Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH ĐẮK LẮK
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 23/2002/CT-UB

Buôn Ma Thuột, ngày 06 tháng 09 năm 2002

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG CÁC BIỆN PHÁP HẠN CHẾ TAI NẠN GIAO THÔNG

Tình hình trật tự an toàn giao thông 6 tháng đầu năm 2002 tiếp tục có nhiều diễn biến phức tạp. Cả nước xảy ra 14.508 vụ tai nạn giao thông làm chết 6.638 người, bị thương 16.938 người; So với cùng kỳ năm trước tăng cả về 3 mặt: Số vụ (16,1%), số người chết (31,83%), số người bị thương (15,6%). Riêng tỉnh ta đã xảy ra 281 vụ, làm chết 206 người, bị thương 316 người; So với cùng kỳ năm trước cũng tăng cả 3 mặt: 30,09% số vụ, 16,38% số người chết và 55,66% số người bị thương.

Đặc biệt, tai nạn giao thông do mô tô, xe máy gây ra rất lớn, chiếm 72,53% so với tổng số vụ tai nạn giao thông. Đây là vấn đề bức xúc của xã hội; Tai nạn giao thông do mô tô xe máy gây ra liên tục làm chết và bị thương nhiều người, hư hỏng nhiều tài sản. Tình trạng này nếu để tiếp tục diễn ra sẽ là mối hiểm họa nặng nề cho nhiều gia đình và toàn xã hội.

Nhằm cơ bản khắc phục một bước tai nạn giao thông do mô tô, xe máy gây ra; Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu các địa phương, các ngành chức năng của tỉnh khẩn trương lập kế hoạch, có chương trình hành động cụ thể, tăng cường các biện pháp hạn chế tai nạn giao thông đối với các loại phương tiện mô tô, xe máy như sau:

1. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về trật tự an toàn giao thông:

- Các phương tiện thông tin đại chúng từ tỉnh đến các cơ sở phải thường xuyên phổ biến Luật giao thông đường bộ hàng ngày và hàng tuần trên báo, đài phát thanh và truyền thanh, truyền hình; Thông báo tình hình trật tự an toàn giao thông ở từng địa phương, phường, xã, thôn, buôn, khối phố để nhân dân biết và thực hiện tốt hơn.

- Các cấp chính quyền cơ sở phường, xã, thôn, buôn khối phố thường xuyên đôn đốc, hướng dẫn nhân dân nghiêm chỉnh chấp hành Luật giao thông đường bộ, không sử dụng mô tô, xe máy khi không có giấy phép lái xe và chưa đủ tuổi sử dụng mô tô xe máy theo quy định.

- Tiếp tục tổ chức các hộ dân (nhất là các hộ dân dọc các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ, khu đông dân cư …) ký cam kết chấp hành nghiêm chỉnh các quy định về trật tự an toàn giao thông.

- Các cơ quan Nhà nước, tổ chức xã hội cần quán triệt cho cán bộ, công nhân viên chức trong cơ quan, đơn vị mình nghiêm chỉnh và gương mẫu chấp hành Luật giao thông đường bộ đã được Chủ tịch nước công bố ngày 12/7/2001 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2002.

2. Các cấp chính quyền chỉ đạo các Ban an toàn giao thông hoạt động tích cực, thường xuyên và có chương trình cụ thể, phân công rõ trách nhiệm từng ngành, từng địa phương đến cấp cơ sở tổ chức thực hiện tốt nhiệm vụ thuộc trách nhiệm của ngành mình, của địa phương mình. Trước mắt tổ chức tốt tháng an toàn giao thông (tháng 9/2002).

3. Sở Giao thông vận tải đẩy mạnh đào tạo, cấp giấy phép lái xe cho người điều khiển mô tô bảo đảm chất lượng đào tạo, sát hạch theo đúng quy định và đạt yêu cầu đối với người được cấp phép lái xe.

4. Sở Tư pháp tổ chức thực hiện có hiệu quả cuộc thi tìm hiểu Luật giao thông đường bộ theo kế hoạch.

5. Sở Giáo dục và Đào tạo có biện pháp tích cực, vận động phụ huynh không để học sinh chưa đủ tuổi và không có giấy phép lái xe điều khiển xe máy đến trường học, không điều khiển các loại phương tiện đi dàn hàng ngang trên đường làm cản trở và ách tắc giao thông; Ngành Giáo dục và Đào tạo phối hợp chặt chẽ với các ngành liên quan tuyên truyền vận động nhân dân cùng thực hiện nghiêm túc.

6. Lực lượng cảnh sát giao thông cần tập trung làm một số việc sau đây:

- Có kế hoạch và tổ chức kiểm tra giấy phép lái xe mô tô, xử lý nghiêm khắc và kiên quyết đối với người điều khiển mô tô chưa đủ tuổi và chưa có giấy phép lái xe, trước mắt tập trung xử lý đối tượng thanh niên, thiếu niên.

- Tăng cường tuần tra kiểm soát, phát hiện và kiên quyết xử lý người điều khiển phương tiện mô tô, xe máy chạy quá tốc độ, chở quá số người quy định, lạng lách, đánh võng, vượt đèn đỏ, đi ngược chiều …

7. Lực lượng thanh tra giao thông, cảnh sát giao thông trật tự phối hợp kiểm tra xử lý các loại phương tiện đậu, đỗ trái quy định. Vận động giải tỏa hoặc tổ chức cưỡng chế giải tỏa các công trình vi phạm trật tự an toàn giao thông, bảo đảm đường thông hè thoáng (nhất là khu dân cư, trung tâm thành phố, thị xã, thị trấn).

8. Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh tỉnh quán triệt đến các tầng lớp thanh niên ở các cơ quan, các địa phương khi điều khiển mô tô, xe máy tham gia giao thông cần đi đầu trong việc chấp hành các quy định của trật tự an toàn giao thông như: Phải có giấy phép lái xe, khi tham gia giao thông không đi quá tốc độ, không phóng nhanh vượt ẩu, lạng lách, vượt đèn đỏ, chở nhiều người … đảm bảo thực sự an toàn khi tham gia giao thông cho mình và cho người khác.

9. Ban An toàn giao thông các cấp có trách nhiệm hướng dẫn, đôn đốc, theo dõi các ngành các cấp tổ chức thực hiện; Có báo cáo sơ kết, tổng kết và đề nghị UBND tỉnh, Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia khen thưởng cho tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc.

Nhận được Chỉ thị này, yêu cầu UBND các huyện, thành phố Buôn Ma Thuột, các ngành triển khai tổ chức thực hiện.

 

 

Nơi nhận:
- TT Tỉnh ủy (B/cáo);
- UBATGT Quốc gia;
- Các thành viên Ban ATGT tỉnh,
- Các sở, ban, ngành,
- UBND các huyện, TP BMT,
- Đài PT&TH, Báo Đắk Lắk;
- Lưu VT, CN.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH ĐẮK LẮK
CHỦ TỊCH




Nguyễn Văn Lạng

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Chỉ thị 23/2002/CT-UB tăng cường biện pháp hạn chế tai nạn giao thông do tỉnh Đắk Lắk ban hành

  • Số hiệu: 23/2002/CT-UB
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Ngày ban hành: 06/09/2002
  • Nơi ban hành: Tỉnh Đắk Lắk
  • Người ký: Nguyễn Văn Lạng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 06/09/2002
  • Ngày hết hiệu lực: 08/04/2013
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản