Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
Nếu bạn là thành viên. Vui lòng ĐĂNG NHẬP để tiếp tục.
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 22/CT-UBND | Bình Định, ngày 19 tháng 12 năm 2017 |
VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG CÁC BIỆN PHÁP CẤP BÁCH BẢO VỆ RỪNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH
Thời gian gần đây, tình hình phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh diễn ra ngày càng phức tạp cả về tính chất vi phạm và mức độ thiệt hại, tại một số địa phương đã để xảy ra những vụ phá rừng trái phép gây bức xúc trong dư luận xã hội. Nguyên nhân xảy ra tình trạng nêu trên là do các ngành, các cấp chính quyền địa phương chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm quản lý nhà nước về rừng và đất lâm nghiệp.
Để tăng cường hơn nữa công tác bảo vệ rừng và ngăn chặn triệt để tình trạng phá rừng, lấn, chiếm đất lâm nghiệp trái pháp luật. Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu các ban, ngành, các địa phương khẩn trương thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách sau đây:
1. Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo, tổ chức thực hiện quyết liệt các biện pháp quản lý bảo vệ rừng, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm của địa phương:
a. Tăng cường lực lượng đủ mạnh triển khai có hiệu quả các biện pháp, giải pháp bảo vệ diện tích rừng hiện có; trong đó, tập trung chủ yếu bảo vệ diện tích rừng tự nhiên giao trách nhiệm quản lý, bảo vệ rừng cho chính quyền cấp xã và chủ rừng. Huy động các lực lượng Công an, dân quân tự vệ phối hợp với Kiểm lâm kiên quyết đấu tranh, ngăn chặn tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp trái pháp luật; bị Hàng năm kiện toàn Ban Chỉ huy Các vấn đề cấp bách trong công tác bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng và Đoàn Kiểm tra liên ngành của huyện, thị xã, thành phố; rà soát, bổ sung phương án kiểm tra, truy quét bảo vệ rừng và tổ chức thực hiện ra quân xử lý dứt điểm các vụ phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp trái pháp luật. Kiên quyết xử lý nghiêm minh đối với các trường hợp cán bộ, đảng viên tham gia phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp trái pháp luật;
c. Thu hồi toàn bộ diện tích rừng bị phá; đất lâm nghiệp bị lấn, chiếm trái pháp luật giao cho Ủy ban nhân dân cấp xã và chủ rừng quản lý theo phương án:
- Đối với những diện tích đất rừng tự nhiên bị phá; đất lâm nghiệp bị lấn chiếm trái pháp luật thuộc quy hoạch chức năng phòng hộ, đặc dụng thì chủ rừng và Ủy ban nhân cấp xã thống kê cụ thể những diện tích cây trồng đã thành rừng theo quy định tại Điều 3, Thông tư số 34/2009/TT-BNNPTNT ngày 10/6/2009 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn “Quy định tiêu chí xác định và phân loại rừng” để giao cho các Ban Quản lý rừng phòng hộ, đặc dụng tổ chức khoanh nuôi bảo vệ và khai thác theo quy chế quản lý rừng phòng hộ, đặc dụng; còn lại những diện tích cây trồng chưa thành rừng thì kiên quyết phá bỏ để trồng rừng phòng hộ, đặc dụng (trồng cây bản địa) phục hồi lại hiện trạng rừng đã mất;
- Đối với những diện tích rừng tự nhiên bị phá; đất lâm nghiệp bị lấn chiếm trái pháp luật thuộc quy hoạch chức năng sản xuất do Ủy ban nhân dân xã quản lý thì Ủy ban nhân dân cấp xã thống kê cụ thể những diện tích cây trồng đã thành rừng theo quy định tại Điều 3, Thông tư số 34/2009/TT-BNNPTNT ngày 10/6/2009 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn “Quy định tiêu chí xác định và phân loại rừng”, tổ chức khoanh nuôi bảo vệ; khi đến chu kỳ khai thác, lập hồ sơ thiết kế cụ thể, báo cáo Ủy ban nhân dân cấp huyện trình Ủy ban nhân dân tỉnh cho chủ trương khai thác; kinh phí thu được ưu tiên để chi trả cho việc thống kê, thu hồi và quản lý, bảo vệ những diện tích cây trồng đã thành rừng và phá bỏ những diện tích cây trồng chưa thành rừng, kinh phí còn lại sử dụng vào công tác bảo vệ và phát triển rừng; đối với những diện tích cây trồng chưa thành rừng thì kiên quyết phá bỏ. Ủy ban nhân dân cấp xã xây dựng kế hoạch và phương án sử dụng đất cụ thể, phối hợp với Phòng Tài nguyên và Môi trường cấp huyện trình Ủy ban nhân dân cấp huyện giao đất sản xuất lâm nghiệp cho nhân dân (kể cả những diện tích đất có cây trồng đã thành rừng thuộc quy hoạch chức năng sản xuất sau khi khai thác rừng xong cũng thực hiện giao đất sản xuất lâm nghiệp cho nhân dân theo đúng quy định của pháp luật).
đ. Ủy ban nhân dân các huyện trọng điểm bao gồm: Vân Canh, Hoài Ân, An Lão, Vĩnh Thạnh, Tây Sơn, Phù Mỹ và thành phố Quy Nhơn thành lập Ban Chỉ đạo bảo vệ rừng các cấp gồm các ngành và hội, đoàn thể tổ chức tuyên truyền Luật Bảo vệ và phát triển rừng và các văn bản quy phạm pháp luật về lâm nghiệp. Vận động người dân, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, thành viên hội, đoàn thể tham gia bảo vệ rừng, tiến tới chấm dứt tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp như hiện nay. Cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, thành viên hội, đoàn thể cấp nào, ngành nào trực tiếp hoặc có liên quan đến phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp trái pháp luật thì cấp, ngành đó phải kiên quyết xử lý kỷ luật theo đúng quy định của pháp luật;
đ. Kịp thời biểu dương, khen thưởng các tổ chức, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng; đồng thời kiên quyết xử lý nghiêm minh các tổ chức, cá nhân vi phạm. Yêu cầu các huyện, thị xã, thành phố khi xây dựng dự toán ngân sách hàng năm phải có bố trí kinh phí cho công tác quản lý, bảo vệ rừng, được sử dụng các nguồn kinh phí như: Kinh phí thu được từ xử lý vi phạm hành chính và bán phát mại lâm sản, phương tiện tịch thu trong lĩnh vực lâm nghiệp; kinh phí bảo vệ rừng mà UBND tỉnh đã cấp cho các huyện theo quy định tại Quyết định số 07/2012/QĐ-TTg ngày 08/02/2012 của Thủ tướng Chính phủ; kinh phí dự phòng của cấp huyện, cấp xã và các nguồn kinh phí khác do cấp huyện cân đối để chi cho công tác bảo vệ rừng và thực hiện việc thống kê, thu hồi, quản lý, bảo vệ những diện tích cây trồng trái phép đã thành rừng và phá bỏ những diện tích cây trồng trái phép chưa thành rừng;
e. Địa phương nào để xảy ra phá rừng, lấn, chiếm đất lâm nghiệp trái pháp luật thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã phải chịu trách nhiệm trước Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện; Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện phải chịu trách nhiệm trước Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh.
2. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các sở, ngành và Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố tăng cường chỉ đạo, kiểm tra công tác bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng tại các địa phương; đồng thời chỉ đạo Chi cục Kiểm lâm thực hiện những nhiệm vụ chủ yếu sau:
a. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, kiểm soát chặt chẽ người, phương tiện ra vào rừng để phát hiện và ngăn chặn kịp thời những hành vi phá rừng, lấn, chiếm đất lâm nghiệp, mua, bán, vận chuyển lâm sản trái pháp luật. Xây dựng kế hoạch, ra quân kiểm tra, truy quét để lập hồ sơ xử lý kiên quyết các đối tượng phá rừng, lấn, chiếm đất lâm nghiệp trái pháp luật;
b. Hàng năm phối hợp với Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố rà soát đề nghị thay thế, bổ sung các chốt, trạm kiểm soát lâm sản phù hợp với tình hình thực tế công tác bảo vệ rừng tại địa phương, trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt, lực lượng thực hiện chốt chặn gồm: Kiểm lâm, Công an, dân quân tự vệ và lực lượng bảo vệ rừng của các Ban quản lý rừng phòng hộ, đặc dụng và các Công ty TNHH lâm nghiệp tiến hành kiểm tra tất cả các phương tiện vận chuyển lâm sản trên địa bàn các huyện, thị xã, thành phố. Tất cả các phương tiện vận chuyển gỗ rừng trồng khi lưu thông trên đường, qua các chốt, trạm này phải xuất trình hồ sơ nguồn gốc hợp pháp có xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã và kiểm lâm địa bàn; nếu không có hồ sơ nguồn gốc hợp pháp thì phải kiên quyết xử lý theo quy định của pháp luật;
c. Chỉ đạo các hạt kiểm lâm kiểm tra, xác lập đầy đủ hồ sơ tất cả các vụ phá rừng lấn chiếm đất lâm nghiệp trái pháp luật; thông báo cụ thể trên các phương tiện thông tin đại chúng và niêm yết tại trụ sở cơ quan, đơn vị theo quy định của pháp luật để cho nhân dân biết. Xây dựng kế hoạch phá bỏ cây trồng trái phép trên diện tích rừng bị phá, đất lâm nghiệp bị lấn chiếm trái pháp luật trình Ủy ban nhân dân cấp huyện phê duyệt và huy động lực lượng đủ mạnh để thực hiện phá bỏ cây trồng trái phép theo quy định của pháp luật;
d. Đề xuất biểu dương khen thưởng đối với các hạt kiểm lâm, Kiểm lâm địa bàn có thành tích xuất sắc trong công tác bảo vệ rừng. Đồng thời kiên quyết xử lý kỷ luật đối với Kiểm lâm địa bàn, Hạt trưởng các hạt kiểm lâm buông lỏng quản lý để xảy ra tình trạng phá rừng, mua, bán, vận chuyển lâm sản trái pháp luật.
e. Thường xuyên kiểm tra định kỳ và đột xuất về nguồn gốc, xuất xứ nguyên liệu của các cơ sở chế biến gỗ trên địa bàn quản lý, phát hiện và xử lý kịp thời các cơ sở mua bán, vận chuyển, chế biến gỗ không rõ nguồn gốc, không có đầy đủ hồ sơ theo quy định của pháp luật.
3. Công an tỉnh chỉ đạo các phòng nghiệp vụ và lực lượng Công an các huyện, thị xã, thành phố vào cuộc xử lý dứt điểm các vụ án phá rừng nghiêm trọng; thống kê, phân hóa đối tượng “đầu nậu”, chủ đường dây buôn bán lâm sản trái pháp luật, kẻ chủ mưu, thuê, kích động, xúi giục đồng bào dân tộc thiểu số phá rừng, gây rối trật tự xã hội để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Xây dựng phương án đảm bảo an ninh trật tự, an toàn cho Đoàn Kiểm tra liên ngành cấp huyện thực hiện Phương án tuần tra, truy quét, các đợt ra quân phá bỏ cây trồng trái pháp luật trên diện tích rừng bị phá, đất lâm nghiệp bị lấn, chiếm trái pháp luật. Phối hợp với Kiểm lâm, dân quân tự vệ và lực lượng bảo vệ rừng của các ban quản lý rừng và các công ty lâm nghiệp thực hiện việc chốt chặn, kiểm soát lâm sản tại các chốt, trạm kiểm soát lâm sản do Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt thành lập.
4. Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:
a. Hướng dẫn, giám sát cấp huyện xây dựng dự toán kinh phí cho công tác quản lý và bảo vệ rừng hàng năm, hỗ trợ kinh phí cho Ủy ban nhân dân cấp xã tổ chức bảo vệ diện tích rừng tự nhiên đang trực tiếp quản lý theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 07/2012/QĐ-TTg ngày 08/02/2012 và đưa vào dự toán hàng năm của các cấp ngân sách theo quy định;
b. Đề xuất UBND tỉnh cân đối, phân bổ kinh phí thu được từ xử lý vi phạm hành chính và bán phát mại lâm sản, phương tiện tịch thu trong lĩnh vực lâm nghiệp hàng năm cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và UBND các huyện, thị xã, thành phố để chi cho công tác bảo vệ rừng và thực hiện việc thống kê, thu hồi, quản lý, bảo vệ những diện tích cây trồng đã thành rừng và phá bỏ những diện tích cây trồng chưa thành rừng.
5. Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố xây dựng kế hoạch và phương án cụ thể tiến hành giao đất, giao rừng cho các ban quản lý rừng, các công ty lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh. Đồng thời chỉ đạo Phòng Tài nguyên và Môi trường các huyện, thị xã, thành phố phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp xã tham mưu cho Ủy ban nhân dân cấp huyện giao đất lâm nghiệp cho nhân dân sản xuất lâm nghiệp, đảm bảo diện tích rừng và đất lâm nghiệp có chủ quản lý thật sự.
6. Các hội, đoàn thể tăng cường công tác phối hợp với chính quyền các địa phương tuyên truyền, giáo dục hội viên chấp hành nghiêm pháp luật về bảo vệ rừng, tố giác các cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ rừng cho chính quyền các địa phương để xử lý theo quy định của pháp luật.
7. Báo Bình Định, Đài Phát thanh và Truyền hình Bình Định và các hội, đoàn thể đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật nhằm nâng cao ý thức cho nhân dân trong bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng; đấu tranh chống các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ rừng.
Yêu cầu Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố và Thủ trưởng các cơ quan liên quan có trách nhiệm triển khai thực hiện Chỉ thị này. Giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chịu trách nhiệm theo dõi việc thực hiện Chỉ thị, định kỳ báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh để theo dõi chỉ đạo./.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
- 1Chỉ thị 13/CT-UBND năm 2014 tăng cường biện pháp cấp bách trong công tác bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng do tỉnh Lai Châu ban hành
- 2Chỉ thị 03/CT-UBND năm 2015 tăng cường biện pháp cấp bách trong công tác bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng do tỉnh Bình Định ban hành
- 3Chỉ thị 12/CT-UBND năm 2016 về tăng cường biện pháp cấp bách bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng trên địa bàn tỉnh Bình Định
- 1Luật Bảo vệ và Phát triển rừng 2004
- 2Thông tư 34/2009/TT-BNNPTNT quy định tiêu chí xác định và phân loại rừng do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành
- 3Quyết định 07/2012/QĐ-TTg về chính sách tăng cường công tác bảo vệ rừng do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 4Chỉ thị 13/CT-UBND năm 2014 tăng cường biện pháp cấp bách trong công tác bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng do tỉnh Lai Châu ban hành
- 5Chỉ thị 03/CT-UBND năm 2015 tăng cường biện pháp cấp bách trong công tác bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng do tỉnh Bình Định ban hành
- 6Chỉ thị 12/CT-UBND năm 2016 về tăng cường biện pháp cấp bách bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng trên địa bàn tỉnh Bình Định
Chỉ thị 22/CT-UBND năm 2017 về tăng cường biện pháp cấp bách bảo vệ rừng trên địa bàn tỉnh Bình Định
- Số hiệu: 22/CT-UBND
- Loại văn bản: Chỉ thị
- Ngày ban hành: 19/12/2017
- Nơi ban hành: Tỉnh Bình Định
- Người ký: Hồ Quốc Dũng
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra