Hệ thống pháp luật

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 23/2001/CT-TTg

Hà Nội, ngày 14 tháng 9 năm 2001

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG HƠN NỮA VIỆC CHỈ ĐẠO ĐIỀU HÀNH KINH TẾ - XÃ HỘI, PHẤN ĐẤU ĐẠT VÀ VƯỢT MỤC TIÊU TĂNG TRƯỞNG KINH TẾ NĂM 2001

Tình hình thực hiện kế hoạch kinh tế - xã hội 8 tháng đầu năm 2001, tuy đã đạt được một số tiến bộ, thu ngân sách đạt cao, sản xuất công nghiệp vẫn duy trì được nhịp tăng trưởng khá, thực hiện khối lượng vốn đầu tư xây dựng cơ bản và tạo việc làm có tiến bộ,... song hầu hết các chỉ tiêu thực hiện đều thấp hơn so với cùng kỳ năm 2000, tăng kim ngạch xuất khẩu 8 tháng đầu năm 2001 chỉ tăng 12,4% (năm 2000 tăng 28,7%), một số mặt hàng xuất khẩu giảm so với cùng kỳ năm trước (hàng điện tử giảm 7%; hàng vi tính và linh kiện giảm 19%; hàng thủ công mỹ nghệ giảm 12%...)

Một số ngành sản xuất quan trọng như dệt may, da giày, sản xuất phân bón vẫn trong tình trạng khó khăn về sản xuất, tiêu thụ sản phẩm chậm.

Giá trị sản xuất nông nghiệp năm 2001 có khả năng không đạt được kế hoạch đề ra. Việc chuyển diện tích trồng lúa ở những vùng năng suất thấp sang nuôi trồng thủy sản và các loại cây công nghiệp, cây ăn quả có giá trị khác, tuy bước đầu đã tạo ra khả năng chuyển đổi cơ cấu trong nông nghiệp ở một số vùng, nhưng do mới đi vào thực hiện nên chưa tạo ra được khối lượng hàng hoá có giá trị lớn.

Nguồn vốn của ngân sách nhà nước cho đầu tư phát triển trong hai tháng 7 và 8 tốc độ giải ngân bình quân tuy có nhanh hơn so với mức bình quân 6 tháng đầu năm 2001, nhưng so với kế hoạch vẫn đạt thấp.

Việc huy động vốn trong nước và cho vay đạt rất thấp. Nguồn vốn tín dụng Nhà nước, thực hiện cho vay 8 tháng chỉ bằng 33,4% kế hoạch năm, trong đó vốn trong nước bằng 26,6%, vốn ngoài nước (ODA cho vay lại) bằng 43,9%.

Huy động nguồn vốn trong nước của Quỹ hỗ trợ phát triển 8 tháng ước chỉ bằng 25,7% kế hoạch.

Thời gian từ nay đến hết năm không còn nhiều, để phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch nhà nước năm 2001, Thủ tướng Chính phủ chỉ thị các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc các Tổng công ty 91 khẩn trương triển khai ngay trong những tháng còn lại của năm 2001 một số việc sau đây:

Tiếp tục đẩy mạnh việc triển khai các biện pháp cụ thể, đặc biệt là những giải pháp mà Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo tại các Hội nghị của các Đoàn công tác của Chính phủ để thực hiện một cách tích cực, có hiệu quả các nội dung của Nghị quyết số 05/2001/NQ-CP ngày 24 tháng 5 năm 200l của Chính phủ về việc bổ sung một số gỉải pháp điều hành kế hoạch kinh tế năm 2001; Nghị quyết tại các phiên họp thường kỳ của Chính phủ năm 2001; các quyết định của Thủ tướng Chính phủ, các thông báo kết luận của Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ tại các buổi làm việc của đoàn công tác Chính phủ với các Bộ, địa phương và công điện số 530/CP-KTTH ngày 14 tháng 6 năm 2001 của Thủ tướng Chính phủ.

Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ chủ động rà soát lại những thủ tục, quy định hiện hành để loại bỏ ngay những nội dung, những thủ tục rườm ra, những quy định không còn phù hợp với yêu cầu của công cuộc đổi mới và phát triển hiện đang là cản trở đối với công tác điều hành phát triển sản xuất. Những nội dung của các quy định hiện hành đòi hỏi phải được điều chỉnh, bổ sung để tháo gỡ khó khăn ách tắc trong hoạt động sản xuất kinh doanh thuộc thẩm quyền của Chính phủ thì Thủ trưởng các ngành, các cấp phải báo cáo Chính phủ điều chỉnh để tạo ra môi trường pháp lý thông thoáng, phù hợp cho hoạt động sản xuất kinh doanh. Những vấn đề thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật thì báo cáo để Chính phủ trình Quốc hội bổ sung, sửa đổi để thực hiện.

Các ngành công nghiệp, nông nghiệp, các ngành sản xuất có liên quan trực tiếp tới xuất khẩu như dầu khí, nông sản, thuỷ sản, dệt may.... phải chủ động, tích cực hơn nữa trong việc đưa ra các giải pháp để đẩy mạnh sản xuất trong những tháng còn lại của năm 2001, phấn đấu vượt mức kế hoạch đã đề ra. Bộ Tài chính phối hợp với các Bộ, ngành tổ chức thực hiện một cách tích cực, có hiệu quả cơ chế thưởng xuất khẩu theo Quyết định số 65/2001/QĐ-BTC của Bộ Tài chính để khuyến khích kịp thời và đẩy mạnh hơn nữa việc tiêu thụ hàng hoá; đồng thời nghiên cứu và đề xuất với Chính phủ việc mở rộng đối tượng, mặt hàng thuộc diện được hỗ trợ để nâng cao hơn nữa lượng hàng xuất khẩu trong những tháng cuối năm 2001. Tổ chức tốt việc chi hoa hồng môi giới thương mại, kể cả cho cá nhân và cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài để khuyến khích việc tìm kiếm, mở rộng thị trường, thị phần xuất khẩu hàng hoá.

Bộ Thương mại cần phối hợp với Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn theo dõi sát tình hình và giá cả thị trường thế giới về gạo, cà phê để có biện pháp chỉ đạo các đơn vị, địa phương đẩy nhanh tiêu thụ gạo và cà phê sau khi kết thúc thời gian tạm trữ theo các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, nhất thiết không được để hàng hoá tồn kho lâu làm giảm phẩm cấp sẽ rất khó tiêu thụ. Mặt khác tổ chức tốt việc phân tích và cung cấp thông tin thị trường xuất khẩu một cách rộng rãi cho nhân dân, hướng dẫn và tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp, ngành hàng của ta tiếp cận với các doanh nghiệp của Nga và một số nước Đông âu cũ để mở rộng thị trường, thị phần hàng hoá của ta xuất khẩu và trả nợ cho liên bang Nga.

Bộ Tài chính và Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương triển khai thực hiện các Quyết định số 1116/QĐ-TTg và 1117/QĐ-TTg ngày 22 tháng 8 năm 2001 về bổ sung nhiệm vụ chi ngân sách nhà nước năm 2001 và bổ sung nguồn vốn thuộc ngân sách nhà nước cho đầu tư phát triển năm 2001 của Thủ tướng Chính phủ; hướng dẫn, đôn đốc các ngành, các cấp, các địa phương thực hiện nhanh chóng, có hiệu quả các biện pháp chỉ đạo điều hành của Chính phủ phù hợp với tình hình thực tế của từng ngành, từng địa phương.

Các Bộ, ngành, địa phương khẩn trương triển khai tiếp 30% vốn đầu tư xây dựng cơ bản thuộc kế hoạch đầu năm 2001, đồng thời triển khai thực hiện ngay khối lượng vốn đầu tư đã được bổ sung năm 2001 để hoàn thành trước ngày 31 tháng 12 năm 2001; rà soát lại tiến độ thực hiện các công trình để chuyển ngay vốn của những công trình không có khả năng thực hiện cho các công trình khác có khả năng hoàn thành trong năm 2001.

Quỹ hỗ trợ phát triển cần có những giải pháp tích cực hơn nữa để huy động nguồn vốn trong nước, thực hiện tốt việc cho vay, hỗ trợ lãi suất; có biện pháp thích hợp để thẩm định và xác định cụ thể các dự án có tính khả thi cao để có biện pháp giải ngân nhanh. Đồng thời phải phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan khẩn trương tổ chức triển khai thực hiện quy chế tín dụng hỗ trợ xuất khẩu ban hành kèm theo Quyết định số 133/2001/QĐ-TTg ngày 10 tháng 9 năm 2001 của Thủ tướng Chính phủ để nâng mức xuất khẩu hàng hoá cả về lượng và cơ cấu hàng xuất của cả nước trong những tháng còn lại của năm 2001

Bộ Công an cùng với Bộ Lao động, thương binh và xã hội cần phối hợp chặt chẽ với Uỷ ban nhân dân các cấp chỉ đạo lực lượng công an và các cơ quan chức năng của địa phương tăng cường các biện pháp bảo đảm an toàn giao thông, chống tệ nạn xã hội, kịp thời phát hiện, ngăn chặn và có biện pháp xử lý nghiêm, đúng pháp luật các vi phạm pháp luật, giữ vững trật tự, an ninh, an toàn xã hội, đặc biệt là những tháng cuối năm.

Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Tổng Giám đốc các Tổng công ty 91 phải nhận thức rằng, việc chủ động, tích cực, tăng cường hơn nữa các biện pháp chỉ đạo của từng ngành, từng cấp và của từng Thủ trưởng cơ quan đang là một trong những yêu cầu đang đặt ra và đòi hỏi mỗi người tuỳ theo chức trách được phân công phải tổ chức thực hiện một cách có trách nhiệm, chủ động sáng tạo, khẩn trương, để góp phần vào việc thực hiện cho được, phấn đấu vượt mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2001 là 7,5% mà Nghị quyết của Quốc hội đã đề ra.

Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Tổng giám đốc các Tổng công ty 91 tổ chức triển khai thực hiện ngay những nội dung của Chỉ thị này.

 

 

Phan Văn Khải

(Đã ký)

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Chỉ thị 23/2001/CT-TTg về việc tăng cường hơn nữa việc chỉ đạo điều hành kinh tế - xã hội, phấn đấu đạt và vượt mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2001 do Thủ tướng Chính phủ ban hành

  • Số hiệu: 23/2001/CT-TTg
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Ngày ban hành: 14/09/2001
  • Nơi ban hành: Thủ tướng Chính phủ
  • Người ký: Phan Văn Khải
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 39
  • Ngày hiệu lực: 29/09/2001
  • Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định
Tải văn bản