Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------

Số: 23/1999/CT-UB-TH

TP. Hồ Chí Minh, ngày 09 tháng 8 năm 1999

 

CHỈ THỊ

VỀ XÂY DỰNG KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN KINH TẾ-XÃ HỘI VÀ DỰ TOÁN NGÂN SÁCH CỦA THÀNH PHỐ NĂM 2000.

Trong 6 tháng đầu năm 1999, mặc dù còn nhiều khó khăn, tình hình kinh tế-xã hội thành phố vẫn tiếp tục ổn định, an ninh-chính trị và trật tự an toàn được giữ vững. Tuy nhiên, tình hình kinh tế-xã hội thành phố có những diễn biến không thuận lợi, tốc độ tăng trưởng kinh tế tiếp tục bị chậm lại, thị trường và sức mua bị thu hẹp, đầu tư trong và ngoài nước bị sút giảm, tình trạng thiếu việc làm, tệ nạn xã hội, nhất là nạn mại dâm và ma túy vẫn tiếp tục gia tăng.

Trong những tháng cuối năm 1999, các cấp, các ngành thành phố cần tập trung sức tổ chức thực hiện tốt các nhiệm vụ, chỉ tiêu và giải pháp về kinh tế-xã hội đã đề ra từ đầu năm ; trong đó, tập trung thực hiện tốt những biện pháp, nhất là biện pháp kích cầu của Ủy ban nhân dân thành phố đã được Hội nghị lần thứ 13 của Thành ủy và kỳ họp lần thứ 15 của Hội đồng nhân dân thành phố thông qua và khẩn trương triển khai thực hiện nội dung kết luận của Thủ tướng Chính phủ trong buổi làm việc với thành phố tại Thông báo số 153/TB-VPCP ngày 30 tháng 7 năm 1999 của Văn phòng Chính phủ.

Về xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và dự toán ngân sách của thành phố năm 2000, căn cứ Chỉ thị số 17/1999/CT-TTg ngày 30 tháng 6 năm 1999 của Thủ tướng Chính phủ và căn cứ tình hình thực tế, yêu cầu, nhiệm vụ của thành phố, Ủy ban nhân dân thành phố Chỉ thị các sở-ngành thành phố, quận-huyện, Tổng Công ty trực thuộc thành phố tập trung thực hiện ngay những nội dung chủ yếu sau đây :

I.- YÊU CẦU, NHIỆM VỤ CHỦ YẾU CỦA KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN KINH TẾ-XÃ HỘI VÀ DỰ TOÁN NGÂN SÁCH CỦA THÀNH PHỐ NĂM 2000 :

Năm 2000 là năm cuối của kế hoạch 5 năm 1996-2000, đồng thời chuẩn bị các điều kiện để triển khai thực hiện kế hoạch 5 năm 2001 - 2005. Do đó, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của thành phố năm 2000 cần khai thác tốt các tiềm năng, thế mạnh của các thành phần kinh tế, các ngành, các địa phương trên địa bàn thành phố để thực hiện mục tiêu : Kiềm chế sự giảm sút nhịp độ tăng trưởng kinh tế, từng bước tạo đà tăng trưởng nhanh hơn, nâng cao sức cạnh tranh và hiệu quả của các doanh nghiệp, nâng cao hiệu quả đầu tư, giải quyết các vấn đề xã hội bức xúc, đẩy mạnh xã hội hóa trên các lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hóa, thể thao, kết hợp tốt phát triển kinh tế-xã hội với củng cố an ninh- quốc phòng, giữ vững trật tự, an toàn xã hội.

Để thực hiện các mục tiêu trên, trong quá trình xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của thành phố năm 2000, cần tập trung vào một số lĩnh vực chủ yếu sau :

1. Tiếp tục tháo gỡ các khó khăn vướng mắc về cơ chế, chính sách và thủ tục để huy động các nguồn vốn đầu tư trong và ngoài nước, tạo vốn đầu tư phát triển sản xuất -kinh doanh và đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước ; tích cực lập và triển khai các dự án đầu tư đổi mới thiết bị công nghệ đối với một số sản phẩm có lợi thế cạnh tranh, có khả năng phát triển.

2. Tăng cường công tác xúc tiến thương mại, chú trọng thị trường nội địa, tìm kiếm và mở rộng thị trường xuất khẩu ; tiếp tục đẩy mạnh đấu tranh chống buôn lậu, hàng gian, hàng giả.

3. Thu ngân sách trên địa bàn thành phố phải đảm bảo phù hợp với tốc độ tăng trưởng kinh tế và trên cơ sở huy động đúng mức các khoản thu theo quy định của các Luật thuế và chế độ thu hiện hành, chống thất thu ; đồng thời, tạo điều kiện để sản xuất-kinh doanh phát triển. Động viên các thành phần kinh tế, các tầng lớp nhân dân cần kiệm để xây dựng và phát triển, triệt để tiết kiệm những khoản chi chưa thật cần thiết trong tình hình khó khăn hiện nay. Chi ngân sách phải tập trung ưu tiên cho đầu tư phát triển, chi sự nghiệp giáo dục-đào tạo, y tế, khoa học-công nghệ và môi trường.

4. Phối hợp với ngân hàng Nhà nước củng cố và nâng cao chất lượng hoạt động các ngân hàng thương mại trên địa bàn thành phố, huy động các nguồn vốn đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế, nhất là vốn trung và dài hạn.

5. Phát huy vai trò động lực của khoa học-công nghệ, gắn kết giữa nghiên cứu và ứng dụng nhằm đưa nhanh và có hiệu quả vào công tác quản lý, sản xuất và đổi mới công nghệ trong các ngành, cơ sở sản xuất-kinh doanh ; triển khai một số chương trình, dự án về bảo vệ và từng bước cải thiện môi trường sinh thái.

6. Tăng cường công tác quản lý Nhà nước và nâng cao chất lượng hoạt động của các ngành văn hóa, giáo dục, y tế, lao động-thương binh và xã hội, thể thao, phát thanh, truyền hình ; giải quyết có hiệu quả những vấn đề bức xúc về xã hội, nhất là tệ nạn ma túy, mại dâm, phạm pháp hình sự và cướp giựt trên đường phố ; thực hiện tốt các chương trình quốc gia trên địa bàn ; đẩy mạnh việc thực hiện xã hội hóa trên các lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hóa, thể thao.

7. Tiếp tục củng cố quốc phòng, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, tạo môi trường thuận lợi cho kinh tế-xã hội phát triển.

II.- NỘI DUNG VÀ TIẾN ĐỘ XÂY DỰNG KẾ HOẠCH :

1. Nội dung :

1.1- Đánh giá tình hình thực hiện kế hoạch 7 tháng và dự ước cả năm 1999, nêu rõ những việc làm được, chưa được, những khó khăn tồn tại và nguyên nhân, nhất là những nguyên nhân chủ quan. Tính toán, xác định nhiệm vụ, mục tiêu kế hoạch năm 2000 của ngành và đơn vị mình, trong đó cần tập trung phân tích và đề xuất các giải pháp cụ thể để mở rộng thị trường, huy động các nguồn lực cho đầu tư phát triển. Kế hoạch phải bao quát hoạt động của các thành phần kinh tế, các ngành trên địa bàn, kết hợp chặt chẽ giữa kế hoạch phát triển kinh tế với kế hoạch phát triển văn hóa, xã hội và an ninh quốc phòng, trật tự xã hội, đảm bảo ổn định chính trị.

1.2- Trong xây dựng dự toán ngân sách năm 2000 phải theo đúng Luật thuế và chế độ hiện hành, đồng thời tính đến các yếu tố thực hiện những chính sách khuyến khích tích tụ vốn để mở rộng sản xuất, tăng tích lũy nội bộ để bồi dưỡng và tạo nguồn thu ổn định cho ngân sách. Dự toán thu ngân sách phải bảo đảm phù hợp với tốc độ tăng trưởng kinh tế, chỉ số trượt giá, trên cơ sở tích cực khai thác mọi nguồn thu, chống thất thu.

Dự toán chi ngân sách cần xây dựng ở mức cần thiết, hợp lý, tiết kiệm, bảo đảm nguyên tắc tập trung cho các mục tiêu chủ yếu để tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của thành phố. Chi đầu tư theo hướng ưu tiên cho các công trình trọng điểm, vốn đối ứng sử dụng nguồn vốn ODA theo tiến độ đã ký kết, các công trình chuyển tiếp sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng trong năm, bố trí trả nợ vốn tạm ứng của năm trước. Chi thường xuyên phải hợp lý, tiết kiệm, ưu tiên cho các sự nghiệp giáo dục, đào tạo, khoa học-công nghệ, y tế, văn hóa. Chi hành chánh phải gắn liền với các biện pháp thực hiện Pháp lệnh thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đồng thời kết hợp với thực hiện cải cách hành chánh.

2. Tổ chức thực hiện :

2.1- Đầu tháng 8/1999, tổ chức hội nghị hướng dẫn các sở-ngành thành phố, quận-huyện và Tổng Công ty về xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và dự toán ngân sách của thành phố năm 2000.

2.2- Giữa tháng 8/1999, Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố, Sở Tài chính-Vật giá thành phố chủ trì phối hợp với một số sở-ngành thành phố xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và dự toán ngân sách của thành phố năm 2000 (sơ bộ) trìnhỦy ban nhân dân thành phố thông qua để báo cáo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính trước ngày 30-8-1999 theo quy định.

2.3- Cuối tháng 9/1999, các sở-ngành thành phố, quận-huyện và Tổng Công ty gởi kế hoạch năm 2000 cho Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố và Sở Tài chính-Vật giá thành phố để tổng hợp báo cáo Ủy ban nhân dân thành phố.

2.4- Tháng 10/1999, Ủy ban nhân dân thành phố sẽ bố trí làm việc với một số sở-ngành thành phố, quận-huyện, Tổng Công ty về kế hoạch năm 2000.

2.5- Trên cơ sở kế hoạch của các đơn vị, Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố và Sở Tài chính-Vật giá thành phố bổ sung, hiệu chỉnh kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và dự toán ngân sách của thành phố năm 2000 trình Ủy ban nhân dân thành phố, Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố và Hội đồng nhân dân thành phố thông qua để báo cáo Chính phủ ; trong tháng 12/1999, Ủy ban nhân dân thành phố tổ chức giao kế hoạch năm 2000 cho các sở-ngành thành phố, quận-huyện và Tổng Công ty.

Do yêu cầu và tính chất của công việc, Ủy ban nhân dân thành phố yêu cầu Thủ trưởng các sở-ngành thành phố, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận-huyện và Tổng Giám đốc các Tổng Công ty tập trung chỉ đạo và tổ chức thực hiện đúng yêu cầu nhiệm vụ, nội dung và tiến độ xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và dự toán ngân sách của thành phố năm 2000 theo đúng nội dung của Chỉ thị này./.

 

 

Nơi nhận :
- Văn phòng Chính phủ }để
- Bộ Kế hoạh và Đầu tư }báo
- Bộ Tài chính }cáo
- Đ/c Bộ trưởng Bộ Tài chính }để
- Thường trực Thành ủy }báo
- Thường trực HĐND.TP }cáo
- Thường trực UBND.TP
- Thường trực UBMTTQ.TP
- Văn phòng Thành ủy
- Các Sở-Ngành, Đoàn thể TP
- Ủy ban nhân dân các quận-huyện
- Các Tổng Công ty trực thuộc TP
- VPUB : CPVP, các Tổ NCTH
- TH (5b)
- Lưu
 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ
K/T CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH/THƯỜNG TRỰC




Lê Thanh Hải

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Chỉ thị 23/1999/CT-UB-TH về xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và dự toán ngân sách của thành phố năm 2000 do Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành

  • Số hiệu: 23/1999/CT-UB-TH
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Ngày ban hành: 09/08/1999
  • Nơi ban hành: Thành phố Hồ Chí Minh
  • Người ký: Lê Thanh Hải
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 09/08/1999
  • Tình trạng hiệu lực: Ngưng hiệu lực
Tải văn bản