Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÀ RỊA - VŨNG TÀU
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 22/CT-UBND

Bà Rịa - Vũng Tàu, ngày 31 tháng 8 năm 2017

 

CHỈ THỊ

VỀ NHIỆM VỤ CHỦ YẾU NĂM HỌC 2017-2018

Thực hiện Chỉ thị số 2699/CT-BGDĐT ngày 08/8/2017 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về nhiệm vụ chủ yếu năm học 2017-2018 của ngành Giáo dục; tiếp tục triển khai hiệu quả Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 04/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI và Chương trình hành động số 02-CTr/Tu ngày 31/12/2015 của Tỉnh ủy về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế; Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ thị Thủ trưởng các sở, ban, ngành, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố tập trung thực hiện tốt các nhiệm vụ chủ yếu năm học 2017-2018 của ngành Giáo dục, cụ thể như sau:

I. Phương hướng chung

Tăng cường nề nếp, kỷ cương, dân chủ trong nhà trường; xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng, chống bạo lực học đường; tập trung nâng cao chất lượng giáo dục và trình độ đào tạo ở các cấp học; quan tâm phát triển phẩm chất, năng lực người học; chú trọng giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống và ý thức chấp hành pháp luật cho học sinh, sinh viên. Giáo dục mầm non tiếp tục đổi mới hoạt động chăm sóc, giáo dục trẻ mầm non theo quan điểm giáo dục lấy trẻ làm trung tâm. Giáo dục phổ thông tập trung đổi mới phương thức dạy học; chú trọng việc học đi đối với hành, giáo dục nhà trường gắn với giáo dục gia đình và cộng đồng; khắc phục tình trạng dạy thêm, học thêm trái quy định. Giáo dục đại học tiếp tục đẩy mạnh tự chủ; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, gắn đào tạo với nhu cầu của xã hội để sinh viên ra trường có việc làm phù hợp với chuyên ngành đào tạo, đáp ứng yêu cầu xã hội. Giáo dục thường xuyên thực hiện đa dạng hóa nội dung, chương trình đào tạo, bồi dưỡng đáp ứng nhu cầu học tập suốt đời của người dân, góp phần xây dựng xã hội học tập.

II. Các nhiệm vụ cụ thể

1. Sở Giáo dục và Đào tạo

Tập trung chỉ đạo thực hiện tốt nhiệm vụ năm học 2017-2018 theo Chỉ thị số 2699/CT-BGDĐT ngày 08/8/2017 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, chú trọng các nhiệm vụ, giải pháp sau:

a) Rà soát, quy hoạch, phát triển mạng lưới cơ sở giáo dục và đào tạo trên địa bàn tỉnh

- Rà soát, quy hoạch, sắp xếp lại mạng lưới các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông trên địa bàn tỉnh, đảm bảo hiệu quả, phù hợp với điều kiện địa phương, đáp ứng yêu cầu phát triển giáo dục và đào tạo.

- Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, đơn vị và địa phương có liên quan tiếp tục thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu lần thứ VI, nhiệm kỳ 2015-2020; Kế hoạch số 28/KH-UBND ngày 03/4/2017 của UBND tỉnh về triển khai thực hiện Chương trình hành động số 02-CTr/TU ngày 31/12/2015 của Tỉnh ủy; các Đề án đã và đang triển khai: Đề án “Dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008 - 2020”; Đề án “Quy hoạch phát triển Giáo dục và Đào tạo giai đoạn 2012-2015 và tầm nhìn đến năm 2020”; Đề án Dạy tiếng Nhật; Đề án “Quy hoạch phát triển giáo dục và đào tạo giai đoạn 2011-2015 và tầm nhìn 2020”; Đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2012-2020”; Đề án “Dạy và học tiếng Anh tại huyện Côn Đảo giai đoạn 2015-2018”.

- Trong năm học 2017-2018, tiếp tục xây dựng, tham mưu trình cấp có thẩm quyền Đề án “Phát triển Giáo dục và Đào tạo giai đoạn 2018-2025 và tầm nhìn 2030”.

b) Nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục

- Rà soát, quản lý, sắp xếp đánh giá thực trạng chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục theo chuẩn quy định; tiếp tục xây dựng, tham mưu trình cấp có thẩm quyền Đề án “Phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo giai đoạn 2018-2025, định hướng đến năm 2030”, trong đó đặc biệt chú trọng:

+ Xây dựng kế hoạch, giải pháp tiếp tục tổ chức tuyển dụng đội ngũ giáo viên các cấp, giải quyết tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ ở một số địa phương, đơn vị và đáp ứng các yêu cầu đổi mới giáo dục;

+ Nâng cao trình độ ngoại ngữ, tin học, năng lực quản trị trường học của giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục các cấp;

+ Xây dựng lộ trình tinh giản biên chế những giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục không có khả năng đạt chuẩn theo quy định.

- Xây dựng kế hoạch và tạo điều kiện cho giáo viên các cấp hoàn thiện bồi dưỡng theo yêu cầu của hạng tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp, đảm bảo việc bổ nhiệm, thi/xét thăng hạng và xếp lương theo hạng tiêu chuẩn chức danh nghề nhiệp đúng quy định.

- Đề xuất và thực hiện hiệu quả các giải pháp nhằm khắc phục những tiêu cực trong giáo dục, đặc biệt là tình trạng: dạy thêm học thêm sai quy định; chạy trường, chạy lớp; thu chi không đúng quy định; vi phạm đạo đức nhà giáo.

c) Đổi mới chương trình giáo dục mầm non, phổ thông; đẩy mạnh định hướng nghề nghiệp và phân luồng trong giáo dục phổ thông

- Đổi mới mạnh mẽ phương pháp dạy học đồng bộ với đổi mới thi, kiểm tra, đánh giá kết quả học tập và rèn luyện theo hướng phát triển năng lực học sinh; rút kinh nghiệm công tác tổ chức kỳ thi trung học phổ thông quốc gia năm 2017, chuẩn bị tốt cho việc triển khai kỳ thi trung học phổ thông quốc gia năm 2018 và những năm tiếp theo, đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đào tạo.

- Tăng cường nền nếp, kỷ cương trong trường học; xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, dân chủ, thân thiện; quan tâm phát triển phẩm chất, năng lực người học; chú trọng giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống và ý thức chấp hành pháp luật cho học sinh.

- Rà soát, đảm bảo các điều kiện thực hiện dạy học theo mô hình trường học mới trên địa bàn tỉnh; trong đó chỉ triển khai mô hình này ở cấp tiểu học đối với những trường có đủ các điều kiện đáp ứng yêu cầu và được sự đồng thuận của phụ huynh, học sinh, nhà trường và xã hội. Đối với các cơ sở giáo dục không áp dụng mô hình trường học mới, có thể lựa chọn một số thành tố tích cực của mô hình trường học mới để bổ sung vào đổi mới phương thức giáo dục đang thực hiện, đảm bảo nguyên tắc lấy hoạt động học của học sinh làm trung tâm.

- Tăng cường các hoạt động hướng nghiệp, đẩy mạnh phân luồng học sinh sau trung học cơ sở, từng bước nâng cao chất lượng đầu vào ở các trường trung học phổ thông công lập, trên cơ sở đó tham mưu UBND tỉnh tỷ lệ tuyển sinh vào lớp 10 hàng năm phù hợp, đảm bảo thực hiện tốt Chỉ thị số 10-CT/TW ngày 05/12/2011 của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 29-NQ/TW của Trung ương.

d) Nâng cao chất lượng dạy học ngoại ngữ

- Tiếp tục bồi dưỡng, chuẩn hóa đội ngũ giáo viên ngoại ngữ đáp ứng yêu cầu triển khai chương trình ngoại ngữ 10 năm đối với giáo dục phổ thông; triển khai đổi mới hình thức, phương pháp thi, kiểm tra, đánh giá năng lực ngoại ngữ của học sinh theo chuẩn đầu ra.

- Xây dựng, tham mưu trình cấp có thẩm quyền Đề án “Dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2018 - 2025” nhằm tiếp tục triển khai có hiệu quả Chương trình Tiếng Anh theo Đề án dạy học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008-2020 (theo Quyết định 1400/QĐ-TTg ngày 30/9/2008 củ Thủ tướng Chính phủ).

- Tuyển dụng, bồi dưỡng giáo viên ngoại ngữ đạt chuẩn theo Khung năng lực ngoại ngữ quốc gia; tiếp tục đổi mới hình thức, phương thức thi, kiểm tra đánh giá năng lực ngoại ngữ của học sinh.

- Từng bước triển khai cho trẻ làm quen với tiếng Anh trong các trường mầm non theo hình thức kêu gọi, vận động các nguồn lực của xã hội; tạo nền tảng vững chắc để trẻ tiếp thu, phát triển năng lực ngoại ngữ khi bước vào các cấp học phổ thông và đại học, đáp ứng yêu cầu về nguồn nhân lực có chất lượng đủ khả năng hội nhập quốc tế.

- Tập trung nguồn lực triển khai đồng bộ có hiệu quả dạy tiếng Anh 4 tiết/tuần trong trường tiểu học, nhằm thực hiện Kết luận số 14-KL/TU ngày 05/12/2016 của Tỉnh ủy tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu tại Hội nghị lần thứ sáu Ban chấp hành Đảng bộ Tỉnh khóa VI.

đ) Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy, học và quản lý giáo dục

- Tiếp tục tăng cường triển khai văn phòng điện tử từ Sở Giáo dục và Đào tạo đến các cơ sở giáo dục theo hướng đồng bộ, kết nối liên thông; áp dụng mạnh mẽ phương pháp học trực tuyến (e-learning), kết hợp giữa phương pháp học truyền thống với học trực tuyến (blended learning) để tạo thuận lợi cho nhiều người học tập, nâng cao chất lượng nghề nghiệp, đáp ứng yêu cầu thị trường lao động trong bối cảnh hội nhập quốc tế và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

- Rà soát, đánh giá hiện trạng và tình hình sử dụng trang thiết bị công nghệ thông tin (máy vi tính) trong các trường học; làm cơ sở tổng hợp, xác định danh mục đầu tư mua sắm trang thiết bị cho năm 2018 để trình cấp có thẩm quyền xem xét, phê duyệt.

- Nghiên cứu, xây dựng, tham mưu trình cấp có thẩm quyền Đề án “Quản lý giáo dục thông minh”.

e) Đẩy mạnh giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm đối với các cơ sở giáo dục và đào tạo

- Tăng cường tự chủ của các nhà trường trong việc xây dựng kế hoạch phát triển chương trình giáo dục nhà trường; đẩy mạnh thực hiện dân chủ trong trường học gắn với trách nhiệm của người đứng đầu cơ sở giáo dục.

- Công khai kế hoạch tổ chức các hoạt động giáo dục ngay từ đầu năm học để các đơn vị chủ động trong việc tham gia.

g) Hội nhập quốc tế trong giáo dục và đào tạo

- Tiếp tục nghiên cứu, chỉ đạo Trường chuyên Lê Quý Đôn, Trường Cao đẳng Sư phạm tỉnh và các cơ sở giáo dục có điều kiện chủ động, tích cực mở rộng hợp tác quốc tế về giáo dục và đào tạo bằng nhiều hình thức giao lưu, tạo điều kiện để học sinh tiếp xúc với môi trường giáo dục năng động, hiện đại.

- Tăng cường thu hút hợp tác và đầu tư của các nguồn lực trong xã hội để phát triển đồng bộ không gian giáo dục và đào tạo; tạo điều kiện hình thành môi trường giáo dục kết nối, chia sẻ tài nguyên, hợp tác nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ với các nước trong khu vực và thế giới.

h) Tăng cường cơ sở vật chất đảm bảo chất lượng giáo dục

- Rà soát, đánh giá thực trạng và nhu cầu về cơ sở vật chất, thiết bị dạy học ở từng địa phương; nghiên cứu, xây dựng các kế hoạch, chương trình duy tu, bảo dưỡng, đầu tư nâng cấp, đảm bảo chất lượng giáo dục, đồng bộ với lộ trình đổi mới chương trình giáo dục phổ thông, trong đó đặc biệt quan tâm đến trường lớp học, cảnh quan sư phạm, bàn ghế học sinh, nhà vệ sinh, hệ thống điện, quạt, ánh sáng phục vụ giảng dạy và học tập.

- Đẩy mạnh thu hút đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ giảng dạy, nghiên cứu từ các nguồn vốn ngoài ngân sách, bằng hình thức xã hội hóa; góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học.

i) Phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao

- Tiếp tục nghiên cứu, củng cố và đầu tư nâng cao năng lực Trường chuyên Lê Quý Đôn, góp phần tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.

- Từng bước nghiên cứu, đánh giá, triển khai có hiệu quả các mô hình nghiên cứu khoa học trên cơ sở các môn học liên quan đế khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học (STEM) và những môn học dự báo thị trường có nhu cầu tuyển dụng cao.

- Tạo điều kiện thuận lợi để thu hút đầu tư từ các nguồn lực xã hội để xây dựng, hình thành các cơ sở giáo dục chất lượng cao, đạt chuẩn khu vực và quốc tế; tạo tiền đề vững chắc nâng cao chất lượng đào tạo và chuyển giao công nghệ, thu hút được các chuyên gia giáo dục, nhà khoa học, nhà nghiên cứu trình độ cao và tâm huyết tham gia giảng dạy và nghiên cứu khoa học.

- Tăng cường liên kết đào tạo với các trường đại học có uy tín trong nước và trên thế giới; đào tạo những ngành học đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động và phát triển của tỉnh; nâng cao năng lực nghiên cứu, giảng dạy của đội ngũ giảng viên các trường trung cấp, cao đẳng, đại học trên địa bàn tỉnh.

2. Sở Thông tin-Truyền thông, Báo Bà Rịa-Vũng Tàu, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh có trách nhiệm phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo triển khai tốt việc tuyên truyền phổ biến những nội dung chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo và Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh về nhiệm vụ trọng tâm của ngành Giáo dục và Đào tạo năm học 2016-2017 để cán bộ, nhân dân trong tỉnh biết và hưởng ứng.

3. Các Sở: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Nội vụ phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo trong việc giao kế hoạch, cân đối ngân sách và nguồn nhân lực, đảm bảo các điều kiện cần thiết để ngành Giáo dục và Đào tạo, các địa phương thực hiện tốt nhiệm vụ năm học 2017-2018. Các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố có liên quan chủ động phối hợp với ngành Giáo dục và Đào tạo tạo điều kiện thuận lợi triển khai Chỉ thị này đạt kết quả tốt nhất.

4. Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố tập trung chỉ đạo các ngành chức năng và Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn thực hiện tốt Chỉ thị số

2699/CT-BGDĐT ngày 08/8/2017 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về nhiệm vụ chủ yếu năm học 2017-2018 của ngành Giáo dục; tăng cường trách nhiệm và đẩy mạnh sự nghiệp giáo dục và đào tạo tại địa phương, phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ năm học 2017-2018.

5. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các tổ chức hội, đoàn thể phối hợp với ngành Giáo dục và Đào tạo phổ biến các chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước và của tỉnh về hoạt động giáo dục và đào tạo để các hội viên, đoàn viên và quần chúng nhân dân biết, tích cực tham gia thực hiện.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu các cấp, các ngành, các địa phương, đơn vị trường học, cơ sở đào tạo, căn cứ chức năng, nhiệm vụ của mình tổ chức triển khai thực hiện tốt Chỉ thị này./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH

PHÓ CHỦ TỊCH




Đặng Minh Thông

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Chỉ thị 22/CT-UBND năm 2017 về nhiệm vụ chủ yếu năm học 2017-2018 do tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu ban hành

  • Số hiệu: 22/CT-UBND
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Ngày ban hành: 31/08/2017
  • Nơi ban hành: Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu
  • Người ký: Đặng Minh Thông
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản