Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH AN GIANG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 22/2005/CT-UBND

Long xuyên, ngày 07 tháng 11 năm 2005

 

CHỈ THỊ

VỀ TĂNG CƯỜNG QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VÀ ĐẨY MẠNH CÔNG TÁC ĐÀO TẠO NGHỀ GIAI ĐOẠN 2005 - 2010

Với sự quan tâm lãnh, chỉ đạo, đầu tư của Đảng và Nhà nước, sự nổ lực của các ngành chức năng, sự tham gia tích cực của các trường, trung tâm, cơ sở dạy nghề trên địa bàn tỉnh, hoạt động dạy nghề những năm gần đây đã có nhiều chuyển biến tích cực, tạo bước phát triển mới cả về qui mô và chất lượng. Số người đăng ký tham gia học nghề ngày càng tăng, góp phần nâng tỉ lệ lao động qua đào tạo từ 10,32% (năm 2000) lên 18,80% (ước năm 2005), trong đó tỉ lệ lao động qua đào tạo nghề từ 4,47% (năm 2000) lên 11,29% (ước năm 2005). Từ đó, chất lượng nguồn lao động của tỉnh từng bước được nâng lên, đáp ứng khá tốt nhu cầu thị trường lao động trong và ngoài tỉnh cũng như xuất khẩu lao động.

Tuy nhiên, tỉ lệ lao động qua đào tạo của tỉnh còn thấp so với nhu cầu và so với tỉ lệ bình quân chung của cả nước (24%); chất lượng, ngành nghề đào tạo còn hạn chế; cơ cấu đào tạo chưa hợp lý (cơ cấu hiện nay: 01 cao đẳng, đại học - 2,87 trung cấp - 3,67 công nhân kỹ thuật). Thông thường, cơ cấu hợp lý trong đào tạo nghề phải là: 01 đại học, cao đẳng - 04 trung cấp - 20 công nhân lành nghề - 60 công nhân bán lành nghề. Hiện nay, riêng đào tạo nghề được cấp bằng nghề, chứng chỉ nghề chỉ chiếm 13,16%, trong đó phần lớn lao động qua các lớp bồi dưỡng cấp giấy chứng nhận (trong đó dạy nghề cho nông dân, thợ thủ công chiếm 86,84%). Số cơ sở dạy nghề còn quá ít, qui mô nhỏ, chỉ tập trung ở trung tâm tỉnh. Kinh phí đầu tư trang thiết bị còn rất hạn chế; xã hội hoá dạy nghề còn khó khăn, bởi vốn đầu tư cao, lợi nhuận thấp không hấp dẫn nhà đầu tư. Các chính sách tín dụng, đất đai ... thiếu đồng bộ khi thực hiện chủ trương xã hội hoá. Tuyển sinh vào học nghề ở các trường nhiều năm không đạt chỉ tiêu kế hoạch.

Để tăng cường công tác quản lý nhà nước và đẩy mạnh công tác đào tạo nghề của tỉnh giai đoạn 2005-2010, Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ thị:

1- Về tăng cường công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực đào tạo nghề:

Sở Lao động thương binh & Xã hội tăng cường hơn nữa việc thực hiện chức năng quản lí nhà nước về đào tạo nghề trên địa bàn tỉnh. Tiếp tục thực hiện tinh thần Quyết định số 06/2004/QĐ-UB, ngày 06/01/2004 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc ban hành Bản quy định về một số lĩnh vực, ngành, nghề trên địa bàn tỉnh An Giang, người lao động phải có chứng chỉ nghề. Phải xem đây là biện pháp để tăng cường công tác quản lý nhà nước, đẩy mạnh công tác đào tạo nghề và bảo đảm chất lượng nghề nghiệp cho người lao động.

Sở Lao động thương binh & Xã hội phối hợp với Ủy ban nhân dân các huyện, thị, thành phố xây dựng kế hoạch đầu tư phát triển, mở rộng các trung tâm dạy nghề theo tinh thần quyết định số 2038/QĐ-UB, ngày 16/10/2003 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc phê duyệt Qui hoạch mạng lưới trung tâm dạy nghề trên địa bàn tỉnh đến năm 2010. Mục tiêu đến năm 2010 tất cả các huyện, thị trên địa bàn tỉnh đều có trung tâm dạy nghề đi vào hoạt động ổn định. Trước mắt, Ủy ban nhân dân các huyện cần tiến hành thành lập tổ chức bộ máy của trung tâm dạy nghề huyện (bộ khung), bố trí cơ sở vật chất tạm, để vừa hoạt động dạy nghề vừa xúc tiến các thủ tục đầu tư xây dựng trung tâm theo chủ trương của Ủy ban nhân dân tỉnh.

Sở Lao động thương binh & Xã hội cần xây dựng kế hoạch đào tạo nghề cả giai đoạn 2005-2010 và hàng năm; phân bổ chỉ tiêu dạy nghề cho các trường, trung tâm, cơ sở dạy nghề hàng năm. Tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành các chính sách nhằm thu hút, đẩy mạnh hơn nữa công tác đào tạo nghề. Trong khi đẩy mạnh phát triển đào tạo nghề về số lượng, phải chú ý đến chất lượng đào tạo, nhất là phục vụ xuất khẩu lao động; chú trọng công tác thanh tra, kiểm tra công tác đào tạo nghề ở các cấp.

Sở Giáo dục-Đào tạo có kế hoạch phân luồng, hướng nghiệp cho học sinh sau khi tốt nghiệp trung học cơ sở và trung học phổ thông không có điều kiện học lên cấp trên, vào học ở các trường, trung tâm, cơ sở dạy nghề của tỉnh.

Ủy ban nhân dân các huyện, xã cần tiến hành điều tra cập nhật số liệu lao động hàng năm trên địa bàn để nắm nhu cầu học nghề, việc làm của người lao động để làm cơ sở xây dựng kế hoạch, giao chỉ tiêu đào tạo nghề cho các trung tâm, cơ sở đào tạo nghề trên địa bàn. Trong đó, chú ý đối tượng là học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở, trung học phổ thông, có học lực trung bình, gia đình khó khăn về kinh tế, không có điều kiện học lên cấp trên, hướng dẫn các em vào học nghề ở các trường trung tâm, cơ sở dạy nghề ở địa phương theo sở trường, năng khiếu của các em.

2- Đẩy mạnh công tác đào tạo nghề:

Các cấp chính quyền, đoàn thể, cơ quan thông tin đại chúng cần đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, vận động nhằm làm thay đổi nhận thức của xã hội, gia đình và người lao động về nghề nghiệp theo tinh thần "Nhất nghệ tinh, nhất thân vinh". Qua đó giúp cho người lao động thấy được cần phải học nghề, có một nghề vững chắc để tạo thu nhập cho bản thân, gia đình, làm giàu cho mình và cho xã hội.

Các trường, trung tâm, cơ sở dạy nghề, ngoài việc tổ chức đào tạo tại đơn vị theo hệ dài hạn, ngắn hạn tập trung; cần tổ chức nhiều loại hình đào tạo liên kết, lưu động, tại chỗ, nhằm tạo cơ hội học nghề thuận lợi nhất cho nhười lao động; nhất là những người nghèo sống ở nông thôn, vùng núi, biên giới, vùng đồng bào dân tộc. Cần phát huy vai trò các trung tâm học tập cộng đồng ở xã, phường, thị trấn trong việc cập nhật kiến thức, dạy nghề ngắn hạn cho người lao động, phục vụ thiết thực cho nhu cầu lao động sản xuất ở địa phương.

Các trường, trung tâm, cơ sở dạy nghề cần phối hợp chặt chẽ với các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh để thực hiện hợp đồng đào tạo theo địa chỉ (kể cá các doanh nghiệp ngoài tỉnh). Mặt khác, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh ngoài việc đóng góp kinh phí, hỗ trợ cho hoạt động dạy nghề, còn cần phải tạo điều kiện để học viên học nghề được thực tập tại các cơ sở sản xuất, nhằm nâng cao năng lục thực hành nghề.

Các trường, trung tâm dạy nghề cần có kế hoạch bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm cho những người đủ tiêu chuẩn về trình độ chuyên môn, kỹ thuật, kỹ năng nghề để làm giáo viên giảng dạy; từng bước đào tạo chuẩn hoá giáo viên dạy nghề. Mặt khác, cần chú ý việc cải tiến nội dung, chương trình, phương pháp giảng dạy để từng bước nâng cao chất lượng dạy-học; để làm thế nào khi học viên học xong khoá đào tạo thì có thể tham gia lao động ngay.

Khi tiến hành giải toả nhà đất để xây dựng khu công nghiệp tập trung, Ban Quản lý các khu công nghiệp phải phối hợp với chính quyền địa phương, ngành lao động thương binh-xã hội khảo sát nhu cầu lao động, tổ chức đào tạo nghề cho con em những hộ gia đình phải di dời. Mặt khác cần có sự cam kết với các nhà đầu tư vào khu công nghiệp ưu tiên thu nhận những người đã qua đào tạo nghề nêu trên.

Sở Lao động thương binh & Xã hội chủ động phối hợp với Sở Giáo dục & Đào tạo, Liên đoàn Lao động tỉnh, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh, Hội Nông dân tỉnh, Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh tỉnh ... xây dựng qui chế liên kết dạy nghề giữa các trường trung học chuyên nghiệp, trường dạy nghề, trung tâm giáo dục thường xuyên, trung tâm dạy nghề, trung tâm học tập cộng đồng; để tận dụng tốt nhất về đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất, trang thiết bị, kinh ngiệm hay của từng đơn vị.

Sở Kế hoạch-Đầu tư có trách nhiệm cân đối vốn hàng năm (vốn chương trình, dự án Trung ương và ngân sách địa phương), để đầu tư xây dựng, trang thiết bị cho các trung tâm dạy nghề huyện, thị theo chủ trương của Ủy ban nhân dân tỉnh.

Sở Tài chính cân đối, cấp phát ngân sách hàng năm cho các trường, trung tâm, cơ sở dạy nghề công lập theo dự trù của Sở Lao động thương binh-Xã hội, bảo đảm đủ định mức theo quy định.

Đẩy mạnh xã hội hoá lĩnh vực dạy nghề theo tinh thần Quyết định số 2737/2005/QĐ-UB, ngày 03/10/2005 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc ban hành Kế hoạch đẩy mạnh xã hội hoá trong các choạt động giáo dục, y tế, văn hoá và thể dục thể thao giai đoạn 2005-2010 tỉnh An Giang. Khuyến khích những người có tâm huyết, có trình độ chuyên môn kỹ thuật mở cơ sở dạy nghề tư nhân. Thực hiện đầy đủ các chính sách ưu đãi của trung ương và địa phương.

Ủy ban nhân dân các huyện, thị, thành phố cần rà soát lại qui hoạch, điều chỉnh bổ sung qui hoạch, tạo quĩ đất để giải quyết nhu cầu về mặt bằng cho các chủ đầu tư xây dựng cơ sở dạy nghề công lập và ngoài công lập trên địa bàn.

Khuyến khích các doanh nghiệp có thiết bị tốt, lao động đông tổ chức mở lớp đào tạo, bồi dưỡng, dạy nghề và gởi thi xác nhận tay nghề ở các trường, trung tâm, cơ sở dạy nghề trong tỉnh để được cấp giấy chứng nhận, bằng nghề.

Việc tăng cường công tác quản lý nhà nước và đẩy mạnh công tác đào tạo nghề trong thời gian sắp tới là yêu cầu rất bức xúc của tỉnh, Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu Sở Lao động thương binh-Xã hội chủ trì phối hợp với các Sở ngành liên quan, Ủy ban nhân dân các huyện, thị, thành phố tổ chức triển khai, tổ chức thực hiện tốt tinh thần Chỉ thị này./.

 

 

Nơi nhận:
- Cục Kiểm tra văn bản-Bộ Tư pháp;
- TT.TU, HĐND, UBND tỉnh (để b/c);
- Các sở, ban , ngành, đoàn thể cấp tỉnh;
- UBND các huyện, thị, thành phố;
- Lãnh đạo VP UBND tỉnh;
- P.VHXH, TH, XDCB;
- Lưu: VT.

TM.ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
KT.CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Lê Minh Tùng

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Chỉ thị 22/2005/CT-UBND về tăng cường quản lý nhà nước và đẩy mạnh công tác đào tạo nghề giai đoạn 2005 - 2010 do tỉnh An Giang ban hành

  • Số hiệu: 22/2005/CT-UBND
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Ngày ban hành: 07/11/2005
  • Nơi ban hành: Tỉnh An Giang
  • Người ký: Lê Minh Tùng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 17/11/2005
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản