thăm dò cũ để có biện pháp xử lý các lỗ khoan này, phòng tránh nhiễm bẩn nguồn nước dưới đất.

b/ Điều tra, đánh giá hiện trạng khai thác nước dưới đất trên địa bàn toàn tỉnh; đánh giá mực nước hạ thấp, chất lượng nước dưới đất đối với công trình khai thác tập trung; xác định mức độ khai thác tới cạn kiệt, xâm nhập mặn, ô nhiễm nguồn nước và sụt lún mặt đất; khoanh vùng các khu vực mực nước hạ thấp quá mức; xác định các công trình có nguồn nước bị ô nhiễm để báo cáo cơ quan có thẩm quyền có biện pháp xử lý, khắc phục. Trước mắt cần tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện Đề tài đánh giá trữ lượng, chất lượng, dự báo khả năng sử dụng nước dưới đất để phục vụ cho việc quản lý và quy hoạch, khai thác tài nguyên nước dưới đất của tỉnh Kiên Giang, nhất là ở những vùng trọng điểm như khu dân cư tập trung, khu công nghiệp, vùng khó khăn vể nguồn nước, vùng khai thác nước dưới đất để nuôi trồng thuỷ sản, sản xuất nông nghiệp. Cần tập trung đầu tư xây dựng mạng lưới quan trắc động thái nước dưới đất trên địa bàn toàn tỉnh ngoài những giếng quan trắc đã có của Trung ương.

c/ Tổ chức tập huấn, bồi dưỡng cho cán bộ quản lý tài nguyên và môi trường ở các huyện, thị xã, thành phố và các xã, phường, thị trấn về công tác bảo vệ, khai thác, sử dụng bền vững nguồn nước dưới đất. Phối hợp với chính quyền các cấp và các cơ quan ban ngành có liên quan, đặc biệt đối với Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc và Đoàn thể các cấp tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật về tài nguyên nước và bảo vệ môi trường cho nhân dân, khuyến khích nhân dân có biện pháp chủ động dự trữ nguồn nước uống và sinh hoạt trong những tháng mùa khô ...

d/ Khi thẩm định, phê duyệt, cấp phép các công trình khai thác nước dưới đất nhất thiết phải đánh giá, dự báo mực nước hạ thấp, chất lượng nước trong suốt thời gian khai thác; xem xét, lựa chọn những thiết kế giếng khoan phù hợp, bảo đảm giữ gìn chất lượng nguồn nước dưới đất.

2. Đối với Sở Kế hoạch Đầu tư:

Trong khi chờ quy hoạch khai thác nước dưới đất trên địa bàn toàn tỉnh, tạm ngưng không quá 18 tháng cấp phép thành lập Doanh nghiệp mới hoặc bổ sung chức năng hành nghề đối với những tổ chức, cá nhân đăng ký về hành nghề khoan nước dưới đất.

3. Đối với các Sở: Nông nghiệp và PTNT, Thuỷ sản, Công nghiệp:

Có kế hoạch tuyên truyền vận động chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trong sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thuỷ sản một cách hợp lý theo từng mùa trong nhân dân, để tránh việc sử dụng quá lớn tài nguyên nước dưới đất cho tưới tiêu, nuôi trồng thuỷ sản vào những tháng mùa khô nhằm sử dụng tiết kiệm tài nguyên nước dưới đất. Đối với các khu công nghiệp tập trung cần tuyên truyền, vận động đầu tư hệ thống xử lý nước mặt, tái sử dụng nước thải để phục vụ sản xuất.

4. Đối với Công ty cấp thoát nước, Công ty nước sạch và Vệ sinh Môi trường Nông thôn tỉnh Kiên Giang:

Tăng cường đầu tư cải tạo, nâng cấp hệ thống cung cấp nước sạch tại các khu dân cư tập trung ở thành phố, thị xã, thị trấn và nông thôn; có kế hoạch duy tu, sửa chữa thường xuyên hệ thống máy móc, hồ chứa nước, và các giếng khoan đã có nhằm thực hiện tiết kiệm nguồn nước bảo đảm cơ bản đủ nước sinh hoạt trong nhân dân, nhất là những tháng mùa khô. Báo cáo Sở Tài nguyên và Môi trường về tình trạng các giếng khoan đã hư hỏng, không còn sử dụng để có biện pháp xử lý kỹ thuật theo quy định.

5. Đối với UBND các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh:

Chỉ đạo cho các phòng chuyên môn và UBND các xã, phường, thị trấn phải thường xuyên tăng cường kiểm tra, theo dõi nắm lại tình hình các tổ chức, cá nhân có các hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên nước dưới đất, hành nghề khoan nước dưới đất, xử lý kịp thời những trường hợp khai thác sử dụng tài nguyên nước dưới đất, hành nghề khoan nước dưới đất trái phép.

Nhận được Chỉ thị này, Giám đốc các sở, ngành cấp tỉnh và Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố có liên quan chịu trách nhiệm chỉ đạo, kiểm tra việc thực hiện. Giao cho sở Tài nguyên và Môi trường giúp UBND tỉnh theo dõi thực hiện Chỉ thị này. Trong quá trình thực hiện có gì vướng mắc báo cáo kịp thời về UBND tỉnh thông qua sở Tài nguyên và Môi trường.

 

 

Nơi nhận:
- Website Chính phủ;
- Bộ Tài nguyên và MT;
- Cục kiểm tra VB (Bộ Tư pháp);
- TT TU;
-TT.HĐND,UBND tỉnh; - UBND huyện, thị xã, Tp;
- Các sở ban ngành (Đòan thể) cấp tỉnh;
- Đăng Công báo;
- LĐVP, CVNC;
- Lưu VT; ttphong.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Bùi Ngọc Sương

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Chỉ thị 23/2006/CT-UBND về tăng cường công tác quản lý tài nguyên nước dưới đất trên địa bàn tỉnh Kiên Giang

  • Số hiệu: 23/2006/CT-UBND
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Ngày ban hành: 11/10/2006
  • Nơi ban hành: Tỉnh Kiên Giang
  • Người ký: Bùi Ngọc Sương
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản