Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

CHỦ TỊCH HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 224-CT

Hà Nội, ngày 01 tháng 9 năm 1982

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG ĐÀO TẠO VÀ BỒI DƯỠNG CÁN BỘ HÀNH CHÍNH NHÀ NƯỚC CÁC CẤP

Trong những năm qua công tác đào tạo bồi dưỡng cán bộ hành chính Nhà nước chưa được coi trọng đúng mức. Phần lớn cán bộ chính quyền các cấp chưa được đào tạo bồi dưỡng đầy đủ kiến thức về quản lý Nhà nước, quản lý xã hội, về pháp chế xã hội chủ nghĩa. Bộ máy các cơ quan Nhà nước cồng kềnh, lại thiếu việc bồi dưỡng nên hiệu lực quản lý của Nhà nước bị hạn chế, nhiều nơi vi phạm pháp luật, thể lệ của Nhà nước, vi phạm quyền làm chủ của nhân dân. Vì vậy, nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ V đã xác định phải gấp rút tăng cường công tác đào tạo và bồi dưỡng cán bộ hành chính Nhà nước các cấp...

Sau khi nghe đồng chí giám đốc Trường hành chính Trung ương báo cáo tình hình hoạt động của Trường hành chính Trung ương và các trường hành chính địa phương, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng chỉ thị:

1. Trường hành chính Trung ương phải hoạt động thường xuyên, liên tục mở các lớp bồi dưỡng để trong một thời gian nhất định từ năm 1983 đến năm 1985 các cán bộ đương chức là thành viên các Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố, các đồng chí phụ trách Sở, Ty, các Ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh được trang bị những kiến thức cần thiết về quản lý Nhà nước. Trước mắt, tập trung bồi dưỡng các nội dung chủ yếu về Nhà nước, pháp luật của nước ta, về Hiến pháp, các đạo luật mới; chức năng, quyền hạn, nhiệm vụ, phương thức hoạt động và công tác quản lý Nhà nước của chính quyền các cấp theo như Hiến pháp và luật đã quy định Trường hành chính trung ương dự thảo nội dung các chương trình bồi dưỡng trình Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng xét duyệt và kết hợp với Văn phòng Hội đồng Bộ trưởng, Ban tổ chức của Chính phủ, Văn phòng Hội đồng Nhà nước, Bộ tư pháp biên soạn tài liệu bồi dưỡng cho các lớp. Đồng thời phải đi sâu vào các huyện, tỉnh, thành phố có phong trào khá, rút ra những kinh nghiệm tốt về quản lý Nhà nước để bồi dưỡng cho các học viên. Trường hành chính Trung ương hướng dẫn thống nhất về chương trình và nội dung học tập cho các trường hành chính tỉnh, thành phố để bồi dưỡng cho các thành viên Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn và các đại biểu hội đồng nhân dân xã, phường, bảo đảm trong nhiệm kỳ mỗi thành viên được bồi dưỡng một lần. Đồng thời phải hướng dẫn cho các tỉnh, thành phố xúc tiến việc đào tạo cán bộ để tăng cường cho chính quyền cơ sở và có kế hoạch hướng dẫn việc bồi dưỡng các loại cán bộ hành chính ở cơ sở; cần tập trung làm ở những tỉnh, thành phố có điều kiện từ năm 1983.

2. Để có cơ sở biên soạn chương trình và nội dung giảng dạy một cách cơ bản, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng đồng ý cho mời giáo sư Liên Xô về Nhà nước và pháp luật sang giảng tại Trường hành chính Trung ương một số khoá mà khoá đầu sẽ mở vào quý IV năm 1982 theo nội dung chương trình đã thoả thuận với bạn; nhờ Liên Xô giúp Trường hành chính xây dựng các chương trình và tài liệu giảng dạy cho các loại cán bộ hành chính từ trung ương đến cơ sở, giúp đào tạo bồi dưỡng giáo viên của trường; được hợp tác với tổ chức của bạn để trao đổi kinh nghiệm về đào tạo bồi dưỡng cán bộ và nghiên cứu khoa học về quản lý Nhà nước; được đi khảo sát tại nước bạn.

3. Đối tượng dự lớp bồi dưỡng về quản lý Nhà nước do giáo sư Liên Xô giảng gồm cán bộ cao cấp của các Bộ, ngành, ban ở Trung ương, các chuyên viên nghiên cứu về tổ chức pháp chế ở các Bộ, ngành, giáo viên Trường hành chính Trung ương và địa phương, phó chủ tịch thường trực của một số tỉnh, thành phố. Nội dung lớp bồi dưỡng nhằm trang bị các kiến thức cơ bản về Nhà nước, pháp luật, về khoa học quản lý Nhà nước và công tác quản lý hành chính Nhà nước, kinh nghiệm của Liên Xô trong công tác tổ chức và quản lý của Nhà nước về mọi mặt hoạt động của xã hội và việc phát huy hiệu lực quản lý của Nhà nước các cấp. Lớp học này mang tính chất nghiên cứu, nên phải tiến hành học tập nghiêm túc, khai thác về nội dung lý luận và kinh nghiệm của bạn. Kết quả lớp học phải mang lại là có được một chương trình bồi dưỡng cho cán bộ cao cấp, thu nhận được hệ thống kiến thức và kinh nghệm của bạn về quản lý Nhà nước, bồi dưỡng được đội ngũ cán bộ giáo viên cho trường.

4. Trên cơ sở kiến thức thu hoạch được ở lớp học, Trường hành chính trung ương xúc tiến việc nghiên cứu, có kế hoạch biên soạn nội dung các chương trình và tài liệu học tập cho các đối tượng khác nhau ở 4 cấp xã, huyện, tỉnh, trung ương. Từ đó có điều kiện tiến hành mở lớp theo hai hình thức tập trung và tại chức với thời gian thích hợp để kịp bồi dưỡng và đào tạo cán bộ quản lý Nhà nước cho các cấp, các ngành. Trong năm 1982 - 1983 phải thực hiện được các việc trên.

5. Trước mắt phải tăng cường đội ngũ giáo viên chuyên trách và giáo viên kiêm chức của trường. Ban tổ chức của Chính phủ bổ sung cho trường về biên chế để tuyển chọn khoảng từ 40 đến 50 cán bộ hình thành đội ngũ giáo viên của trường. Số cán bộ này phải có phẩm chất chính trị tốt, là đảng viên, có năng lực nghiên cứu giảng dạy, tốt nghiệp đại học luật nước ngoài, trong nước hoặc đại học về quản lý kinh tế, một số cán bộ có trình độ đại học hoặc tương đương đã qua công tác chính quyền tỉnh, thành phố.

Số cán bộ trên được bồi dưỡng tại lớp do giáo sư Liên Xô giảng, được phân công chuyên môn hoá để đi sâu vào chuyên đề. Hàng năm có chế độ đi thực tế ở cơ sở và được xét đi nghiên cứu bồi dưỡng đào tạo ở nước ngoài để nâng cao kiến thức và kinh nghiệm.

6. Về cơ sở vật chất và trang bị phương tiện, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng đồng ý cho Trường hành chính Trung ương xúc tiến việc tu bổ, hoàn chỉnh lại cơ sở vật chất, trang bị thêm các phương tiện cần thiết để phục vụ cho giảng dạy, học tập, nghiên cứu của trường. Uỷ ban Kế hoạch Nhà Nước, Bộ Vật tư, Bộ Tài chính và Văn phòng Hội đồng Bộ trưởng quan tâm giải quyết các điều kiện trên cho trường.

Chủ tịch Hội đồng bộ trưởng yêu cầu thủ trưởng các Bộ có liên quan cộng tác với trường trong việc soạn thảo nội dung bồi dưỡng đào tạo về quản lý Nhà nước thuộc lĩnh vực mình phụ trách, giao giám đốc Trường hành chính trung ương tổ chức việc thực hiện theo nội dung chỉ thị này. Văn phòng Hội đồng Bộ trưởng có trách nhiệm giúp Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng theo dõi, kiểm tra và đôn đốc thực hiện chỉ thị này.

 

 

Tố Hữu

(Đã ký)